Tại sao công ty trách nhiệm hữu hạn không được phát hành cổ phiếu

Tại sao công ty Cổ phần lại phù hợp để trở thành công ty Đại chúng.

  1. Luật Chứng Khoán 2006
  2. Luật Doanh nghiệp 2014

Theo pháp luật Chứng khoán, Công ty Cổ phần [CTCP] khi đủ điều kiện quy định tại khoản 1 điều 25 luật Chứng khoán thì sẽ phải đăng kí để trở thành công ty Đại chúng [CTĐC]. Loại hình CTCP là loại hình công ty phù hợp nhất để có thể trở thành CTĐC so với các loại hình doanh nghiệp khác. Để làm rõ vấn đề trên dựa vào những tiêu chí sau đây:

Thứ nhất về chủ sở hữu: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì CTCP có số thành viên tối thiểu là ba thành viên và không giới hạn số thành viên tối đa. Trong khi đó, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có số thành viên tối thiểu là hai và tối đa là năm mươi thành viên. Mà theo quy định của pháp luật chứng khoán thì CTĐC phải là: Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu. Như vậy, so với công ty TNHH thì CTCP là loại hình doanh nghiệp phù hợp.

Thứ hai về huy động vốn: CTCP được phát hành mọi dạng chứng khoán để huy động vốn như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… Còn với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, được phát hành trái phiếu nhưng không được phát hành cổ phiếu ra công chúng. Tiếp tục căn cứ vào bản chất của CTĐC là công ty thực hiện huy động vốn rộng rãi từ công chúng, với mức huy động lớn [10 tỷ đồng], do vậy để phù hợp với tính chất đại chúng cũng như phù hợp với cách thức huy động vốn rộng rãi hơn thì CTCP là loại hình đáp ứng đủ điều kiện này.

Thứ ba về chuyển nhượng vốn: Theo quy định của Luật chứng khoán thì chứng khoán mang tính chất thanh khoản cao, vì vậy các chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán dễ dàng trao đổi mua – bán, chuyển đổi quyền sở hữu. Do đó loại hình CTCP là phù hợp hơn do tính dễ dàng chuyển nhượng vốn. Trong CTCP, về nguyên tắc, cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ 2 trường hợp quy định tại khoản 3 điều 116 và điều 119 Luật doanh nghiệp. Còn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, vốn góp không được tự do chuyển nhượng ra bên ngoài mà trước hết phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán.

Từ các tiêu chí nêu trên có thể thấy rằng loại hình công ty Cổ phần là loại hình phù hợp nhất để trở thành công ty Đại chúng.

Bài viết liên quan

Công ty TNHH có được phát hành cổ phiếu không? Để duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh, rất nhiều công ty TNHH có nhu cầu huy động thêm vốn góp từ những nhà đầu tư mới và đây là câu hỏi nhiều doanh nghiệp đặt ra hiện nay. Để trả lời cho câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu là một chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi số hay dữ liệu điện tử xác nhận về quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần nhất định của công ty đó. Cổ phiếu phải bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây:

  • Tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của công ty;
  • Số lượng cổ phần và loại cổ phiếu đã mua;
  • Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng số mệnh giá của số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
  • Thông tin về họ tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ chứng thực của cá nhân nếu cổ đông là cá nhân; thông tin về tên, mã số doanh nghiệp hay số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ của trụ sở chính đối nếu cổ đông là tổ chức;
  • Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần;
  • Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu đó;
  • Một số thông tin khác theo quy định tại các điều 116,117 và 118 của Luật Doanh nghiệp 2020 đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

Những công ty nào được phát hành cổ phiếu?

Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần được quyền phát hành cổ phiếu bằng phương thức chào bán ra công chúng. Dựa vào đặc điểm vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau và được tự do chuyển nhượng. Công ty cổ phần là là loại hình công ty có được khả năng huy động vốn rất dễ dàng.

Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn; tập hợp nhiều cổ đông và có cơ chế huy động vốn linh hoạt. Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh, công ty cổ phần sẽ đòi hỏi một lượng vốn khá lớn. Để có thể huy động vốn, công ty cổ phần có thể thực hiện huy động vốn từ trong nội bộ công ty hoặc gọi vốn bên ngoài. Cách thức huy động vốn phổ biến nhất là phát hành cổ phiếu hay trái phiếu.

Các dạng cổ phiếu hiện nay:

Cổ phiếu được phép phát hành: đây là cổ phiếu mà khi thành lập công ty, công ty cổ phần được phép phát hành để thực hiện huy động vốn.

Cổ phiếu đã được phát hành: loại cổ phiếu đã được bán ra thị trường và được các nhà đầu tư mua lại trên thị trường. Điều này cho thấy là công ty đã thu được một số tiền bán các cổ phiếu đó. Số lượng cổ phiếu này nhỏ hơn hay bằng số cổ phiếu được phép phát hành của công ty đã nêu ở trên.

Cổ phiếu quỹ: Là loại cổ phiếu đã được tổ chức, công ty phát hành ra thị trường và được mua lại bằng chính họ qua nguồn vốn của mình.

Cổ phiếu đang lưu hành: Là loại cổ phiếu đã được phép phát hành và lưu hành trên thị trường, do các cổ đông công ty nắm giữ.

Các loại cổ phiếu

Theo Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020, thì công ty cổ phần có các loại cổ phiếu như sau:

Công ty phải có cổ phiếu phổ thông. Người sở hữu những cổ phiếu phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông. Ngoài cổ phiếu này, công ty cổ phần có thể phát hành thêm cổ phiếu ưu đãi. Người sở hữu những cổ phiếu ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi cổ phần ưu đãi, gồm những loại sau đây:

  • Thứ nhất, Cổ phiếu ưu đãi cổ tức;
  • Thứ hai, Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại;
  • Thứ ba, Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết;
  • Thứ tư, Cổ phiếu ưu đãi khác theo quy định của Điều lệ công ty và văn bản pháp luật về chứng khoán.

Những người được quyền mua các cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và những cổ phần ưu đãi khác sẽ do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông công ty quyết định.

Sau khi mua cổ phiếu, những nhà đầu tư đó [các cổ đông] sẽ trở thành chủ sở hữu đối với công ty. Mức độ sở hữu đó sẽ tùy thuộc vào tỷ lệ cổ phần do cổ đông nắm giữ. Khi này, các cổ đông sẽ cùng nhau chia sẻ mọi thành quả và các tổn thất trong quá trình hoạt động của công ty. Nếu công ty bị thanh lý phá sản thì cổ đông chỉ nhận được về những gì còn lại sau khi đã trang trải xong những khoản nghĩa vụ khác [như nợ thuế, bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng …].

Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng

Để được chào bán cổ phiếu ra công chúng, công ty phải đáp ứng một số điều kiện sau

Tại thời điểm đăng ký chào bán, công ty phải có mức vốn điều lệ thực góp từ 10 tỷ đồng trở lên dựa theo giá trị thể hiện trên sổ kế toán của công ty.

Hoạt động kinh doanh của công ty năm liền trước năm đăng ký phải là có lãi.

Ví dụ: Công ty bạn muốn chào bán cổ phiếu vào năm 2021. Thì hoạt động kinh doanh của năm 2020 của bạn phải có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm 2021.

Lên phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán đó. Phương án này phải do họp Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Những điều kiện khác mà quy định của pháp luật.

Công ty TNHH có được quyền phát hành cổ phiếu không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 46 và khoản 3 Điều 74 của Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định thì công ty TNHH không có quyền phát hành cổ phiếu.

