Chi hội trưởng phụ huynh là gì

Rất nhiều phụ huynh cho biết họ sẵn sàng chia sẻ với nhà trường, lớp để chung tay cùng nhà trường xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn cho con.

Nhưng cách của hội phụ huynh đôi khi lại làm các bậc ba mẹ khác, thậm chí là giáo viên rất "tâm tư".

Không có gì sai nhưng…

Một vị phụ huynh kể với Tuổi Trẻ câu chuyện hội trưởng hội phụ huynh của lớp con chị đứng ra kêu gọi đóng tiền để trang bị máy lạnh và một máy chiếu đời mới cho lớp của con.

Có phụ huynh đồng tình nhưng cũng có ý kiến băn khoăn liệu có nên không vì như vậy sẽ tạo ra sự không đồng đều, bởi lớp có phụ huynh giàu thì trang bị cho con thêm cái này, cái nọ, lớp có phụ huynh eo hẹp thì con chịu thiệt thòi hay sao? 

“Nghe một vị phụ huynh đứng lên phân tích, hội trưởng hội phụ huynh liền nói “mình có điều kiện thì mình trang bị điều kiện tốt nhất cho con mình, sao lại thắc mắc chuyện con người ta ở đây?”. 

"Từ chỗ còn phân vân, tôi quyết định không ủng hộ quỹ này vì cách nghĩ của hội trưởng hội phụ huynh thiển cận quá”, phụ huynh nói.

Chị Thanh Mai (Q.Bình Tân, TP.HCM) thì kể có lần đại diện hội phụ huynh kêu gọi mọi người đóng thêmmột quỹ nữa để mỗi dịp Lễ, Tết biếu quà cho các thầy cô bộ môn vì “nào giờ quỹ eo hẹp nên cũng chỉ chăm lo cho giáo viên chủ nhiệm”. 

Trao đổi với TTO, TS Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM kể câu chuyện của chính mình. 

Có lần dự họp phụ huynh, ông Thông bàng hoàng khi nghe một vị đại diện phụ huynh kêu gọi đóng thêm quỹ để có tiền “bồi dưỡng” thầy cô nhân ngày 20-11 “coi được được” chút.

“Vậy là, tình cảm tri ân cao đẹp của phụ huynh với công ơn thầy cô nhân ngày Nhà giáo coi như vô nghĩa. Tôi cứ tự hỏi, sao lại là “bồi dưỡng”?”, TS Huỳnh Văn Thông băn khoăn. 

Không nên biến “tri ân” thành “bồi dưỡng”

Chi hội trưởng phụ huynh là gì
Học sinh nghèo vùng lũ thôn Ân Phú và Ngọc Thạch tặng “món quà quê” chúc mừng cô Đỗ Thị Phương Hải nhân ngày “Nhà giáo Việt Nam” 20-11 - Ảnh: Minh Thu

TS Huỳnh Văn Thông bày tỏ có thể nhiều thầy cô còn nghèo lắm, còn phải gian nan vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền của cuộc đời. Nhưng không phải vì thế mà thầy cô trông đợi được “bồi dưỡng” vào ngày họ được vinh danh về giá trị xã hội. Chí ít, phụ huynh cũng không nên biến câu chuyện “tri ân” thành câu chuyện “bồi dưỡng”.

Theo TS Huỳnh Văn Thông, món quà tặng 20-11 nên có sứ mạng tinh thần đặc biệt của nó, chứ không phải là một thủ tục kiểu “nợ đời”.

“Những cách nói kiểu như “bồi dưỡng thầy cô giáo” không khác gì một cú “vào bóng” nguy hiểm “đốn ngã” hình tượng người thầy”, ông Thông nói.

TS Huỳnh Văn Thồng cho rằng đồng tiền của phụ huynh góp cho giáo dục, dù là để mua thêm thứ này thứ kia giúp cho trường, hay là để mua món quà ngày 20-11, đều phải “chính danh” và “chân thành”. Không nên vòng vo tránh né bằng cách gọi hết tên gọi này đến tên gọi khác, cuối cùng cũng là phụ huynh đóng góp. Không nên nhạy cảm này nhạy cảm kia rồi để phụ huynh phải tự mua, tự lắp, tự bảo quản, tự di chuyển “tài sản” của lớp mình.

