Cách chụp dải ngân hà bằng điện thoại iPhone

Chào các bạn. Đã lâu không gặp. Chủ đề hôm nay mình sẽ chia sẻ là “Hướng dẫn cách chụp hình dải ngân hà Milky Way với 4 bước đơn giản”.

Đây sẽ là bài hướng dẫn chi tiết từng bước để giúp các bạn mới chơi cũng có thể chụp được tấm hình Milky Way đầu tiên ưng ý.

Hướng dẫn bằng video:

Bài hướng dẫn được chia làm 4 phần:

  • Thiết bị: Chụp Milky Way cần thiết bị như thế nào? [máy ảnh, ống kính, chân máy, dây bấm mềm, app điện thoại]
  • Chuẩn bị: Lựa chọn địa điểm và thời điểm như thế nào để gặp được Milky Way [phần này cần một chút may mắn]
  • Chụp: Thông số chụp ra sao. Những lưu ý khi set thông số chụp Milky Way.
  • Hậu kỳ: Một vài mẹo nhỏ để hậu kỳ ảnh Milky Way với Lightroom, Capture One.

Lưu ý: Bài viết này hướng dẫn người mới, vì thế không đề cập tới kỹ thuật Stacking, thường được sử dụng phổ biến trong Astrophotography.

Nào cùng bắt đầu thôi!

Bước 1: Thiết bị

Body máy ảnh để chụp Milky Way

Phổ biến nhất thì có body Crop, Fullframe, Compact từ các hãng Canon, Sony, Nikon, Fujifilm như:

  • Fullframe: Sony A7RII, Sony A7III; Nikon D750, Nikon Z5; Canon R, Canon 5DIII,…
  • Crop: Sony A6000, Nikon D7100, Canon 80D, Fujifilm X-E3, X-T30, v.v.

Trong những loại trên, body tốt nhất để chụp Milky Way là body Fullframe [đặc biệt là dòng A7RII trở về sau]. Lý do là vì cảm biến Fullframe thu được nhiều ánh sáng, chất ảnh mịn, độ nét cao. Hơn nữa vì cảm biến nhạy sáng tốt nên khi chụp có thể giảm tốc độ cho ảnh đỡ nhòe.

Tuy nhiên body phổ biến nhất là Crop thì vẫn hoàn toàn đủ để chiến thể loại Milky Way. Nên các bạn chụp bằng crop đừng lo. Bản thân mình chụp bằng Fujifilm X-E3 và lens MF vẫn lên Milky Way khá rõ:

Ống kính nào chụp Milky Way tốt?

Lens tốt cho Milky Way là những lens góc rộng tới siêu rộng, tương đương tiêu cự 8 – 16mm trên Crop, hay 12 – 24mm trên Fullframe.

Một yếu tố quan trọng khác là khẩu càng lớn càng tốt. Ví dụ f2.8, f2.5, f2.0, f1.8, f1.4

Khẩu nhỏ hơn như 3.5 hay 4 vẫn có thể chụp được, tuy nhiên sẽ hơi khó chụp vì bất lợi về tốc độ và ISO. Những bạn người mới muốn chụp Milky Way thì mình khuyên nên chọn lens f2.8 cho dễ chụp. Có điều kiện mua lens f2.0, f1.8 thì càng tốt.

Đặc biệt, với thể loại Milky Way, sử dụng lens “quay tay” MF [manual focus] có thể giúp bạn tiết kiệm được ngân sách đáng kể. Do thể loại này cần lấy nét bằng tay chứ không dùng tới AF [auto focus].

Ví dụ con Samyang 12mm f2.0 của mình là MF thì giá thị trường khoảng 4tr. Bản AF có giá cao gấp đôi, khoảng 8tr. Mà khi chụp Milky Way thì vẫn phải tắt AF để lấy nét bằng tay.

Một số ống kính MF bên thứ ba tốt cho thể loại Milky Way: Laowa 9mm f2.8 Zero-D, Samyang [Rokinon] 12mm f2.0, Sigma 16mm f1.4, Viltrox 13mm f1.4.

Ống kính của hãng [Sony, Canon, Nikon, Fuji] thì bạt ngàn, chất lượng khỏi bàn, nhưng giá thành khá cao. Nếu chọn ống hãng thì chỉ cần lưu ý khẩu độ lớn và góc rộng tới siêu rộng là được.

