Tê các đầu ngón tay là bị bệnh gì

4 ngày trước, em đi chặt cây tre, sau đó, em dùng xà beng, cuốc làm đất, tối đi ngủ xuất hiện triệu chứng đau 10 đầu ngón tay như bị kim châm. Hôm sau, em đau cả các khớp của 10 ngón tay nhất là ngón cái và ngón giữa. Đêm em không thể ngủ được cứ như bị kim châm và mỗi khi nằm nghiêng đau hơn và tê ngón tay hơn. Trước đó em cũng có hiện tượng khi ngủ bị tê bì các ngón tay. Vậy bác sĩ cho em hỏi tê bì ngón tay nguyên nhân là gì? Điều trị như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Phi Nhật [1980]

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Tê bì ngón tay nguyên nhân là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Hiện tượng tê chân tay là hiện tượng tê rần ở các ngón tay, ngón chân, bàn tay hoặc cánh tay, cẳng chân. Khi triệu chứng này nặng lên, người bệnh có thể cảm thấy cơn tê, đau lan lên cổ, vai, gáy hoặc vùng đùi, hông,... Lâu dần có thể khiến người bệnh bị mất cảm giác.

Tê chân tay do sinh lý: Hiện tượng này rất phổ biến, nó thường xảy ra khi bạn giữ nguyên tư thế đứng, ngồi, nằm trong một thời gian dài hoặc khi cầm nắm vật nào đó quá lâu khiến các dây thần kinh, mạch máu bị chèn ép dẫn đến hiện tượng tê bì chân tay. Triệu chứng này sẽ hết rất nhanh chóng, bạn không cần quá lo lắng.

Tê chân tay do bệnh lý: Một số bệnh lý có thể gây ra hiện tượng tê bì chân tay kèm theo những dấu hiệu khác.

Người bị tê chân tay có thể là do những bệnh lý sau:

  • Thoát vị đĩa đệm
  • Tiểu đường
  • Chấn thương não, tủy sống, vai
  • Đa xơ cứng
  • Bệnh thần kinh tọa
  • Hội chứng Raynaud
  • Viêm khớp

Trong trường hợp của bạn sau mang vác vật nặng bị tê bì tăng lên, triệu chứng không đỡ khi nghỉ ngơi. Bạn nên đến khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được kiểm tra chụp cộng hưởng từ cột sống cổ xem có bị tổn thương thoát vị hoặc thoái hóa không. Trước mắt đang có dịch bạn nên tập luyện nhẹ nhàng, bổ sung chế độ ăn, uống thêm canxi, cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ là có thể loại bỏ triệu chứng tê bì chân tay.

Nếu bạn còn thắc mắc về tê bì ngón tay, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số hoặc đặt lịch trực tiếp . Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tê đầu ngón tay có thể là cảm giác ngứa ran hay châm chích, như thể có ai đó dùng kim đâm vào ngón tay của bạn. Đôi khi, bạn có thể cảm giác hơi nóng rát. Nếu bị tê đầu ngón tay, bạn sẽ gặp khó khăn khi nhặt lấy đồ vật hoặc không giữ đồ vật được lâu.

Tình trạng này có thể lâu lâu mới xảy ra hoặc liên tục, tới mức không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, dù do nguyên nhân nào thì bị tê ngón tay hầu như không quá nguy hiểm, có thể được điều trị dứt điểm.

Nguyên nhân tê đầu ngón tay

Tê đầu ngón tay thường gặp trong những bệnh gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị tê đầu ngón tay. Một số nguyên nhân phổ biến như sau:

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tê các đầu ngón tay. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay. Triệu chứng phổ biến là tê hoặc dị cảm đau ở các ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón áp út và gan bàn tay tương ứng với các ngón đó.

Bệnh rễ thần kinh cổ

Bệnh rễ thần kinh cổ xảy ra khi một dây thần kinh ở cột sống cổ bị viêm hoặc bị chèn ép. Rất nhiều dây thần kinh ở đây chỉ huy hoạt động của cánh tay và bàn tay. Vì vậy, bệnh nhân có thể bị tê đau từ cổ -vai đến các ngón cái, ngón trỏ hay ngón út tùy rễ thần kinh bị chèn ép.

Tê bì đầu ngón tay do bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ngoại biên. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là tê bì chi dưới và đầu bàn chân, sau đó đến chi trên và đầu bàn tay, đối xứng hai bên, kiểu đi găng, đi vớ.

Bị tê ngón tay, ngón chân thường gặp ở những bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm hoặc không kiểm soát tốt đường huyết.

Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud là sự co thắt mạch của bàn tay làm giảm lưu lượng máu đến các đầu ngón tay. Điều này có thể gây tê đầu ngón tay.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp [RA] là một rối loạn tự miễn gây sưng, đau và đau khớp. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và tấn công nhầm vào các khớp. Tình trạng này cũng có thể khiến các đầu ngón tay bị tê, ngứa và nóng.

Chèn ép thần kinh trụ

Tình trạng chèn ép thần kinh trụ là dây thần kinh trụ [đi từ vai đến ngón tay út hoặc ngón áp út ] bị đè nén. Điều này thường gây tê ở ngón tay út và ½ ngón áp út.

