Trẻ sơ sinh bao lâu bú một lần

Trẻ sơ sinh bao lâu bú 1 lần? Theo khuyến nghị của các chuyên gia, mẹ nên cho trẻ bú từ 8 đến 12 cữ bú mỗi ngày. Mỗi cữ cách nhau khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Khi lớn hơn một chút, khoảng cách giữa các cữ bú có thể dài hơn nhưng không được quá 4 tiếng.

  • Trẻ sơ sinh bao lâu bú 1 lần?
  • Trẻ sơ sinh cách mấy tiếng bú 1 lần?
  • Có nên cho bé sơ sinh bú vặt?
  • Cho trẻ bú một bên hay bú hai bên?
  • Nhận biết bé sơ sinh bú đủ no
  • Các dấu hiệu cho thấy bé đã muốn bú
  • Cách chăm sóc bầu vú mẹ trong thời kỳ cho con bú

Trẻ sơ sinh bao lâu bú 1 lần

Đối với trẻ sơ sinh, trong những tháng đầu đời, ăn và ngủ là hoạt động chủ đạo của bé. Mỗi bé có thể trạng khác nhau nên cữ bú của các bé cũng khác nhau, không bé nào giống bé nào. Trẻ sơ sinh bao lâu bú 1 lần được phân chia theo nhu cầu và lứa tuổi của từng trẻ.

Sau khi chào đời khoảng 1 tuần, dạ dày của bé có thể chứa khoảng 60 ml sữa. Thời gian đầu, cơ thể mẹ chỉ sản xuất một lượng sữa nhỏ, phù hợp với kích thước “tí hon” của dạ dày bé, sau này khi bé lớn dần, cơ thể mẹ cũng sẽ tự nhiên sản xuất lượng sữa dồi dào hơn.

Trẻ sơ sinh bao lâu bú 1 lần? [Nguồn ảnh: istockphoto]

Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh nên được bú từ 8 đến 12 cữ bú mỗi ngày. Mỗi cữ cách nhau khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Khi lớn hơn một chút, khoảng cách giữa các cữ bú có thể dài hơn nhưng không được quá 4 tiếng. Nghĩa là khi được 1-2 tháng tuổi, bé cần bú 7-8 lần 1 ngày. Khoảng thời gian giữa các cữ bú cũng vừa đủ để cơ thể mẹ sản xuất sữa cho bé tiếp tục bú vào cữ bú sau.

Mặc dù nói nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ sơ sinh là sữa, tuy nhiên trẻ sơ sinh thường không bú nhiều, thay vào đó là ngủ rất lâu và dài. Các mẹ cần hiểu rõ những dấu hiệu trẻ đã đủ sữa, không nên vì lo lắng bé sẽ bị đói hoặc có vấn đề bất thường mà cố ép trẻ bú liên tục.

Nội dung liên quan:

Trẻ sơ sinh không đi ngoài – Mẹ nên xử trí như thế nào đây?

Trẻ sơ sinh cách mấy tiếng bú 1 lần

Cữ bú của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào độ tuổi của bé. Các bé dưới 1 tháng tuổi còn chưa quen với vú mẹ, lực mút yếu làm sữa xuống chậm nên thường bú khoảng 10 phút cho mỗi bên vú, tương đương với khoảng 20 phút cho mỗi lần bú. Khi bé lớn hơn, kỹ thuật bú mút đã tốt hơn đồng thời lực mút vú mẹ cũng mạnh hơn nên thời gian bú cũng sẽ rút ngắn dần.

Cách bé ngậm bắt núm vú cũng rất quan trọng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng nếu bé ngậm bắt vú đúng cách thì việc cữ bú kéo dài bao lâu hay khoảng cách giữa các cữ bú không hề quan trọng. Bởi nếu bé ngậm bắt đúng, lượng sữa sẽ về đều và nhiều khiến bé có thể no bụng trong vòng vài phút bú nuốt liên tục.

Ngược lại, nếu bé ngậm bắt vú không đúng cách, bé sẽ không thể bú mẹ hiệu quả. Do đó, thời gian cho trẻ sơ sinh bú sẽ kéo dài và bé có thể đòi bú thường xuyên hơn. Hơn nữa, ngậm bắt vú sai còn có thể gây tổn thương hoặc gây đau ở núm ti.

