Để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới

Nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam

(ĐCSVN) - Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đã từng bước tiếp cận thị trường quốc tế, góp phần mang ngoại tệ về cho đất nước. Tuy nhiên, vị thế của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá bấp bênh. Cùng với đó, trong nước, nhiều nông sản vốn được coi là thế mạnh của chúng ta lại đang dần đánh mất thị trường.

Để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới

Tuy xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới nhưng gạo Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắtcủa các loại gạo nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa. Ảnh: TL

Nguy cơ “thua ngay trên sân nhà”

Đó là nhận định của nhiều người quan tâm đến các mặt hàng nông sản Việt Nam. Trong khi nước ta nổi tiếng với nhiều mặt hàng nông sản truyền thống như gạo, chè, hồ tiêu, cà phê, hoa quả... thì hiện nay tại thị trường nội địa, những mặt hàng này có xuất xứ từ nước ngoài lại đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ.

Đơn cử như đối với mặt hàng gạo, Việt Nam tự hào là quốc gia hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng trong năm 2016, nước ta đã xuất khẩu khoảng 4,88 triệu tấn gạo các loại, đạt kim ngạch hơn 2,3 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2017, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 2,3 triệu tấn, với giá trị kinh tế khoảng 1 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng và 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ở trong nước, nhiều bà nội trợ lại có thói quen dùng gạo nhập khẩu. Qua khảo sát của chúng tôi, trong khi mặt bằng chung giá bán lẻ gạo trong nước chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg thì phân khúc gạo cao cấp giá trên 50.000 đồng/kg, nhưng vẫn có khá nhiều người mua. Các sản phẩm gạo ngoại nhập trên thị trường nội địa hiện nay rất phong phú với các loại gạo của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, tình trạng trên xuất phát từ việc các loại gạo ngoại nhập thường có chất lượng, thơm, ngon do thời gian canh tác dài ngày, ít sử dụng bón phân và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, ở trong nước, đất được tận dụng một năm 3 mùa vụ, chủ yếu là giống ngắn ngày. Để cho năng suất cao, người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo.

Không chỉ gạo mà ngay cả các loại rau quả trong nước cũng đang có dấu hiệu để mất thị phần nội địa. Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu các loại rau quả của cả nước là trên 852 triệu USD, tương đương 19.600 tỷ đồng; tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau ước đạt 168 triệu USD và mặt hàng quả đạt 659 triệu USD. Như vậy, tính bình quân, mỗi tháng người tiêu dùng cả nước đã chi ra 121 triệu USD, tương đương gần 2.800 tỷ đồng để nhập khẩu rau quả. Với 659 triệu USD dùng để nhập khẩu hoa quả, giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng trái cây được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), táo xanh (Pháp, Mỹ), lựu (Hàn Quốc). Rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo... Trong đó, hoa quả có xuất xứ từ Thái Lan chiếm 57% thị phần, Trung Quốc chiếm gần 17% thị phần...

Nhìn nhận một cách khách quan, việc gia tăng giá trị kim ngạch nhập khẩu nông sản phản ánh đời sống của một bộ phận người dân đã được nâng lên. Tuy vậy, thực tế này cũng phần nào cho thấy nguy cơ nông sản Việt Nam đang mất vị trí ngay trên chính thị trường trong nước. Điều này càng đáng buồn hơn khi từ đầu năm 2017 đến nay, chúng ta đã phải kêu gọi “giải cứu” hàng loạt các mặt hàng nông sản từ thịt lợn, dưa hấu, thanh long...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, song vấn đề quan trọng nhất đó là một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm về chất lượng các mặt hàng nông sản trong nước. Từ việc người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không đúng quy định đến các vụ ngộ độc thực phẩm do mất an toàn trong khâu sản xuất và chế biến đã khiến người tiêu dùng giảm dần sự quan tâm đối với hàng nông sản Việt Nam. Chị Nguyễn Thu Trà ở phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Đời sống xã hội phát triển, nhu cầu và đòi hỏi về chất lượng nông sản của người dân cũng nâng lên. Mỗi bữa ăn cả gia đình có khi chưa dùng hết 0,5 kg gạo nên việc người tiêu dùng sẵn sàng tìm mua gạo nhập khẩu tuy đắt nhưng chất lượng bảo đảm cũng là điều dễ hiểu”.

