Thắng lợi của phong trào Đồng khởi (1959 -- 1960 đưa cách mạng miền Nam chuyển từ)

Phong trào "Đồng khởi” ở miền Nam

[ĐCSVN] - Nghị quyết số 15 có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, đã xoay chuyển tình thế, dẫn đến cuộc “Đồng khởi” oanh liệt của toàn miền Nam.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, các Đảng bộ Nam Bộ và Liên khu V đã coi trọng việc đưa Nghị quyết xuống tận cơ sở và quần chúng cách mạng. Phong trào đồng khởi [khởi nghĩa từng phần] bắt đầu.

Nhân dân Bến Tre đồng khởi đêm 17/1/1960. Ảnh: baotanglichsu.vn

Ở Liên khu V, sau cuộc khởi nghĩa Bác Ái [năm 1958], trong năm 1959 diễn ra các cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ.

Ở Nam Bộ, nhân dân nhiều nơi ở miền Đông, miền Trung và miền Tây nổi dậy làm tan rã từng mảng bộ máy thống trị và kìm kẹp của địch ở cơ sở. Ngày 16-9-1959, lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh ở Gò Quản Cung, tỉnh Kiến Phong [nay thuộc Đồng Tháp], tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy. Đêm 24-9-1959, Khu ủy Khu 8 [Trung Nam Bộ] họp bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, quyết định lãnh đạo các địa phương trong khu đồng loạt nổi dậy vào tháng Giêng năm 1960. Thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động tuần lễ "toàn dân đồng khởi” nhằm phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng chính quyền cách mạng.

Ngày 17-01-1960, nhân dân huyện Mỏ Cày nhất tề nổi dậy, diệt ác phá đồn, đập tan bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở cơ sở. Từ thắng lợi Mỏ Cày, phong trào lan nhanh sang các huyện Giồng Trộm, Châu Thành, Ba Tri, Thành Phú, Bình Đại. Chính quyền tự quản và lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập, bọn ác ôn bị đưa ra xét xử, ruộng đất của địa chủ được đem chia cho nông dân. Theo chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đêm 25 rạng ngày 26-01-1960, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tiến công căn cứ Tua Hai [Tây Ninh] tiêu diệt và bắt sống 500 quân ngụy, cổ vũ quần chúng vùng lên giải phóng 24 xã trong tỉnh, xóa bỏ 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp.

Hòa nhịp với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre và Tây Ninh, các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường... đồng loạt nổi dậy và làm chủ khoảng 2/3 số ấp, xã.

Ngọn lửa nổi dậy, tiến công bốc cao và lan rộng ở đồng bằng Nam Bộ, ở rừng núi miền Trung. Hầu hết các ban tề ấp, xã tan rã, tê liệt. Vùng giải phóng liên hoàn hình thành, nối liền các huyện, các tỉnh. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động. Một hình thức chính quyền nhân dân ra đời.

Tính đến cuối năm 1960, phong trào "Đồng khởi” của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền địch ở đại bộ phận cơ sở. Thế trận của địch ở miền Nam bị đảo lộn, từ chỗ tập trung lực lượng hô hào "Bắc tiến” chúng phải dồn về chống đỡ với cách mạng miền Nam.

Phong trào "Đồng khởi” ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Tháng 01-1960, 8.000 công nhân đồn điền cao su Biên Hòa đình công. Ngày 01-5-1960, 1.000 công nhân Sài Gòn mít tinh nêu khẩu hiệu đả đảo đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền dân tộc, dân chủ. Ngày 20-7, hàng vạn quần chúng ở các đô thị xuống đường biểu tình đòi "đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam", đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 8-1960, 500 thanh niên ở Trại huấn luyện thanh niên cộng hòa thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bỏ trại trốn về nhà. Ngày 20- 9-1960, hơn 20.000 đồng bào Khơme, trong đó có 2.000 sư sãi tỉnh Trà Vinh, kéo vào thị xã đấu tranh; 45.000 đồng bào nông thôn tỉnh Mỹ Tho kéo vào thị xã đòi chấm dứt việc bắn pháo vào các thôn, xóm. Ngày 04-10-1960, 10.000 đồng bào huyện Cao Lãnh kẻo vào thị xã Sa Đéc chống khủng bố, bắt phu, bắt lính. Ngày 15-10-1960, hơn 60.000 đồng bào tỉnh Bến Tre kéo vào thị xã đấu tranh đòi hủy bỏ luật 10/59. Trong năm 1960, ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị.

Phong trào "Đồng khởi" trên thực tế đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, đẩy chính quyền Mỹ vào tình thế bế tắc, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc.

Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, Châu Thành [nay là Tân Biên - Tây Ninh], Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2018, tr. 216 – 220.

Giải bài tập câu hỏi thảo luận trang 135 SGK Lịch sử 9

Đề bài

Phong trào “Đồng khởi” [1959 - 1960] nổ ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của nó?

Phương pháp giải - Xem chi tiết

Dựa vào sgk Lịch sử 9 trang 133, 135 để trả lời.

Lời giải chi tiết

1. Hoàn cảnh lịch sử:

- Trong những năm 1957 - 1959:

+ Mĩ - Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”.

+ Tăng cường khủng bố, đàn áp.

+ Ra sắc lệnh “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, thực hiện đạo luật 10/59 [5-1959] lê máy chém khắp miền Nam, giết hại những người vô tội.

- Tháng 01-1959, Hội nghị Trung ương Đảng 15 xác định:

+ Cách mạng miền Nam không có con đường nào khác là sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ chính quyền Mĩ - Diệm.

+ Phương hướng cơ bản là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng con đường đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp với đấu tranh vũ trang.

2. Diễn biến:

- Lúc đầu phong trào nổ ra lẻ tẻ ở Vĩnh Thạnh, Bác Ái [2-1959], Trà Bồng [8-1959],… sau lan ra khắp miền Nam thành cao trào cách mạng, tiêu biểu là cuộc “Đồng khởi” ở Bến Tre.

- Ngày 17-1-1960, “Đồng khởi” nổ ra ở 3 xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh [huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre], từ đó lan khắp huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre.

- Quần chúng giải tán chính quyền địch, lập Ủy ban nhân dân tự quản, lập lực lượng vũ trang, tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào chia cho dân cày nghèo.

- Phong trào lan khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở Trung Trung bộ.

3. Kết quả:

- Cuối năm 1960, ta làm chủ được nhiều thôn, xã ở Nam Bộ, Tây Nguyên và cả Trung Trung Bộ.

4. Ý nghĩa:

- Phong trào “Đồng khởi” đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

- Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

- Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận đoàn kết toàn dân chống Mỹ - Diệm, lập chính quyền cách mạng dưới hình thức Ủy ban nhân dân tự quản.

Loigiaihay.com

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Lịch sử lớp 9 - Xem ngay

QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:31 [GMT+7]

Phong trào đồng khởi ở miền Nam [1959-1960] - sự gặp gỡ giữa ý Đảng và lòng dân.

Phong trào Đồng khởi ở miền Nam [1959-1960] là một trong những hiện tượng lịch sử, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công; đồng thời, đó là biểu hiện của sự gặp gỡ giữa ý Đảng và lòng Dân.

Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ [21-7-1954] có hiệu lực, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Ở miền Nam, Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai. Chúng tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở Cam Lộ, Hướng Điền, Chợ Được, Củ Chi, Mỏ Cày; đồng thời, thực hiện biện pháp chiến lược mang tên :"Tố cộng, diệt cộng", coi đấy là "quốc sách" để thực hiện chủ trương loại bỏ những người cộng sản, triệt phá tổ chức và tư tưởng cộng sản. Tuy nhiên, trong những năm đầu, nhân dân ta ở miền Nam kiên trì thực hành đấu tranh chính trị trong khuôn khổ pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cho đến đầu năm 1959, với việc ban hành "Luật 10/59", Mỹ - Diệm đã tăng cường sử dụng bạo lực phát xít, thẳng tay đàn áp, bắt giam và sát hại quần chúng cách mạng. Hành động khủng bố thâm độc và tàn bạo của Mỹ - Diệm chẳng những không khuất phục được nhân dân ta, không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của quần chúng cách mạng miền Nam, mà còn phơi bày bản chất xâm lược và bán nước của chúng. Đây là thời kỳ đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Mặc dù chịu nhiều tổn thất về lực lượng, nhưng về căn bản, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững, cơ sở của đảng vẫn được củng cố và phát triển. Qua thực tế đấu tranh với địch, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ngày càng có kinh nghiệm trong việc vận dụng phương châm và hình thức đấu tranh cách mạng, từng nơi, từng lúc, đã khéo tiến công vào chỗ yếu của địch, từng bước dồn chúng vào thế bị động. Trong vòng kìm kẹp của Mỹ - Diệm, đông đảo quần chúng cách mạng đã kết thành một khối, siết chặt đội ngũ, chờ thời cơ, sẵn sàng hành động, quyết một phen sống mái với kẻ thù. Và, đó là bước chuẩn bị về tinh thần và lực lượng cho cuộc đấu tranh quyết liệt với địch, thực hiện mong ước cháy bỏng: xoá bỏ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước!