Phụ huynh đừng tạo sự bất bình đẳng cho các con

Chi hội trưởng phụ huynh là gì

Đừng tạo nên sự bất bình đẳng trong một môi trường trong sáng như môi trường học đường

Đó là ý kiến của chị Huỳnh Kim Hiền, đại diện hội cha mẹ học sinh một trường tiểu học ở TP.Cần Thơ. Chị Hiền cho biết chính mình là người thuyết phục các bậc phụ huynh khác rằng không nên trang bị máy lạnh cho lớp học của con, dù cha mẹ có điều kiện đi chăng nữa. 

"Việc kêu gọi bổ sung cơ sở vật chất cho lớp học từ ban đại diện phụ huynh, theo tôi là không nên. Đó là việc của nhà trường, nhà trường nếu chưa có điều kiện trang bị thì từng bước sẽ làm và làm đồng đều. Lớp nào đó phụ huynh không có điều kiện thì các cháu sẽ không được hưởng điều kiện học tập như các lớp có phụ huynh khá giả, đó là sự bất bình đẳng, thiếu công bằng. Đôi khi điều này còn tạo nên tâm lý mặc cảm, tự ti ở các em học sinh, điều đó là không nên". 

Thầy Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng trường THCS-THPT dân lập Lạc Hồng 

“Đừng tạo nên sự bất bình đẳng trong một môi trường trong sáng như môi trường học đường. Tôi thấy trẻ em ở Nhật dù cha mẹ khá giả đến đâu thì chúng vẫn đến trường bằng xe buýt. Tất cả đều đến trường bằng xebuýt. Sao mình không làm được như vậy?”, chị Hiền nói. 

Chị Ngọc Linh (Q.3, TP.HCM) thì cho rằng ông bố, bà mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con nhưng phải cân nhắc trên tổng thể chung, không thể cứ nhất nhất theo ý mình trong một tập thể. 

“Nếu trang bị thì phải đồng bộ, không thể chỗ có, chỗ không vì con nít nhìn vào sẽ có sự so sánh”, chị Linh nói.

Chia sẻ về quỹ tặng quà cho thầy cô, anh Minh Tâm (Q.7, TP.HCM) thẳng thắn nói “không tán thành”.

“Tâm lý của cha mẹ là khi được kêu gọi, dù không thuận tình, dù bức rứt trong lòng, dù thấy không cần thiết nhưng cũng phải đóng vì sợ con mình bị ảnh hưởng. Những sự kêu gọi như vậy sẽ làm phụ huynh bức rứt, buồn lòng”, anh Tâm chia sẻ..

Những giải pháp tình thế bao giờ hết “nhiệm vụ lịch sử”? 

PGS.TS Đoàn Lê Giang (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng những quỹ mà đại diện hội cha mẹ học sinh kêu gọi đóng góp đã tồn tại như một giải pháp tình thế khá đặc biệt và kéo dài nhiều năm ở nước ta.

“Có lẽ trên thế giới ít có nền giáo dục nào có hình thức này. Chúng ta vẫn phải chấp nhận vì không có cách nào khác, và có cấm cũng không được, các chi hội phụ huynh vẫn tìm cách duy trì nó một cách gọi là "tự nguyện" nên luật pháp không can thiệp được. Chúng ta cũng không thể ngăn cản được chi hội cha mẹ học sinh trong lớp yêu cầu đóng góp để trang bị cơ sở vật chất như máy lạnh, phương tiện học tập khác cũng như bồi dưỡng thầy cô”, ông Giang nói.

Theo TS Đoàn Lê Giang, nếu chi hội phụ huynh thực hiện việc đóng góp này, thì nên minh bạch, công khai trong cuộc họp chi hội, thu chi hợp lý và trên tinh thần tự nguyện.

“Chúng ta mong muốn có một hệ thống, mô hình giáo dục tốt hơn, bình đẳng, trong sạch để cho những giải pháp tình thế trên kết thúc “nhiệm vụ lịch sử” của nó càng sớm càng tốt”, TS Đoàn Lê Giang mong mỏi.