Buôn đôn ở đâu

1. Vị trí địa lý:

Huyện Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía Tây, nằm trong vùng có tọa độ địa lý từ 12o40’08” đến 13o05’22” vĩ độ Bắc và từ 107o28’56” đến 108o01’41” kinh độ Đông. Vị trí địa lý của huyện tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk;

- Phía Đông giáp huyện Cư M'gar và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk;

- Phía Tây giáp Vương quốc Cam Pu Chia;

- Phía Nam giáp thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Với lợi thế có đường tỉnh lộ 17 đi qua trung tâm huyện và hầu hết các xã, có đường biên giới dài khoảng 45 km chung với Vương quốc Cam Pu Chia, nên Buôn Đôn có vị trí địa lý, kinh tế quốc phòng rất quan trọng đối với tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên. Huyện Buôn Đôn còn được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Đắk Lắk, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, năng lượng, công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ nông nghiệp.

2. Địa hình, địa mạo:

Phần lớn diện tích của huyện Buôn Đôn nằm trong vùng bán bình nguyên Ea Súp, địa hình có 03 dạng chủ yếu:

- Địa hình đồi núi thấp trung bình chiếm hầu hết diện tích phía Bắc, có sườn dốc tạo nên các tiểu bình nguyên hẹp, được hình thành từ các trầm tích Mezozoi. Độ cao trên 250 m và nghiêng theo hướng Tây - Tây Nam, diện tích khoảng 121.900 ha chiếm 86,4% diện tích tự nhiên.

- Địa hình cao nguyên núi lửa chiếm hầu hết diện tích phía Đông - Đông Nam, có mức độ phân cắt mạnh tạo thành những dãy đồi dạng bát úp, độ dốc trung bình 08 - 10o, độ cao trung bình 200 - 250 m, địa hình có xu thế thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Diện tích khoảng 17.900 ha, chiếm 12,7% diện tích tự nhiên

- Địa hình dốc tụ bao gồm các bãi bồi, các bậc thềm của các sông suối thuộc lưu vực sông Sêrêpốk và các suối lớn. Độ cao tuyệt đối nhỏ hơn 200 m. Bề mặt khá bằng phẳng, về mùa mưa thường bị ngập úng. Diện tích khoảng 1.200 ha, chiếm 0,9% diện tích tự nhiên.

Bảng 1.1. Tổng hợp diện tích huyện Buôn Đôn theo cấp độ dốc

Cấp độ dốc

Phân cấp (o)

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

Cấp  I

0 – 3

40.486

28,71

Cấp II

3 – 8

52.005

36,87

Cấp III

8 – 15

22.606

16,03

Cấp IV

15 – 20

16.627

11,79

Cấp V

20 – 25

6.214

4,41

Cấp VI

25 – 30

1.517

1,08

Cộng

139.456

98,88

Mặt nước và sông suối

1.558,13

1,12

Tổng diện tích tự nhiên

141.014,13

100,00

Nguồn: Tổng hợp từ Bản đồ đất do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp xây dựng.

3. Đặc điểm khí hậu:

Theo số liệu của trung tâm khí tượng thuỷ văn Đắk Lắk (2010-2015) khu vực dự án nằm trong vùng ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mang tính chất khí hậu Cao nguyên nhiệt đới ẩm, được chia thành hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 11, lượng mưa trong các tháng này tập trung tới 75% - 85% lượng mưa cả năm, về mùa này độ ẩm không khí cao. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10% - 20% lượng mưa cả năm, mùa khô nắng nóng, độ ẩm không khí thấp.

* Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình năm là 25,60C, nhiệt độ trung bình cao nhất là 27,40C, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 22,30C.

* Lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm là 1.422 mm, lượng mưa lớn nhất trong năm là 1.633mm, lượng mưa thấp nhất là 930 mm, tháng có lượng mưa nhiều nhất là tháng 9 (410,4mm), tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 2 (không có mưa).

* Độ ẩm: Độ ẩm trung bình năm 79,8%, tháng có độ ẩm thấp nhất trong năm là tháng 2, 3, 4 với độ ẩm 73,5-74,7%, tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 6,7,8,9 với độ ẩm 82,9-84,6%.

* Gió: Khu vực dự án nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên chịu ảnh hưởng của các hướng gió:

- Gió Đông và Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 4 (năm sau), tốc độ gió  trung bình 2,6 m/s.

