Dđề xuất biện pháp xử lý

Việc xác định mục đích thanh tra như vậy sẽ tác động trực tiếp và cần được lồng ghép, thể hiện một cách đầy đủ, toàn diện vào quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, từ xây dựng kế hoạch, đề cương thanh tra, cũng như thanh tra trực tiếp, thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra. Mục đích phát hiện sơ hở và kiến nghị khắc phục về cơ chế, chính sách cũng phản ánh đúng bản chất của hoạt động thanh tra, đó là gắn với quản lý nhà nước và nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và cấp hành chính.

Tuy nhiên, thời gian qua, vì nhiều lý do khác nhau cả chủ quan và khách quan, chất lượng các kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua các cuộc thanh tra còn chưa tương xứng với mục đích đề ra. Báo cáo tổng kết công tác thanh tra nhiều năm qua vẫn có xu hướng liệt kê những sai phạm, thiệt hại và kết quả thu hồi sau thanh tra; trong khi còn vắng bóng những đúc rút, khái quát, đề xuất và kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cũng có nhiều cuộc, kết luận thanh tra đã đưa ra được những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tuy nhiên vẫn còn chung chung, khái quát, khó thực hiện và quan trọng hơn là chưa có được một cơ chế hiệu quả nhằm theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Trong bối cảnh Chính phủ thông qua hàng loạt các nghị quyết và thể hiện rõ quyết tâm về “xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động và liêm chính”, việc rút ra những kiến nghị nhằm tháo gỡ “nút thắt về thể chế” qua hoạt động thanh tra, trên cơ sở đó giúp Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển, đặc biệt là của các doanh nghiệp, là đòi hỏi rất cấp thiết đang đặt ra hiện nay.

1. Giá trị, ý nghĩa của kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra

Kết luận thanh tra có giá trị bắt buộc thi hành với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do vậy, các kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra cũng có giá trị bắt buộc thi hành với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông thường, phần kiến nghị xử lý trong Kết luận thanh tra bao gồm: kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị xử lý về hành chính; kiến nghị xử lý về kinh tế; và kiến nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra (nếu có). Trong các nội dung trên, thì kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đạt được mục đích của hoạt động thanh tra.

Thứ nhất, những kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra phản ánh tính toàn diện trong hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn nói chung có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh của chính sách, pháp luật thuộc nội dung thanh tra. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra không thể tiến hành đồng thời với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Vì vậy, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra sẽ giúp đưa ra những giải pháp mang tính toàn diện nhằm tác động đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là đối tượng thanh tra, nhưng là đối tượng điều chỉnh của các chính sách, pháp luật thuộc nội dung thanh tra.

Thứ hai, những kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra giúp đảm bảo tính bền vững của kết quả thanh tra. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra là những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục mang tính có hệ thống đối với những tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách, pháp luật; qua đó nhằm phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong tương lai. Do vậy, trong những kiến nghị rút ra qua hoạt động thanh tra, có thể thấy, những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật là nội dung quan trọng nhằm bảo đảm tính bền vững của kết quả thanh tra. Việc thực hiện những kiến nghị này sẽ giúp phát huy nhân tố tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc nội dung thanh tra, ngăn ngừa việc phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, những kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật giúp khẳng định vị trí, vai trò của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước. Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra phản ánh khả năng phát hiện, phân tích và dự báo các vấn đề phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước. Những kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc nội dung thanh tra phản ánh chất lượng của hoạt động thanh tra, qua đó cũng giúp khẳng định vị trí, vai trò của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước. Theo đó, công tác thanh tra không chỉ giúp phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chấn chỉnh hoạt động quản lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn giúp dự báo, định hướng hoạt động quản lý cho phù hợp hơn với những yêu cầu thực tiễn phát sinh.

2. Các yêu cầu về nâng cao chất lượng của những kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra

Từ những phân tích về giá trị, ý nghĩa của kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra, có thể đưa ra một số yêu cầu về nâng cao chất lượng của loại kiến nghị này như sau:

Thứ nhất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phải gắn với những phân tích, đánh giá về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các kiến nghị hoàn thiện về cơ chế, chính sách, pháp luật phải xuất phát từ thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nội dung thanh tra. Cụ thể, hoạt động thanh tra phải giúp phản ánh được một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện về thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật; qua đó nhận diện được tồn tại, hạn chế trong thực hiện, cũng như xác định, phân loại nguyên nhân như nguyên nhân nào thuộc về bất cập của chính sách, pháp luật và nguyên nhân nào thuộc về tổ chức thực hiện để từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện.

Thứ hai, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phải xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng tác động và phân tích được những tác động của cơ chế, chính sách, pháp luật đề xuất với các đối tượng đó.

