Cách nhảy hiphop đá ngựa

Cuộc so tài của các "trùm" hip-hop

Những vòng người vây kín, không khí chộn rộn và cuồng nhiệt. Sắp ẩu đả chăng? Không, các "trùm" đang biểu diễn hip-hop đấy!

Nếu không có "trùm anh" với những ngón cắt, xoay khá điêu luyện, hằng hà "trùm em" cũng tự động nhóm họp để tập hip-hop hoặc để "đấu" với nhau. Hip-hop chứng tỏ sức thu hút mãnh liệt với không ít bạn trẻ; tuy nhiên, cũng có những người vì nó mà phải ôm hận "Sốt" hip-hop Câu lạc bộ [CLB] Thể thao Phan Đình Phùng [Q.3, TP.HCM] là một trong những địa điểm được rất nhiều bạn trẻ tự tìm đến để "đấu" và luyện hip-hop, đặc biệt là tập breakdance [một thể loại của hip-hop]. Ngày nào cũng có hàng chục học sinh, thanh thiếu niên đến đây để được "sống" cùng hip-hop. 17 giờ 30 chiều 1.10, tại các hành lang ở CLB, chúng tôi bắt gặp khoảng 20 học sinh áo bỏ ngoài quần, xốc xếch và lấm lem đang say sưa tập ke tay [trụ bằng tay để nâng người lên] và vài kiểu xoay. Tuy nhiên, chủ nhật mới được xem là ngày tụ hội xôm tụ nhất của các fan hip-hop. Ước tính có hàng trăm bạn trẻ đến đây, tụ tập thành từng nhóm nhỏ trên các hành lang phía sau Nhà thi đấu Phan Đình Phùng để tập luyện từ sáng sớm cho đến chiều tối. Rất nhiều lần chúng tôi bắt gặp tại đây không ít bạn trẻ, trong đó có những em chỉ độ 6-7 tuổi ngồi bệt ở hành lang nhai ngấu nghiến bánh mì hoặc ăn qua loa đĩa bánh ướt mà bà bán hàng đem vào tận nơi. Trong lúc ăn, các em không rời mắt khỏi những bạn khác đang tập. "Ăn sáng thôi, đói quá rồi!" - một bạn khác kêu lên. Đồng hồ lúc này đã chỉ 10 giờ 30... Có những ngày mưa rất to từ sớm, vậy mà vẫn có nhiều thanh thiếu niên vui vẻ đội mưa đến điểm tập, bất chấp sự ướt át, chật chội vì phải dồn lại một góc hành lang.

Đức Duy [quê Bình Định], hiện đang luyện thi ĐH tại TP.HCM cho biết bạn mới làm quen với hip-hop chừng 2 tháng nay nhưng đã "mê quá trời". Ban đêm, Duy và một nhóm bạn trong khu phố Duy trọ học [P.15, Q.Bình Thạnh] canh lúc hẻm phố vắng người là tụ nhau lại để tập hip-hop. "Đôi lần dân phòng đã mời tụi em lên để cảnh báo không được tụ tập, dễ gây rối trật tự. Tụi em cũng ngại lắm nhưng vì thích quá, không biết đi tập ở đâu, thế là phải... tập lén thôi!" - Duy kể. Trận đấu giữa các "trùm" Ngày chủ nhật cuối tháng 8.2005 đã trở thành một sự kiện đối với fan hip-hop. Tại hành lang gần sân tennis của CLB Thể thao Phan Đình Phùng, hàng trăm thanh thiếu niên xúm xít, bàn tán xôn xao: Hôm nay "trùm" đấu!

