Kinh nghiệm trồng nấm bào ngư xám

Mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả

Chủ nhật - 05/04/2020 22:14

Chào mọi người, trồng nấm bào ngư tuy không dễ nhưng cũng không khó, vì không phải đơn giản là chỉ trồng tốt thôi là xong. Trong đó còn có nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại trong quá trình nuôi trồng sản xuất loại nấm bào ngư này.

Trồng nấm bào ngư xám khó hay dễ

Chia sẻ thêm mình là Thanh Tú tác giả của bài viết này, mình được sinh ra và lớn lên ở Thành Phố Long Khánh thuộc Tỉnh Đồng Nai. May mắn hơn gia đình mình có truyền thống làm nấm từ rất lâu rồi, nên mình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của gia đình và của nhiều người làm nấm khác tại địa phương.

Chính xác hơn mình là dân trong nghề trồng nấm có thể tự sản xuất và nuôi trồng đặc biệt là nấm bào ngư xám, đôi khi mình vẫn còn cảm thấy hơi chua chát chứ không ngọt như mía đường.

Nên những người mới vào nghề, có thể cả người cũ cũng cảm thấy vất vả khi trồng loại nấm này, bài này mình nói tâm điểm về nấm bào ngư xám nhé vì loại này thuộc dạng khó trồng và năng xuất thấp hơn các loại sò trắng hay sò xám.

Trồng nấm bào ngư có tỷ lệ rủi ro thấp hơn rất nhiều so với các loại nấm khác trong khi chi phí đầu tư ở mức tương đương, tuy nhiên có thể lợi nhuận không nhiều và tốn nhiều công sức hơn.

Thành công với nghề trồng nấm bào ngưcó rất nhiều nhưng thất bại với nghề này cũng không phải là ít, vì sao như vậy? Mọi người hãy xem hết bài viết này nhé.

Lưu ý:Trước đây bài viết này cũng đã được mình chia sẻ nhưng ở thời điểm hiện tại cuối 2019 đầu 2020 có thể vẫn đúng nhưng chưa đủ, vì vậy lần chia sẻ này sẽ cập nhật thêm cho sát với thực tế.

#I. Thị trường bào ngư xám

Nấm bào ngư xám có giá trị dinh dưỡng cao thơm ngon và mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các giống nấm sò khác như sò trắng, sò xám

Giá nấm bào ngư xám tươi [12/2019]
Giá bán lẻ [1kg]60.000 80.000vnđ
Giá bán sỉ [1kg]30.000 37.000vnđ

Giá nấm trên chỉ ở mức tương đối đối với các tỉnh phía Nam [có thể chênh lệch cao hơn ở các khu vực Miền Trung hoặc miền Bắc] và có thể thay đổi theo các thời điểm trong tháng như ngày rằm, ngày ăn chay

#II. Chi phí đầu tư trồng nấm bào ngư xám.

Vốn bỏ ra cho người mới bắt đầu sẽ bao gồm 2 khoản tiền đó làGiàn trạiPhôi nấm, các lần trồng tiếp theo chúng ta chỉ cần bỏ tiền ra mua phôi.

Vốn đầu tư trồng bào ngư: Giàn trại +Phôi nấm

Giá thành Tú đưa ra ở đây chỉ ở mức tương đối, vì có nhiều cách xây dựng giàn trại khác nhau, giá nguyên vật liệu hay công lao động các vùng miền cũng không giống nhau

Khởi nghiệp: Vốn đầu tư trồng nấm bào ngư xám [10.000 bịch phôi]
60m2[10×6]30.000.000 VNĐ
10.0000 phôi27.000.000 VNĐ
60kg nắp chụp1.800.000 VNĐ
Vận chuyển3.000.000 VNĐ
Treo bịch1.500.000 VNĐ
Tổng chi phí63.500.000 VNĐ

Tương đối thôi mọi người nhé, thực tế có thể phát sinh nhiều hơn cứ cộng thêm từ 10 20% chi phí trên. Giá thành này chỉ áp dụng tương đối đúng ở khu vực Long Khánh Đồng nai nơi Tú đang sinh sống thôi.

