Tại sao con vua hay chết yểu

Hoàng đế sống trong cung cấm được bảo vệ nghiêm ngặt bởi một dàn thị vệ, có người hầu kẻ hạ 24/24. Chuyện ăn uống được ngự thiện phòng chăm sóc, lựa chọn thực phẩm, đồ ăn ngon nhất khắp nơi dâng lên. Chuyện chữa bệnh có các thái y giỏi nhất bắt mạch, kê đơn. Thế nhưng nhiều Hoàng đế Trung Hoa xưa không sống thọ như chúng ta vẫn nghĩ. Lý do vì đâu?

Hoàng đế phải đối mặt với nhiều áp lực công việc [Ảnh minh họa]

Áp lực công việc

Không chỉ có ngày nay mới có nhiều công việc căng thẳng mà ngày xưa các Hoàng đế đã phải đối mặt với rất nhiều việc. Với trọng trách Thiên tử, đứng đầu sơn hà xã tắc, các Hoàng đế cũng phải làm việc rất chăm chỉ, từ việc thiết triều đến dự các yến tiếc, tiếp sứ thần, phê tấu chương... Có những ngày nhiều tấu chương được dâng lên thì việc đọc và phê vào đó mấy chữ cũng không phải là công việc đơn giản.

Ngoài chuyện lo quán xuyến quốc gia, chăm lo đời sống người dân, giải quyết các vấn đề ngoại giao với các nước láng giềng thì nhiều Hoàng đế trong chế độ phong kiến cũng lo lắng đêm ngày làm sao giữ được ngai vàng bởi có thể bị phế truất, thích khách ám hại hay không được lòng các văn võ bá quan sẽ khiến cho con đường giữ ngai vàng không hề dễ dàng.

Những áp lực đó ảnh hưởng đến cơ thể, mệt mỏi trong suy nghĩ dẫn đến tuổi thọ giảm sút đáng kể. 

Quá nhiều cung tần mỹ nữ

Trong cung cấm thời phong kiến, hiếm có vị vua nào ít cung tần mỹ nữ. Có những Hoàng đế có tới hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Trong đó có những người được sủng hạnh và mang long thai. Tuy nhiên, có những người ôm mộng được sủng hạnh đến đầu bạc mà không được một lần nếm trải giây phút hạnh phúc rồi phải quay về với lãnh cung. 

Với số lượng cung tần mỹ nữ như vậy, chuyện sủng hạnh cũng mệt mỏi và đau đầu. Mỗi năm chỉ có 365 ngày, tức là 365 đêm, nếu sủng hạnh thường xuyên cũng dễ lao lực, ảnh hưởng sức khỏe và tuổi thọ.

Có nhiều vị Hoàng đế hoang dâm, thường xuyên quá độ chuyện phòng the. Vào thời nhà Tấn ở Trung Quốc có vị Hoàng đế còn dùng đến xe dê đi quanh hậu cung. Khi xe dê dừng ở đâu thì sẽ thị tẩm phi tần ở cung đó. Vì biết được điều này nên có người dùng lá trúc tẩm nước muối và để trước cửa cung khiến dê dừng lại, bởi chúng thích ăn các lá trúc này. 

Đau đầu với những âm mưu của phi tần ở hậu cung

Ở chốn hậu cung có rất nhiều phi tần, mỹ nữ, không ít trong đó vẫn luôn mơ được sủng hạnh của Hoàng đế. Vì vậy, ngoài tài năng của bản thân được lọt vào mắt Rồng thì không hiếm người dùng tới âm mưu tranh quyền đoạt vị, bày mưu kế. Có những vị phi tần dựng hiện trường giả, tạo sóng gió rồi vu oan giáng họa cho phi tần khác để loại một người ra khỏi cuộc chiến chốn hậu cung. 

