Hãy kẻ tên một tổ chức cách mạng mà anh Nguyễn Văn Trỗi đã từng tham gia

Kỷ niệm 50 năm Ngày Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh [15-10-1964 – 15-10-2014]

07:43, 15/10/2014 [GMT+7]

Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940, là con thứ ba [theo cách gọi của địa phương, anh còn có tên là Tư Trỗi] tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng [nay là xã Điện Thắng Trung], huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình dòng họ giàu truyền thống cách mạng. Thân phụ anh là ông Nguyễn Văn Hóa [tự Thoàn] từng tham gia cách mạng thời chống Pháp; anh ruột là Nguyễn Văn Toàn, cũng từng tham gia cách mạng, hoạt động vùng Điện Bàn - Đà Nẵng…

Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Thuở nhỏ, anh Trỗi học ở Trường tiểu học Miếu Xóm [nay là Trường Nguyễn Trãi, đội 2, thôn Thanh Quýt  4, xã Điện Thắng Trung] do thầy giáo Nguyễn Văn Nhung dạy. Chưa được 10 tuổi thì mẹ mất, gia cảnh gặp khó khăn, hằng ngày anh phải đi xay bột thuê cho một lò bún trong làng. Năm 13 tuổi, anh Trỗi theo anh trai ra Đà Nẵng, học nghề may. Trong thời gian 3 năm học may tại Đà Nẵng, anh đã ý thức được lòng căm thù đối với Mỹ-ngụy. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Toàn, có một lần đi ngang chỗ quân ngụy chào cờ, anh Trỗi không chịu dừng lại chào, thế là bị hạch sách đủ điều... Cho rằng nghề may có vẻ yếu đuối, anh thôi không theo nữa. Đến mùa hè năm 1956, anh Trỗi [lúc đó được 16 tuổi] mua vé tàu thủy Nam Việt, vào Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, anh trọ nhà bác Ba Nhân [người cùng quê], ban ngày đi làm thuê, ban đêm đạp xích lô. Sau đó anh học thêm nghề thợ điện. Trong thời gian này, được sự dìu dắt của bà con cùng quê phiêu bạt vào Sài Gòn, anh càng nung nấu ý chí cách mạng. “Đánh Mỹ” là nguyện vọng của anh lúc này.

Anh Trỗi làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, anh được tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa [Long An].

Tháng 5-1964, khi được tin Chính phủ Mỹ sẽ cử một phái đoàn chính trị, quân sự cao cấp sang Sài Gòn để nghiên cứu tình hình miền Nam Việt Nam, với lòng yêu quê hương và căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Văn Trỗi [lúc này đang hoạt động trong tổ chức Biệt động vũ trang nội thành thuộc Đại đội Quyết tử 65, cánh Tây Nam Sài Gòn] xin Ban chỉ huy Quân sự biệt động tiêu diệt phái đoàn cao cấp của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert MacNamara dẫn đầu.

 Được cấp trên đồng ý, ngày 2-5-1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý, để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ. Nhiệm vụ này ban đầu được giao cho một đồng đội của Trỗi, nhưng anh xung phong đi thay vì vợ chồng người đồng đội đó đã có con. Công việc bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 9-5-1964.

Trong lao tù, mặc dù chịu rất nhiều đòn tra tấn, cực hình dã man cùng với những cám dỗ ngon ngọt của kẻ thù nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn một mực không khai báo, một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức và lý tưởng mà anh đã chọn. Biết không thể nào lấy được thông tin gì từ anh, chính quyền Nguyễn Khánh đã đưa anh ra tòa án quân sự kết án tử hình nhằm thị uy và uy hiếp tinh thần chống Mỹ đang sục sôi trong nhân dân miền Nam lúc bấy giờ.

Vào 9 giờ 45 phút ngày 15-10-1964, chúng đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử bắn tại vườn rau nhà lao Chí Hòa - Sài Gòn. Khi ra pháp trường anh rất bình thản, trước đông đảo các nhà báo trong và ngoài nước, anh đã vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ. Khi địch bịt mắt, anh liền giật ra và nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Trước khi chết, anh còn hô vang “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Câu “Hồ Chí Minh muôn năm!’ được anh hô đến ba lần.

Tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Trỗi tại pháp trường đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ. Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã ghi trên tấm ảnh của anh Trỗi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Hình ảnh anh Trỗi hai tay bị trói chặt vào cột nhưng đôi mắt anh vẫn sáng lên, vẫn hiên ngang nhìn thẳng vào quân thù là một hình ảnh bất tử đi vào lịch sử. Sau sự hy sinh anh dũng của anh có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ đã lấy hình tượng đó để ca ngợi anh. Nhà thơ Tố Hữu đã có bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” với những câu thơ mở đầu:

“Có những phút làm nên lịch sử Có cái chết hóa thành bất tử Có những lời hơn mọi bài ca Có con người như chân lý

                        sinh ra…”.

Tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Sáng 14-10, tại Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Điện Bàn [tỉnh Quảng Nam], Tỉnh Đoàn Quảng Nam và UBND huyện Điện Bàn tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh [15-10-1964 - 15-10-2014]. Đến dự có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, huyện Điện Bàn, 3 xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam, gia đình anh Nguyễn Văn Trỗi... Đặc biệt, có sự tham dự của ông Iván Emilio Turmero Crespo, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Venezuela tại Hà Nội.

Các đại biểu đã dâng hương tại Nghĩa trang Điện Bàn và Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, điểm lại những năm tháng ngắn ngủi nhưng vô cùng cao đẹp của người con quê hương, đặc biệt là sự hiên ngang, lẫm liệt trên pháp trường của anh đã làm chấn động thế giới, tạo sức lan tỏa trong phong trào đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Ông Iván Emilio Turmero Crespo xúc động khẳng định rằng, du kích Venezuela trước đây đã không ngại hy sinh để đòi quyền sống cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Và hiện nay tấm gương của anh Trỗi vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Venezuela.

HỒNG VÂN

Đ.K [sưu tầm và biên soạn]

Tình cờ hôm về xóm Chín Chủ [thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, Điện Bàn] nơi có 9 hộ dân, nhưng có đến 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ và 7 thương binh, chúng tôi nghe bà Nguyễn Thị Tân - nguyên Bí thư Xã đoàn Điện Thắng [cũ] kể về đội du kích cảm tử anh hùng mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Câu chuyện du kích khiến người nghe cảm động và nể phục về sự hi sinh, mưu trí của thiếu niên một thời.

Trong ký ức của bà Tân, năm 1969 quê hương bà chiến tranh ác liệt, dân nghèo khổ lầm than, bà Tân lúc đó là bí thư xã đoàn được giao nhiệm vụ tổ chức liên lạc, tập hợp thanh thiếu niên hăng hái tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Lúc đó, tại xóm 20, thôn Phong Lục [xã Điện Thắng cũ], xã đoàn Điện Thắng tổ chức lễ phát động phong trào “Sống noi gương tinh thần Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”. 

Lễ phát động đã thu hút khoảng 50 đoàn viên thanh niên và 20 thiếu niên ưu tú tham gia. Để thỏa nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu niên lúc bấy giờ, xã đoàn tổ chức bốc thăm để chọn người chuẩn bị cho việc thành lập Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi. Những ai bốc trúng thăm đỏ sẽ được chọn. Lá thăm màu đỏ biểu tượng của màu máu, là giác ngộ ý thức: để đánh đuổi được kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương thì sẵn sàng hy sinh. Những người được chọn rất đỗi tự hào, vinh dự.

“Nhưng đó mới chỉ là vòng sơ tuyển. Để chính thức được chọn vào Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi, các thanh niên còn phải trải qua thử thách bằng hình thức chịu đựng những ngón đòn “tra tấn” do ta tự thực hiện”, bà Tân kể.

Mục đích của những đòn “tra tấn” nhằm huấn luyện các thành viên kiên cường chiến đấu dù bị địch bắt, tra tấn cũng không khai một lời. Ai vượt qua được thử thách này mới được chọn chính thức. Đầu năm 1970, tại nhà ông Đỗ Buôn - một cơ sở cách mạng [thôn Đông] Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi được thành lập gồm có 16 người, có tuổi đời 14 - 16, do anh Lê Tự Nhất Thống làm đội trưởng. Anh Lê Tự Thống Nhất hi sinh dũng cảm năm 17 tuổi và được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Ông Trần Phước Hiệp [61 tuổi, làng Thanh Tú, Điện Thắng Nam, Điện Bàn] còn có tên Trần Chờ là một trong 3 thành viên của đội du kích quyết tử còn sống. Năm 1969, cậu bé Trần Chờ vượt qua thử thách và tham gia đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi lúc tròn 15 tuổi, được cơ sở đặt bí danh là Trần Phước Hiệp cùng với đồng đội lập nhiều chiến công. Sau này, hồ sơ giấy tờ ông lấy tên là Hiệp.