Lời Khuyên

Các chi phí đưa ra phía trên chỉ để tham khảo và giúp mọi người dễ hình dung khi có các con số thực tế hơn. Đừng lấy con số đó đi áp đặt giá hay so sánh với những đơn vị sản xuất, thi công, thu mua khi đó người thiệt chính là các bạn.

Để giảm chi phí đầu tư mọi người nên nuôi trồng số lượng nhiều. Như vậy giá phôi, tiền vận chuyển hoặc nhân công lao động, giàn trại sẽ giảm đi được một khoản đáng kể.

À khoan đã, mọi người xem mình thuộc trường hợp nào sau đây:

  1. Làm chơi cho vui, vài trăm bịch, trồng đâu cũng được, sao cũng được, nấm ra là tốt rồi. [trường hợp này không cần quan tâm quá nhiều vấn đề, cứ lấy về trồng và làm vài bước cơ bản là có nấm thôi]
  2. Đã có công việc khác và trồng nấm như một nguồn kinh tế phụ thêm, khoảng vài nghìn bịch [trường hợp này nên tìm hiểu, chuẩn bị kỹ một chút]
  3. Coi trồng nấm là nguồn kinh tế chính và muốn làm giàu từ cây nấm, đơn giản vài chục nghìn phôi trở lên. [trường hợp này nên suy nghĩ thật kỹ và thật kỹ lại một lần nữa trước khi làm]

Đơn giản là khi trồng nấm bào ngư xám thì có nhiều yếu tố quyết định tới thành bại. Như kỹ thuật, phôi giống, cách làm kinh tế, đầu ra, môi trường, may mắn Cơ bản nhất là được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, vì vậy mọi người nên chuẩn bị vững tinh thần trước, khi thuộc trường hợp 3.

#III. Lợi nhuận trồng nấm bào ngư xám

Tú sẽ đưa ra con số tương đối ở mức trung bình thấp, sao cho sát với thực tế nhất. Nên chỉ để tham khảo thôi nhé mọi người, khi làm thực tế khác xa rất nhiều.

Lợi nhuận 10.000 phôi bào ngư
Sản lượng 1600kg x 25.000 VNĐ40.000.000 VNĐ
Bịch thải6.000.000 VNĐ
Tổng tiền46.000.000 VNĐ
Tiền lãi [-31.500.000]/4 tháng14.500.000 VNĐ
Tiền lãi 12 tháng [3 đợt trồng]43.500.000 VNĐ

Lưu ý:Nắp chụp có thể dùng lại được nhiều lần nên mình không tính vào chi phí trên

Đấy là còn chưa tính công làm vào và chưa tính phí điện nước nữa đâu nhé, cũng chưa hẳn là được 3 đợt trồng. Chắc tới đây mọi người cũng hơi bị ngạc nhiên nhiều rồi đấy, nhưng thực tế đôi khi còn khắc nghiệt hơn.

À sao có nhiều nơi với 10.000 phôi họ trồng ra được 3 5 tấn, tương đương 300g 500g/bịch. Có nhiều cách để đạt năng xuất như vậy, nhưng tốt nhất là mọi người cứ trải nghiệm từ từ và cân bằng giữa đầu vào đầu ra, nếu cảm thấy hợp lý thì hãy làm. Trăm nghe cũng không bằng 1 lần làm thử nhé.

Tú cũng làm bài viết phân tích về năng xuất nấm bào ngư xám, không phải đơn giản cứ năng xuất cao là tốt.Theo dõi tại đây nhé mọi người.

Đừng hỏi Tú là trồng chừng này phôi thì lợi nhuận được bao nhiêu, vì mọi người người làm kinh tế ngay ở địa phương mình mà chưa biết được thì Tú cũng không trả lời được đâu.