Giữa những sóng gió đó, có lúc Hoàng đế cũng phải vào cuộc phân xử. Với số lượng lên đến hàng trăm, hàng ngàn cung tần mỹ nữ, việc giải quyết các mâu thuẫn đó làm sao để cân bằng hậu cung, răn đe được người có lòng ác độc không phải là điều dễ dàng.

Dùng thuốc có chứa kim loại nặng

Giấc mơ trường sinh bất tử là mong muốn của con người từ khi sinh ra trên cõi đời này. Các vua chúa từ xa xưa cũng không phải là ngoại lệ. Với quyền lực của mình, trong chế độ phong kiến Trung Hoa xưa, nhiều Hoàng đế sai người đi tìm thuốc trừng sinh bất lão, hay mời những người từ ngoài cung vào để điều chế tiên dược, viên đan... Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể chứa kim loại nặng, nếu uống lâu cái lợi chưa thấy nhưng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, gây độc và có thể mất mạng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến cho Hoàng đế không sống thọ.

Y học kém phát triển

Thời xưa, các Hoàng đế có đội thái y chuyên việc bắt mạch, bốc thuốc, nghiên cứu bệnh tật... Nhưng việc chẩn đoán có nhiều hạn chế vì bắt mạch khó có thể tìm hết được nguyên nhân. Thời đó, máy móc chẩn đoán không có, các loại thuốc chưa được điều chế nhiều... chưa có thuốc để chữa nhiều bệnh. Thậm chí, với một số bệnh, khi đã mắc là xác định vô phương cứu chữa. 

Nếu như bệnh được xem bình thường ngày nay thì ngày xưa có thể là rất nặng. Cách chữa không hiệu quả và triệt để dẫn đến mắc bệnh nặng và từ đó không thể chữa được.

Ít vận động

Hoàng đế đứng đầu một quốc gia, được thái giám và cung nữ hầu hạ từ việc rửa mặt cho đến ăn uống... Đi đâu cũng có kiệu 8-10 người rước, hằng ngày ngồi trên ngai vàng để thiết triều hoặc ngồi tại chỗ viết chữ, phê tấu chương. Thời gian đi dạo ở ngự hoa viên rất ít. Cho nên, hầu hết Hoàng đế ít vận động và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe không tốt. 

Có thể do di truyền

Thời xa xưa, các nữ nhân kết hôn với Hoàng đế từ khi tuổi còn quá trẻ. Khi đó cơ thể yếu ớt, sinh ra con cũng không khỏe mạnh. Trong khi mang thai cũng không có đủ điều kiện bồi bổ như ngày nay, cho nên đứa trẻ sinh ra không được khỏe thì tuổi thọ cũng khó kéo dài.

Nguồn: //thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/hoang-de-trung-hoa-it-nguoi-song-tho-dau-dau-voi-a...Nguồn: //thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/hoang-de-trung-hoa-it-nguoi-song-tho-dau-dau-voi-am-muu-cua-phi-tan-o-hau-cung-d256582.html

Theo H.A [thoidaiplus.suckhoedoisong.vn]

Sự kiện: Chuyện cung đình Trung Hoa, Tin tức Trung Quốc

Hình tượng hoàng đế Vũ Văn Ung trong phim truyền hình Trung Quốc.

Lịch sử phong kiến Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, gắn liền với đó là các hoàng đế. Có những hoàng đế được coi là minh quân, đưa cả triều đại hưng thịnh, cũng có những hoàng đế hoang dâm vô độ, bỏ bê triều chính dẫn đến những kết cục bi thảm. Loạt bài này sẽ điểm lại các hoàng đế ham mê sắc dục bê bối nhất.

Người xưa quan niệm rằng nếu cha mẹ nghiêm khắc, dạy dỗ con cái thật chu đáo, đứa trẻ lớn lên ắt sẽ nên người. Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng đúng như vậy, theo Sohu.

Bắc Chu là một triều đại Trung Hoa thời Nam Bắc triều, kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền bắc Trung Quốc từ năm 557-581. Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung, hoàng đế thứ 3 nhà Bắc Chu, được xem là một hoàng đế có tài.

