Có bao nhiêu di sản vật thể?

Hiện nay, Việt Nam có 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong đó, có 5 di sản văn hóa [quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, thành nhà Hồ]; 2 di sản thiên nhiên [vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng] và 1 di sản hỗn hợp [quần thể danh thắng Tràng An].

Các di sản này không chỉ là minh chứng cho một đất nước Việt Nam tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc, có bề dày lịch sử mà còn là những điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.

1. Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới

Nằm dọc hai bên bờ sông Hương và một số vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, quần thể di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận [tháng 12 năm 1993].

Từ năm 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hóa có giá trị như kinh thành Huế, khu Đại Nội [có 253 công trình], 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua Nguyễn, đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Hòn Chén. Quần thể Di tích Cố đô Huế là ví dụ điển hình của một kinh đô phong kiến phương Đông.

Cổng Ngọ Môn, một trong những biểu tượng của Cố đô Huế.

Nổi bật trong quần thể di tích cố đô Huế là ba tòa thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành được bố trí đăng đối xuyên suốt trên một trục Nam - Bắc. Hệ thống thành quách, cung điện ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc phương Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh...

Một góc Lăng Khải Định [khu lăng mộ của vị vua thứ 12 triều Nguyễn - Khải Định]

Xa xa về phía Tây của Kinh thành, hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt. Ngày nay, cố đô Huế vẫn còn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

2. Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới

Phố cổ Hội An được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới tại Hội nghị lần thứ 23 Ủy ban Di sản Thế giới tại Marrakesh, Morocco, ngày 01/12/1999.

Hội An luôn là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và thế giới

 [Ảnh: City Pass Guide]

Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm bên bờ sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam.

Khi xưa nơi đây đã có một thời nổi tiếng trên thương trường quốc tế với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia… đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng và là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đổ chính của thương thuyền vùng Viễn Đông. Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hóa với các nước phương Đông và phương Tây.

Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An

Trải qua nhiều thế kỷ, các món ăn truyền thống, phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng vẫn được lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những ngôi làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, nơi phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống như mộc, làm đồ đồng, gốm…

Phố cổ Hội An thu hút rất đông khách đến tham quan, du lịch.

3. Di tích Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới

Khu Di tích Thánh địa Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới tại Hội nghị lần thứ 23 Ủy ban Di sản Thế giới tại Marrakesh, Morocco ngày 01/12/1999 với tiêu chí [ii] là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa, và tiêu chí [iii] phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là tổ hợp nhiều đền đài Chămpa nằm trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh là đồi núi.

Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa do Vua Bhadravarman cho xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4 để thờ thần Siva. Các triều vua sau đó đều cho tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để thờ các vị thần. Thánh địa là nơi tổ chức cúng tế và là nơi tập trung các lăng mộ của các vị hoàng thân quốc thích của vương triều.

Khu đền tháp Mỹ Sơn được phát hiện vào năm 1885. Trong số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam, riêng Mỹ Sơn có khoảng 70 đền tháp, 32 bia ký tồn tại ở dạng này hay dạng khác.

Mặc dù có sự tiếp nhận sâu sắc văn hóa Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển, tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng khẳng định đã tạo cho loại hình nghệ thuật điêu khắc Chăm ở Mỹ Sơn vẻ độc đáo, sức hẫp dẫn kỳ lạ, thể hiện sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt...

4. Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội - Di sản văn hóa thế giới

Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới ngày 31/7/2010.

Hoàng thành Thăng Long.

Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội có tổng diện tích 18,395 ha, bao gồm: khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Giá trị của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội. Kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong hoàng cung qua nhiều thời kỳ.

Ngoài ra, nhiều tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á... được tìm thấy ở đây là bằng chứng cho thấy Thăng Long đã từng là trung tâm giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại.

5. Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới

Di tích Thành nhà Hồ [tỉnh Thanh Hóa] được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Pháp.

Thành Nhà Hồ là một di tích lịch sử quan trọng.

Thành nhà Hồ là tòa thành bằng đá độc đáo nằm giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407 do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397.

Thành Nhà Hồ là công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.

Cận cảnh một đoạn tượng thành nội còn nguyên vẹn. Thành Nhà Hồ hiện được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới.

Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

6. Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới

Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, vịnh Hạ Long có tổng diện tích 1553 km2 với 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2 gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ [phía Tây], hồ Ba Hầm [phía Nam] và đảo Cống Tây [phía Đông].

Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Là nơi chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng cùng nhiều hang động kỳ thú tạo thành một quần thể vừa sinh động vừa huyền bí.

Vịnh Hạ Long nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp. Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở vùng phía Đông Nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long. Quá trình Karst bào mòn, phong  hóa tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng hàng nghìn loài động thực vật phong phú, đa dạng. Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa - lịch sử hào hùng của dân tộc. Đến Hạ Long, du khách cũng sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp bình dị và những giá trị văn hóa phi vật thể toát ra từ cuộc sống của những ngư dân tại các làng chài.

Hệ thống hang động ở Hạ Long rất đẹp và phong phú như: động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt,...

Không chỉ là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận 2 lần [năm 1994 và 2000], vịnh Hạ Long còn được bình chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới và luôn nằm trong danh sách những vịnh đẹp nhất trên thế giới cho đến nay.

7. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới tại Hội nghị lần thứ 27 Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, Pháp ngày 03/7/2003.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên vào năm 2003.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa tỉnh Quảng Bình có diện tích khoảng 200.000 ha. Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha - Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ.

Phong Nha - Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu. Các giai đoạn kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp của vỏ trái đất từ 400 triệu năm trước đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích bị sụt lún.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên với một hệ thống hang động hùng vĩ như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước. Tại đây, vào tháng 4 năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới [cao 200m, rộng 150m, dài ít nhất 8,5km]. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có hệ thống động thực vật đa dạng, trong số đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.

Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.

8. Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới

Quần thể Danh thắng Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Với diện tích 6.172 ha nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình, quần thể danh thắng Tràng An bao gồm các khu vực liền kề nhau là di tích cố đô Hoa Lư, quần thể hang động Tràng An, khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.

Quần thể Danh thắng Tràng An, Ninh Bình

Nằm trên bờ phía Nam của đồng bằng sông Hồng, Tràng An là một cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tạo dựng với rất nhiều thung lũng, một số chìm trong nước, và bao quanh bởi những vách đá dốc, gần như thẳng đứng.

Tại đây, qua việc khám phá một số hang động cao nhất, người ta đã phát hiện những bằng chứng khảo cổ học liên quan đến hoạt động của con người có niên đại khoảng 30.000 năm. Những vết tích này minh họa cho sự chiếm đóng tập trung của con người săn bắn - hái lượm và sự thích ứng của họ đối với sự biến đổi khí hậu và môi trường. Khu vực Di sản bao gồm Hoa Lư - cố đô của Việt Nam [thế kỷ thứ X và XI], đền, chùa, những cánh đồng lúa, làng mạc và những nơi linh thiêng.

Cố đô Hoa Lư - 1 trong 4 lõi quần thể di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình

Đến Tràng An, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi hiện ra trước mắt là bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên đa dạng. Được ví như “Hạ Long trên cạn”, quần thể danh thắng Tràng An hấp dẫn bởi hệ thống động xuyên thủy nối liền các thung ngập nước như một trận đồ bát quái vừa kỳ ảo vừa biến hóa khôn lường.

Bên cạnh đó, quần thể danh thắng Tràng An còn có nhiều điểm du lịch văn hóa hấp dẫn khác như: cố đô Hoa Lư, khu núi chùa Bái Đính, các đình, đền, chùa.../.

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

Ảnh: Sưu tầm

Nguồn: //kinhtemoitruong.vn/ve-dep-me-hon-cua-8-di-san-thien-nhien-va-van-hoa-the-gioi-tai-viet-nam-13956.html

Chủ Đề