#IV. Mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả

Mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả

Trồng nấm bào ngư làm sao để đạt năng suất cao nhất chúng ta phải có định hướng rõ ràng, sau đây Tú xin chia sẻ mô hình đã được nhiều bà con nông dân ở Long Khánh áp dụng trong nhiều năm nay đã và đang thành công.

  • Một năm 3 đợt thời gian 3.5 4 tháng [khí hậu miền nam thuận lợi có thể trồng quanh năm].
  • Một đợt tối đa 4 tháng: Tránh rủi ro do sâu bệnh, hư phôi và để bịch thải có giá [thu mua làm nấm rơm]
  • Một phôi cho ra nấm từ 6 8 lần là hợp lý, mỗi đợt khoảng 15 ngày [10 ngày đóng nắp và 5 ngày ra nấm sau khi mở nắp]

Cơ bản nếu đã quen việc thì 01 người có thể làm khoảng 20.000 bịch phôi, số lượng bao nhiêu thì tùy điều kiện mỗi người. Và hiện nay đa phần mọi người thường chọn cách là mua phôi có sẵn về để chăm sóc vì đây là cách gần như đơn giản nhất có thể. Nhưng cũng không kém phần rủi ro, nên mọi người cần lưu ý một số điều sau.

Sản xuất nấm bào ngư, kinh nghiệm thực tế

1. Giá phôi bào ngư xám

Giá thành phôi hiện nay thì mỗi chỗ mỗi khác, trong cùng một vùng như ở Long Khánh Đồng Nai nơi Tú đang sinh sống có thể chung giá hoặc có chênh lệch lên xuống khoảng 100đ 200đ/phôi.

Tú cập nhật giá chung chung ở mức tương đối theo từng tháng cho mọi người tiện theo dõi nhé.

Giá phôi nấm bào ngư xám [12/2019]
Bịch phôi3000vnđ
Nắp chụp150vnđ

Ở một số khu vực khác có thể chênh lệch cao hơn, đôi khi lên tới vài nghìn đồng.

Nên mọi người có thể trải nghiệm từng nơi một để rút kinh nghiệm thực tế, xem hợp lý thì làm.

2. Năng suất nấm

Một phôi đạt 150 250g, nhiều người khá sốc vì sao năng suất kém vậy, trong khi đó có một số nơi cam kết 250 350g 500g[mọi người có thể mua vài trăm phôi về trải nghiệm].

Ở đây mình chỉ nói tới bịch 1,2kg, khi bạn chưa quen trồng năng suất chỉ khoảng150g, trung bình180g, nếu may mắn có thể200g 250g.Sẽ có nhiều yếu tố anh hưởng tới những con số trên.

Hiện nay đa phần người trồng nấm đều sử dụng bịch phôi cổ 34, loại cổ to này giúp nấm ra nhanh hơn nhưng vẫn giữ được chất lượng nấm, vệ sinh dễ dàng, rút ngắn thời gian nuôi trồng.

3. Tỷ lệ ra nấm [2 hình thức giao phôi]

  • Bịch đen:Phôi sau khi cấy meo xong là giao ngay để người mua tự ủ, ở phương thức này rủi ro rất cao vì có thể do kỹ thuật hoặc giàn trại không đạt chuẩn để ủ bịch. Tỷ lệ hao hụt khi mọi người tự ủ nhẹ thì10%nặng hơn là20%, nếu không thuận lợi có thể tới30 40% Sau đó chúng ta sẽ mất thời gian đi loại bỏ từng phôi bị hư, tăng khả năng nhiễm bệnh trong quá trình sản xuất.Chỉ dành cho người đã có nhiều kinh nghiệm.
  • Bịch trắng:Phôi đã được ủ và tơ đã kéo trắng mang về treo khoảng 30 ngày sau có thể cho ra nấm ngay, tỷ lệ đạt99,9%, hoàn toàn không có rủi ro nếu so với phương thức bịch đen ở trên.Người mới trồng nên ưu tiên mua bịch đã trắng nhé.

