Phong cách ứng xử của hồ chí minh

Phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

         Theo chuyên đề năm 2013 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, tập trung vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, là một chỉnh thể với nội dung nhiều tầng ý nghĩa, phát triển theo lôgíc đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày.

        Đặc trưng cơ bản trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là: Đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, bình dị, tự nhiên đến mức hồn nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Người luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Chính vì vậy mà sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống và công tác. Cách ứng xử không chỉ dừng lại ở tình thương yêu và sự quan tâm Người dành cho các đối tượng trong giao tiếp, mà nó còn thể hiện thông qua sự nêu gương của Người. Sinh thời, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói , Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng một hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói và chính Người đã gương mẫu nghiêm túc thực hiện. Hưởng ứng phong trào đóng góp vào quỹ mùa đông binh sĩ, Hồ Chí Minh đã gửi tới Cụ Võ Liêm Sơn những dòng mộc mạc, chân tình “Thưa cụ, Ủy ban Trung ương mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc hoặc chăn áo. Nhưng tôi không biết may, không có vải, mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1000 đồng, nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi là tỏ chút lòng thành”.  Với phong cách ứng xử của mình, Hồ Chí Minh đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống vinh hoa để phục vụ đất nước. Sau một buổi tiếp xúc, Người đã mời và thuyết phục được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm nhiệm việc nước; rồi Người đã thuyết phục cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình làm Trưởng ban thường vụ Quốc hội, cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Bắc Kỳ, làm Phó Thủ tướng. Mùa hè năm 1946, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp nhằm hậu thuẫn cho Hội nghị Fontainebleau mưu cầu nền độc lập, thống nhất bền vững cho Việt Nam. Trước lúc rời nước Pháp, Hồ Chủ tịch đã mời một số trí thức tiêu biểu đến gặp, Người ôn tồn nói: "Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú đã sẵn sàng chưa?", và 4 trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp gồm Phạm Quang Lễ [Trần Đại Nghĩa], Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh, đã cảm phục và cùng Người về nước. Giáo sư Đặng văn Ngữ, một tài năng mà người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng, song cảm phục và nghe theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1949 ông đã từ Nhật bản về nước tham gia kháng chiến. Người rất tin tưởng quý trọng nhân dân nên trong giao tiếp ứng xử với họ, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta”. Đối với tôn giáo, Người đánh giá cao và trân trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, chỉ ra những giá trị tương đồng giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức cộng sản qua cách nhìn nhận về những người đã sáng lập ra các tôn giáo. Theo Người, vấn đề quan trọng cần đạt được trong việc tiếp cận, đối xử với các tôn giáo là phải lôi kéo được quần chúng có đạo vào các hoạt động thực tiễn, tức là xây dựng xã hội mới chứ không phải sa vào cuộc tranh luận vô bổ có cảnh cực lạc trên Thiên Đường hay không. Đối với những người lầm đường, lạc lối hay đã từng cộng tác với bên kia trận tuyến, Người yêu cầu “Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá khoan dung”. Nói về người, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có đoạn viết: "Ở con người Hồ Chí Minh mỗi người đều thấy hiển hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất  và được yêu quý nhất trong gia đình mình... Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng Bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”. Thế giới khâm phục và tôn vinh Hồ Chí Minh không chỉ vì Người là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá, một nhà tư tưởng lớn của cách mạng Việt Nam, mà còn thừa nhận Người là một nhà lãnh đạo, nhà tổ chức thiên tài với phương pháp cách mạng đặc biệt hiệu quả, phương châm xử thế đặc biệt nhạy cảm. Tháng chạp năm 1923, Ô- xíp Man-đen-xtam [ một nhà thơ Liên xô], chỉ sau một lần trò chuyện đã nhận ra: “ Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và thanh lịch, chuộng nếp điều độ và ghét thói thái quá. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương…”. Nhà báo Úc Wilfred Burchett, người từng có nhiều cuộc phỏng vấn Hồ Chí Minh, cho biết: "Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc”. NgàiGiôn Giô-lan, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Anh [ 1969] đã viết: “Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ người tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu những trọng trách phải gánh vác, người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái ngay”…

Phong cách Hồ Chí Minh là tài tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, dân tộc ta, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Giá trị văn hoá ứng xử Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, là hành trang quý giá để Đảng và Nhà nước ta vận dụng trong công tác xây dựng chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Để khắc phục những hạn chế yếu kém trong phong cách ứng xử, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với làm, các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên học tập phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh. Đồng thời, tự bản thân của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, tích cực học tập, xây dựng văn hóa ứng xử theo phong cách Hồ Chí Minh./.

Chủ Đề