Chân máy để chụp Milky Way

Chân máy nào cũng được, chịu tải được bộ máy ảnh và ống kính của bạn là OK.

Trọng lượng combo máy ảnh và ống kính của mình nặng dưới 1kg. Nên mình chọn chân máy du lịch Beike Q999s, tải trọng tới 4kg thoải mái chụp.

À một yếu tố khác quan trọng là chân máy không rung lắc trong quá trình chụp. Nên nếu bộ máy của bạn nặng 2-3 kg trở lên thì không cần quan tâm. Nhưng nếu bộ máy của bạn nhẹ hơn 1kg như của mình, thì bạn vẫn nên chọn tripod chịu được tải trọng 4kg trở lên, để khi setup tripod, bạn treo thêm vật nặng vào dưới tripod để nó đứng vững và không lung lay.

Dây bấm mềm hoặc App chụp ảnh của hãng

Thể loại Milky Way cần chụp phơi sáng từ 5 – 10 – 20s, vì thế bạn nhất thiết cần một trong hai thứ sau:

  • Dây bấm mềm [remote]: Cắm vào máy, bấm chụp từ xa mà không cần đụng tới nút chụp ảnh trên thân máy.
  • App chụp ảnh của hãng: Hầu hết các app kết nối với máy ảnh đều có tính năng chụp phơi sáng.

Nếu máy ảnh của bạn có tính năng hẹn giờ chụp ảnh phơi sáng thì bạn có thể dùng thay thế 2 thứ trên.

Bước 2: Giai đoạn chuẩn bị

Chọn địa điểm chụp Milky Way

Thể loại Milky Way rất kị những nơi ô nhiễm ánh sáng như thành thị, nội đô. Vì thế nên bạn cần di chuyển tới những vùng không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng.

Có 2 mẹo khi chọn địa điểm chụp Milky Way:

Vùng đồi núi, cao nguyên

Địa điểm lý tưởng nhất là đồi núi, cao nguyên. Do ô nhiễm ánh sáng phần lớn tới từ nhà dân, đèn đường. Vì thế khi lên cao thì ít bị ảnh hưởng bởi ánh sáng hơn. Mặt khác khi lên cao bạn cũng tránh được tầng bụi thấp bên dưới.

Việt Nam mình có vô vàn địa điểm thích hợp để chụp Milky Way đẹp như đồi chè Long Cốc, đỉnh Tà Xùa, đỉnh Fansipan, Lảo Thẩn, vùng núi Tây Bắc.

Miền quê, ngoại thành xa khu vực thành thị

Nếu ngại leo núi, thì bạn có thể chọn các vùng ngoại ô, miền quê cũng có thể chụp Milky Way rất tốt. Chỉ cần xa khu vực thành thị và ít đèn là được.

Mình chụp ở ngoại ô Ninh Bình, gần di tích Hang Múa.

Mình thấy anh em miền Trung, Nam hay chụp ở Phú Yên. Mình nghĩ các bạn có thể chọn những bãi biển hay thị trấn nhỏ tùy sở thích và điều kiện, miễn sao khu vực đó ít đèn và các loại ánh sáng khác vào buổi tối.

Lựa chọn thời điểm chụp Milky Way

Mình tìm hiểu trên mạng thì thời điểm thích hợp chụp Milky Way tại Việt Nam là từ Tháng 1 tới Tháng 7 dương lịch hàng năm. Vì thời gian này Milky Way mọc ở hướng có thể quan sát được.

Tuy nhiên theo quan sát của mình thì thời điểm thích hợp rơi vào khoảng Tháng 4 tới tháng 8 tại Miền Bắc, vì:

  • Từ tháng 1 tới tháng 3 thời tiết lập xuân, trời hay mưa và nhiều mây, không chụp được
  • Bản thân mình chụp Milky Way vào tháng 8, nhiều anh em chụp được vào cuối tháng 9. Vậy trên thực tế tới 9 vẫn còn Milky Way để chụp chứ không phải chỉ tới tháng 7 như trên báo nói.

Yếu tố quan trọng nhất để chụp Milky Way là thời tiết.

Để nhìn thấy dải ngân hà thì cần “trời quang mây tạnh”. Tức không mưa, và càng ít mây càng tốt.

Nếu bạn ở khu vực thành thị như Hà Nội hay TP. HCM, thì bạn cần chọn ngày để đi chơi và chụp Milky Way. Thường mình hay ra ngoại ô, xuống biển hoặc lên núi cùng bạn bè để chụp.