4. Đầu ra cho nấm bào ngư

  • Chợ đầu mối[ví dụ chợ đầu mối Bình Điền TP HCM], họ sẽ thu mua tất cả bao gồm nấm xấu, nấm đẹp, không giới hạn số lượng. Nhưng bù lại giá nấm sẽ ở mức trung bình, thấp hoặc rất thấp Và đa phần giá nấm của ngày hôm nay bạn bỏ cho họ thì khoảng 2 tuần sau mới được báo.
  • Thương mối thu mua, giá nấm sẽ có phần ổn định và cao hơn ở chợ đầu mối nhưng đòi hỏi chất lượng nấm phải tốt, ổn định nguồn nấm theo yêu cầu của bên thu mua.
  • Mối lẻ bán chợ, quán ăn giá sẽ cao hơn so với 2 đầu ra trên nhưng chỉ bán được số lượng vừa và nhỏ, tốn nhiều công sức hơn

Mỗi nguồn đầu ra đều có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng nếu biết hợp tất cả các đầu ra trên lại với nhau sẽ rất tốt, và tùy thuộc vào mô hình nuôi trồng của mỗi người.

#V. Cách chăm sóc nấm bào ngư

Cho nấm ra ở đầu bịch bằng phương pháp đóng và mở nắp, ưu điểm là có thể kiểm soát được sản lượng nấm cần cung cấp và thời điểm cho nấm ra. Cách này gần như đã được sử dụng rộng rãi trong trồng nấm bào ngư xám.

Có thể mọi người cũng đã biết phương pháp cũ nấm cho ra trên thân bằng cách rạch bịch, như vậy nấm ra rất khó kiểm soát dẫn tới mất giá.

Kỹ thuật trồng bào ngư xám hiệu quả

1. Đặc điểm sinh trưởng bào ngư xám

Đặc tính sinh học

Rút kết từ kinh nghiệm bản thân nuôi trồng, hoặc mọi người có thể tham khảo thêm các đặc tính cơ bản tạiwikipedia

Đặc tính sinh học nấm bào ngư xám

Môi trường sống

  • Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển giao động biên độ khá rộng từ 21 35oC, tốt nhất nên giao động trong khoảng 25 30oC
  • Ánh sáng khuếch tán có thể đọc sách được hoặc tối hơn 50 150 lux.
  • Độ thông thoáng vừa phải, không có gió nóng lùa trực tiếp.
  • Độ ẩm môi trường: 70% 85%.

Khi trồng thực tế sẽ khác rất nhiều nhưng những yếu tố cơ bản mọi người cũng nên biết.

Môi trường nuôi trồng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới rất nhiều chất lượng và năng xuất nấm nên mọi người hãy xem kỹ bài vềcách dựng trại trồng nấm tại đây. Làm trại chuẩn một chút khi trồng nấm sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng vẫn khuyên là phải đi thực tế xem một số nơi đang nuôi trồng rồi hãy làm.

Thời vụ trồng nấm

Nên chọn giống nấm chịu nóng hoặc chịu lạnh tùy vào khu vực, với khí hậu Miền Nam bạn có thể trồng quanh năm với giống nấm chịu nóng. Trong khi ở các tỉnh Tây Nguyên nên chọn giống nấm chịu lạnh như giống bào ngư xám Tú Trân

Tránh trồng vào thời điểm quá lạnh, nhiệt độ nên ở mức mát mẻ [có thể hơi lạnh nhẹ] đến nóng ấm.

Nên mọi người hãy xem thời tiết ở khu vực mình để chọn ra thời điểm thích hợp để trồng nấm.