"Nhân" của những vòng tròn là các "trùm": Tuấn Anh, Kiên, Đàm, Khoa... Chiếc máy cassette kè kè bên Tuấn Anh mở hết công suất. Với thân hình lực lưỡng, Đàm cố sức tung người xuất chiêu trước với màn đá ngựa. Tuấn Anh "đáp lễ" trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của mọi người. Được một lúc, vòng người chợt giãn ra để nhường đường cho một chàng trai trẻ với dải khăn quấn trán, dáng vẻ tươi vui. "Trùm Khoa!" - nhiều bạn trẻ ồ lên. Cuộc so tài mỗi lúc mỗi "nóng" và kịch tính hơn bởi "trùm" nào cũng cố tung ra những "tuyệt chiêu" của mình và người sau phải thể hiện ở mức cao hơn người trước mới tạm gọi là thắng. Cắt kéo, xoay đầu, đá ngựa, lật đồng tiền... được các "trùm" trình diễn khá đẹp mắt và ấn tượng. Gần 1 tiếng đồng hồ trôi qua, các "trùm" đã thấm mệt, Thành - biệt hiệu là "Thành Para Games" - quăng cặp nạng và khéo léo tung mình biểu diễn các kiểu ke tay và xoay người. Nếu không nhìn thấy cái nạng sắt trước đó, không một ai nghĩ rằng Thành đang trình diễn với đôi chân bị liệt. Sau Thành, một "trùm em" nữa chỉ chừng 6 tuổi, người bé choắt có tên là cu Tý chạy ra giữa vòng tròn và nhún nhảy, lắc người trước khi lộn người thể hiện khá điệu đàng một vài động tác hip-hop... Sau khi các "trùm anh" rút đi, rất nhiều "trùm em" tự nhóm lại thành nhiều vòng tròn để thách đấu hoặc để luyện "khí công". Không ít người ấp ủ hy vọng một ngày nào đó sẽ tự tin bước ra giữa vòng tròn, nhún bên này, lắc bên kia theo điệu nhạc sôi động trước khi kiêu hãnh tung ra các chiêu breakdance như các "trùm anh", trước tiếng vỗ tay nồng nhiệt kéo dài và bao cặp mắt thán phục... Hip-hop đã thực sự trở thành cơn lốc cuốn hút nhiều thanh thiếu niên cả thành thị lẫn nông thôn. Coi chừng tai nạn từ hip-hop! Rõ ràng, trước khi trở thành những "trùm" hip-hop, các bạn trẻ đã ý thức rõ việc tập luyện phải hết sức cẩn thận. Nhưng trên thực tế, tại nhiều điểm tập, chúng tôi thấy có những "đồ đệ" hip-hop tập rất... liều. Nhiều bạn không cần khởi động, cứ bặm môi bặm lợi ke tay, ke đầu, té huỳnh huỵch. Một số em trên dưới 10 tuổi bắt chước anh chị, cứ "vô tư" ke đầu xuống đất, cố hết sức chổng người lên! Thỉnh thoảng, những tiếng chửi thề lại bật ra... Họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp một nhóm nhỏ chịu mang nón bảo hiểm hoặc nón len. Điều đặc biệt, chiếc nón bảo hiểm nào cũng bị "hói" nguyên mảng lớn ở giữa! Vì vậy, chẳng ngạc nhiên gì khi biết có những bạn tập xoay đầu riết nhưng không có nón bảo hiểm đã khiến tóc vùng đỉnh đầu không mọc lại được.
Một pha biểu diễn của trùm
Đó là chưa kể một số tổn thương khác do tập không đúng cách. Trong đêm diễn mừng sinh nhật một tuổi website Viethiphop và chào mừng "cộng đồng hip-hop" tại TP.HCM cuối tháng 9.2005, chúng tôi bắt gặp một vài bạn trẻ tay còn băng bột, chân phải chống nạng do "đụng" những sự cố khi tập breakdance. Thời gian gần đây, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã tiếp nhận một số ca bị chấn thương nặng do bắt chước tập nhảy hip-hop không đúng cách. Riêng tại khoa Chấn thương nhi của bệnh viện, chỉ trong vòng 3 tháng nay đã có 3 ca dưới 15 tuổi bị chấn thương liên quan đến nhảy hip-hop được chuyển đến cấp cứu và điều trị. Bác sĩ Vũ Viết Chính - khoa Chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM bày tỏ sự lo lắng về tình trạng những ca bị chấn thương nặng liên quan đến việc tập hip-hop xuất hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là những ca bệnh nhi. Theo bác sĩ Chính, một trong những ca nặng nhất từ trước đến nay do tập nhảy hip-hop là em N.T.K.B [sinh năm 1993, ngụ tỉnh Tiền Giang] nhập viện vào ngày 10.9. K.B bị vẹo cổ, tổn thương tủy cổ C3-7 và liệt hai tay do "nhào lộn" hip-hop từ trên giường xuống đất. Bác sĩ Chính giải thích, tỉ lệ đầu và thân hình của trẻ em lớn hơn so với người trưởng thành. Khi tập những động tác mạnh, trẻ em rất dễ vẹo cổ, đau cổ, nghiêm trọng hơn là bị tổn thương tủy cổ dẫn đến liệt chi...
Một ca bị chấn thương [vẹo cổ] do tập hip-hop điều trị tại khoa Chỉnh hình nhi [Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM]
Cũng theo bác sĩ Chính, gia đình, người thân nên quan tâm nhiều hơn đến những hoạt động của các em để có những hướng dẫn, can thiệp kịp thời. Được biết, sau khi điều trị tại bệnh viện khoảng 3 tuần, K.B cần phải mang nẹp cổ cứng tại nhà ít nhất 6 tuần nữa mới có thể hồi phục. Còn đôi tay của em cũng cần ít nhất 3 tháng nữa mới có thể cầm được cây bút trở lại. Một số di chứng [như yếu tay, hạn chế cử động cổ] có nguy cơ sẽ đeo đẳng K.B suốt đời... Tiến sĩ y khoa, bác sĩ Lê Thúy Tươi cảnh báo, nếu tập những động tác mạnh, táo bạo mà không tuân theo những hướng dẫn an toàn thì sẽ dễ bị trật sái tay, chân; bị cang rồi viêm các dây chằng; chấn thương cột sống cổ. Bên cạnh đó, não bộ sẽ bị ảnh hưởng do những va chạm có thể xảy ra khi tập "liều" các kiểu ke đầu, xoay đầu... Có thể khẳng định, tập nhảy hip-hop đúng cách sẽ giúp các bạn trẻ rèn luyện sức khỏe, tinh thần phấn chấn, vui thích đồng thời tạo sự giao lưu, kết mối bằng hữu giữa các nhóm bạn với nhau. Tuy nhiên, theo như lời nhắn gửi của Tiến sĩ y khoa, bác sĩ Lê Thúy Tươi thì: "Thanh thiếu niên thường thích cảm giác mạnh. Có điều, các bạn cũng cần phải tránh những đam mê quá đà làm tổn hại đến sức khỏe quí giá để khỏi phải ân hận cả đời".

Và đâu chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu "ưu tiên" quá nhiều thời gian và công sức cho loại hình giải trí này, những "đồ đệ" hip-hop còn có thể phải gánh lấy những hệ lụy do chính mình gây nên: xao nhãng việc học hành và sinh hoạt hằng ngày. Đó là chưa kể những rắc rối, phức tạp từ việc bắt chước, đua đòi "mốt" này "mốt" nọ một cách thái quá hoặc bị cám dỗ lôi kéo khỏi ranh giới của một loại khiêu vũ lành mạnh để rơi vào "thế giới lắc"... của một số bạn trẻ.

Theo Thanh Niên

Video liên quan

Chủ Đề