Cái chết đột ngột của ông vào năm 578, khi mới 35 tuổi khiến giấc mộng thống nhất Trung Nguyên còn dang dở. Con trai là Vũ Văn Uân nối ngôi, tức Chu Tuyên Đế.

Thái tử bướng bỉnh, không nghe lời cha

Vũ Văn Uân [559-580] là con trai cả của Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung, chào đời khi cha 16 tuổi. Khi mới ở tuổi trưởng thành, Vũ Văn Uân được cha tin tưởng phái đi vi hành các châu thay mình, làm quen với cách quản lý đất nước. 

Năm 576, Vũ Văn Uân được giao trọng trách thống lĩnh đại quân chinh phạt các bộ lạc phương bắc, dù quyền chỉ huy thực tế là của người khác.

Theo Sohu, lẽ ra Vũ Văn Uân ít nhiều cũng phải học hỏi được đức tính, những điều cha răn dạy. Nhưng trên thực tế, trước mặt Vũ Đế, Vũ Văn Uân tỏ ra cung kính, đằng sau thể hiện bộ mặt khác.

Hình tượng Dương Lệ Hoa trong phim truyền hình Trung Quốc.

Vũ Văn Uân đặc biệt thích uống rượu ngon, mỗi khi uống rượu lại trêu ghẹo các cung nữ, hành xử khác thường. Khi Vũ Đế nghe được chuyện Vũ Văn Uân thích uống rượu, ông đã ra lệnh cấm mang bất cứ loại rượu nào vào cung. Bất kỳ khi nào thái tử phạm lỗi, Chu Vũ Đế sẽ quất roi hoặc dùng gậy đánh. 

Ông từng cảnh báo: "Ngươi không biết đã có bao nhiêu thái tử bị phế truất trong lịch sử sao? Những hoàng nhi khác của quả nhân không xứng đáng làm thái tử sao?"

Vũ Đế nói vậy nhưng thực chất chỉ là dọa, vì 6 người con còn lại còn quá nhỏ, nếu có phong thái tử cũng có thể bị Vũ Văn Uân giết chết.

Vũ Đế cũng lệnh cho các quan lại ở trong cung phải giám sát thái tử chặt chẽ, ghi lại mọi lời nói và hành động, báo cáo lại hàng ngày.

Bị vua cha dò xét kỹ lưỡng, Vũ Văn Uân tỏ ra theo nề nếp, nhưng trong tâm không phục, thường lén lút làm những chuyện tày trời, theo Sohu.

Hoàng đế hoang dâm vô độ

Năm 578, Chu Vũ Đế đột ngột bệnh mất khi mới 35 tuổi. Vũ Văn Uân kế vị năm 19 tuổi. Theo quy tắc, Vũ Văn Uân phải chịu tang cha một tháng, nhưng do nóng vội, ngay ngày hôm sau đã đăng cơ, xưng làm hoàng đế.

Vũ Văn Uân vừa kế vị đã lộ rõ bộ mặt thật, là kẻ hoang dâm. Ngày ngày, Vũ Văn Uân chỉ ở hậu cung, lấy uống rượu làm thú vui, tuyển chọn mỹ nữ ở khắp thiên hạ về làm thiếp.

Theo sử sách Trung Hoa, Vũ Văn Uân còn thông dâm với các phi tần, cung nữ của vua cha quá cố. Theo tục lê, khi vua cha qua đời, các phi tần được cho vào lãnh cung. Nhưng Vũ Văn Uân không bỏ sót một ai, ngày đêm hoang dâm vô độ.

Tất cả những cô gái có nhan sắc đều không thể thoát khỏi Vũ Văn Uân, dù đó là vợ của các đại thần. Vũ Văn Uân có hoàng hậu là Dương Lệ Hoa, con gái của đại thần Dương Kiên. Nhưng không lâu sau khi lên ngôi, Vũ Văn Uân sắc phong cho 4 hoàng hậu khác, lập kỷ lục trong lịch sử, theo Sohu.