2. Phương pháp chăm sóc

Khi vận chuyển phôi trên các xe tải không nên thưng kín bạt mà nên để hở ra cho thông thoáng, đặc biệt nên xuất bịch xuống xe càng sớm càng tốt và đem đi treo ngay. Nếu treo không kịp tránh chất ủ đống san sát nhau, điều này gây nóng hầm bịch, dễ bị chết tơ. Đây là kinh nghiệm thực tế và không ít người đã bị, nên mọi người lưu ý kỹ vấn đề này.

Kỹ thuật chăm sóc nấm bào ngư xám cơ bản
Vệ sinh giàn trại bằng vôi bột
1Treo bịch và để nguyên không tưới lên bịch [thông thoáng, mát mẻ, tưới nền, hạn chế nước vàng trong bịch]
2Đợi nấm ra bói lác đác đều một số bịch, rút bông đóng nắp toàn bộ [hoặc bịch đủ 60 65 ngày kể từ ngày cấy giống]
37 10 ngày mở nắp cho nấm ra, trước khi mở nắp tưới nước lên bịch trước 1 ngày [trời nóng tưới 2 lần/ngày], tưới nhiều và đều như mưa to mưa dầm hay còn được gọi là tưới sốc nhiệt.

Tuy nhiên vẫn có nhiều cách để nấm ra, và Tú đã viết riêng bàicách tưới nấm bào ngư đúngđể mọi người tiện theo dõi.

44 5 ngày thu nấm, tưới nước thêm lên nấm sau khi nấm chui ra khỏi cổ [sờ vô tai nấm thấy ẩm mát ]
5Thu hái nấm và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nếu muốn để qua ngày, cho nấm vào túi nilon buộc kín và thổi phồng lên.
6Vệ sinh bịch sau khi hái nấm càng sớm càng tốt, tránh bị thối gốc gây mốc đen hoặc xanh, chỉ cạo ra những chân nấm còn sót lại, không cạo sâu vô mùn cưa.
7Vệ sinh xong đóng nắp, đóng càng sớm càng tốt tránh bị côn trùng vô phá, tuy nhiên nếu cổ bịch mùn cưa còn quá ướt do tưới nhiều nước thì nên để 1 ngày sau cho khô bớt rồi hãy đóng nắp
Lưu ýDuy trì độ ẩm 70 90% trong suốt quá trình mở nắp cho ra nấm. [trung bình 80%], có thể tưới nền hoặc phun sương. Hạn chế để nước chảy ngược vào trong cổ bịch quá nhiều

Tránh gió lùa trực tiếp vô nấm hoặc bịch đang mở nắp gây khô nấm/khó phát triển, khô cổ bịch khó ra nấm

Các lần tiếp theo chu kỳ sẽ lặp lại từ khâu số 3.

Trên đây chỉ là kỹ thuật cơ bản cần có để trồng được nấm bào ngư, mỗi khâu sẽ có các kỹ thuật riêng nên Tú đã tách ra từng bài để nói chi tiết hơn.

Vệ sinh xử lý nhà trồng nấm

Giữ nơi nuôi trồng nấm sạch sẽ là điều nên làm thường xuyên, khi trại dơ bẩn thì nấm sẽ bị các loại côn trùng phá hoại. Bịch phôi cũng sẽ bị các loại bọ phá, ăn mùn cưa mục dẫn đến bịch nhanh hư như bị mốc.

Trước khi đem bịch về treo trong trại nên để trại trống ít nhất 1 tuần, kéo hoặc gỡ hết bạt lưới côn trùng đã thưng xung quanh cho thoáng

Vệ sinh trại bằng vôi bột bằng cách rải trên mặt nền, đeo khẩu trang và mang bao tay vào trước khi thực hiện. Dùng tay rải [ném nhẹ] đều vôi hết nền trại và xung quanh trại, chỉ cần cảm thấy đều là được không cần phải liều lượng chính xác.