Dõi theo tình hình miền Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã nhận định: "Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào"1. Từ nhận định quan trọng đó, Đảng ta từng bước có những chuẩn bị về đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hết sức phức tạp, việc vạch ra đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam có nhiều trở ngại. Mặc dù vậy, trong khi xác định hình thức đấu tranh của cách mạng Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng [tháng 6-1956] đã chỉ rõ: "Hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, không phải đấu tranh vũ trang. Nói như thế không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định"2. Cũng cần thấy rằng, trên thực tế, những khó khăn, tổn thất của ta ở miền Nam trong những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ chủ yếu là do mặt chỉ đạo đấu tranh cách mạng, Đảng ta chưa tìm ra được phương pháp và hình thức thích hợp để chống trả sự đàn áp của địch một cách có hiệu quả. Trong lúc kẻ thù đã sử dụng toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là bộ máy quân đội và cảnh sát để đàn áp và thủ tiêu lực lượng và cơ sở cách mạng, thì việc tiến hành đấu tranh dưới hình thức chính trị đơn thuần của quần chúng nhân dân miền Nam là không hiệu quả và không còn phù hợp. Đòi hỏi của tình thế cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ là phải chuyển hướng đấu tranh, phải có phương pháp và hình thức đấu tranh mới.

Đầu năm 1959, trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong hơn bốn năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh; cũng như những kiến nghị của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng và quần chúng nhân dân miền Nam; cùng với khí thế sục sôi cách mạng ở miền Nam, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 [khóa II, tháng 1-1959], Đảng ta đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước, đề ra một cách toàn diện đường lối cách mạng miền Nam, đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà. Đảng khẳng định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, trước nhất "lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang hoặc nhiều hoặc ít tuỳ tình hình, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân"3. Trong những tháng đầu của năm 1959, bản Nghị quyết của Hội nghị 15 [sau đây gọi là Nghị quyết 15] chưa được thông qua chính thức; dù vậy, qua các bức mật điện của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Xứ uỷ Nam Bộ, các đảng bộ Khu, Tỉnh và các đảng bộ cơ sở đã kịp thời nắm bắt tinh thần của Nghị quyết 15. Cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng đã nhanh chóng lĩnh hội nội dung cốt yếu của Hội nghị bằng câu truyền tai giản dị: “Đảng đã cho đánh rồi!”. Nội dung “cốt yếu” ấy như một luồng sinh khí mới, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, mặc dù chỉ ít người nắm được một cách thấu đáo là Đảng chủ trương lấy đấu tranh chính trị hay đấu tranh vũ trang là chủ yếu, hoặc kết hợp cả hai hình thức đó...

Các cuộc nổi dậy chống địch dồn dân, phá các khu tập trung, trở về buôn làng cũ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi Khu 5, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, vào tháng 2-1959, như đốm lửa báo hiệu cho phong trào nổi dậy khởi nghĩa của nhân dân miền Nam. Đốm lửa ấy lớn dần lên vào mùa Thu năm 1959, khi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng bùng nổ [28-8]. Rồi từ Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa lan nhanh sang các huyện miền Tây Quảng Ngãi, như: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long. Ở những nơi này, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền cách mạng đã được thành lập, các đội vũ trang lần lượt ra đời.

Trong lúc nhân dân Trà Bồng nổi dậy, thì tại đồng bằng Trung Nam Bộ, các đội vũ trang tập trung, các đội vũ trang tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động, hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Nổi bật và gây tiếng vang lớn là trận đánh của Tiểu đoàn 502 [chủ lực Khu 8] tại Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong [nay là Đồng Tháp] vào ngày 26-9-1959. Trên mảnh đất mênh mang sông nước, chằng chịt kênh rạch, tháng 12 năm 1959, Liên tỉnh uỷ miền Trung Nam Bộ triệu tập đại biểu các tỉnh Kiến Phong, Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, An Giang, tổ chức hội nghị tại Hồng Ngự, để bàn định các biện pháp thúc đẩy phong trào cách mạng ở Trung Nam Bộ tiến lên giành những thắng lợi mới. Hội nghị Liên tỉnh uỷ quyết định:phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã, ấp.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị Liên tỉnh uỷ Trung Nam Bộ, ngày 17-1-1960, nhân dân Bến Tre nổi dậy khởi nghĩa, bắt đầu từ 3 xã điểm: Định Thuỷ, Phước Hiệp và Bình Khánh [huyện Mỏ Cày]. Phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Bến Tre. Chỉ trong một tuần lễ [từ 17 đến 24-1-1960], nhân dân 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nhất tề nổi dậy, giải phóng xã, ấp khỏi ách kìm kẹp của địch.