Dương Lệ Hoa là con gái của Dương Kiên, người sau này sáng lập nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.

Điều này khiến Dương Lệ Hoa không phục, dù bà tỏ ra nhu mì và không ghen tuông. Cha của Dương Lệ Hoa, đại thần Dương Kiên rất có địa vị trong triều, từng được Chu Vũ Đế tin dùng, dù rằng có người nói Dương Kiên sau này có thể làm phản, đoạt ngôi nhà Bắc Chu.

Trong một lần uống rượu, Vũ Văn Uân lỡ lời nói với hoàng hậu: “Một ngày nào đó, ta sẽ giết hết Dương gia các ngươi!”. Vũ Văn Uân không ngờ rằng, lời nói này đã gây tai họa cho chính mình.

Dương Lệ Hoa nghe vậy hết sức sợ hãi, liền đem kể cho cha biết. Từ đó, Dương Kiên bắt đầu có biện pháp phòng bị.

Một lần khác, Vũ Văn Uân gọi Dương Kiên vào cung, nghĩ rằng nếu đại thần có biểu hiện lạ sẽ lập tức ra lệnh giết ngay. Nhưng Dương Kiên tỏ ra bình thản và hoàn toàn tự nhiên, khiến Vũ Văn Uân ngần ngại xuống tay.

Sau chuyện này, Dương Kiên chủ động nhờ các đại thần khác trong triều nói tốt, để hoàng đế đưa mình đến nơi khác nhậm chức. Vũ Văn Uân nghe vậy liền đồng ý, cũng không muốn giữ Dương Kiên ở gần sợ sinh họa.

Ở trong triều, Vũ Văn Uân ngày càng điên loạn và hoang phí. Chưa đầy một tháng sau khi lập thái tử, Vũ Văn Uân đã tuyên bố nhường ngôi, tự xưng làm "Thiên nguyên hoàng đế", thay vì Thái thượng hoàng.

Trước khi Dương Kiên nhận chiếu rời đi, Vũ Văn Uân đột ngột lâm bệnh nặng, qua đời vào mùa hè năm 580, ở tuổi 21. Dương Kiên nhờ ảnh hưởng trong triều, trở thành đại thần nhiếp chính, đoạt lấy quyền kiểm soát hoàng cung và cấm quân.

Trong vòng một năm, Dương Kiên  đoạt lấy ngai vàng, chấm dứt nhà Bắc Chu và thiết lập nhà Tùy trong lịch sử Trung Hoa.

Về nguyên nhân cái chết của Vũ Văn Uân, có thông tin nói rằng hoàng đế mây mưa quá độ, dùng thuốc kích thích vô tội vạ mà mắc bệnh nặng, qua đời chỉ sau một năm lên ngôi.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Vũ Văn Uân khi chết mới 21 tuổi, độ tuổi tràn trề sinh lực, vì hoang dâm mà chết là điều hết sức đáng ngờ. Không loại trừ việc Dương Kiên đã sai người đầu độc, khiến hoàng đế hoang dâm nhà Bắc Chu sớm qua đời, theo Sohu.

_______________

Thời phong kiến ở Trung Hoa có hoàng đế xứng đáng bị gọi là “kẻ biến thái” vì những hành động trái với luân thường đạo lý, không thể chấp nhận được. Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 2 xuất bản 10h ngày 3.2 để biết hoàng đế này là ai và đã làm những điều trái với đạo lý ra sao, để lại vết nhơ trong lịch sử.

Nguồn: //danviet.vn/hoang-de-trung-hoa-hoang-dam-vo-do-chet-yeu-khien-trieu-dai-sup-do-chong-vanh-...Nguồn: //danviet.vn/hoang-de-trung-hoa-hoang-dam-vo-do-chet-yeu-khien-trieu-dai-sup-do-chong-vanh-502022229598914.htm

Video liên quan

Chủ Đề