Để chọn được ngày thời tiết đẹp, bạn cần 2 app sau:

  • App dự báo thời tiết trên điện thoại: Có sẵn, giúp bạn dự đoán thời tiết khu vực định tới.
  • App Windy: tương tự trên, nhưng dự báo sát hơn về mức gió và khả năng có bão.

Tuy nhiên, các app trên chỉ mang tính tham khảo. Để có được thời tiết đẹp thì bạn cần một yếu tố cực quan trọng nữa, đó là may mắn!

Hôm mình đi chơi và chụp được Milky Way, xem dự báo thời tiết thấy mưa. Nhưng thực tế thì “nắng vỡ đầu” và đêm về thấy cả bầu trời sao 🙂

Sẵn đang nói về app, bạn nên tải thêm app Star Walk 2 để xem hướng của dải ngân hà ở địa điểm chụp nhé.

Bước 3: Set thông số và chụp

Những lưu ý khi set thông số chụp Milky Way:

Chụp ảnh RAW

Thể loại này cần hậu kỳ nên các bạn chụp ảnh RAW để giữ lại nhiều chi tiết, dễ hậu kỳ. Không nên chụp JPEG.

Mở khẩu lớn nhất

Ống kính bạn mở được bao nhiêu thì mở hết tới đó để thu được nhiều ánh sáng.

Tắt AF, lấy nét vô cực.

Nếu ống kính của bạn có Auto Focus thì tắt đi, chuyển về Manual Focus. Và bạn chọn điểm lấy nét vô cực để chụp được rõ bầu trời sao.

Tốc độ và ISO

ISO thử từ 1000 – 3200 với máy CROP. Máy Fullframe thì có thể lên tối đa 6400 hoặc hơn tùy độ nhạy sáng của máy. Hãy bắt đầu với ISO 1000 và chuyển qua set tốc độ.

Tốc độ màn trập [Shutter speed]. Trên mạng có cách tính tốc = 500/tiêu cự. Tuy nhiên mình áp dụng thấy không chuẩn lắm.

Ví dụ ống mình 12mm [tương đương 18mm trên FF], tính ra cần phơi 27s. Nhưng mình phơi 20s đã thấy các ngôi sao hơi nhòe đi [vì sao di chuyển so với vị trí ban đầu].

=> Mẹo chọn tốc độ là hãy bắt đầu với tốc độ thấp trước, nếu thấy ảnh tối quá thì tăng lần lượt tốc độ và ISO lên, khi nào thấy dải ngân hà mờ mờ là được.

Mẹo tiếp theo là đừng phơi sáng lâu quá [trên 20s], vì các ngôi sao liên tục di chuyển nên phơi lâu dễ bị nhòe ảnh.

Bước 4: Hậu kỳ Milky Way đơn giản

Như đã nói thì mình hướng dẫn cách hậu kỳ đơn giản, không bàn tới kỹ thuật Stacking.

Hậu kỳ ảnh Milky Way mình chia làm 2 bước, áp dụng cho cả Lightroom và Capture One.

[Trước khi đi vào 2 bước này thì nếu bạn thấy ảnh hơi tối, hãy kéo Exposure lên trước sao cho đủ sáng nhé]

Làm rõ dải ngân hà

Thường khi chụp xong thì dải ngân hà có màu xám rất mờ. Bước đầu mình sẽ làm nó tách biệt khỏi nền của bầu trời bằng cách:

  • Tăng Clarity 80-90% -> Làm ảnh trong hơn
  • Tăng Dehaze lên 50% -> Giảm bớt mây mù
  • Tăng Saturation lên 70% -> Màu của dải ngân hà tách biệt khỏi nền trời

Sau khi điều chỉnh 3 thông số trên, dải ngân hà đã hiện ra tương đối rõ rồi. Bạn có thể thử chỉnh các thông số sau nếu muốn:

  • Contrast: gia tăng cách biệt giữa vùng sáng và tối
  • White, Highlight, Shadow, Black… không quá quan trọng.

Làm màu

Bước tiếp theo là chỉnh màu theo ý bạn.

2 chỉ số chính của phần này là Hue [sắc thái màu] và Saturation [bão hòa màu] của tông màu nóng [cam, đỏ, tím, hồng]. Bạn có thể thoải mái chỉnh những màu sắc này tới khi ưng ý.

Chủ Đề