Vệ sinh xử lý giàn trại trước khi nuôi trồng

Dùng thuốc Regent pha theo liều lượng trên bao bì hoặc nhẹ hơn 1/2 rồi xịt lên bạt, dây treo, kệ để diệt hoặc xua đuổi ruồi bọ.

Để vài ngày rồi có thể dùng nước xịt qua rửa lại trại cho sạch.

Trong quá trình nuôi trồng nếu cảm thấy nền trại bị nhiễm có nhiều nấm mốc phát triển lúc đấy nên rải vôi bột như ở trên rồi kéo bạt lên cho thông thoáng.

Nên để ý những bịch bị rách [bên hông hoặc phía sau bịch], khi nấm ra chúng ta sẽ khó phát hiện, nên nấm dễ bị nhũn thối, mốc xanh mốc đen. Dễ gây hư bịch và một phần kéo sâu bọ tới phá, vì vậy phải nên để ý kỹ.

Quét dọn sạch sẽ sau khi thu hái nấm hoặc sau khi vệ sinh cổ bịch.

Cách thu hái nấm

Nấm kích thước trung bình từ 5 -7cm thì nên thu hái là vừa, tránh để nấm quá to, như vậy nấm sẽ ra đều ở các đợt sau hơn, tránh bị suy bịch. Nhưng cũng còn tùy vào đầu ra của mọi người thế nào, nên mình hãy điều chỉnh sao cho hợp lý.

Nấm không thể lớn đồng đều với nhau 100% được, những bịch nào nấm ra sớm thì chúng ta đi hái trước, bịch nào ra hơi chậm chúng ta để lại hái sau.

Nên thu hái nấm sau khi tưới nước ít nhất là 3 tiếng đồng hồ trở lên, như vậy nấm mới giòn và ngon, ngoài ra còn giúp bảo quản được nấm lâu hơn.

Sau khi hái xong chúng ta nên vệ sinh cổ bịch trong ngày hoặc càng sớm càng tốt.

Với bài viết vềcách hái nấm và vệ sinh cổ bịch đúng cáchhy vọng sẽ giúp ích được cho mọi người.

Hái cả cụm khi thu hoạch bào ngư

Cách bảo quản nấm bào ngư tươi

Hái nấm xong phải để nơi thoáng mát, sau đấy sắp nấm cho vào túi nilon thổi hơi phồng lên và buộc kín miệng túi, với cách này có thể được trong ngày ở điều kiện thời tiết mát. Mỗi túi nilon như hình bên dưới nên để tối đa khoảng 1kg nấm tươi. Nếu muốn bảo quản lâu 2 3 ngày phải cho túi nấm vào phòng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh.

Không nên nhồi nhét nhiều nấm vào 1 túi rồi buộc chặt, như vậy làm nấm bị dập và biến dạng.

Bảo quản nấm bào ngư sau khi hái

3. Bệnh trên nấm bào ngư

Trong quá trình trồng nấm chúng ta sẽ không thể tránh khỏi các tác nhân gây hư nấm, làm nấm ra kém, hư bịch phôi cơ bản nhất là bịch bị nước vàng, phôi bị mốc xanh mốc đen, nấm ra không đồng đều, nấm xấu

Chúng ta phải linh hoạt, chủ động để phù hợp với từng giai đoạn thay đổi của thời tiết, không thể cứng nhắc rập khuôn 1 cách làm từ ngày này qua tháng nọ.

Với bài viết sau gần như mình đã liệt kê đầy đủ từ nguyên nhân tới cách phòng tránh về các bệnh thường gặp.Mọi người xem tại đây nhé.

Mốc xanh do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật

Nấm bào ngư bị vàng và héo từ từ

Phôi nấm bào ngư bị hư do thoái hóa giống

4. Cách trồng bào ngư xám tại nhà

Đây là phần Tú hướng dẫn thêm dành cho những người muốn trồng một ít nấm tại nhà để ăn, nhưng nếu làm như quy trình trên thì tương đối phức tạp vì số lượng phôi tương đối ít chỉ khoảng vài bịch đến vài chục.

