Có ý kiến cho rằng càng mở nhiều trường đại học thì chất lượng đào tạo càng xuống thấp

Vừa qua, BGH trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo để công bố và giải đáp những thắc mắc của dư luận về việc Nhà trường được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh – đào tạo ngành Y dược. Dưới đây là phát biểu của GS. Trần Phương – Hiệu trưởng Nhà trường về vấn đề này.

Gs. Trần Phương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội

“Việc mở ngành đào tạo và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở ngành đào tạo là công việc bình thường của các trường đại học. Vậy mà, khi Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở ngành đào tạo Y và Dược thì lại dấy lên một sự xôn xao trong dư luận. Tại sao vậy? Theo tôi, có thể vì 2 lý do:

Một là. Cuối năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã có thông báo tạm dừng việc cấp phép mở 2 ngành này để kiểm tra, chấn chỉnh. Vậy tại sao cuối năm 2015 lại cấp phép cho Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội?

Hai là. Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường “ngoại đạo” đối với ngành Y và Dược, vậy tại sao lại được cấp phép mở 2 ngành này?

Trước hết, tôi xin nói về ý tưởng của Trường chúng tôi về đào tạo 2 ngành này.

Trường chúng tôi là một trường phi lợi nhuận, lấy việc đào tạo nhân lực trình độ cao để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm mục đích tối thượng. Chúng tôi mở ngành đào tạo hoàn toàn không vì mục đích kinh doanh. Bất cứ ngành đào tạo nào có lợi cho đất nước mà chúng tôi hội đủ điều kiện để đào tạo thì chúng tôi đề nghị Bộ cho phép đào tạo. Trường ngoài công lập khác với trường công lập ở chỗ đó. Trường công lập, ngay khi thành lập, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định mục tiêu đào tạo, phạm vi đào tạo. Ví như Trường đại học Bách Khoa thì chỉ đào tạo những ngành trong phạm vi được gọi là “Bách khoa”, Trường đại học Kinh tế quốc dân thì chỉ đào tạo những ngành thuộc phạm vi được gọi là “Kinh tế quốc dân”.

Nhiều trường ngoài công lập lấy địa danh làm tên trường như Đại học Thăng Long, Đại học Đông Đô, Đại học Phương Đông thì tên trường không thể hiện bất cứ hướng đào tạo nào cả. Còn trường chúng tôi lấy tên là Kinh doanh và Công nghệ thì chỉ có nghĩa là thể hiện 2 hướng đào tạo chủ yếu của Trường, chứ không có nghĩa là chỉ bó hẹp ở hai hướng chủ yếu đó. Hiện nay, ngoài hai hướng chủ yếu ấy, Trường chúng tôi vẫn đào tạo cả ngoại ngữ – Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, Tiếng Nga. Khi chúng tôi tạo đủ điều kiện để đào tạo ngành Y và ngành Dược thì chúng tôi trình Bộ thẩm định và cho phép.

Thực ra, ngành Y và ngành Dược cũng là những ngành Công nghệ – và công nghệ ở trình độ rất cao, rất cao vì có rất nhiều công nghệ tinh vi gắn với sinh mệnh con người. Như vậy thì Y và Dược vẫn có thể bao hàm trong khái niệm “công nghệ”.

Các bạn đều biết hiện nay nước ta mới có 8 bác sỹ trên một vạn dân, trong khi các nước phát triển có tới 30 – 40 bác sỹ trên một vạn dân. Nước ta mới có 1,5 dược sỹ trên một vạn dân, trong khi chỉ tính nhu cầu trước mắt thôi, cũng đã đòi hỏi 2-3 lần hơn thế. Nước ta đang phải nhập khẩu 90% dược liệu cần thiết, trong khi chúng ta có 4.000 cây dược liệu mà mới chỉ chế biến được mấy chục cây. Chính tình hình đó đã thúc đẩy chúng tôi quan tâm tới ngành Y và ngành Dược.

Chúng tôi biết rằng đào tạo 2 ngành đó đòi hỏi rất nhiều điều kiện khắt khe. Chỉ sau 15 năm xây dựng và phát triển Trường, chúng tôi mới bắt đầu tạo ra những điều kiện đó. Nhu cầu về tài chính và cơ sở vật chất là rất lớn, vài ba trăm tỷ đồng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bước đầu. Khó khăn lớn hơn lại là ở năng lực đào tạo: phải hội tụ được khoảng 100 chuyên gia Y và Dược. Chúng tôi đã trực tiếp hỏi ý kiến tư vấn của Giáo sư Nguyễn Quốc Triệu và Giáo sư Trịnh Quân Huấn, nguyên Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế. Hai Anh đã rất ủng hộ ý tưởng của Trường và đã giúp Trường nhiều việc.