Ông Hiệp và vết thương trên ngực do đạn địch bắn qua.

Ông Hiệp bị thương cụt chân trái cùng vết đạn hõm sâu trên ngực. Ông kể, giữa năm 1970, trong một lần khi vừa gỡ xong trái mìn của địch gài, vác lên vai thì mấy tên lính ập tới. Một tên nổ súng bắn trượt qua ngực. Ông bị thương, địch chở ra Hòa Cầm chữa trị. Thấy ông còn nhỏ nên các bác sĩ cho chuyển xuống Đà Nẵng, nhưng khi băng bó xong, để ý thấy không có ai theo dõi, giám sát, ông tìm cánh lẻn về, tiếp tục hoạt động. 


Vào cuối năm 1970, khi đang gỡ mìn của địch, không may mìn phát nổ khiến ông bị cụt chân trái. Ông được đưa về tuyến trên để chạy chữa. Vết thương lành, làm quen với việc đi đứng bằng chiếc chân giả là ông trở lại bám trụ hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau ngày giải phóng, Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi đã tự giải tán. Toàn đội chỉ còn 3 người còn sống.

40 năm trôi qua, ngồi bên người chị cả, người lãnh đạo của mình năm xưa, những ký ức một thời thiếu niên tham gia hoạt động cách mạng lại ùa về trong ông. Ông Hiệp bảo, tên của từng người trong Đội du kích quyết tử năm xưa ông nhớ rõ và những lần đánh, hạ địch trong chớp nhoáng ông vẫn nhớ như in. 

Ông kể, có lần đang chăn trâu ngoài đồng thì Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống đến bàn việc bắn tên lính ở đồn Trảng Nhật nhằm gây nhiễu loạn tình hình địch. Đây cũng là tên lính hay vác súng thị uy, nhũng nhiễu nhân dân. Bàn xong kế hoạch, hai cậu bé cưỡi trâu lại gần đồn, lấy khẩu súng AR15 giấu sẵn, đội trưởng Lê Tự Nhất Thống kê súng trên vai để Hiệp nhắm bắn. Tên lính gục tại chỗ. Nghe súng nổ con trâu giật mình nhảy về phía vườn rậm, kéo theo cây súng AR15 cột ở đuôi. Trâu đến chỗ khuất, Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống nhảy xuống ôm súng thoát đi.

Hay như câu chuyện về đồng đội Lê Quyến thông minh sáng tạo đổi mới cách đánh. Chính Lê Quyến bàn với Hiệp gỡ 3 trái mìn 3 càng của địch để cài mìn đánh địch thay cho cách cài mìn trước đây. Nhờ sáng kiến này, 2 người đã đánh được một nhóm địch đi tuần làm 31 tên thương vong, khiến địch khiếp đảm, không dám ở lại vùng mà phải rút về các đồn sát Đà Nẵng.

Cả ông Hiệp và bà Tân còn nhớ như in câu chuyện về anh Lê Quyến dũng cảm diệt tên ác ôn. Thời đó, ở trong vùng có tên Lượng an ninh là ác ôn khét tiếng, gây bao oán thán cho người dân. Nắm bắt được tình hình, Quyến nói với Hiệp và anh em trong đội: “tao sẽ bắn thằng ni”. Nói là làm. Giữa trưa, khi tên Lượng đến nhà người thân chơi, Quyến chặn đường, rút khẩu súng K54 bắn gục tên này. Nhưng sau đó tên Lượng được cứu chữa, không chết. Bị lộ hình tích nên Quyến được tổ chức đưa rời khỏi địa bàn.

Đội du kích năm xưa, người còn người mất, sâu trong tâm thức của bà Tân, ông Hiệp vẫn còn nhiều day dứt với đồng đội khi mà đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi năm nào vẫn chưa được nhiều người biết đến. Họ mong sao, sẽ có vinh danh xứng đáng với những cống hiến, hi sinh dũng cảm của thiếu niên một thời oanh liệt.


Video liên quan

Chủ Đề