Người miền Tây như thế nào

Khu vực Tây Nam Bộ luôn có rất nhiều cư dân sinh sống. Tính cách của họ cũng có những điểm riêng, khác so với miền Bắc. Người dân vùng Tây Nam Bộ có tính cách ra sao? Lối sống thế nào và có điểm gì độc đáo? Họ có thân thiện lắm không? Có rất nhiều câu hỏi kiểu này khiến nhiều bạn còn suy nghĩ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về người dân nơi đây ngay bây giờ nhé.

Khi tìm hiểu thì thấy người ta thường đánh giá rằng người dân nơi đây chân chất, thật thà. Họ cũng là những con người vô cùng lương thiện nữa. Bên cạnh những nét tính cách đáng quý như thế này thì còn điểm gì về họ nữa?  Ngay bây giờ mời các bạn tìm hiểu về tính cách của người Tây Nam Bộ để hiểu kỹ càng hơn.

Đôi nét về lịch sử của người miền Tây Nam Bộ

Tiến trình lịch sử của Nam bộ khác với những vùng đất khác. Nó không phát triển liên tục mà bị đứt quãng. Điển hình là trên vùng đất này đã từng có vương quốc Phù Nam cổ xưa với nền văn hóa Óc Eo một thời phát triển rực rỡ. Những gì mà người ta nói về Nam bộ ngày nay thường chỉ giới hạn trong phạm vi trên dưới ba trăm năm.

Người Việt di dân vào Nam có thể nói bắt đầu khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn nổ ra. Sau đó là cuộc di dân thực sự vào thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ XVIII khi nhà Nguyễn nắm được chính quyền Đàng Trong và kêu gọi những người giàu có vào khai khẩn trên đất Đồng Nai, Gia Định. Trong mấy trăm năm định hình và phát triển, Nam bộ đã tạo nên cho mình những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo. Đó là một bản sắc rất riêng so với các vùng miền khác.

Năng động, sáng tạo là nét tính cách đặc trưng

Khi nghiên cứu về tính cách người Việt ở Nam bộ, các nhà nghiên cứu không thể không nhắc đến tính năng động sáng tạo của người Việt trên mảnh đất này.

Năng động

Tính cách này thể hiện rõ ở nhiều khía cạnh khác nhau như thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt trên vùng đất mới, các yếu tố văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần được cải biến để hòa hợp với điều kiện mới. Chính điều này đã tạo cho người dân Nam bộ có những nét riêng khá độc đáo đối với các vùng miền khác.

Trên vùng đất mới còn hoang sơ, rừng thiêng nước độc, hùm beo, rắn rết đầy rẫy, vừa khơi dậy tiềm năng khai thác dồi dào vừa là một thách thức nghiệt ngã đối với những con người phải dấn thân. Nếu như không phát huy được tính cần lao, dũng cảm vốn có của người dân Việt thì khó có thể tồn tại được.

Sáng tạo

Trong buổi đầu khai khẩn vùng đất Nam bộ, chúng ta thấy có đủ hạng người đến đây quần tụ. Phần đông là những người mất phương kế sinh nhai nơi quê cũ vì rất nhiều lý do mà giai cấp thống trị phong kiến ràng buộc họ như bị tước đoạt ruộng đất, những người chống đối lại triều đình, trốn lính, hay những kẻ phải mang những bản án vào thân…

Tất cả họ đều muốn tìm một cuộc sống mới trên vùng đất mới dù biết trước những khó khăn, khắc nghiệt không dễ vượt qua. Phải nói rằng vùng đất phương Nam từ khi bắt đầu khai phá và phát triển trải qua mấy thế kỷ nay vẫn là địa bàn sôi động nhất. Nó bắt buộc mọi người đến đây không kể nguồn gốc xuất xứ đều năng động, sáng tạo mới có thể vươn lên trong đấu tranh, xây dựng cuộc sống.

Người miền Tây Nam Bộ yêu nước nồng nàn

Yêu nước là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Nhưng đối với người dân Nam bộ, tính cách này được thể hiện một cách phóng khoáng, sinh động. Nó khác với lòng yêu nước của Nho giáo. Nó không bị ràng buộc quá chặt chẽ vào “tam cương”, “ngũ thường”… Người dân chỉ trung thành với vua khi vua là đại diện cho lợi ích của dân tộc. Một khi vua phản bội lại quyền lợi của dân tộc, của nhân dân thì những sắc lệnh của vua có thể sẽ không được thi hành. 

Tinh thần yêu nước của người Nam bộ mang hơi hướm của hình tượng Lục Vân Tiên mà cụ Đồ Chiểu đã dày công xây dựng. Đó là một Trương Định với câu nói ngang tàng, khí phách nổi tiếng: “Triều đình không công nhận [cuộc kháng chiến của ta] nhưng nhân dân công nhận”. Đó là một Nguyễn Trung Trực không chịu đi nhận một chức vụ cao hơn theo lệnh của triều đình. Vì nhà Nguyễn muốn dẹp yên phong trào kháng chiến ở Nam bộ để lấy lòng chính quyền Pháp. Câu nói khẳng khái của ông được truyền tụng trong dân gian cho đến bây giờ: “Khi nào nước Nam hết cỏ mới hết người chống Tây”.

