Sự kiện lịch sử

Ngày 12/3/1945, Đảng ra Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Trong bản Chỉ thị đã nhấn mạnh phải mở rộng cơ sở của Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết mọi lực lượng vào cao trào kháng Nhật, cứu nước. Thực hiện việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ mọi lực lượng, kể cả một bộ phận quan lại trong chính quyền tay sai.

Đáng chú ý là Đảng Cộng sản đã đề ra khẩu hiệu “phá kho thóc, giải quyết nạn đói.” Đây là khẩu hiệu rất kịp thời, phù hợp tình hình và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng, có tác dụng thúc đẩy, phát động quần chúng vùng lên đấu tranh. Điều đó không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt, mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng [1].

Ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh lan rộng trong cả nước, tại hầu hết các tỉnh, thành phố đã có cơ sở của Việt Minh trong công nhân, nông dân, trong phong trào thanh niên, học sinh... Nhất là tổ chức Thanh niên tiền phong phát triển rất mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám tại các tỉnh, thành phố, nhất là ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.

Đầu tháng 8/1945, tình hình chuyển biến rất nhanh. Ngày 6/8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Ngày 8/8/1945, Hồng quân Liên xô tiến công quân Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc và nhanh chóng đánh bại gần 1 triệu quân của đạo quân Quan Đông của Nhật tại đây. Ngày 9/8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki. Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng công bố đầu hàng không điều kiện quân Đồng minh.

Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào, huyện Sơn dương, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân, nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội đã quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ra đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… chúng ta không thể chậm trễ”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã đứng lên dưới ngọn cờ Việt Minh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ ngày 14-8-1945 đến ngày 18-8-1945, giành thắng lợi ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miềnTrung, một phần ở miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An - Quảng Nam. Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội; ngày 23/8/1945, Cách mạng thành công ở Huế; ngày 25/8/1945, Cách mạng thành công ở Sài Gòn; đến cuối tháng 8 năm 1945, Cách mạng thành công ở các địa phương trong cả nước [2].

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là một cuộc cách mạng mang tính thời đại sâu sắc, là cuộc cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Đây là thắng lợi của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp xu thế thời đại, là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.Thắng lợi vĩ đại này đã nâng cao tầm vị trí quốc tế của Việt Nam trong lòng các dân tộc trên thế giới, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh nhằm giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Cách mạng tháng Tám để lại những bài học lớn, vô cùng quý báu và sâu sắc: Đó là cuộc cách mạng do một Đảng tiên phong lãnh đạo, có lý luận tiên tiến, có tư tưởng thống nhất, tổ chức chặt chẽ, có đường lối đúng đắn và phù hợp lòng dân để giữ vững vai trò lãnh đạo, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Cách mạng đã giành chính quyền về tay Nhân dân và giữ vững chính quyền bằng dựa chắc vào Nhân dân; phải biết nắm thời cơ và đề ra được những quyết sách chính xác, kịp thời nhân lên, tạo ra sức mạnh trong tiến trình cách mạng cả nước. Quê hương Tuyên Quang cách mạng Tân Trào sẽ mãi ghi dấu ấn lịch sử này, cùng chung với vận mệnh đất nước. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Tuyên Quang sẽ luôn là điểm đỏ, dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo ra những bước tiến phát triển vượt bậc cho quốc gia, dân tộc.

1. PGS.TS. Đinh Quang Hải, Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết từ cách mạng tháng tám, Tạp chí của Ban Tuyên Giáo Trung ương, 25/8/2015.

2. Ngô Vương Anh, Chớp thời cơ, kiên quyết phát động tổng khởi nghĩa, Nhân dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam - Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 17/8/2022.

Năm 1945 những sự kiện lịch sử trọng đại / Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung biên soạn. - Hà Nội: Nxb. Quân đội Nhân dân, 2010.

Năm 1945 - dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam gắn liền với sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc ta, đất nước ta: Cách mạng tháng Tám thành công! Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ thực dân chuyên chế hàng ngàn năm, mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng tháng Tám thành công là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin, được vận dung vào hoàn cảnh cụ thể của Cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Cách mạng tháng Tám thành công đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022), Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Năm 1945 - Những sự kiện lịch sử trọng đại.". Sách do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản năm 2010.

Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần:

Phần thứ nhất: Những sự kiện lịch sử trọng đại tiến tới Tổng khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Phần thứ hai: Những sự kiện lịch sử trọng đại trong Tổng khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Qua đó trình bày khái quát một cách khá đầy đủ theo trình tự thời gian những sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra theo các giai đoạn trên. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chuẩn bị thành lập các căn cứ du kích, Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ, thành lập Mặt trận Việt Minh, thành lập Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đặc biệt, cuốn sách đã trình bày một cách khá chi tiết và khoa học về cao trào chống Nhật cứu nước, thành lập Khu Giải phóng, các chiến khu cách mạng, các đội du kích vũ trang; Tổng khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời…

Cuốn sách "Năm 1945 - những sự kiện lịch sử trọng đại" là tư liệu quý, ngắn gọn và bổ ích đối với bạn đọc khi tìm hiểu về cách mạng Việt Nam giai đoạn này.