- Tháng 5 – tháng 9 gió đổi sang Tây Nam với tốc độ gió trung bình khoảng 1,4-1,8m/s.

4. Thủy văn:

Buôn Đôn nằm trong lưu vực sông Sêrêpốk, có mạng lưới sông suối dày đặc, từ 0,4-0,6 km/km2. Các sông suối trên địa bàn có hướng chảy từ Đông - Đông Bắc đến Tây Nam và đổ vào dòng sông Sêrêpốk chảy về hướng Tây sang biên giới Cam Pu Chia. Lượng nước trên các sông suối thay đổi theo mùa, vào mùa mưa lượng nước dâng nhanh.

Sông Sêrêpốk vừa là con sông chính chảy qua địa bàn huyện vừa là dòng sông lớn nhất của khu vực Tây Nguyên. Sông bắt nguồn từ các dãy núi cao Chư Yang Sin, chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc qua địa bàn huyện và Vương quốc Cam Pu Chia rồi đổ vào sông Mê Kông. Chiều dài sông chảy qua huyện khoảng 70 km, lòng sông rộng khoảng từ 100 - 200m, có chỗ rộng nhất hơn 300 m. Kết quả tính toán các đặc điểm của dòng sông cho thấy lưu lượng dòng chảy bình quân 260 - 300 m3/s. Lượng dòng chảy lũ > 2.000 m3/s và lưu lượng dòng chảy kiệt là 50 - 70 m3/s. Tuy nhiên, kết quả tính toán này còn phụ thuộc vào việc mùa mưa đến sớm hay muộn mà có số liệu khác nhau.

Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có các con suối như Ea Tul, Đắk Klau, Đắk Kin, Đắk Na, Đắk Minh,… Các suối này có nhiều nhánh nhỏ, lắm thác ghềnh, lưu lượng nước không lớn.

Mạng lưới sông, suối trên địa bàn huyện rất thích hợp cho việc xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, các công trình thủy điện như Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4, Sêrêpốk 4A, Ea Tul 4 đã đưa vào vận hành và hòa vào mạng lưới điện Quốc gia phục vụ cho việc cấp điện cho tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

5. Tài nguyên đất:

Theo tài liệu bản đồ đất tỷ lệ 1/100.000 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp thực hiện, trên địa bàn huyện có 05 nhóm đất, với 10 loại đất chính, diện tích phân bố và tỷ lệ các loại đất chính trên địa bàn huyện Buôn Đôn như sau:

Bảng 1.2. Thống kê diện tích và tỷ lệ các loại đất trên địa bàn huyện Buôn Đôn

TT

Loại đất

Ký hiệu

Diện tích, ha

Tỷ lệ, %

1

Nhóm đất thung lũng

D

192

0,14

1.1

Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ

D

192

0,14

2

Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá

E

1.150

0,82

2.1

Đất xói mòn trơ sỏi đá

E

1.150

0,82

3

Nhóm đất đỏ vàng

F

131.171

93,00

3.1

Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính

Fk

2.539

1,80

3.2

Đất vàng nhạt trên đá cát

Fq

93.690

66,43

3.3

 Đất vàng đỏ trên đá macma acid

Fa

6.717

4,76

3.4

Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất

Fs

22.491

15,95

3.5

Đất nâu vàng trên đá macma bazơ, trung tính

Fu

5.734

4,07

4

Nhóm đất đen

R

1.943

1,38

4.1

Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá bazan

Rk

1.004

0,71

4.2

Đất nâu thẫm trên sản phẩm đá bọt, ba zan

Ru

940

0,67

5

Nhóm đất xám

X

5.000

3,54

5.1

Đất xám trên macma acid

Xa

5.000

3,54

6

Sông, suối, hồ

Ho

1.557,13

1,10

Tổng

141.014,13

100,00

Nguồn: Tổng hợp từ Bản đồ đất do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp xây dựng.

* Nhóm đất dốc tụ (D)

Diện tích 192 ha, chiếm khoảng 0,14% tổng diện tích đất tự nhiên. Trên địa bàn huyện có 01 loại đất là đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D).

Đất hình thành và phát triển trên sản phẩm rửa trôi và bồi tụ của các loại đất ở chân sườn thoải hoặc vật liệu Feralit hoá được dòng nước mang từ đồi núi kế cận tập trung về nơi thấp của địa hình. Cùng với vật liệu này thường có một lượng chất hữu cơ trung bình đến khá. Nước mặt đọng trong thời gian dài có thể làm cho đất bị glây, lớp thực vật mọc dày đặc bị vùi lấp có thể tồn tại trong phạm vi độ sâu phẫu diện đất. Loại đất này thích hợp cho việc các loại cây lương thực.

* Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (E)

Diện tích 1.150 ha, chiếm khoảng 0,82% tổng diện tích đất tự nhiên. Đây là loại đất có nhiều hạn chế do tầng mỏng và lẫn nhiều đá cứng và kết von, đá ong. Trên đất xói mòn trơ sỏi đá thường có lớp thực vật thưa thớt, sỏi đá nổi lên mặt và đang bị tác động mạnh của xói mòn, gây hậu quả xấu đối với vùng đất thấp phía dưới.

* Nhóm đất đỏ vàng (F)

Tổng diện tích 131.171 ha, chiếm khoảng 93% tổng diện tích đất tự nhiên, gồm các loại đất sau:

- Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính (Fk): Diện tích 2.539 ha, chiếm 1,8% tổng diện tích tự nhiên. Đây là loại đất được hình thành và phát triển trên các cao nguyên bazan phần lớn có độ dốc nhỏ, tầng đất mịn dày, thành phần cơ giới nặng (tỷ lệ sét >40%), tơi xốp khi ẩm, độ xốp trung bình 62-65%, khả năng giữ nước và hấp thu nước tốt... Đất bazan là đất tốt nhất trong các loại đất đồi núi của nước ta, trên loại đất này đã hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung như cà phê, cao su, tiêu, điều và các cây ăn quả cho năng suất cao.

- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq): Diện tích 93.690 ha, chiếm 66,43% tổng diện tích tự nhiên, phân bố hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Đất hình thành trên tàn tích sa thạch, là loại đá trầm tích hạt thô, cấu tạo khối đặc, địa hình khá dốc 8o đến 15o. Quá trình Feralit yếu, quá trình kết von đá ong phổ biến, quá trình tích luỹ OM bề mặt (OM tầng mặt 1,44%, xuống tầng sâu giảm còn 0,3%), OM tổng số càng xuống tầng sâu càng thấp, catrion trao đổi thấp, dung dịch đất có phản ứng chua, pHKCl: 3,0 đến 4,0. Loại đất này chủ yếu phù hợp với việc phát triển các loại cây lâm nghiệp.

- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fa): Diện tích 6.717 ha, chiếm 4,76% tổng diện tích tự nhiên, phân bố xã Krông Na, Ea Huar, Ea Wer. Đất hình thành trên đá macma acid, ở các dạng địa hình khá dốc 8o đến 15o. Tầng đất mỏng, đất chua, hàm lượng mùn và các chất dinh dưỡng đều nghèo, quá trình Feralit diễn ra mạnh, quá trình rửa trôi khá mạnh nhưng yếu hơn ở đất xám. Hàm lượng OM tổng số thấp, nhỏ hơn 1,15%, các chất tổng số thấp, lân dễ tiêu và kali dễ tiêu đều nghèo. Loại đất này chủ yếu phù hợp với việc phát triển các loại cây lâm nghiệp hoặc nông lâm kết hợp.

- Đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (Fs): Diện tích 22.491 ha, chiếm 15,95% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các xã phía Nam của huyện như Ea Wer, Tân Hòa, Ea Bar. Đất có màu đỏ vàng, tầng đất dày trung bình 50-90 cm, hình thái phẫu diện tương đối đồng nhất. Tuy nhiên một số khu vực bị rửa trôi, xói mòn và có chiều hướng thoái hoá do không sử dụng hợp lý. Hàm lượng OM tổng số thấp (OM: 0,12-0,57%), các chất tổng số thấp (N<0,04%, P2O5<0,03%, K2O<0,1%), các chất dễ tiêu cũng thấp. Nhìn chung loại đất này có phản ứng chua, độ no bazơ thấp, dung tích hấp thu thấp. Đặc trưng tầng tích tụ đáp ứng yêu cầu của tầng B Ferralit. Đất thích hợp với các loại cây trồng cạn, cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày, ở độ dốc lớn trên 15o sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.

- Đất nâu vàng trên đá macma bazơ, trung tính (Fu): Diện tích 5.734 ha, chiếm 4,07% tổng diện tích tự nhiên. Đây là những loại đất tốt, tầng đất khá dày, thành phần cơ giới thịt nặng. Đất có phản ứng chua toàn phẫu diện, pHKCl 3,7-4,2. Hàm lượng OM tổng số trung bình đến khá, OM: 2-3%. Các chất tổng số: đạm tổng số trung bình, lân tổng số giàu, kali tổng số trung bình. Các chất dễ tiêu: lân trung bình đến khá giàu, kali trung bình. Tổng số cation kiềm trao đổi trung bình. Dung tích hấp thu (CEC) cao.

