Đánh giá lộ trình học lập trình

Kì thi Đại Học vừa trôi qua, vài tháng nữa sẽ là lúc các bạn tân sinh viên bắt đầu nhập học, bắt đầu cuộc sống sinh viên.

Thời còn là sinh viên, mình cũng từng có lúc hoang mang không biết học hành gì, có lúc phí quá nhiều thời gian để vui chơi, giải trí.

Do vậy, mình viết bài này để chia sẻ về lộ trình học cho các bạn sinh viên IT, về những điều bạn nên lưu ý để vừa tận hưởng thời sinh viên, vừa dễ kiếm việc làm ổn định khi ra trường.

Bài viết chia sẻ những kinh nghiệm xuyên suốt 4 năm Đại Học, nên những bạn từ năm nhất đến năm cuối đều nên đọc nhé!

Lưu ý: Nếu chưa hiểu rõ về ngành mình sẽ học, các bạn xem lại bài: Chọn trường chọn ngành trong ngành IT nha.

Những lời khuyên trong bài này chủ yếu dành cho các bạn học ngành Computer Science [Khoa học máy tính] hoặc Software Engineering [Kĩ nghệ/Kĩ thuật phần mềm] nha.

Hai năm đầu tiên – Học tiếng Anh, học căn bản và … kiếm gấu

Năm đầu tiên, thường các bạn sẽ chưa được học lập trình ngay mà sẽ phải học Toán Lý Hóa đại cương, Triết Học v..v. Những việc bạn nên làm trong giai đoạn này là:

  1. Học tiếng Anh
  2. Học kĩ những môn căn bản
  3. Kiếm gấu và quan hệ [Ý mình là kiếm gấu và kiếm quan hệ]

1. Học tiếng Anh

Thông thường, năm đầu tiên này chưa vất vả cho lắm nên các bạn nên tranh thủ học thêm tiếng Anh [Tự học hoặc ra trung tâm tùy khả năng và điều kiện].

Nói đơn giản, tiếng Anh là nền tảng để bạn học kiến thức mới, để bạn kiếm việc làm lương cao, ra nước ngoài. Muốn rõ hơn thì xem lại bài: Tại sao không nên học lập trình bằng tiếng Việt của mình nhé.

Sách lập trình hay hầu hết đều viết bằng tiếng Anh

2. Học căn bản

Giữa năm nhất hoặc cuối năm nhất, các bạn sẽ bắt đầu được học những môn đầu tiên trong ngành lập trình như:

  • Nhập môn lập trình
  • Lập trình hướng đối tượng
  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
  • Cơ sở dữ liệu
  • Mạng máy tính, kiến trúc máy tính, hệ điều hành

Đây là những môn rất quan trọng, đặt nền móng cho sự nghiệp của bạn. Bởi vì chúng là những thứ được dùng thường xuyên khi đi làm!

Khi mới học, các bạn sẽ cảm thấy khó khăn, chán nản khi làm, cảm thấy ngộp vì có khá nhiều kiến thức mới. Tuy nhiên, cố gắng đừng bỏ cuộc, đừng cúp tiết, tự làm bài tập chứ đừng copy của bạn.

Có như vậy, bạn mới thực sự nắm rõ kiến thức, rèn luyện được tư duy lập trình.

Nhắc lại nhé, đây là những môn căn bản cực kì quan trọng, nếu không học hành đàng hoàng, mất căn bản thì khi học mấy môn sau, các bạn sẽ hoảng loạn ngáo ngơ như cá bơ luôn đấy.

Học căn bản vững thì sau này mới tiến xa được

3. Kiếm gấu và quan hệ

Năm nhất năm hai cũng là giai đoạn tốt nhất để làm quen với bạn bè. Bạn cùng lớp với bạn cũng là những người lần đầu lên thành phố, lần đầu xa nhà. Đồng cảnh ngộ, học chung nên cứ tranh thủ ra làm thân ha.

Cố gắng lựa quen những người bạn tốt, vui tính, ham học tập; né những đứa suốt ngày chỉ biết hit lol, nhầm,.. đánh LoL nha.

