Chỉ mục trong hồ sơ kiểm toán mẫu vacpa năm 2024

Chương trình Kiểm toán mẫu dành cho các cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính đã được VACPA ban hành bản cập nhật lần 3 (năm 2019) thay thế cho 2 phiên bản trước đó (năm 2016, năm 2013..).

Bản cập nhật lần thứ 3 được cập nhật trên cơ sở các văn bản pháp luật liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính, bao gồm các Chuẩn mực kiểm toán, tham khảo các tài liệu “Hướng dẫn sử dụng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế trong kiểm toán đơn vị nhỏ và vừa” của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), Chương trình kiểm toán mẫu của Viện Kế toán Công chứng Singapore (ISCA) và các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của một số nước trên thế giới, và các tài liệu do các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp.

Bản cập nhật lần 3 được cập nhật, bổ sung tập trung vào phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, thể hiện mối liên kết rõ ràng hơn giữa các giai đoạn đánh giá rủi ro và biện pháp xử lý rủi ro và tổng hợp, kết luận, lập báo cáo.

Chương trình kiểm toán mẫu này hướng dẫn kiểm toán BCTC cho doanh nghiệp độc lập thuộc ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ. Các doanh nghiệp kiểm toán có thể dựa vào Chương trình kiểm toán mẫu này để phát triển cho các cuộc kiểm toán của các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau không phụ thuộc nhiều vào công nghệ thông tin.

“Chương trình Kiểm toán mẫu” được Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) xây dựng và ban hành năm 2010, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam”.

Chương trình Kiểm toán mẫu đã đưa ra các thủ tục kiểm toán chi tiết và cụ thể, dựa trên các quy định của Chuẩn mực Kiểm toán (CMKT) Việt Nam, nhằm giúp các công ty kiểm toán (CTKT), đặc biệt là các CTKT vừa và nhỏ tiết kiệm được thời gian, chi phí kiểm toán và có thể kiểm soát được chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của mình. Tuy nhiên, hiện nay nhiều CTKT vừa và nhỏ vẫn chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán và các bước công việc trong từng giai đoạn của quy trình kiểm toán BCTC theo như hướng dẫn trong Chương trình Kiểm toán mẫu. Từ đó, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của cuộc kiểm toán.

Trong nội dung bài nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ đi sâu phân tích những hạn chế trong việc vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu của một số CTKT vừa và nhỏ. Qua đó, mạnh dạn đề xuất một số giải pháp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán BCTC, minh bạch hóa thông tin và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Từ khóa: Chương trình Kiểm toán mẫu, công ty vừa và nhỏ, chất lượng kiểm toán.

Abstract

The model audit program was developed and issued by the Vietnam Association of Certified Public Accountants (VACPA) in 2010 within the framework of the project “Strengthening the capacity of the Vietnam Association of Certified Public Accountants”. The model audit program has provided detailed and specific audit procedures based on the provisions of Vietnam Auditing Standards to help audit companies (especially small and medium audit companies) Save time, audit costs and be able to control the quality of your financial statement audit activities. However, currently many small and medium-sized auditing companies have not yet fully implemented the audit procedures and work steps in each stage of the financial statement audit process according to the instructions in the sample audit program from That affected the quality and effectiveness of the audit. In this research article, the authors will deeply analyze the limitations in applying sample audit programs of a number of small and medium-sized auditing companies and then boldly propose a number of solutions to contribute part in improving the quality of financial statement audits, making information transparent and promoting economic development.

Keywords: sample audit program, small and medium auditing company, audit quality.

JEL Classifications: M40, M42, M49.

  1. Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế thị trường, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp có vị trí và vai trò rất quan trọng. Hiệp hội nghề nghiệp là cầu nối quan trọng giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và xã hội. Trong khi, cơ quan quản lý Nhà nước tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, thì các tổ chức nghề nghiệp sẽ hỗ trợ tuyên truyền và phổ biến pháp luật, đào tạo và cập nhật kiến thức và tư vấn chuyên môn giúp pháp luật được thực thi hiệu quả.