  • Nơi để bịch:ở bất cứ nơi nào trong nhà miễn là mát có ánh sáng nhẹ, tránh nắng chiếu trực tiếp nhé. Kinh nghiệm đơn giản cho dễ hiểu là môi trường mát mẻ có độ ẩm nhưphòng tắm.
  • Sắp xếp bịch:Với số lượng ít chúng ta chỉ cần xếp so le hình kim tự tháp, không cần treo cầu kỳ như khi nuôi theo mô hình lớn để kinh doanh.
  • Chăm sóc:Dùng bình phun nước tưới cây loại 1 -2 lít, dùng tưới trực tiếp lên phôi để tạo độ ẩm và giữ nhiệt mát. Cảm thấy nóng oi bức là xịt cho bầu nấm [phôi] với môi trường xung quanh và phía trên phải được phủ một lớp khăn có thấm nước để giữ ẩm. Không cần phải tưới sốc nhiệt mà nên xịt nước nhẹ vào thẳng cổ bịch sẽ giúp nấm ra đều hơn.

Cách trồng nấm bào ngư trong nhà

Kinh nghiệm:Không muốn mất thời gian thì đây là cách nhanh nhất mà Tú đã nghĩ ra và thử nghiệm thành công. Hãy xé lớp nilon ngoài phôi nấm và ngâm trong nước mát, 2 3 ngày sau là đã có nấm để ăn rồi, nhưng nhớ cách này chỉ dùng được 1 lần cho 1 phôi. Muốn ra nhanh ra nhiều cùng lúc thì nên rạch bịch tuy nhiên nấm sẽ không ngon như cho ra ở cổ.

Nếu cảm thấy trồng nấm mà khó quá thì chọn làm cái dễ trước là hãy ra chợ hoặc siêu thị mua ít nấm bào ngư xám về ăn xem thế nào. Ở đây mình đãtổng hợp một số cách chế biến nấm bào ngư xám rất đơn giảncác bạn có thể xem qua nhé.

#VI. Lời khuyên

  • Thời gian nuôi trồng trong 4 tháng trở lại, để hạn chế nguồn bệnh cho các đợt trồng tiếp theo và những lần ra nấm ở giai đoạn này thường rất lâu có khi tới 15 20 ngày với sản lượng cực thấp.
  • Cân đối đầu vào đầu ra hợp lý, tránh trường hợp không thể tìm được đầu ra.
  • Nghiên cứu kỹ thị trường và khu vực trồng nấm chuẩn bị thực hiện.
  • Nên trồng thử 10.000 bịch phôi nấm bào ngư trước nếu thành công nên tăng công suất lên 20.000 30.000 để tận dụng được nhân lực tối đa của 1 người và lợi nhuận cao hơn.

Những nơi không bán được bịch thải [bịch bào ngư sau khi thu hết nấm] thì cố gắng tận thu thêm những đợt sau cùng bằng cách bung cổ bịch rồi tưới nước trực tiếp vào, hoặc nếu cổ bịch bị mốc đen thôi thì chúng ta quay ngược đít bịch [đa phần đít bịch vẫn trắng đẹp hơn ở phía đầu] để rạch.

Mong mọi người chia sẻ và góp ý thêm, Tú sẽ cập nhật bổ sung thêm vào bài viết để nhiều người có thể biết tới những cách làm, kỹ thuật nuôi trồng hiệu quả hơn.

Đôi khi có nghiên cứu hàng trăm trang giấy, thông tin báo đài cũng không bằng một lần chúng ta thực nghiệm chúc mọi người thành công.

[Sưu tầm]

Hãy để lại bình luận bên dưới nếu có thắc mắc, hoặc đóng góp chia sẻ kinh nghiệm.

Tác giả bài viết: nhadat.haugiang.vn

Nguồn tin: caynamviet.com

Video liên quan

Chủ Đề