Luật quy định như vậy cũng do đặc điểm của công ty TNHH. Đặc điểm của công ty TNHH như sau:

  • Công ty TNHH là pháp nhân độc lập và phải chịu trách nhiệm trước những khoản nợ trong phạm vi tài chính của công ty;
  • Thành viên công ty bị giới hạn số lượng không vượt quá 50 thành viên và thường là những người quen đã biết nhau, thành viên có thể là tổ chức, cá nhân;
  • Vốn điều lệ được chia thành từng phần và mỗi thành viên có thể góp nhiều hoặc ít khác nhau và bắt buộc phải góp đủ trong thời hạn đã quy định khi công ty thành lập, trong điều lệ công ty phải thể hiện vốn ban đầu. Công ty phải bảo toàn số vốn ban đầu. Nguyên tắc này thể hiện rõ qua quá trình góp vốn, sử dụng vốn cũng như phân chia lợi nhuận.
  • Phần vốn góp của công ty không thể hiện dưới hình thức cổ phiếu và việc chuyển nhượng ra bên ngoài cũng khó hơn.
  • Trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty không được phép công khai huy động vốn ra công chúng.
  • Về mặt tổ chức, điều hành ở công ty TNHH đơn giản và chặt chẽ hơn so với Công ty cổ phần; về pháp lý công ty TNHH thường ít chịu sự ràng buộc bởi pháp lý hơn so với Công ty cổ phần

Như vậy, công ty TNHH là công ty vừa đối nhân cũng vừa đối vốn, các thành viên trong công ty phải có niềm tin và hiểu biết lẫn nhau. Chính vì thế, việc phát hành cổ phiếu sẽ làm phá vỡ cấu trúc về số lượng thành viên, mối quan hệ giữa các thành viên, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong công ty.

Mặc dù vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định về một trường hợp Công ty TNHH được phát hành cổ phiếu khi thực hiện thủ tục chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Các phương thức huy động vốn của công ty TNHH

Công ty TNHH có thể huy động vốn bằng hình thức như sau:

Thứ nhất, tăng vốn góp của các thành viên trong công ty. Theo đó, chủ sở hữu/thành viên của công ty TNHH đầu tư thêm vốn góp vào công ty. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, vốn góp thêm sẽ được chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ hiện tại trong vốn điều lệ công ty.

Thứ hai, tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty có thể tiếp nhận thêm thành viên mới nhưng tổng số lượng thành viên không được vượt quá 50 thành viên. Đối với công ty TNHH một thành viên sau khi tiếp nhận thành viên mới thì công ty phải thực hiện thủ tục chuyển đổi thành loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần.

Khuyến nghị của Công ty Luật Hùng Sơn

Việc huy động vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu thì bạn cần cân nhắc những điều sau:

Phát hành cổ phiếu cho phép công ty huy động vốn có hiệu quả những nguồn tài chính trong xã hội để có được một số vốn lớn và ổn định cho hoạt động kinh doanh. Đặc trưng của hình thức phát hành này là tăng vốn nhưng không tăng thêm nợ của doanh nghiệp mà sẽ giúp cho vốn điều lệ của công ty tăng lên.

Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu cũng đồng nghĩa là bán một phần quyền sở hữu công ty cho những người mua cổ phiếu. Điều này có thể ảnh hưởng đến thay đổi vị thế của từng cổ đông trong công ty. Cụ thể: Khi phát hành cổ phiếu thường thì quyền lực sẽ bị san sẻ cho các cổ đông mới là điều dễ nhận thấy nhất. Đây là điều mà ban quản lý cũng như các cổ đông cũ không hề mong muốn vì nó sẽ làm giảm thu nhập từ cổ phần của các cổ đông cũ.

Vì vậy, điều này có thể thay đổi cơ cấu quản lí và kiểm soát trong công ty. Công ty cần phải cân nhắc nếu như không muốn gây ra sự xáo trộn lớn giữa quyền; lợi ích của các cổ đông trong công ty.

Bên cạnh đó, chi phí cho việc phát hành cổ phiếu thường cũng cao hơn chi phí để phát hành các loại trái phiếu hay cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu thường là một loại chứng khoán có mức độ rủi ro khá cao so với một số loại chứng khoán khác.

Trên đây là nội dung tư vấn để giải đáp cho câu hỏi Công ty TNHH có được phát hành cổ phiếu không? Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về các vấn đề có liên quan, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với luật sư của Công ty Luật Hùng Sơn qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6518.

Video liên quan

Chủ Đề