Nhằm giúp các CTKT nâng cao chất lượng và hiệu quả khi thực hiện cuộc kiểm toán BCTC, VACPA đã thông qua sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB) để nghiên cứu và soạn thảo thành công “Chương trình Kiểm toán mẫu”. Chương trình Kiểm toán mẫu được đưa ra để lấy ý kiến các chuyên gia, từ cuối năm 2009 và năm 2010. Qua rất nhiều lần sửa đổi và điều chỉnh thông qua các buổi họp, hội nghị và hội thảo do VACPA tổ chức và đồng tổ chức, ngày 01/10/2010 VACPA đã ký quyết định ban hành “Chương trình Kiểm toán mẫu”, chương trình này hiện được áp dụng ở nhiều CTKT vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Bên cạnh các CTKT lớn thì các CTKT vừa và nhỏ cũng đã khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, không thể thiếu của mình trong nền kinh tế thị trường. Các CTKT này đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển lớn mạnh của kiểm toán độc lập, giúp minh bạch hóa thông tin và làm lành mạnh các quan hệ tài chính – tiền tệ trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Hiện nay, số lượng các CTKT vừa và nhỏ đang chiếm tỷ lệ cao ở nước ta, chiếm tới 80%. Mặc dù, nhu cầu được kiểm toán của khách hàng ngày càng lớn nhưng sự gia tăng nhanh chóng về mặt số lượng các CTKT đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các CTKT (đặc biệt là giữa những CTKT nhỏ và vừa). Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển, các CTKT cần nâng cao uy tín và thương hiệu của mình trên thị trường kiểm toán, bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp. Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, là phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán và các bước công việc trong từng giai đoạn của quy trình kiểm toán BCTC, theo như hướng dẫn trong Chương trình Kiểm toán mẫu do VACPA ban hành.

Bài viết mô tả thực trạng vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong kiểm toán BCTC của các CTKT vừa và nhỏ. Từ đó, đưa ra một số giải pháp cho các CTKT vừa và nhỏ để việc cung cấp dịch vụ đạt chất lượng và hiệu quả hơn.

  1. Khái quát chung về Chương trình Kiểm toán mẫu

Trong lĩnh vực kiểm toán để đảm bảo và nâng cao chất lượng của cuộc kiểm toán nói chung và cuộc kiểm toán BCTC nói riêng, thì các CTKT cần tự xây dựng chương trình kiểm toán hay áp dụng chương trình kiểm toán của tổ chức kiểm toán quốc tế (nếu là thành viên của Hãng Kiểm toán quốc tế) hoặc vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu do các hiệp hội nghề nghiệp ban hành.

Tại Việt Nam, Chương trình Kiểm toán mẫu được VACPA ban hành vào tháng 10/2010 theo Quyết định số 1089/QĐ-VACPA, với mục đích góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của các CTKT và tăng cường sự tuân thủ các yêu cầu của CMKT. Đồng thời, làm cơ sở cho việc đào tạo, cập nhật và kiểm tra chất lượng dịch vụ hàng năm của hội viên VACPA. Trên cơ sở tuân thủ các quy định của CMKT quốc tế và CMKT Việt Nam, bộ Chương trình Kiểm toán mẫu là tài liệu xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán cần thiết, để thực hiện một cuộc kiểm toán BCTC năm cho loại hình doanh nghiệp sản xuất và thương mại, nhưng không nhằm mục đích thay thế các CMKT quốc tế, CMKT Việt Nam và các hướng dẫn có liên quan.

Chương trình Kiểm toán mẫu hướng dẫn đầy đủ các bước công việc cần thực hiện, dựa trên yêu cầu của các CMKT. Có thể định nghĩa Chương trình Kiểm toán mẫu, như sau: “Chương trình Kiểm toán mẫu áp dụng cho kiểm toán BCTC là công cụ giúp các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện cuộc kiểm toán theo các quy định của CMKT nhằm đảm bảo chất lượng của cuộc kiểm toán”.

