Nguyên nhân gây sưng môi

Sưng tấy môi có thể là dấu hiệu của một vấn đề về sức khỏe. Môi thường bị sưng do chấn thương hoặc dị ứng, mặc dù có một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây ra tình trạng này. Tốc độ mau lành của môi có thể cho biết nguyên nhân khiến môi bị sưng tấy.

Điều gì sẽ xảy ra khi môi bị sưng tấy?

Môi sưng tấy khi các mạch máu bị tụ huyết. Cấu tạo môi gồm lớp da mỏng bao phủ bên ngoài và cơ môi bên dưới có chứa mạch máu. Lớp bên trong môi gọi là niêm mạc miệng, và đó là một phần của lớp đệm niêm mạc tạo thành khoang miệng. Khi máu dồn lên môi do chấn thương, phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng, lượng máu tăng cường này khiến môi bị sưng tấy.

Ngay cả những chấn thương nhỏ không gây rách da cũng có thể khiến môi bị sưng tấy, chẳng hạn như các chấn thương khi chơi thể thao. Môi cũng dễ bị sưng tấy khi bị va phải hoặc do các tai nạn nhỏ khác. Tình trạng sưng tấy thường thuyên giảm mà không cần điều trị, nhưng đôi khi sưng tấy còn ẩn giấu những chấn thương khác, chẳng hạn như các vết cắt hoặc trầy xước, có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc khiến bạn gặp khó khăn khi nhai và nói.

Sưng môi và phản ứng dị ứng

Phấn hoa, các loại thuốc, thuốc nhuộm và một số loại đồ ăn, thức uống kích thích gây ra các phản ứng dị ứng, bao gồm sưng môi. Khi gặp phản ứng dị ứng, cơ thể sẽ sản sinh ra histamine—một chất hóa học khiến các mạch máu ở môi bị sưng. Các triệu chứng khác của phản ứng dị ứng là các dải ngứa đỏ, hay còn gọi là phát ban, sưng hoặc nghẹn thắt cổ họng, hít thở khó khăn, đau cơ, sốt, nổi mụn hoặc các mảng da đổi màu trên bàn chân, bộ phận sinh dục, tay hoặc mặt.

Điều gì gây sưng tấy ở môi và cách điều trị tình trạng này

Ba điều có thể khiến môi bị sưng tấy:

1. Chấn thương trực tiếp vùng miệng

Nướu, lưỡi và môi có rất nhiều nguồn cung máu, và da phần môi của bạn rất mỏng. Nếu một vật đập mạnh vào miệng bạn, chẳng hạn như một quả bóng được ném từ xa, sẽ khiến máu dồn đến khu vực đó, gây ra hiện tượng sưng tấy. Do lưu lượng máu cao nên khu vực này có thể bị chảy nhiều máu.

Dù phần môi nào của bạn bị sưng, bạn đều có thể ngậm kem đá hoặc đá viên để làm giảm sưng. Bạn cũng có thể chườm túi đá lạnh lên khu vực đó ít nhất từ 10-15 phút cứ mỗi 1-2 tiếng trong ít nhất 24 giờ sau chấn thương. Hãy nhớ đặt lịch khám khẩn cấp với nha sĩ để đảm bảo rằng chấn thương không gây ảnh hưởng tới răng của bạn.

2. Dị ứng

Phản ứng dị ứng có thể gây ra sưng tấy môi. Một phản ứng dị ứng phổ biến được gọi là phù mạch, gây ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da. Sưng và tấy đỏ quanh môi, má và mắt là dấu hiệu điển hình của tình trạng phù mạch. Nếu bạn bị phản ứng dị ứng nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh histamine không kê đơn. Nếu bạn bị dị ứng với thức ăn hoặc thuốc gây phù mạch, triệu chứng sưng tấy môi của bạn có thể là dấu hiệu ban đầu của phản ứng dị ứng hoặc phản vệ. Bạn cần phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu cảm thấy sưng tấy trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gặp khó khăn khi hít thở.

3. Nhiễm trùng

Viêm môi là một tình trạng liên quan đến môi bị sưng viêm. Đây có thể là tình trạng cấp tính hoặc mạn tính. Viêm môi do vi-rút chủ yếu là do vi-rút herpes simplex loại 1 gây ra. Nhiễm trùng herpes ban đầu ảnh hưởng đến môi trong hầu hết các trường hợp, biểu hiện qua cụm mụn rộp xung quanh vùng miệng. Thường có cảm giác bỏng rát đi kèm.

Mặc dù thuốc gây tê không kê đơn cũng có thể làm giảm bớt tình trạng mụn rộp, nhưng mụn rộp herpes thường có thể tự khỏi trong khoảng từ 1 đến 2 tuần.

Nguyên nhân gây sưng tấy môi hiếm gặp

Khi môi bị sưng tấy không rõ nguyên do, đó có thể là triệu chứng của một tình trạng hoặc một loại bệnh hiếm gặp—phù mạch di truyền, bệnh bạch cầu, và bệnh Hodgkin và một vài nguyên nhân bất thường khác.

Khi nào tình trạng sưng môi của bạn cần đi khám bác sĩ

Môi bị sưng tấy thường trở lại trạng thái bình thường mà không cần điều trị, nhưng bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu đang gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở hoặc chảy nhiều máu, bởi đây là việc hết sức quan trọng để đảm bảo bạn được cấp cứu kịp thời. Các lý do khác khiến bạn cần đến gặp bác sĩ bao gồm tình trạng sưng tấy tiếp tục diễn ra trong khoảng vài ngày hoặc đi kèm đau hoặc sốt, các biểu hiện này cho thấy môi bạn có thể đã bị nhiễm trùng.

Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, bạn có thể sử dụng các phương pháp tự điều trị tại nhà để giúp giảm sưng đau. Phản ứng dị ứng nhẹ gây sưng môi thường hết trong vòng 4 ngày, đặc biệt là khi bạn sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn. Đối với những vết rách hoặc trầy xước nhỏ trong miệng, hãy sử dụng nước súc miệng peroxyl để giúp lành nhanh hơn, giảm bớt sự khó chịu và làm sạch khoang miệng.

Sưng tấy môi thường gây bất tiện hơn là nguy hiểm, nhưng bạn cũng cần gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng khác. Phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng một cách nhanh chóng, và sưng tấy nghiêm trọng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý có hại khác. Trong hầu hết các trường hợp, chườm lạnh vết thương và giữ khu vực này sạch sẽ có thể giúp môi bạn lành nhanh chóng hơn.

Chủ Đề