Cần khẳng định được chất lượng sản phẩm

Với 94 triệu dân, thị trường nội địa của nước ta được đánh giá là thị trường tiềm năng có sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản tương đối lớn. Chiếm lĩnh và làm chủ thị trường trong nước không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm mà còn là cơ sở để nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản khi vươn ra thị trường thế giới. Tuy vậy, để làm được điều này, vấn đề cơ bản quan trọng đầu tiên đặt ra đối với ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đó chính là phải không ngừng nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản nội địa.

Để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới

Nhờ thực hiện liên kết “4 nhà” nên sản phẩm na dai Đông Triều (Quang Ninh) đã có chỗ đứng vững chắctại thị trường trong nước.Ảnh: NQ

Thẳng thắn nhìn nhận, việc nông sản Việt Nam đánh mất vị thế ngay trên chính sân nhà không còn là nguy cơ mà đang dần trở thành hiện thực. Trong tương lai gần, điều này sẽ thực sự trở nên đáng lo ngại hơn khi các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, hàng Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng ngoại nhập. TS Nguyễn Đức Duy, chuyên gia nghiên cứu thị trường chia sẻ, hiện nay đa số người tiêu dùng đánh giá và lựa chọn các mặt hàng nông sản theo thị hiếu chung. Sản phẩm nào người tiêu dùng thấy ngon và tin là bảo đảm thì họ sẽ chọn mua. Do vậy, yếu tố quyết định sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chính là chất lượng sản phẩm. Điều này lại do chính người sản xuất quyết định.

Có một thực trạng hiện nay đó là hầu hết nông sản xuất khẩu đều được bón phân hữu cơ, được chăm sóc, bảo vệ đúng theo quy trình sản xuất chuyên nghiệp nên sản phẩm đầu ra chất lượng rất tốt. Trong khi đó, nông sản phục vụ thị trường nội địa thì người sản xuất lại sử dụng các loại phân hóa học vừa khiến sản phẩm không ngon, vừa thu hút sâu bệnh. Vì có sâu bệnh nên nông dân phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là lý do khiến người tiêu dùng không mấy “mặn mà” với nông sản trong nước.

Vì thế, để khẳng định vị trí và dần lấy lại thị phần nội địa, chúng ta cần tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, sản xuất các cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất để nông sản cung cấp cho thị trường thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển những “Thương hiệu nông sản quốc gia” trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh sẵn có tập trung vào các mặt hàng truyền thống như gạo, chè, cà phê... Cần có định hướng ngay từ khâu sản xuất để những nông sản này không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn đáp ứng những phân khúc cụ thể của thị trường tiêu thụ trong nước.

Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm có chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết 4 nhà (nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông) để cùng sản xuất. Thực tế cho thấy, đây chính là vấn đề quan trọng để “nâng tầm” nông sản Việt Nam trên cơ sở phát huy vai trò của “4 nhà” trong toàn bộ quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Đến nay, vẫn có gần 60% lao động nước ta đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để nông nghiệp thực sự phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản; tạo lập vị trí vững chắc của hàng nông sản tại thị trường nội địa. Qua đó vừa phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có vừa tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, nâng cao đời sống nhân dân./.

TL

Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt mốc kỷ lục mới với 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.

Toàn ngành xuất siêu cũng đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018.

Kết quả trên cho thấy nông sản Việt ngày càng làm tốt hơn việc mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, chuỗi giá trị nông sản từng bước được kéo dài.

Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã từng bước khắc phục những tồn tại, tạo ra những bước bứt phá, phát triển tích cực.

Ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, thị trường thuận lợi.

Lâm nghiệp, thủy sản, rau quả... là những lĩnh vực đã triển khai cơ cấu lại mạnh mẽ và đạt thành tựu lớn.

Ngoài ra, sự bứt phá của lĩnh vực này còn do yếu tố "kéo" là thị trường, với việc Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do giúp không chỉ phát triển mà còn có sự điều chỉnh sản xuất để phù hợp với thị trường.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn cho rằng, thành công đó là nhờ việc sớm nhận ra xu thế về nhu cầu của thị trường thế giới, các lĩnh vực thủy sản, trái cây… sẽ mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu, nâng cao giá trị…

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương; trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp.

Thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi ổn định.

Với con tôm, trước đây sản xuất nhỏ lẻ chiếm chủ đạo, nhưng sau khi thực hiện tái cơ cấu, các hợp tác, tổ hợp tác, sản xuất có liên kết tăng mạnh, đặc biệt ở các vùng nuôi tôm lớn Bạc Liêu, Sóc Trăng…

Sau dịch tôm chết sớm năm 2013-2014, nuôi tôm công nghệ cao hiện phát triển khá nhanh. Hiện, các nhà máy hoàn toàn chủ động được vùng nguyên liệu, sản lượng cho chế biến, xuất khẩu.

Hay với cá tra, trước đây xuất khẩu chủ yếu là phi lê đông lạnh nhưng nay đã có trên 80 sản phẩm; trong đó có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chuỗi giá trị thủy sản. Các phụ phẩm của thủy sản nay cũng đã trở thành đầu vào cho sản xuất với các sản phẩm có giá trị cao.

[Thủ tướng: Nông nghiệp phải đứng top 10 thế giới về xuất khẩu]

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nhờ chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến, thay vì chỉ thu hoạch khi cá tra đạt trọng lượng từ 800-900 gam, nhưng nay cá tra có thể nuôi lên 3kg để tăng hiệu quả sản xuất cho bà con.

Để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới
Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những sản phẩm chế biến sâu đã góp phần mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu.

Đặc biệt, ngành hàng cá tra đã hoàn thiện quy trình, hệ thống sản xuất, chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Việc Mỹ công nhận tương đương đối với sản phẩm cá tra này đã giúp Việt Nam bổ sung doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Mỹ và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu yên tâm nhập khẩu. Từ đó sẽ gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Luân khẳng định: "Đây là chuỗi, khi nông dân nuôi phải xác định bán cho ai và thị trường nào. Hiện mỗi thị trường đòi hỏi một tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật riêng. Không thể có suy nghĩ là cứ nuôi là bán được."

Trung Quốc, thị trường truyền thống trước đây được xem là thị trường vừa lớn vừa dễ tính thì nay cũng đã đưa ra nhiều chính sách thay đổi trong nhập khẩu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng như trái cây, thủy sản, nông sản khác; đồng thời phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp các thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản tại thị trường này.

Đến nay, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 9 loại trái cây, 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.

Tiêu biểu là Nghị định thư cho mặt hàng sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã đưa sữa tươi gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Trước sự thay đổi cũng như yêu cầu của thị trường, khâu sản xuất cũng nhanh chóng chuyển đổi đáp ứng những yếu tố mới.

Điển hình như việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ. Theo đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu.

Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, Global GAP... được phổ biến nhân rộng. Năm 2019, diện tích lúa được chứng nhận VietGAP đạt trên 39.000 ha.

Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới gần 2.800 doanh nghiệp, tăng trên 25% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên gần 12.600 doanh nghiệp.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Nafoods Group, Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Tập đoàn Dabaco, Công ty cổ Phần Tập đoàn Masan…

Với sự tham gia của doanh nghiệp như vậy, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực, đặc biệt một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, việc các nhà máy ra đời đã đánh dấu một diện mạo mới của ngành nông nghiệp. Các nhà máy lớn đạt tiêu chuẩn thể giới đã bước đầu chạm vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lê Thành cho rằng, trước đây thị trường bị dẫn dắt bởi thương lái chứ không phải nhà máy vì nhà máy có quá ít và nhỏ, nay làm theo thị trường sẽ phải là các nhà máy lớn.

Việc ra đời các nhà máy này sẽ giúp Việt Nam thay đổi tư duy phải chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cần coi thế giới là thị trường, là động lực phát triển. Việt Nam phải tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, từ đây tạo tiền đề để nông dân và các nhà cùng liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành vùng sản xuất tốt, chế biến tốt, tổ chức thương mại tốt.

Chính phủ đã "đặt hàng" với ngành nông nghiệp phải đưa "nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu.

Trước yêu cầu đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ thực hiện điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Đặc biệt, sự lựa chọn các doanh nghiệp "đầu tàu" có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Để có được điều đó, các chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ được xây dựng theo hướng có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản./.

Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)