Đất này rất thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị xuất khẩu như cao su, cà phê, tiêu và các loại cây ăn quả. Tuy nhiên, khi sử dụng loại đất này cần phải chú ý quan tâm đến các biện pháp cải tạo đất.

*  Nhóm đất đen (R)

Diện tích 1.943 ha, chiếm khoảng 1,38% tổng diện tích đất tự nhiên, gồm các loại đất sau:

- Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá bazan (Rk): Diện tích 1.004 ha, chiếm khoảng 0,71% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất hình thành do sản phẩm bồi tụ của bazan, đất có màu đen, hay đen xám, phẫu diện thường có kết von đen, tầng B có glây yếu. Đất có phản ứng hơi chua (pHKCl 4,5-4,7), OM tổng số khá cao 1,5-3%, đạm tổng số khá (0,1-0,15%, lân tổng số trung bình 0,3-0,4%, lân dễ tiêu cũng khá 15-20mg/100g đất, kali tổng số khá 0,3-0,4%, kali dễ tiêu trung bình 12-15mg/100g đất, cation trao đổi giàu ở tầng mặt, càng xuống sâu càng giảm dần, hàm lượng Ca++ và Mg++ trung bình khoảng 10-20 lđl/100g đất. 

Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá bazan có hàm lượng OM cao, có thể sử dụng vào trồng các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

- Đất nâu thẫm trên sản phẩm đá bọt và bazan (Ru): Diện tích 940 ha, chiếm khoảng 0,67% tổng diện tích đất tự nhiên. Đất hình thành do sản phẩm phong hoá của đá bọt và bazan, có màu nâu hơi đen, phẫu diện lẫn đá bazan dạng lỗ hổng hoặc đá bọt. Đặc điểm: gần giống đất đen trên sản phẩm bồi tụ của bazan, nhưng hàm lượng OM tổng số hơi thấp hơn (OM: 1,6-1,9%), các chất tổng số đều đạt trung bình đến khá, dung dịch đất có phản ứng hơi chua. Đất sử dụng trồng cây công nghiệp dài ngày, cần chú trọng các biện pháp chống xói mòn, bảo vệ tầng đất mặt.

* Nhóm đất xám (X)

Diện tích 5.000 ha, chiếm khoảng 3,54% tổng diện tích đất tự nhiên. Trên địa bàn huyện có 01 loại đất là đất xám trên macma acid (Xa).

Quá trình hình thành cơ bản là quá trình rửa trôi và xói mòn bề mặt xẩy ra trong tự nhiên và quá trình canh tác lâu dài của con người đã dẫn đến sự thay đổi một số tính chất lý hoá học ban đầu của đất.

Đất có thành phần cơ giới nhẹ, từ cát pha đến thịt nhẹ ở tầng mặt và chuyển dần sang cơ giới thịt trung bình ở tầng dưới (sét >30%), lẫn nhiều sạn sỏi thạch anh. Tầng đất thường mỏng dưới 70 cm.

Đất xám hình thành trên macma acid thường có phản ứng chua (pHKCl: 3,3-3,4). Hàm lượng các chất dinh dưỡng đều thấp, OM tổng số <1% (0,1-0,4%), lân tổng số và lân dễ tiêu đều nghèo (0,03% và 1,5-1,6 mg/100g đất), kali tổng số: 0,4-0,7%, kali dễ tiêu 2-4 mg/100g đất, cation trao đổi nghèo, phổ biến ở mức 3-6 mg/100g đất.

Đất xám trên macma acid thường có tầng mỏng dưới 70 cm, thích hợp trồng cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày, ở địa hình ít dốc có thể trồng màu hoặc cây công nghiệp ngắn ngày.