Hào phóng, hiếu khách đã là tính cách chung

Đây là một nét tính cách đặc trưng của người Việt ở Nam bộ. Trong tất cả các mối quan hệ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, tính cách này luôn được bộc lộ một cách rõ ràng, sinh động và đầy tính nhân văn.

Tiêu xài rộng rãi là một đặc điểm thường được nhắc tới khi nói về tính cách người Nam bộ. Thiên nhiên hào phóng thì cũng sẽ tạo ra những con người hào phóng, người ta ít lo lắng cho cuộc sống của mình ở ngày mai. Tất cả chỉ có tình người dù họ biết rằng ngày mai, ngày mốt mình không còn cái gì để sống.

Lối sống đó trở thành một tập quán xã hội, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cả những khi đời sống vật chất khó khăn. Người nông dân bị bóc lột cơ cực, ít có hy vọng trở nên khá giả. Họ không cần dành dụm, làm được bao nhiêu cứ xài cho hết. Khi lâm vào cảnh thất nghiệp họ vẫn có thể thức đến tận khuya để uống rượu và đờn ca tài tử. Họ chẳng bận tâm gì cho cuộc sống ngày mai.

Trọng nhân nghĩa là nét tính cách đẹp cần học hỏi

Đến xứ lạ, mấy ai được đem theo cả gia đình, họ hàng. Vì vậy nhiều người đến hết cuộc đời mình còn không thể gặp lại anh em ruột. Nói chi đến vóc dáng, hình hài của ông bà tổ tiên mấy đời trước. Thế là họ cùng nhau quần tụ lại. Họ lập thành xóm thành làng, cùng nhau khai khẩn. Họ cùng sát cánh với nhau trong cuộc mưu sinh đầy gian khổ, trở thành “bà con một xứ”. Hàng xóm dù không thích nhau nhưng những khi tối lửa tắt đèn cần sự giúp đỡ thì họ cũng sẵn sàng.

Muốn cất ngôi nhà mới cũng cần nhiều bàn tay góp sức vào. Ma chay, cưới hỏi gì cũng có bà con chòm xóm đứng ra cáng đáng. Trước khi nên cửa nên nhà, ai mà chẳng trải qua một thời kỳ lưu lạc, tha hương cầu thực, ăn quán ngủ đình, trốn nợ. Vì vậy thậm chí cả khi phạm tội cũng được chòm xóm bao che.

Bộc trực, thẳng thắn và cũng dễ tính

Chúng ta còn bắt gặp tính bộc trực thẳng thắn của người Nam bộ thể hiện trong lời ăn, tiếng nói. Khi gặp những chuyện bất bình hoặc không vừa ý thì họ sẽ nói ngay không cần suy nghĩ. Họ cũng chẳng sợ người nghe giận dữ. Nhưng khi câu chuyện được giải thích rõ ràng cặn kẽ, hợp tình hợp lý thì họ sẽ tiếp thu một cách tích cực, vui vẻ. Nếu thấy mình sai thì sẵn sàng nhận lỗi. Khi nói chuyện với người Nam bộ, ta có được cảm giác rất gần gũi. Họ không câu nệ chuyện ngôi thứ, lớn nhỏ, giai cấp. Họ coi bốn bể là nhà, tứ hải giai huynh đệ. 

Người miền Tây nổi tiếng phóng khoáng, rộng rãi, bụng dạ thật lòng. Họ  muốn nói điều gì là nói ra điều ấy ngay. Họ không nói vòng vo tam quốc như phong cách của người Bắc. Có được điều này có lẽ cũng do đời sống hằng ngày của họ là sự chung sống hài hòa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. Ở mỗi dân tộc họ có phong tục riêng, tôn giáo khác nhau. Nhưng những người miền Tây nói chung họ sống rất hòa hợp, tôn trọng tín ngưỡng lẫn nhau.

Tính cách lạc quan, yêu đời, hài hước

Ngôn ngữ của người nông dân Nam bộ đậm vẻ hài hước, tinh tế. Nó thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống. Chẳng hạn, người ta gọi túp lều xiêu vẹo của mình là “nhà đá”. Tất nhiên không phải nó được xây bằng đá. Đó là khi đá một cái là nó sập ngay. Làm ruộng theo kiểu lĩnh canh rày đây mai đó để trốn nợ, trốn thuế được hóm hỉnh gọi là “làm ruộng dạo”. Ngâm mình trong nước để tránh muỗi và bù mắt cắn gọi là “ngủ mùng nước”. Thậm chí con bù mắt đôi khi còn được gọi là con bù rảnh. Vì có rảnh nó mới có thời giờ đi cắn người ta.

Tổng kết

Người miền Tây Nam Bộ ân tình, cởi mở. Nơi dây cũng mang phong vị bản sắc vùng đất bạt ngàn cá nước chim trời, của rau thơm cỏ ngọt… thôi thúc lòng ta, giục bước chân ta hãy đến đó ít nhất một lần. Là vùng đất cuối cùng tạo nên hình cong chữ S cho đất nước Việt Nam. Nam bộ là một vùng Châu Thổ màu mở với nhiều cửa sông đổ ra biển. 

Nguồn: Thienviettour.vn

Video liên quan

Chủ Đề