Để đảm bảo giá trị bắt buộc thực hiện với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, thì những kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phải xác định được rõ ràng, cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ là đối tượng điều chỉnh của cơ chế, chính sách, pháp luật đó; bên cạnh đó cũng cần đánh giá được sơ bộ về những tác động của cơ chế, chính sách, pháp luật đề xuất với các đối tượng này. Nếu căn cứ vào các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì những yêu cầu đối với kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cũng tương tự như yêu cầu đối với một đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, thì có thể đưa ra một số yêu cầu mang tính bước đầu để đảm bảo những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật sẽ được thi hành như yêu cầu về đối tượng điều chỉnh và tác động sơ bộ của cơ chế, chính sách, pháp luật được đề xuất đến cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng điều chỉnh.

Thứ ba, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phải có tính khả thi, đảm bảo tính đồng bộ, tính nhất quán trong hệ thống chính sách, pháp luật nói chung và phù hợp với thẩm quyền của cơ quan được kiến nghị.

Cũng xuất phát từ giá trị bắt buộc thực hiện của các kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nên các kiến nghị này phải có tính khả thi. Yêu cầu này rất quan trọng để đảm bảo sau khi Kết luận thanh tra được ban hành, các kiến nghị sẽ được thi hành. Để đáp ứng được yêu cầu đó, thì các kiến nghị phải được đặt trong hệ thống chính sách, pháp luật nói chung và khi thực hiện phải đảm bảo tính đồng bộ, tính nhất quán với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời, các kiến nghị này phải căn cứ vào thẩm quyền của cơ quan được kiến nghị thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật qua hoạt động thanh tra

- Về nâng cao nhận thức

Đổi mới nhận thức về công tác  thanh tra, hướng tới nhận thức khoa học và thống nhất về vị trí, vai trò và mục đích và yêu cầu của công tác thanh tra. Đồng thời đổi mới tư duy trong chỉ đạo, điều  hành của các cơ quan thanh tra theo hướng đề cao tính hiệu quả, tính chịu trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra. Cần coi đây là yếu tố then chốt, quyết định trong hoạt động thanh tra cũng như thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ thanh tra.

Tăng cường tính độc lập và thẩm quyền cho cơ quan thanh tra, đặc biệt là trong xây dựng chiến lược, kế hoạch và quyết định công tác. Kiến nghị và đình chỉ những văn bản, những hành vi trái pháp luật. Kiến nghị xử lý người đứng đầu tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Có thẩm quyền xử lý đối với một số vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

- Về hoàn thiện thể chế

Luật Thanh tra đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong việc tiến hành thanh tra và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Để thực hiện tốt chức năng này, các cơ quan thanh tra cần phải có đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng chịu sự quản lý nhà nước của mình. Luật Thanh tra chỉ cho phép người đứng đầu cơ quan thanh tra các cấp, các ngành tiến hành thanh tra trên cơ sở chương trình, kế hoạch thanh tra do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt. Từ đó dẫn đến việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm chưa kịp thời, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Luật Thanh tra đã quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của đối tượng thanh tra và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện kết luận thanh tra. Điều đó dẫn đến công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn nhiều bất cập, vướng mắc. Nhiều kiến nghị thanh tra khách quan, nhưng do xử lý chưa kịp thời, cơ chế theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa được quy định rõ.

- Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra

Toàn bộ chương trình kế hoạch thanh tra phải phù hợp với chương trình tổng thể về cải cách hành chính, hệ thống thanh tra phải được tổ chức khoa học, thống nhất, gọn  nhẹ. Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đoàn thanh tra, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp.

Phương thức hoạt động của Đoàn thanh tra cần tiền hành có quy trình, phương pháp nghiệp vụ, phải kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý; Đảm bảo các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của thanh tra các cấp cần được hoàn thiện; Đổi mới hoạt động thanh tra cần đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, kịp thời, theo đúng quy trình nghiệp vụ thống nhất và đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động thanh tra; Đổi mới hoạt động thanh tra theo xu  hướng giảm tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhà nước. Tăng cường phối hợp liên ngành trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động thanh tra.

- Về nâng cao năng lực của thành viên Đoàn thanh tra.

Hoàn thiện cấu trúc hệ thống của ngành Thanh tra và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ thanh tra phải thực sự có nghề, chuyên nghiệp, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và được trang bị phương tiện làm việc cần thiết. Xây dựng nâng cao văn hóa thanh tra, hoàn thiện đạo đức cán bộ thanh tra trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc, mục đích, vị trí, vai trò của công tác thanh tra.

Nguyễn Bạch Tuyết
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra