Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Phương Anh

(TNO) "Đây mới là đỉnh của đỉnh, giọng ca của Phương Anh đã khiến những người đàn ông như tôi không cầm được nước mắt..." là lời khen tặng mà cư dân mạng dành cho Phương Anh, thí sinh 15 tuổi với bài hát sôi động Let's dance trong tập 9 chương trình Vietnam's Got Talent phát trên VTV3 đêm 26.2.

>> “Thiên thần” 9 tuổi


>> Sốt với tài năng nhí cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt
>> Người trẻ giữa chốn thị phi
>> Ban tổ chức Vietnam’s Got Talent phản hồi về "sự kiện" Quỳnh Anh
>> Ồn ào sự kiện “sơn ca hát 6 thứ tiếng”

Tuy ngồi xe lăn, nhưng Nguyễn Thị Phương Anh, cô học trò nhỏ đến từ Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã thể hiện một giọng ca mãnh liệt đến mức khiến tất cả ban giám khảo và khán giả trong trường quay đứng cả dậy để lắc lư theo nhịp điệu sôi động của bài hát.

Sau phần trình diễn này, cựu người mẫu Thúy Hạnh, một trong ba vị giám khảo đã reo lên: "Đó là phần trình diễn xuất sắc nhất ngày hôm nay. Khi bạn hát, khuôn mặt của bạn thật rạng ngời và tôi rất thích nhìn ánh mắt của bạn khi bạn hát".

Tiếp lời Thúy Hạnh, NSƯT Thành Lộc nhận xét: "Khi hát, bạn rất quyến rũ". Phương Anh vô cùng xúc động khi nghe vậy, cô bé đáp: "Đây là lần đầu tiên có người khen em như thế".

Còn nhạc sĩ Huy Tuấn, người được cho là khó tính nhất trong ba thành viên ban giám khảo, nói: "Anh nghĩ em sinh ra là để đứng trên sân khấu và đem lại cho người xem những khoảnh khắc hạnh phúc".

Nguyễn Thị Phương Anh (15 tuổi), học lớp 10 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Phương Anh mắc bệnh xương thủy tinh và phải đi lại bằng xe lăn. Tuy nhiên, em có giọng hát rất khỏe khoắn và trong sáng. Phương Anh từng được biết đến qua cuộc thi hát tiếng Anh Let’s Get Loud của một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội.

Xương thủy tinh là bệnh tạo xương bất toàn (hay còn gọi là bệnh xương giòn). Bệnh nhân không được điều trị định kỳ sẽ dẫn đến tàn phế, hình thể cong queo, gây khó cho sinh hoạt đơn giản thông thường, thậm chí tử vong.

Ngay sau đó, cả ba vị giám khảo cùng khán giả trong trường quay hô thật to "đồng ý" để chúc mừng Phương Anh.

Lúc này, mẹ của Phương Anh cũng rơi nước mắt do quá hạnh phúc khi dõi theo từng lời ca của con gái từ bên trong cánh gà sân khấu.

Cộng đồng mạng cũng bị "hớp hồn" bởi giọng hát trong sáng, đầy mê hoặc của cô gái xương thủy tinh Phương Anh.

"Cái này mới đích thực gọi là đỉnh của đỉnh", một cư dân mạng viết.

Nhiều người bày tỏ đã không cầm được nước mắt khi xem cô học trò 15 tuổi phô diễn giọng ca trời phú trên xe lăn.

"Yêu đời lắm, ngưỡng mộ lắm lắm khi xem em Phương Anh biểu diễn. Mẹ và em gái mình đã khóc khi xem em hát. Tuyệt vời!", một bạn trẻ có nick Thangktdk52 cho biết.

Không ít người cũng nhận xét rằng phần trình diễn của Phương Anh là tiết mục gây ấn tượng nhất với họ từ đầu chương trình đến nay.

Một số blogger đánh giá Phương Anh không những có giọng hát tuyệt vời, phát âm chuẩn, mà còn có khả năng làm chủ sân khấu với lối trình diễn chuyên nghiệp và vô cùng duyên dáng.

"Nghị lực phi thường của cô bé Phương Anh khiến người ta phải thán phục và suy ngẫm. Với cá nhân tôi, em ấy là một tài năng. Tôi sẽ ủng hộ em ấy tới cùng", một người dùng YouTube viết.

Ngoài ra, giọng ca của Phương Anh cũng khiến nhiều mày râu không cầm được nước mắt.

Đoạn clip ghi lại phần dự thi của Phương Anh do ban tổ chức Vietnam's Got Talent đăng tải trên YouTube cách đây hai ngày đã thu hút gần 80.000 lượt xem. Kèm theo đó là gần 1.700 lời bình luận, hơn 5.000 người nhấn "like" và gần 30 người bày tỏ không thích.

Một đại diện của phái mạnh bày tỏ: "Bạn ấy quả thật đã làm suy sụp sự cứng rắn của một người đàn ông. Tôi đã rơi nước mắt thật sự".

Nhiều khán giả xem qua truyền hình kể họ đã không thể không nhún nhảy khi xem Phương Anh hát.

"Khuôn mặt và cách trình diễn của em ấy đã đưa mọi người vào đúng thế giới của âm nhạc", cư dân mạng có nick Lookfromcactus bình luận.

Tuy nhiên, cũng có một số người không thích giọng ca của Phương Anh. Một trong số đó đánh giá: "Giọng hát của bạn này hơi phô, nếu xét về tài năng tôi nghĩ bạn không xứng đáng vào vòng trong, nếu xét về ý chí tôi sẽ ủng hộ bạn".

Trí Quang

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Phương Anh
Nguyễn Phương Anh - "Cô gái xương thủy tinh".
Nguyễn Phương Anh hay còn được gọi là “cô bé xương thủy tinh” sinh năm 1996 tại Hà Nội. Cô mắc chứng bệnh xương thủy tinh, một chứng bệnh khiến cho xương giòn và rất dễ gãy, nên phải ngồi xe lăn, không được vận động nhiều.

Cô được nhiều người biết đến khi tham gia và lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam vào năm 2012. Với hình ảnh một cô bé chỉ cao khoảng một mét ngồi trên xe lăn và phiêu với ca khúc tiếng Anh vui nhộn, cô đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng rất nhiều khán giả Việt Nam.

Năm 2013, Phương Anh được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu cho trẻ em khuyết tật trên toàn thế giới. Nguyễn Phương Anh hiện đang làm phát thanh viên, cộng tác viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo dự  kiến, Phương Anh sẽ tham dự các hoạt động của Liên Hợp Quốc (LHQ) liên quan đến người khuyết tật tại New York, Hoa Kỳ từ 22-27/9 trong một chuỗi các sự kiện xung quanh cuộc họp của Đại hội đồng LHQ.

Bên cạnh đó, Phương Anh còn tham dự  Diễn đàn Hợp tác toàn cầu về trẻ khuyết tật và Thảo luận đối thoại về tiếng nói của người khuyết tật trong chương trình phát triển sau năm 2015 với các vai trò khác nhau như chủ tọa, đại biểu, dẫn chương trình và ca sỹ.

“Tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi, những người khuyết tật, cũng có những khả năng và mọi người cần nhìn vào khả năng của chúng tôi trước khi nhìn vào những khiếm khuyết”, Phương Anh cho biết.

“Cô gái xương thuỷ tinh” cũng bày tỏ niềm vinh dự được tham dự Hội nghị cấp cao cũng như các hoạt động khác của LHQ: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để học hỏi thêm các hoạt động về người khuyết tật trên phạm vi toàn cầu”.

Tuy lo lắng vì sẽ tham gia nhiều vai trò khác nhau nhưng cô khẳng định: “Tôi sẽ luôn cố hết sức để lên tiếng dựa trên quan điểm của một người khuyết tật trẻ tuổi tại các diễn đàn mà tôi tham gia”.

Hội nghị lần này là cơ hội để tăng cường cam kết quốc gia và quốc tế ở cấp cao nhất về việc hòa nhập người khuyết tật vào Chương trình phát triển sau năm 2015. Tham dự Hội nghị là các quốc gia thành viên, các quan sát viên, đại diện của các tổ chức LHQ cũng như các tổ chức dân sự, các tổ chức của người khuyết tật và các doanh nghiệp.

Phan Trang


“Với nhiều người, một cô gái xương thủy tinh vượt đại dương du học là chuyện cổ tích. Nhưng hãy tin, chính bạn là người tạo ra câu chuyện của đời mình”, Nguyễn Phương Anh viết.

Trong một thế giới mà mọi người luôn khuyến khích bạn “hãy là chính mình", nhưng đôi khi ta lại thấy tự ti về bản thân, thật khó có thể sống thật với những gì vốn có. Đối với những người khuyết tật, điều đó có lẽ còn khó hơn gấp bội.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Phương Anh
Khuôn viên Đại học Curtin, nơi Phương Anh đang theo học.

Bạn và tôi, nếu tìm được hướng đi cho riêng mình và tự tạo nên động lực để phấn đấu, chắc chắn phải trải qua nhiều thử thách và cần biết nắm bắt cơ hội nữa.

Đối với tôi, hành trình tìm đến thành phố Perth học đại học và coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai đã và đang biến nhiều ước mơ tưởng chừng viển vông trở thành sự thật.

Chỉ trong vài nốt nhạc, thành phố thuộc phía Tây Australia đã chiếm trọn trái tim của cô gái mới đến. Bên cạnh sự sẵn sàng của cơ sở vật chất dành cho người khuyết tật, con người nơi đây khiến tôi yêu mến.

Dù cô gái khuyết tật vụng về hay lăn bánh xe qua chân của ai đó hoặc va vào người khác cả chục lần một ngày, tôi biết họ không để ý tới những điều ấy, mà quan tâm năng lực của tôi.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Phương Anh
Tiệc Halloween đầu tiên với những người bạn mới.

Còn tuyệt vời hơn khi tôi được gặp những người bạn có chung hoàn cảnh, học cách sống độc lập của họ và sẻ chia sự đồng cảm mỗi khi nhớ gia đình.

Tại đây, tôi được kết bạn với những người có chung lý tưởng, không phải bởi họ cảm thấy thương cảm hay có nghĩa vụ phải đối xử tốt với người khuyết tật. Thời gian qua sống và học tập tại Perth, tuy vẫn chưa lâu, nhưng có thể chắc chắn một điều, đây sẽ là những năm tháng đẹp và đáng nhớ nhất.

Tất cả những điều tích cực đó làm tăng sự tự tin của một tân sinh viên trong việc phấn đấu để đạt những mục tiêu và ước mơ của bản thân.

Đối với nhiều người, đây thực sự là câu chuyện cổ tích khi một cô gái xương thủy tinh vượt đại dương sang học tập tại nước ngoài. Nhưng hãy tin bạn chính là người tạo ra câu chuyện của cuộc đời mình và quyết định xem nó sẽ đi theo hướng nào.

Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Phương Anh
"Nơi tôi sống chỉ cách nhà chị Prue ít phút. Chị ấy thật hài hước và là một luật sư giỏi. Chị ấy cũng sống chung với bệnh xương thủy tinh", Phương Anh chia sẻ.

Sau vô số lần thử nghiệm và thất bại, tôi nhận ra rằng, đây chính là con đường dành cho mình. Đây là nơi tôi thấy được hình ảnh của mình trong tương lai, bởi con người ta đạt được thành công chính nhờ sự phấn đấu của họ, chứ không phải bởi may mắn hay được đối xử đặc biệt. Họ đã phải đi một con đường khó khăn hơn những người khác.

Gửi tới tất cả những anh chị em khuyết tật của tôi, bạn chính là người quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình. Dù dự định của bạn là gì, không học đại học, mở công ty hay du học Australia, chơi nhạc cụ hoặc trở thành nhà thiết kế thời trang, hãy quyết tâm thực hiện.

Tháng 10/2015, Nguyễn Phương Anh sang Australia du học với học bổng toàn phần của Đại học Curtin. Cô gái xương thủy tinh giàu nghị lực là một trong những thí sinh xuất sắc đạt số điểm IELTS 8.0.

Phương Anh cũng là giọng ca ấn tượng tại cuộc thi Vietnam’s Got Talent mùa đầu tiên, đồng thời là gương mặt được UNICEF lựa chọn tham dự Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về người khuyết tật năm 2013.

Hiện Phương Anh học năm nhất ngành Truyền thông. Cô cũng được bầu chọn là Đại sứ Sinh viên quốc tế của trường.