Chương trình Kiểm toán mẫu đưa ra quy trình kiểm toán BCTC, gồm 03 giai đoạn: Lập kế hoạch – Thực hiện kiểm toán – Tổng hợp, kết luận và lập báo cáo. Trong đó, trong từng giai đoạn lại bao gồm nhiều bước công việc, trong từng bước công việc bao gồm nhiều thủ tục kiểm toán cần thực hiện. Những thủ tục nêu trong bộ CMKT này là những thủ tục mà các chuyên gia cho rằng đặc biệt quan trọng và khuyến nghị kiểm toán viên (KTV) và CTKT nên thực hiện đầy đủ trong mỗi cuộc kiểm toán. KTV cần cân nhắc kỹ lưỡng và phải giải thích được cơ sở của việc từ bỏ áp dụng bất kỳ thủ tục nào trong số các thủ tục đã nêu trong bộ Chương trình Kiểm toán mẫu này. Tuy nhiên, các thủ tục đã nêu chưa phải là toàn bộ các thủ tục cần áp dụng trong một cuộc kiểm toán. Trong suốt quá trình lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán, KTV và CTKT phải thường xuyên thực hiện những xét đoán chuyên môn để đưa ra các thủ tục sửa đổi, bổ sung Chương trình Kiểm toán mẫu này cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cuộc kiểm toán và đối tượng khách hàng cụ thể.

  1. Thực trạng vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong kiểm toán BCTC của các CTKT vừa và nhỏ

Để thu thập thông tin và số liệu phục vụ cho việc mô tả thực trạng, nhóm tác giả tiến hành phỏng vấn sâu các lãnh đạo, KTV và trợ lý kiểm toán của một số CTKT vừa và nhỏ, xem xét hồ sơ kiểm toán. Đồng thời, nhóm tác giả tiến hành gửi phiếu khảo sát đến một số CTKT và tổng hợp kết quả khảo sát đã nhận được. Trong khuôn khổ của bài viết, nhóm tác giả tóm tắt kết quả khảo sát những bước công việc chính trong quy trình kiểm toán BCTC thu được, như sau:

3.1. Thực trạng vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán

Tìm hiểu khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các CTKT đã chú trọng đến việc tìm hiểu khách hàng trước khi chấp nhận khách hàng để giảm thiểu rủi ro hợp đồng. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ kiểm toán cho thấy, một số CTKT thực hiện bước công việc này còn sơ sài và mang tính hình thức, vì vậy chưa thu thập được đầy đủ thông tin để đánh giá rủi ro hợp đồng đã chấp nhận khách hàng ngay.

Liên hệ với KTV tiền nhiệm

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các CTKT đều gửi thư cho KTV tiền nhiệm để thu thập thông tin. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn cho thấy, đa số các CTKT đều không nhận được phản hồi của KTV tiền nhiệm, hoặc có nhận được phản hồi nhưng thường sau thời gian dài.

Ký kết hợp đồng

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% các CTKT đều thực hiện ký kết hợp đồng trước khi đi vào lập kế hoạch kiểm toán và tiến hành thực hiện kiểm toán.

Ký cam kết về tính độc lập

Kết quả khảo sát và xem xét hồ sơ kiểm toán cho thấy, 100% các CTKT đều ký cam kết về tính độc lập trước khi tham gia cuộc kiểm toán.

Thủ tục soát xét về tính độc lập

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các công ty đều tiến hành các thủ tục soát xét về tính độc lập và tiến hành các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu rủi ro hợp đồng.

Tìm hiểu về đơn vị và môi trường hoạt động của đơn vị

Khảo sát cho thấy, 100% các CTKT đều tiến hành tìm hiểu những yếu tố bên ngoài tác động lên đơn vị được kiểm toán. Vì đây là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lên môi trường làm việc, rủi ro kinh doanh và kết quả kinh doanh của đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ kiểm toán nhóm nghiên cứu nhận thấy tại một số CTKT việc thực hiện thủ tục này còn sơ sài và mang tính hình thức.