Tháng 6/2012, Trường đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo Đề án mở ngành Y và Dược. Mãi tháng 12/2014, tức là 2 năm rưỡi sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế mới có thông báo tạm dừng xem xét mở 2 ngành đó. Khi Bộ thông báo tạm dừng thì Trường chúng tôi đã chuẩn bị gần đủ các điều kiện để mở ngành. Chính vì thông báo đó mà mãi đến cuối năm 2015, hai Bộ mới thẩm định Đề án của Trường chúng tôi rồi cấp phép. Nói như thế để thấy rằng 2 Bộ chẳng có ưu tiên, ưu đãi gì đối với Trường chúng tôi đâu.

Nói cho đúng thì sự thẩm định của 2 Bộ càng chậm thì càng chặt chẽ, càng khắt khe. Trong những điều kiện mở ngành mà Bộ Y tế đưa ra, có một số chỉ tiêu chúng tôi đã bảo đảm vượt mức.

Trong Đoàn cán bộ thẩm định của 2 Bộ, có ý kiến cho rằng Trường chúng tôi chuẩn bị một số điều kiện “chưa thật đầy đủ”. Chúng tôi đã giải trình với Đoàn như sau:

1.     Về lực lượng Giảng viên: Bộ Y tế quy định đối với ngành Y, phải có 50 giảng viên trình độ Thạc sỹ [Ths] trở lên, trong đó phải có 6 giảng viên trình độ Giáo sư [GS], Phó Giáo sư [PGS] hoặc Tiến sỹ [TS] đứng đầu 6 bộ môn quan trọng. Trường đã chuẩn bị không chỉ 6 GS, PGS, Tiến sỹ đứng đầu 6 bộ môn quan trọng đó, mà ngoài ra, còn có 19 vị có trình độ GS, PGS, TS [như vậy là vượt chỉ tiêu của Bộ]. Chỉ tiêu của Bộ về 50 giảng viên cho ngành Y là chỉ tiêu cho cả 6 năm đào tạo. Trường chúng tôi mới chỉ chuẩn bị 47 giảng viên, vậy còn thiếu 3. Trong 6 năm đó, Trường không gặp khó khăn gì trong việc bổ xung 3 giảng viên hoặc nhiều hơn.

2.     Về trang thiết bị thực hành: Trường đã chi 80 tỷ đồng để trang bị 28 Phòng thực hành, mỗi Phòng rộng 40m2. Số thiết bị đó mới chỉ đủ cho nhu cầu của 2 năm học đầu tiên. Số thiết bị cần dùng cho các năm sau, Trường đã ký hợp đồng với các Công ty cung ứng thiết bị y tế, chỉ cần báo trước ít ngày là họ mang đến lắp đặt ngay. Chúng tôi chủ trương không lắp đặt đầy đủ ngay, vì thiết bị dễ bị ẩm mốc và lạc hậu [như kính hiển vi và các thiết bị điện tử]. Sự “chưa thật đầy đủ” đó, Đoàn thẩm định đã chấp nhận là hợp lý.

3.     Về địa điểm đặt các Phòng thực hành: Trong Đoàn thẩm định, có ý kiến cho rằng địa điểm đặt các Phòng thực hành là ở cơ sở Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh, như vậy thì phải làm thủ tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận cơ sở Từ Sơn là Phân hiệu của Trường. Chúng tôi không phản đối ý kiến đó và đã làm thủ tục trình Bộ. Tuy nhiên, phải nói rằng cơ sở Từ Sơn đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép Trường chúng tôi đặt cơ sở II tại đó từ 10 năm nay rồi. Bây giờ, dù có gọi nó là gì thì nó đã và vẫn là cơ sở II của Trường.

Đó là nói về mấy điều kiện được gọi là “chưa thật đầy đủ”

Bây giờ, nói về Trường ngoại đạo

Trường đại học có loại trường chuyên ngành hay “đơn ngành” như Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Dược Hà Nội, lại có loại trường đa ngành. Phần lớn trường đại học trên thế giới là trường đại học đa ngành. Ta thường dịch University là Trường đại học tổng hợp, dịch như thế không thật sát nghĩa, vì Universel có nghĩa là bao quát – bao quát nhiều ngành.

Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngay từ tên gọi của nó, đã là trường đại học đa ngành. Bất cứ trường đại học đa ngành nào đều “ôm” trong lòng nó nhiều ngành đào tạo mà người Việt Nam quen gọi là Khoa, còn người Anh, người Mỹ gọi là College. College theo người Pháp thì chỉ là trường trung học cơ sở, ví như college Đỗ Hữu Vị ở phố Hàng Bún. Nhưng, college theo người Anh, người Mỹ, lại là trường đại học, là trường đào tạo trên bậc Trung học. Ví như Community College, Two years college – Trường đại học cộng đồng, Trường đại học 2 năm. Trong số 4000 trường đại học ở Mỹ, có một nửa là loại trường đại học 2 năm nói trên. Trường đại học Oxford ở Anh có trên 40 college. Còn trường chúng tôi có trên 20 Khoa, thực chất là trên 20 college. Ví dụ:

–     Khoa Kế toán Trường chúng tôi có 4000 sinh viên, 70 giảng viên trình độ từ Ths đến TS Kế toán. Đứng đầu Khoa là PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội. Với quy mô 4.000 sinh viên thì Khoa Kế toán Trường chúng tôi có thể xem là một trường đại học kế toán được chứ?

–     Khoa Tài chính Trường chúng tôi có 3.000 sinh viên, 50 giảng viên trình độ từ Ths đến TS Tài chính. Đứng đầu Khoa là GS.TS.Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính.

–     Khoa Quản lý Nhà nước Trường chúng tôi, đứng đầu là PGS.TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

–     Khoa Y Trường chúng tôi, đứng đầu là GS.TSKH Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội.

–    Khoa Dược Trường chúng tôi, đứng đầu là PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Phó Chủ nhiệm Khoa là TS. Lê Ngọc Phan, nguyên Giám đốc Công ty Dược TW.

Ai dám bảo các vị nêu trên và tập thể giảng viên mà họ đứng đầu là “ngoại đạo” đối với lĩnh vực mà họ đào tạo?

Còn Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng của một trường đại học đa ngành thì đương nhiên, mỗi người không thể là chuyên gia về tất cả các ngành học trong trường của họ. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể bảo rằng trường của họ là “ngoại đạo” đối với các ngành mà họ đào tạo.

Về tuyển sinh, Trường chúng tôi được Bộ cho phép tuyển sinh 2 kỳ trong một năm: Kỳ I từ tháng Giêng đến tháng Hai, Kỳ II từ tháng 8 đến tháng 10.

Chúng tôi đang làm thủ tục xin phép Bộ được tuyển sinh 2 ngành Y và Dược vào đầu năm 2016, với 3 tổ hợp: Toán Lý Hóa, Toán Lý Sinh, Toán Hóa Sinh. Điểm xét tuyển cho mỗi tổ hợp phải đạt ít nhất 20 điểm, xét từ cao xuống thấp. Có ý kiến cho rằng 20 điểm là thấp, muốn học Y thì phải 27 – 28 điểm. Ý kiến này dựa vào điểm xét tuyển của Trường đại học Y Hà Nội. Thí sinh nộp đơn vào trường này rất nhiều, nhà trường xét tuyển đến 27,5 điểm thì đã đủ chỉ tiêu, phải dừng lại ở đó. Không thể lấy điểm xét tuyển của Đại học Y Hà Nội làm tiêu chuẩn cho mọi người muốn học Y. Đúng là học Y đòi hỏi sinh viên phải có thái độ học tập thật nghiêm túc. Tôi cho rằng 20 điểm là đủ để lựa chọn những sinh viên như thế. Vả chăng, đầu vào tuy là quan trọng, nhưng quá trình học tập và quá trình đào tạo lại càng quan trọng hơn. Học Y phải mất 6 năm. Kiến thức giáo dục đại cương, ngoại ngữ, tin học đòi hỏi thêm 1 năm nữa. Trong 7 năm đó, sinh viên phải chịu kiểm tra không dưới 100 kỳ thi. Chỉ cần 1 kỳ thi không đạt là đã không đủ điều kiện tốt nghiệp rồi. Vì vậy, không lo đầu vào “thấp” thì chất lượng đầu ra sẽ thấp. Mà đầu vào như thế, thực ra không phải là thấp, là tương đối cao rồi đấy.”

Nguồn: //hubt.edu.vn/tin-tuc/30-11-2015/hop-bao-ve-mo-nganh-y-da-khoa-va-duoc-hoc-cua-truong-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi/39/1654/

Mọi thắc mắc về chương trình Tuyển sinh - Đào tạo xin vui lòng để lại bình luận bên dưới để được tư vấn.

Video liên quan

Chủ Đề