Thắng lợi trong cuộc đồng khởi của nhân dân Bến Tre làm cho địch điên đầu. Ngô Đình Diệm lập tức đến Bến Tre để khảo sát tình hình, đồng thời lệnh cho quân đội đưa 10 nghìn lính về 3 xã trên để mở cuộc vây quét lực lượng cách mạng. Quân địch đi đến đâu, chúng bắn giết, đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ tới đó. Chúng chôn sống 36 thanh niên và giết hại 80 đồng bào. Nhằm ngăn chặn hành động bạo ngược đó, Tỉnh uỷ Bến Tre quyết định vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với địch; đồng thời, huy động tổ chức lực lượng phụ nữ kéo ra quận lỵ Mỏ Cày tố cáo tội ác của binh lính địch, đòi chúng rút quân. Ngày 1-4-1960, hàng nghìn phụ nữ với hàng trăm ghe, thuyền, đem theo lợn, gà, xoong, nồi, mùng, màn, kéo về quận lỵ lánh nạn. Cuộc tản cư ngược của phụ nữ 3 xã này nhanh chóng được bổ sung thêm lực lượng. Đến quận lỵ, chị em lớp đưa đơn, lớp nói miệng đòi Quận trưởng cho nương nhờ để chờ quân “áo rằn” rút. Trước lời lẽ có lý, có tình của chị em, địch buộc phải thừa nhận tội ác và hứa rút quân. Cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ Bến Tre đã giành thắng lợi lớn và từ đây xuất hiện cụm từ “Đội quân tóc dài” để chỉ cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam.

Cùng với Bến Tre, nhân dân và lực lượng vũ trang ở miền Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ đã vùng lên mạnh mẽ, giành được những thắng lợi to lớn. Phong trào Đồng khởi nhanh chóng lan rộng và phát triển đồng loạt vào tháng 9-1960 trên khắp miền Nam: từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến các tỉnh miền Tây đồng bằng Khu 5. Cách mạng đã làm chủ được một vùng căn cứ rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược, nối từ Tây Nguyên xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng Khu 5; đồng thời, đã thúc đẩy quần chúng ở các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định, đứng lên đấu tranh mạnh mẽ4.

Như vậy, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, nhân dân miền Nam đã nhất tề nổi dậy bằng nhiều phương pháp khởi nghĩa cực kỳ phong phú, sáng tạo, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp, thôn, bản. Phong trào Đồng khởi [1959 - 1960] đã tạo ra điều kiện thuận lợi để Đảng bộ miền Nam được khôi phục, lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp được thành lập; các căn cứ địa cách mạng được khôi phục, mở rộng; tuyến đường huyết mạch Trường Sơn - Hồ Chí Minh và tuyến đường biển được hình thành và phát triển5...

Có thể nói, cách mạng Việt Nam ở miền Nam từ đồng khởi và bằng đồng khởi đã vượt qua thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế giữ gìn lực lượng, chuyển hẳn sang thế tiến công. Trên ý nghĩa đó, đồng khởi chính là bước thắng lợi đầu tiên, rất cơ bản trên chặng đường đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược. Từ Nghị quyết 15 đến Phong trào Đồng khởi, Đảng ta đã có thêm những điều kiện thực tiễn quan trọng để rút ra được nhiều bài học lớn về chỉ đạo cách mạng, như: đánh giá đúng địch và ta, nắm vững quan điểm bạo lực, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công. Đặc biệt, Phong trào Đồng khởi ở miền Nam [1959 - 1960] chính là hình ảnh sinh động nhất của sự gặp gỡ giữa ý Đảng và lòng Dân. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hơn bao giờ hết, sự gặp gỡ giữa ý Đảng và lòng Dân là nhân tố vô cùng quan trọng để thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết các Hội nghị, Đại hội Đảng đề ra. Để có sự gặp gỡ đó, cán bộ, đảng viên, các chi bộ, đảng bộ các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết của Đảng đến mỗi người dân; khi đã thấu hiểu thì dù gặp bất cứ trở ngại nào, quần chúng cũng gắng sức vượt qua, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực.

LÊ QUANG LẠNG

Viện LSQS Việt Nam

___________

1- ĐCS VN- Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15 [1954], Nxb CTQG, H. 2001, tr. 166.

2- ĐCS VN- Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 17 [1956], Nxb CTQG, H. 2002, tr. 225.

3- ĐCS VN- Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20 [1956], Nxb CTQG, H. 2002, tr. 82.

4- Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tập II: Chuyển chiến lược, Nxb CTQG, H.1996, tr. 269,334.

5- Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thắng lợi và bài học- Nxb CTQG, H. 1996, tr. 45.

Video liên quan

Chủ Đề