Phân tích sơ bộ BCTC

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% các CTKT đều thực hiện phân tích sơ bộ BCTC, nhưng mức độ thực hiện có sự khác nhau giữa các CTKT. Qua xem xét hồ sơ kiểm toán, một số CTKT thực hiện thủ tục phân tích còn sơ sài, chủ yếu chỉ phân tích xu hướng, chưa chú trọng phân tích các tỷ suất (mới phân tích được một số tỷ suất lợi nhuận và cơ cấu vốn). Đồng thời, chưa tiến hành phân tích và đánh giá các nguyên nhân gây ra sự biến động một cách chi tiết, dẫn đến thủ tục phân tích chưa hỗ trợ nhiều cho KTV trong việc đánh giá rủi ro.

Đánh giá chung về hệ thống KSNB và rủi ro gian lận

Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả các CTKT đều thực hiện bước tìm hiểu về hệ thống KSNB để đánh giá rủi ro kiểm soát. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ kiểm toán nhóm nghiên cứu nhận thấy, KTV mới tìm hiểu và đánh giá về hiệu lực của hệ thống KSNB, chưa chú trọng tìm hiểu và đánh giá rủi ro gian lận trên BCTC.

Tổng hợp kết quả đánh giá rủi ro và xác định mức trọng yếu

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% các CTKT đều thực hiện tổng hợp kết quả xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu sau khi tìm hiểu về khách hàng, môi trường kinh doanh, hệ thống kiểm soát nội bộ và phân tích sơ bộ BCTC của khách hàng. Tuy nhiên, khi xem xét hồ sơ kiểm toán nhóm nghiên cứu nhận thấy, mức độ thực hiện có sự khác nhau giữa các CTKT. Tại hầu hết các CTKT vừa và nhỏ, KTV không xác định mức trọng yếu chi tiết cho từng bộ phận và khoản mục trên BCTC mà sử dụng mức trọng yếu thực hiện và ngưỡng sai sót, có thể bỏ qua cho tất cả các bộ phận và khoản mục trên BCTC.

3.2. Thực trạng vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong giai đoạn thực hiện kiểm toán

Thực hiện thử nghiệm kiểm soát

Qua xem xét hồ sơ kiểm toán, nhóm nghiên cứu nhận thấy, tại một số CTKT KTV đã chú trọng đến việc thực hiện các thử nghiệm kiểm soát để giảm bớt khối lượng các thử nghiệm cơ bản. Bên cạnh đó, tại một số CTKT việc thực hiện thử nghiệm kiểm soát còn sơ sài và mang tính hình thức; chưa kiểm tra đầy đủ các cơ sở dẫn liệu tương ứng với các mục tiêu kiểm soát trong từng hoạt động kiểm soát của khách hàng có đảm bảo không; chưa làm rõ được các thủ tục kiểm soát nào chưa được thiết kế hoặc đã được thiết kế nhưng không hữu hiệu và chưa nêu rõ được các khiếm khuyết trong hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng.

Kiểm tra chi tiết nghiệp vụ, số dư và thông tin thuyết minh trên BCTC

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% các CTKT đều thực hiện thủ tục kiểm tra chi tiết nghiệp vụ, số dư và thông tin thuyết minh trên BCTC.

Kết quả phỏng vấn KTV cho thấy, giữa các nhóm kiểm toán khác nhau trong cùng một CTKT thì mức độ thực hiện thủ tục kiểm tra chi tiết cũng khác nhau, vì phụ thuộc vào xét đoán chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của KTV. Khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chi tiết, KTV thường áp dụng các kỹ thuật kiểm toán sau: Kiểm tra vật chất (chứng kiến kiểm kê) để đảm bảo sự hiện hữu của tài sản; kiểm tra tài liệu (kiểm tra từ chứng từ vào sổ sách và kiểm tra từ sổ sách ra chứng từ) để đảm bảo các nghiệp vụ kinh tế phát sinh không bị ghi thiếu hoặc ghi khống; tính toán lại để đảm bảo tính chính xác, hợp lý của nghiệp vụ và số dư; gửi thư xác nhận (đối với các khoản công nợ phải thu, phải trả), để đảm bảo đơn vị được kiểm toán đã phản ánh đúng quyền của đơn vị đối với những khoản phải thu và nghĩa vụ của đơn vị đối với những khoản nợ phải trả.