6. Tài nguyên nước:

a. Nguồn nước mặt

Nguồn nước mặt trên địa bàn huyện khá phong phú do nằm trong lưu vực sông Srêpốk và các suối chính Ea Tul, Đắk Klau, Đắk Kin, Đắk Na, ..., hiện nay trên sông Sêrêpốk đoạn qua huyện đã xây dựng hai công trình thuỷ điện lớn Sêrêpốk 3 và Sêrêpốk 4 tạo nên lòng hồ chứa nguồn nước mặt dồi dào. Nhìn chung, nguồn nước mặt phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Tuy nhiên, nguồn nước mặt phân bố không đồng đều trong năm dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vì vậy, việc xây dựng các công trình thủy lợi để đảm bảo chủ động nguồn nước tưới là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.

b. Nguồn nước ngầm

Đây là nguồn tài nguyên có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và đời sống, nó vừa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt phục vụ cho đời sống của con người, vừa là nguồn bổ sung lượng nước để phục vụ cho tưới tiêu của người dân.

Theo kết quả lập bản đồ địa chất thuỷ văn của Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình Miền Trung, nước ngầm trên địa bàn huyện không nhiều, phần lớn nước ngầm chủ yếu vận động, tàng trữ trong thành tạo phun trào Bazan độ sâu phân bố 15 - 50 m, khả năng giữ nước kém. Kết quả tính toán trữ lượng động thiên nhiên là 0,11 l/s.km2, trữ lượng khai thác QKTmin = 80m3 ngày/km2, QKTmax = 203 m3 ngày/km2, QKTtrung bình = 189 m3 ngày/km2. Một số nơi có thể thiết kế và xây dựng các nhà máy cấp nước tập trung quy mô nhỏ hơn 300 m3/ngày như trung tâm huyện, Cuôr Knia,... Phần còn lại là tầng chứa nước trầm tích Mezozoi, có mức độ chứa từ nghèo đến trung bình, chất lượng nước thường gặp có hàm lượng canxi cao, không thuận lợi cho ăn uống, sinh hoạt.

Những năm gần đây, do biến động về thời tiết và do khai thác các tài nguyên không hợp lý, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng đã làm cho nguồn nước ngầm có xu hướng bị suy giảm về trữ lượng và chất lượng.

7. Tài nguyên khoáng sản:

Theo quy hoạch phát triển khoáng sản tỉnh Đắk Lắk, Buôn Đôn là huyện có tiềm năng khoáng sản không lớn, song có khả năng hình thành và phát triển công nghiệp khai khoáng quy mô vừa và nhỏ gồm:

- Đá xây dựng (bao gồm đá bazan, phun trào Andezit, Riolit) trữ lượng khoảng 23,8 triệu m3 tại các vùng Ea Bar, Ea Wer, Ea Nuôl có thể dùng trong xây dựng là đá chẻ, đá hộc, đá rải đường... Hiện có 02 mỏ đang tiến hành khai thác (Tân Hòa, Ea Nuôl).

- Sét gạch ngói: Thuộc nhóm trầm tích bồn trũng, phân bố vùng thung lũng Cuôr Knia và Đắk Mar (Krông Na) trữ lượng 0,45 triệu m3, chất lượng thấp nên ít được khai thác để sản xuất gạch ngói.

- Đá vôi: trữ lượng khoảng 28 triệu tấn, phân bổ vùng Chư Minh nhưng chất lượng thấp, chỉ có thể làm vật liệu xây dựng, không có ý nghĩa trong khai thác công nghiệp.

- Kim loại quý hiếm: Vàng sa khoáng tích tụ thung lũng ven suối vùng Chư Minh, Chư Klin giáp ranh với Ea Súp, nhưng chưa có nghiên cứu sâu để đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác.

8. Tài nguyên rừng:

Theo số liệu thống kê đất đai năm 2016, tổng diện tích rừng của huyện là 106.829,70 ha, chiếm 75,76 % tổng diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, có 4.378,76 ha rừng phòng hộ, 8.526,06 ha rừng sản xuất, 93.924,88 ha rừng đặc dụng. Rừng trên địa bàn chủ yếu tập trung tại xã Krông Na, do Vườn quốc gia Yok Đôn và Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý.

Là địa bàn có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, Buôn Đôn là nơi đặc trưng nhất cho hệ sinh thái rừng của khu vực. Nơi đây không chỉ tập trung hệ thực vật đa dạng mà còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật quý hiếm.

Hệ thực vật đa dạng đã tạo nên sự phong phú cho hệ động vật rừng. Rừng tại Buôn Đôn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật, trong đó có các loài quý hiếm nằm trong sách đỏ. Hệ động vật này vừa có cả các loài thú linh trưởng, vừa có cả hệ bò sát như rắn, rùa,… vừa có cả các loài chim và côn trùng.