Thế hệ trẻ thiếu kiến thức văn hóa lịch sử năm 2024
(Sóng trẻ) - Lịch sử không chỉ là những sự kiện và con số khô khan, mà còn là nguồn cảm hứng và bài học quý báu cho thế hệ trẻ. Đối mặt với những thách thức và biến động của thời đại mới, việc hiểu và trân trọng lịch sử càng trở nên vô cùng quan trọng. Nhận thức về nguồn gốc và bản sắc dân tộc Những năm gần đây, môn Lịch sử cùng việc học lịch sử ngày càng được đề cao và chú trọng. “Tìm hiểu lịch sử, học lịch sử để làm gì?” là một câu hỏi không mới, song chưa bao giờ giảm nhiệt. Cô Nguyễn Thị Hợp - giáo viên bộ môn Lịch sử tại trường THPT Hồng Thái, Hà Nội chia sẻ: "Lịch sử giúp các em học sinh nhận thức được giá trị của tự do, hòa bình, thứ ông cha phải đổ máu để có được. Điều này tạo động lực cho các em có trách nhiệm hơn trong cuộc sống của chính mình, trong việc giữ gìn và phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc”. Từ việc giúp thế hệ trẻ định vị được bản thân, những bài học lịch sử còn mở ra cánh cửa để họ kết nối và giao lưu với các nền văn hóa khác. Những bài học từ lịch sử giúp người trẻ nhận thức được bản sắc dân tộc, tạo tiền đề để họ giao lưu với các nền văn hóa khác. (Ảnh: Ánh Tuyết)Trần Thùy Y Linh (20 tuổi, du học sinh ngành Xã hội học tại bang Sachsen, thành phố Leipzig, Đức) chia sẻ, việc tìm hiểu lịch sử thế giới giúp người trẻ có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về những vấn đề toàn cầu: "Học lịch sử không chỉ giúp mình hiểu rõ hơn về quê hương mà còn giúp mình dễ dàng kết nối với bạn bè quốc tế. Chúng mình có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau về lịch sử và văn hóa của từng quốc gia, từ đó thêm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”. Lịch sử cung cấp cho người trẻ nền tảng kiến thức vững chắc để họ có thể tự tin bước vào môi trường quốc tế, đồng thời giúp họ giữ vững bản sắc dân tộc và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng toàn cầu. Từ sách vở đến thực tiễn Theo PGS.TS Cao Văn Liên - nguyên giảng viên khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những bài học từ lịch sử không chỉ áp dụng cho việc vận hành một dân tộc mà còn đúng trong việc phát triển mỗi cá nhân trong xã hội. Cụ thể, người trẻ học lịch sử để rèn kỹ năng nhớ, kỹ năng viết, nói. Trừu tượng hơn là để rèn luyện ý chí, nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc. PGS.TS Cao Văn Liên nhận định: "Học lịch sử quan trọng với mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đặc biệt là giới trẻ. Công tác ở ngành, nghề nào cũng cần có kiến thức lịch sử: Nghề giảng dạy các môn khoa học xã hội phải biết lịch sử để mở rộng kiến thức, để minh họa. Nghề viết văn, viết báo, nghề biên tập, nghề hoạt động đoàn thể chính trị, nghề tuyên truyền, đặc biệt nghề chỉ huy quân sự, tướng lĩnh... Sinh viên, học trò càng phải biết lịch sử để nói, để viết, để áp dụng vào đời sống xã hội. Mọi công dân đều nên biết lịch sử để tu dưỡng mình, để giáo dục trong gia đình và con cái”. Mọi công dân cần biết kiến thức lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm để giáo dục gia đình, con cái. (Ảnh: Ánh Tuyết)Cuộc sống đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng nhưng cũng cần yếu tố chiều sâu và sự phát triển ổn định. Những tri thức lịch sử và kiến thức khoa học xã hội đóng góp vào sự phát triển lâu dài, phản ánh toàn diện về chính trị, văn hóa và xã hội. Tàn Thùy Dương (học sinh chuyên Sử - Địa, trường THPT Chuyên Lào Cai, khóa 3) cho biết: "Lịch sử cung cấp cho mình những tri thức nền tảng về xã hội và những bài học kinh nghiệm quý báu. Điều này vô cùng hữu ích để mình có thể tham gia vào các hoạt động xã hội và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Mình tin rằng, việc học lịch sử là trách nhiệm của mỗi người dân và là nền tảng để chúng ta phát triển bền vững”. Trong bối cảnh hiện nay, việc trân trọng và học hỏi từ lịch sử càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn là nguồn tri thức vô giá giúp người trẻ nhận thức về nguồn gốc, học hỏi từ quá khứ và tạo dựng tương lai. Tình trạng học sinh “lạnh nhạt”, học lệch, điểm thi rất thấp trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT)... là những kết quả đáng trăn trở về môn Lịch sử suốt thời gian dài qua. Đỉnh điểm là năm 2011, kết quả thi đại học môn Lịch sử đã “gây sốc” khi có hàng nghìn điểm 0. Điều ngỡ ngàng này trở thành sự lo lắng. Tuy nhiên, dù được nói nhiều nhưng thực trạng này đến nay vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng chỉ có 11,52% thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Năm 2019, tỷ lệ học sinh đạt dưới trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là 70%; năm 2020 là gần 47%; năm 2021 con số này là hơn 52,03%. Trong đó, điểm trung bình của các thí sinh là 4,97 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm gần 34.500 em. Số thí sinh từ 1 điểm trở xuống (điểm liệt) là 540 em. Đây là môn thi có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất trong kỳ thi này. Chuyện không nhớ lịch sử hoặc hiểu sai về lịch sử dân tộc đâu chỉ ở những em nhỏ. Tình trạng treo băng-rôn kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi sai năm; 20 tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh sai họ tên nhân vật lịch sử... là một thực tế đáng buồn. Trách những người dân ta mà không biết sử ta thì có lẽ không được vì số này không ít. Trách những giáo viên dạy chưa thấu đáo cũng không hẳn đúng. Nguyên nhân của vấn đề thiếu hụt kiến thức lịch sử thì có nhiều, trong đó phải kể đến xu hướng học thực dụng, chương trình và cách ra đề thi môn này đang có vấn đề, cần phải quyết liệt thay đổi. Trong bối cảnh ấy, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học Chương trình GDPT mới. Theo đó, có 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Ba nhóm môn học để chọn 5 môn gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật). Vậy là, vị trí của môn Lịch sử đã hoàn toàn thay đổi khi từ môn chính được xếp là môn tự chọn. Giải thích về việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Theo quy định của Chương trình GDPT năm 2018, giai đoạn THPT, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn). Đừng để tương lai phải trả giá Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nội dung môn Lịch sử chương trình mới có nhiều điều hay và thú vị hơn, là bước tiến so với chương trình cũ; số tiết học cũng được tăng thêm 0,5 tiết/tuần. Tuy nhiên, với cách sắp xếp môn Lịch sử theo kiểu “thích thì chọn, không thích thì thôi” khiến các giáo viên, chuyên gia giáo dục bất ngờ và hụt hẫng. Họ lo ngại, tình trạng ấy sẽ gây ra nhiều hệ lụy khi vị trí môn Lịch sử bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Một quốc gia sẽ thế nào nếu người dân quay lưng với lịch sử đất nước mình? Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ: “Tầm quan trọng của môn Lịch sử đối với công tác chính trị, tư tưởng của đất nước đã được chúng ta thống nhất từ lâu, sao vấn đề này bây giờ lại được đặt ra thêm lần nữa!”. PGS, TS Trần Đức Cường nhấn mạnh: "Lịch sử là ký ức, quên mất lịch sử là xóa đi ký ức, xóa đi quá khứ hào hùng đã hun đúc nên dân tộc ta. Trong quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, điểm cốt lõi nhất để chúng ta còn là chúng ta, có được diện mạo như ngày hôm nay chính là niềm tự hào dân tộc, là lòng yêu nước hay còn gọi là chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam. Ngày nay, chúng ta nằm trong hoàn cảnh có rất nhiều thách thức, hiểu mỗi bước đi của dân tộc để chúng ta có cách ứng xử, dự báo mang đến cuộc sống bình yên ngày hôm nay. Tại sao không cho học sinh học một cách kỹ lưỡng về vấn đề này? Tôi nghĩ chủ trương coi Lịch sử là môn tự chọn cần phải nghiêm túc xem xét lại". Cùng quan điểm trên, PGS, TS Đào Tuấn Thành, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: "Sẽ thật sự nguy hại khi Lịch sử không phải môn học bắt buộc. Trong bối cảnh văn hóa bên ngoài đang tràn vào Việt Nam, mọi thứ “mở toang” như vậy, nếu chúng ta không biết mình là ai thì tương lai sẽ phải trả giá rất đắt. Bài học của người Nhật Bản, người Hàn Quốc là một ví dụ. Trước hệ lụy cả một thế hệ thanh niên thiếu hiểu biết về lịch sử đất nước, Hàn Quốc đã sửa sai, quay lại đưa môn Lịch sử trở thành bắt buộc. Tại sao chúng ta lại học sai lầm của họ?”. Không đồng tình với lý giải học sinh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức lịch sử cơ bản trong giai đoạn 9 năm, PGS, TS Đào Tuấn Thành nhấn mạnh: "Những gì diễn ra hôm nay thì ngày mai là lịch sử. Chúng ta sẽ có tội với các bậc tiền nhân và có lỗi với con cháu nếu không trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức lịch sử phù hợp với lứa tuổi, nhất là giai đoạn THPT, lứa tuổi 15 trở lên đang định hình nhân cách. Chưa kể, tương lai sẽ có tình trạng một thế hệ sinh viên không học được các môn Chủ nghĩa Mác-Lênin, Lịch sử Đảng ở bậc đại học... vì hổng 3 năm kiến thức lịch sử ở THPT. Là sinh viên khối kỹ thuật-khối ngành những tưởng sẽ không mấy liên quan nhiều đến Lịch sử, nhưng em Phạm Trung Hiếu, sinh viên Khoa Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định chính lịch sử đã giúp em trở thành một công dân tốt, một kỹ sư tốt. “Môn học này giúp giới trẻ hiểu về nguồn cội, về truyền thống cha ông để từ lòng tự hào, chúng em biết phát huy điều đó qua những kiến thức đã học để xây dựng đất nước. Những trang sử đầy hào hùng, bi tráng của dân tộc giúp chúng em biết trân trọng hòa bình hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình chiến tranh, bất ổn vẫn hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới”. “Sẽ là một điều tệ hại nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn. Có thể coi đây là một sai lầm lớn của giáo dục Việt Nam. Không một quốc gia nào coi thường môn Lịch sử đến như vậy”, GS, TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phản ứng. Theo nhiều chuyên gia, nhà giáo dục, việc học Lịch sử không chỉ gói gọn trong những vấn đề văn hóa, giáo dục truyền thống của đất nước, rút kinh nghiệm mà còn là vấn đề học hỏi, tiếp thu của văn minh trên thế giới. Bác Hồ từng khẳng định “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Sẽ ra sao nếu những người chủ tương lai của đất nước không biết về lịch sử nước nhà? Hy vọng ngành giáo dục thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước sự tồn vong của dân tộc. |