3.3. Thực trạng vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong giai đoạn tổng hợp, kết luận và lập báo cáo

Tổng hợp kết quả kiểm toán

Kết quả khảo sát cho thấy, 100% các CTKT đều tiến hành tổng hợp kết quả kiểm toán. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ kiểm toán cho thấy, mức độ soát xét giấy tờ làm việc tại các CTKT khác nhau có sự khác nhau, cụ thể như: tại một số CTKT, việc soát xét giấy tờ làm việc của KTV và các trợ lý kiểm toán được thực hiện thường xuyên, liên tục và ngay trong ngày, hoặc trong giai đoạn thực hiện kiểm toán và ở giai đoạn kết thúc kiểm toán. Vì vậy, đã giúp trưởng nhóm kiểm toán phát hiện những vấn đề bất cập một cách kịp thời. Từ đó, yêu cầu trợ lý kiểm toán thực hiện bổ sung các thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Bên cạnh đó, tại một số CTKT, việc soát xét giấy tờ làm việc của các KTV, trợ lý kiểm toán không được thực hiện thường xuyên ngay trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, mà đến giai đoạn kết thúc kiểm toán, các thành viên của đoàn kiểm toán mới chuyển giấy tờ làm việc và các bút toán đề nghị điều chỉnh đến cho trưởng nhóm.

Phân tích tổng thể BCTC sau kiểm toán

Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả các CTKT đều thực hiện phân tích tổng thể BCTC sau kiểm toán, tuy nhiên mức độ thực hiện có sự khác nhau giữa các CTKT. Qua xem xét hồ sơ kiểm toán cho thấy, một số CTKT đã chú trọng thực hiện phân tích xu hướng và phân tích tỷ suất của BCTC sau khi đã điều chỉnh; còn tại một số CTKT, KTV mới chỉ chú trọng đến việc phân tích xu hướng mà không thực hiện phân tích tỷ suất.

Đánh giá lại rủi ro và mức trọng yếu

Qua xem xét hồ sơ kiểm toán cho thấy, chỉ có một CTKT thực hiện đầy đủ bước công việc này; còn một số CTKT thực hiện bước công việc này còn sơ sài; có CTKT không thấy có giấy tờ làm việc minh họa cho bước công việc đánh giá lại rủi ro và xác định lại mức trọng yếu.

  1. Đánh giá thực trạng vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong kiểm toán BCTC của các CTKT vừa và nhỏ

4.1. Đánh giá thực trạng

4.1.1 Ưu điểm

Nhìn chung, quy trình kiểm toán BCTC của các CTKT (được khảo sát), đã được xây dựng theo hướng dẫn của VACPA. Có thể thấy, các quy trình kiểm toán mà các CTKT đang áp dụng đều tuân thủ CMKT Việt Nam và các quy định pháp lý về kiểm toán có liên quan và đều đảm bảo giúp KTV thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, khi thực hiện đầy đủ các bước công việc trong quy trình kiểm toán.

4.1.2. Hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm mà các CTKT đã đạt được khi vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong cuộc kiểm toán BCTC nêu trên còn tồn tại một số hạn chế, như sau:

Một là, hạn chế trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán: một số bước công việc như tìm hiểu khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng; liên hệ với KTV tiền nhiệm, tìm hiểu về đơn vị và môi trường hoạt động của đơn vị; tìm hiểu về hệ thống KSNB và đánh giá rủi ro gian lận; thực hiện thủ tục phân tích sơ bộ; đánh giá rủi ro và xác định mức trọng yếu tại một số CTKT thực hiện còn sơ sài, mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo hướng dẫn trong Chương trình Kiểm toán mẫu.