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây tê đầu ngón tay bao gồm:

  • Bệnh amyloidosis [thoái hóa tinh bột]
  • U nang bao hoạt dịch
  • Hội chứng Guillain Barre
  • HIV
  • AIDS
  • Bệnh Lyme
  • Bệnh xơ cứng rải rác hay đa xơ cứng [MS]
  • Tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị
  • Hội chứng Sjogren
  • Đột quỵ
  • Giang mai
  • Viêm mạch
  • Thiếu vitamin nhóm B [B1, B6, B12]
  • Bệnh Hansen hay bệnh phong
  • Gãy cổ tay hoặc bàn tay

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ khi cảm giác tê đầu ngón tay ngày càng tăng, gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động sống hàng ngày. Tê đầu ngón tay đột ngột kèm theo yếu ½ người hay bất kỳ với bất kỳ triệu chứng nào sau đây, có thể là dấu hiệu của đột quỵ, cần đi cấp cứu ngay lập tức:

  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Lú lẫn
  • Chóng mặt
  • Khó nói
  • Khó nuốt
  • Đi loạng choạng

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tê đầu ngón tay?

Bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán tê các đầu ngón tay bằng cách hỏi bệnh sử chi tiết, khám toàn thân và kiểm tra cánh tay, bàn tay và ngón tay của bạn.

Xét nghiệm máu được thực hiện đầu tiên để giúp bác sĩ phát hiện một số nguyên nhân gây tê đầu ngón tay thường gặp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường hoặc thiếu vitamin B-12.

Sau đánh giá sơ bộ, bạn có thể sẽ được giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa sâu hơn, chẳng hạn như bác sĩ chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp hoặc bác sĩ thần kinh….

Bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm một hay nhiều các xét nghiệm như chụp X. Quang, siêu âm, điện cơ ký và MRI. Những kỹ thuật này giúp phát hiện các bất thường của xương, ống cổ tay cũng như đánh giá chức năng các dây thần kinh chi phối cảm giác và vận động cho bàn tay và các phần khác của cơ thể. Những vị trí được quan sát là:

  • Cổ
  • Vai
  • Cánh tay
  • Cổ tay
  • Ngón tay

Những phương pháp nào giúp điều trị tê bì đầu ngón tay?

Tùy nguyên nhân mà mỗi tình trạng bị tê đầu ngón tay sẽ có các điều trị khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Thuốc không kê đơn [OTC] để giảm viêm, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid [ibuprofen].
  • Các thuốc tăng dẫn truyền thần kinh như vitamin nhóm B, nucleo CMP.
  • Đeo nẹp để giữ khuỷu tay hoặc cổ tay ở vị trí phù hợp, dành cho các bệnh nhân thường xuyên phải cử động cổ tay nhiều.
  • Tiêm corticoid tại chỗ nhằm làm giảm hiện tượng viêm của gân gấp trong ống cổ tay, trong viêm khớp.
  • Phẫu thuật nhằm làm giảm tổn thương và chèn ép dây thần kinh trong trường hợp nặng. Các loại phẫu thuật này bao gồm: cắt dây chằng ngang cổ tay trong điều trị hội chứng ống cổ tay hoặc chuyển dây thần kinh trụ ra trước trong trường hợp dây thần trụ bị chèn ép ở khuỷu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các bài tập căng duỗi cổ tay nhiều lần trong ngày cũng giúp cổ tay mềm dẻo, linh hoạt, giảm triệu chứng tê đầu các ngón tay.

Bài tập 1:

  • Duỗi các ngón tay rộng hết mức có thể và giữ nguyên tư thế trong khoảng 10 giây
  • Di chuyển bàn tay của bạn theo chiều kim đồng hồ khoảng 10 lần, sau đó đảo ngược hướng để giảm căng cơ
  • Đảo vai về phía sau năm lần và phía trước năm lần để giữ cho chúng thư giãn.

Bài tập 2:

  • Tay đưa thẳng ra trước, khuỷu tay thẳng, cổ tay mở rộng và các ngón tay nhìn xuống dưới.
  • Các ngón dang nhẹ và dùng bàn tay kia để gấp nhẹ nhàng cổ tay xuống dưới, căng duỗi cổ tay và các ngón càng nhiều càng tốt.
  • Khi bạn cảm thấy cổ tay đạt được độ linh hoạt mềm dẻo tối đa, giữ tư thế này trong khoảng 20 giây
  • Xoay nhanh các bàn tay và làm lặp lại.

Làm động tác này ba lần cho mỗi bên và cố gắng làm mỗi giờ.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa tê đầu ngón tay?

Một trong những nguyên nhân khiến bạn bị tê ngón tay và đầu ngón tay là do chấn thương khi sử dụng quá mức. Những người thường xuyên thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại cổ tay là dân văn phòng, lái xe, thợ thủ công… dễ mắc các triệu chứng này. Những đối tượng ít vận động cũng có nguy cơ cao.

Phòng ngừa bao gồm:

  • Giữ tư thế đúng khi sử dụng công cụ, bàn phím hoặc thiết bị khác có thể dẫn đến chấn thương bàn tay hoặc cổ tay.
  • Đối với người ngồi lâu, ít tập thể dục, nên tranh thủ vận động tại chỗ sau mỗi 1-2 giờ làm việc. Tập căng duỗi cơ khớp mỗi ngày giúp giảm tình trạng co cứng cơ, tăng độ linh hoạt các khớp và giúp máu lưu thông tốt.

Ngoài ra, bạn nên đi kiểm tra ngay nếu bị tê đầu ngón tay kéo dài. Khi nguyên nhân gây tê đầu ngón tay được xác định càng sớm, việc điều trị sẽ càng dễ dàng hơn.

Chủ Đề