Chế độ làm chủ tập thể là gì

Phạm trù làm chủ tập thể hình thành trong suy tư về vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm cho nhân dân thực hiện được quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Hạt nhân của triết lý làm chủ tập thể chính là sự khẳng định quyền hành đều thuộc về nơi dân. Đấy là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khéo kết hợp kế hoạch với thị trường

Làm chủ tập thể trong kinh tế gắn liền với giải phóng sức lao động, làm cho người công nhân, người nông dân được làm chủ và sáng tạo trên các tư liệu sản xuất để đạt năng suất lao động cao. Ở thời điểm đó, các nước XHCN quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Miền Bắc nước ta cũng không phải là ngoại lệ.

Hiểu rõ tình hình kinh tế miền Nam với khía cạnh nền kinh tế thị trường, với quan điểm tôn trọng khách quan, nhạy cảm với những nhân tố mới phát sinh trong thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn đã sớm nhấn mạnh đến vai trò của thị trường đối với công tác kế hoạch nói riêng và xây dựng kinh tế nói chung. Có lần đồng chí nói: “Trong khi lãnh đạo kinh tế, phải khéo kết hợp kế hoạch với thị trường, lấy cái sau bổ sung cho cái trước”.

Hồi đó, với chủ trương khoán hộ trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc, đồng chí Kim Ngọc đã bị phê phán nặng nề. Đồng chí Lê Duẩn đã về Vĩnh Phúc để tìm hiểu. Trò chuyện với đồng chí Kim Ngọc, đồng chí Lê Duẩn nói: “Về hoạt động kinh tế của hợp tác xã tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội. Tôi phân vân đã lâu, nhưng thật sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra “khoán hộ” thì có lẽ đó cũng là một cách. Nhưng vì quá mới, ngược với suy nghĩ và cách làm lâu nay, cho nên đa số anh em không đồng tình với anh. Anh yên tâm, một sáng kiến làm ăn mới chưa được mọi người chấp nhận ngay thì cũng là chuyện bình thường”.

Về sau này, đồng chí Lê Duẩn đã ủng hộ mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là tạo ra cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp để kích thích sản xuất, nâng cao năng suất lao động.


Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV năm 1976
Ảnh tư liệu

Chân lý vượt thời gian

Qua thực tiễn cuộc sống và biết bao trăn trở, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị đã tán thành việc cần phải sửa đổi chính sách kinh tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đã đánh dấu bước đột phá đầu tiên về đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta, thể hiện ở những nội dung quan trọng như: Sử dụng nhiều thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân ở miền Nam, coi trọng và vận dụng quy luật giá trị, chấp nhận thị trường tự do về lương thực.

Đồng chí Lê Duẩn đau lòng trước những cách làm cực đoan của một số đồng chí có trách nhiệm trong cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam sau giải phóng.

Đợt cải cách giá và lương lần thứ nhất năm 1981 - 1982 đã điều chỉnh tăng giá, tăng lương, giảm mặt hàng cung cấp theo tem phiếu, chuyển phần lớn giá cung cấp sang giá kinh doanh thương nghiệp. Sâu sát nắm bắt, nghiên cứu thực tiễn, khi ở tỉnh Long An xuất hiện cách làm mạnh dạn bỏ tem phiếu, thương nghiệp tỉnh được tự do bán lương thực, thực phẩm theo giá thỏa thuận, đồng chí Lê Duẩn đã trực tiếp nghe lãnh đạo tỉnh Long An báo cáo kinh nghiệm và đánh giá đó là một sáng tạo, cần phổ biến, thực hiện trong toàn quốc.

Tiến lên một bước mới, Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 6.1985 đã quyết định dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN, với khâu đột phá là xóa bỏ quan liêu, bao cấp trong giá - lương - tiền.

Chủ trương như vậy là hoàn toàn đúng đắn nhưng rất tiếc, quá trình tổ chức thực hiện đã gặp khó khăn và mắc sai lầm: Tiến hành nóng vội cả ba việc đổi tiền, tổng điều chỉnh giá và lương với mức độ lớn [10 lần] trong một thời gian ngắn khi chưa chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt [hàng hóa, nguyên liệu, tài chính], kế hoạch đổi tiền lại bị lộ sớm, hệ quả là gây sốc cho nền kinh tế. Từ tình hình như vậy đã nảy sinh một số ý kiến hoài nghi chiều hướng đổi mới kinh tế đã mở ra và cho rằng, cần xem xét lại một cách cơ bản Nghị quyết Trung ương lần thứ 8.

Nhưng Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 5.1986 đã khẳng định Nghị quyết Trung ương 8 là đúng đắn và Đảng Cộng sản Việt Nam về sau vẫn kiên trì đẩy mạnh đổi mới trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ theo định hướng Nghị quyết Trung ương 8 vạch ra và đã thành công. Điều đó cho thấy, Nghị quyết Trung ương 8 đã đánh dấu bước đột phá quan trọng trong đổi mới tư duy kinh tế của Đảng.

Tư tưởng đổi mới của đồng chí Lê Duẩn xuất hiện khá sớm. Đó là tư tưởng độc lập, tự chủ, sáng tạo xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từng bước thoát ra và tiến tới xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa kiểu cũ vốn bao trùm cả phe XHCN. Đó là tư tưởng dám đổi mới, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm để tìm cách vượt lên chính mình, nhạy bén điều chỉnh cách làm và bước đi cho phù hợp thực tiễn, phát hiện.

Tư tưởng duy trì kinh tế nhiều thành phần ở miền Nam đã xuất hiện rất sớm ở Hội nghị Trung ương lần thứ 24, tháng 9.1975 nhưng đã không được thực hiện đầy đủ và phát triển hoàn chỉnh.

Chúng ta thấy rất rõ, Đại hội Đảng lần thứ VI là bước ngoặt trong công cuộc phục hưng và xây dựng đất nước. Đại hội quyết định đường lối đổi mới và đường lối đó đi vào cuộc sống nhanh, không những vì nó đúng mà nó còn được chuẩn bị trước đó không chỉ về mặt tư duy mà cả về mặt điều kiện vật chất. Không có những việc thử nghiệm từ năm 1979 đến năm 1985, không có nhu cầu từ cuộc sống đầy khó khăn thì không thể có đổi mới.

Đồng chí Lê Duẩn có tầm nhìn xa chỉ ra, nền công nghiệp đó vẫn được thừa hưởng trữ năng dồi dào của thủy điện sông Đà và dầu khí Vũng Tàu, những công trình thể hiện tầm nhìn chiến lược công nghiệp hóa của đồng chí Lê Duẩn. Đó chính là chân lý vượt thời gian của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Chủ Đề