Hai là, hạn chế trong giai đoạn thực hiện kiểm toán: tại một số CTKT, việc thực hiện một số bước công việc như thực hiện thử nghiệm kiểm soát (khảo sát chi tiết về kiểm soát) và kiểm tra chi tiết nghiệp vụ, số dư tài khoản còn sơ sài, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo hướng dẫn trong Chương trình Kiểm toán mẫu. Vì vậy, chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để rút ra kết luận cho tổng thể BCTC.

Ba là, hạn chế trong giai đoạn tổng hợp, kết luận và lập báo cáo: tại một số CTKT còn tồn tại hạn chế ở khâu soát xét giấy tờ làm việc của các thành viên nhóm kiểm toán. Bên cạnh đó, chưa chú trọng thực hiện phân tích lại BCTC sau điều chỉnh và chưa thực hiện đánh giá lại rủi ro, xác định lại mức trọng yếu ở giai đoạn kết thúc kiểm toán theo hướng dẫn trong Chương trình Kiểm toán mẫu.

4.1.3. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:

– Thứ nhất, các nguyên nhân chủ quan

Một số CTKT nhỏ còn gặp hạn chế về số lượng KTV, không có hoặc không đủ số lượng KTV có thâm niên hoặc có chuyên môn cao để có thể thực hiện nhanh chóng và đầy đủ các bước công việc trong từng giai đoạn của cuộc kiểm toán.

Ngoài ra, việc đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho KTV, trợ lý kiểm toán tại một số CTKT còn một số hạn chế, như: chưa bài bản, hệ thống, mới chỉ mang tính chất kèm cặp và hướng dẫn lẫn nhau là chủ yếu. Bên cạnh đó, một số CTKT chỉ đào tạo cho các trợ lý kiểm toán các kiến thức về kiểm toán BCTC nói chung, không đào tạo chuyên sâu vào các lĩnh vực cụ thể.

– Thứ hai, các nguyên nhân khách quan

+ Về phía các cơ quan chức năng: hiện nay, sự quản lý của các cơ quan chức năng đối với hoạt động kiểm toán độc lập vẫn còn lỏng lẻo, hoạt động kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán (ngoại kiểm) được tiến hành hàng năm, nhưng mới chỉ kiểm soát được một phần nhỏ các CTKT (khoảng 5% đến 10% các CTKT), phạm vi và mức độ kiểm soát còn hạn chế. Chính vì vậy, một số CTKT không thực hiện đầy đủ các bước công việc và các thủ tục kiểm toán cần thiết trong các giai đoạn của quy trình kiểm toán BCTC theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu nhưng chưa bị cơ quan chức năng phát hiện ra. Ngoài ra, có những trường hợp mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện ra sai phạm của KTV và CTKT, nhưng hình thức xử phạt chưa phù hợp nên chưa đủ sức răn đe.

+ Về phía hiệp hội nghề nghiệp: hiện nay các hội viên tổ chức và hội viên cá nhân của VACPA chưa được hỗ trợ nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ từ phía VACPA. Các CTKT và các KTV ít khi xin tư vấn trực tiếp về các vấn đề liên quan đến kế toán, kiểm toán, tài chính thực tế phát sinh khi tiến hành kiểm toán cho khách hàng từ VACPA, mà việc hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ của VACPA mới chỉ dừng lại ở việc cập nhật kiến thức hàng năm cho các KTV qua các lớp học bắt buộc. Ngoài ra, mặc dù VACPA đã ban hành Chương trình Kiểm toán mẫu nhưng bộ chương trình này được soạn thảo trên giác độ chung nhất, chưa có hướng dẫn riêng cho kiểm toán BCTC một số lĩnh vực cụ thể như: xây lắp, khai khoáng,…