Bạn bè hồi Đại Học từng giúp mình rất nhiều: Làm động lực cho mình ganh đua, giới thiệu mình job ngon, rủ học công nghệ mới…

Ngoài ra, nếu rãnh rỗi thì tranh thủ kiếm gấu luôn nhe. Đi làm rồi thì công việc bận rộn, hơi khó kiếm. Với lại lúc lớn rồi thì tình cảm nó sẽ khác, ko vui vẻ hồn nhiên như thời sinh viên đâu!

Nhớ kiếm gấu và kiếm quan hệ, chứ đừng kiếm gấu và quan hệ nha!

Hai năm cuối – Thực tập, xác định hướng đi và … tìm việc

Nếu 2 năm đầu là để ăn chơi, làm quen với cuộc sống sinh viên; thì 2 năm cuối là để bạn tổng hợp kiến thức, xác định hướng đi, chuẩn bị cho mình lúc ra trường.

Những việc các bạn cần làm trong giai đoạn này là:

  1. Xác định hướng đi, chuẩn bị đi thực tập
  2. Làm đồ án tốt nghiệp
  3. Chuẩn bị CV và phỏng vấn xin việc

1. Xác định hướng đi, chuẩn bị thực tập

Sau khi học một thời gian, bạn sẽ biết mình thích code ngôn ngữ nào [Java, C#, JavaScript], thích làm gì [web, mobile, nhúng]. Mỗi trường đều có chuyên ngành hoặc môn học chuyên sâu về mảng này. Nhớ đăng kí học nhe.

Trường hợp bạn chưa biết mình thích gì cũng không sao, có thể tìm hiểu mỗi thứ một ít rồi làm thử. Hồi xưa năm 3 năm 4 mình cũng không biết nên làm gì; đi làm một thời gian thì đời đưa đẩy thành full-stack developer thôi hihi.

Bắt đầu xác định hướng đi cho mình là vừa nha

Đây cũng là giai đoạn các bạn sẽ được đi thực tập. Công ty to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là bạn học được gì từ công việc. Trước khi vào làm, hãy hỏi rõ xem công việc của mình là gì, có được code không hay chỉ là gõ phím, bảo trì mạng hay bưng bê nhé!

2. Làm đồ án tốt nghiệp

Sau khi đi thực tập, các bạn sẽ quay lại trường, gom nhóm làm đồ án tốt nghiệp.

Đây là cơ hội để bạn tổng hợp lại những kiến thức mình đã học, tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, demo và bảo vệ trước hội đồng.

Hãy ráng chọn ý tưởng đồ án cho hay hay, thú dzị để dễ được điểm cao nhé. Hãy làm cho đàng hoàng vì điểm môn này có trọng số khá cao. Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ đồ án này vào CV để có cái trò chuyện với nhà tuyển dụng.

Kiếm đồ án lập trình nào “thú dzị” mà làm nhe

3. Chuẩn bị CV và phỏng vấn xin việc

Về chuyện viết CV ra sao, phỏng vấn xin việc thế nào thì mình đã chia sẻ nhiều rồi, các bạn xem lại những bài này nhé:

  • Viết CV rõ ràng chuyên nghiệp
  • Vượt qua kì phỏng vấn like a boss
  • Vlog kinh nghiệm viết CV và phỏng vấn xin việc

Kết

Túm lại, sau khi trả qua kì thi Đại Học gian khổ, các bạn nên nghỉ ngơi, nạp năng lượng, chuẩn bị cho 4 năm Đại Học cũng … gian khổ [nhưng thú vị] không kém.

Trên đây là những lời khuyên dựa theo trải nghiệm của mình. Nếu có anh nào/bạn nào đã đi làm muốn chía sẻ thêm thì cứ để lại comment bên dưới nha.

Bonus: Các bạn nào muốn nhìn khuôn mặt điển trai, nghe giọng mình thì có thể xem Vlog của mình bên dưới nhe.

Nhớ subscrible Channel Youtube của Tôi Đi Code Dạo tại bit.ly/codedaotube để xem những clip hay vào tối t3 và t6 hàng tuần nhen.

Chủ Đề