+ Về phía các CTKT: với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các CTKT dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các CTKT không chỉ về chất lượng dịch vụ mà các công ty này cung cấp mà còn về giá phí kiểm toán. Trên thị trường dịch vụ kiểm toán, một số CTKT đã lựa chọn chính sách cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng cách hạ giá phí kiểm toán xuống, thậm chí có công ty còn hạ giá phí một cách bất hợp lý nhằm ký được hợp đồng kiểm toán. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến bảng phí dịch vụ của các CTKT khác, như nhiều công ty cũng buộc phải hạ giá phí xuống một mức phí kiểm toán tương thích với mức phí trên thị trường. Với mức phí kiểm toán thấp, dẫn đến một số CTKT đã chấp nhận bỏ qua một số bước công việc hoặc bỏ qua một số thủ tục kiểm toán trong quy trình kiểm toán theo Chương trình Kiểm toán mẫu, thu hẹp phạm vi kiểm toán và rút ngắn thời gian kiểm toán, nhằm giảm chi phí kiểm toán, đảm bảo mục tiêu lợi nhuận mà công ty đặt ra.

  1. Một số giải pháp nâng cao việc vận dụng Chương trình Kiểm toán mẫu trong kiểm toán BCTC của các CTKT vừa và nhỏ

Hiện nay, việc thực hiện các thủ tục kiểm toán ở từng bước công việc trong từng giai đoạn của quy trình kiểm toán BCTC tại một số nhóm kiểm toán trong một số CTKT còn tồn tại những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, trong thời gian tới, một số CTKT vừa và nhỏ cần chú trọng thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán trong từng bước công việc của quy trình kiểm toán một cách khoa học và hợp lý hơn, giúp KTV vừa đảm bảo tuân thủ các quy định của CMKT, vừa giúp KTV thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán. Từ đó, giúp đảm bảo chất lượng và hiệu quả cuộc kiểm toán.

Ví dụ như: (1) Chú trọng tìm hiểu về khách hàng và đánh giá rủi ro hợp đồng theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu; (2) Liên hệ với KTV tiền nhiệm theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu; (3) Chú trọng tìm hiểu về đơn vị và môi trường hoạt động của đơn vị (đặc biệt là môi trường hoạt động bên ngoài) theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu; (4) Thực hiện đầy đủ thủ tục phân tích sơ bộ BCTC theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu; (5) Thực hiện đầy đủ thủ tục đánh giá rủi ro và xác định mức trọng yếu theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu; (6) Chú trọng thực hiện thử nghiệm kiểm soát theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu; (7) Soát xét giấy tờ làm việc thường xuyên, ở cả giai đoạn thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán; (8) Chú trọng phân tích soát xét tổng thể BCTC sau điều chỉnh theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu và (9) Thực hiện đầy đủ thủ tục đánh giá lại rủi ro và xác định lại mức trọng yếu theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu.

Để thực hiện được những giải pháp nêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giữa các bên, bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính), VACPA, các KTV và CTKT.

  1. Kết luận

Hiện nay, chất lượng kiểm toán BCTC của các CTKT nói chung và chất lượng kiểm toán BCTC của các CTKT vừa và nhỏ nói riêng, còn tồn tại những hạn chế nhất định. Một trong những giải pháp đảm bảo chất lượng kiểm toán, là các CTKT cần chú trọng, nâng cao hơn nữa việc thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán ở các bước công việc trong quy trình kiểm toán BCTC theo hướng dẫn của Chương trình Kiểm toán mẫu. Từ đó, góp phần làm minh bạch thông tin, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng. Tuy nhiên, các thủ tục được nêu trong Chương trình Kiểm toán mẫu chưa phải là toàn bộ các thủ tục cần áp dụng trong một cuộc kiểm toán. Trong suốt quá trình lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán, KTV và CTKT phải thường xuyên thực hiện những xét đoán chuyên môn để đưa ra các thủ tục sửa đổi và bổ sung các thủ tục kiểm toán (có thể cắt bớt hoặc bổ sung thêm thủ tục kiểm toán) cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cuộc kiểm toán và đối tượng khách hàng cụ thể