Cho trẻ bú một bên hay bú hai bên

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết “Mẹ cần cho trẻ bú đúng cách để không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đồng thời giúp trẻ bú được hết những dưỡng chất từ nguồn sữa mẹ. Khi cho trẻ bú, mẹ nên để đầu và người bé theo một đường thẳng, mặt bé quay vào ngực mẹ, một tay mẹ ôm bé vào người, tay còn lại nâng mông bé. Thỉnh thoảng, mẹ có thể dùng tay bóp ngực để hổ trợ lực bú của bé”.

Không nhất thiết phải cho bé bú cả 2 bên trong cùng một cữ bú. Nếu bé cảm thấy mãn nguyện sau khi bú một bên, thì vào cữ bú tiếp theo hãy cho bé bú bên còn lại để đảm bảo cả hai bầu vú đều nhau về kích thích và được bú cạn thường xuyên. 

Nếu bé đã bú đủ lâu ở một bên bầu vú nhưng vẫn còn đói mẹ hãy cho bé bú tiếp bên kia. Trong cữ bú tiếp theo, mẹ hãy cho bé bắt đầu ở bầu vú bé đã kết thúc trong lần bú trước. Các bé thường bú mạnh nhất ở bầu vú đầu tiên, trong khi bầu vú thứ hai thường chỉ được coi như của  thêm mà thô.

Có nên cho bé sơ sinh bú vặt

Bú vặt hay còn gọi là bú ngắn, nghĩa là mỗi cữ bú thường diễn ra nhanh chóng và kết thúc khi bé chưa đủ no. Các bé thường nhanh đi vào giấc ngủ khi mới bú được vài phút và chỉ ngủ được vài chục phút lại thức dậy vì đói. Lúc này bé sẽ lại quấy khóc đòi bú tiếp, và đương nhiên cũng chỉ bú lắt nhắt trong vài phút.

Bú vặt tuy không phải tật xấu đối với các bé còn quá nhỏ nhưng khi bé lớn hơn sẽ gây rất nhiều bất tiện cho mẹ cũng như bất lợi về sức khỏe cho bé khi bé không bú được sữa béo [xuất hiện ở giai đoạn cuối cữ bú].

Để sửa thói quen này cho bé, khi thấy bé bú ngắn các mẹ đừng vội chiều bé với ý nghĩ là sẽ “để giành” sữa cho cữ bú sau của bé. Các mẹ cũng đừng lo lắng khi mình ít sữa, không đủ sữa cho bé bú. Sữa mẹ có cơ chế sản xuất rất đặc thù. Trong sữa mẹ có chứa một loại protein có tên là FIL [feedback inhibitor of lactation]. Protein này sẽ quyết định mỗi bên ngực mẹ sẽ sản xuất bao nhiêu sữa.

Nếu người mẹ cho con bú cạn mỗi bên ngực thường xuyên thì hàm lượng FIL trong vú sẽ thấp từ đó kích thích cơ thể mẹ sản xuất sữa nhiều hơn. Do đó, các mẹ nên cho bé bú cạn mỗi bên ngực rồi mới đổi bên.

Nhận biết bé sơ sinh bú đủ no

Rất khó để đưa ra con số chính xác cho câu hỏi làm thế nào để biết trẻ đã bú đủ vì lượng sữa tiêu thụ ở mỗi trẻ là khác nhau. 

Những tháng đầu tiên sau khi chào đời, bé cần phải được cho bú 8-12 lần mỗi ngày. Nếu sữa của mẹ chưa về đủ, mẹ hãy cho bé bú khi bé đói, tùy thuộc vào nhu cầu của bé.

Thông thường là từ 1,5 đến 3 giờ đồng hồ. Khoảng cách giữa các cữ được tính bằng thời gian từ khi bắt đầu của cữ bú trước, cho tới khi bắt đầu cữ bú sau. Ví dụ, mẹ có thể nói bé bú mỗi 2 giờ một lần hay cữ bú cách nhau hai giờ khi cữ bú của bé bắt đầu vào 7h, 9h, 11h,…

Nhận biết bé sơ sinh bú đủ no [Nguồn ảnh: istockphoto]

Bạn hãy tham khảo một số biểu hiện cho thấy bé đã bú đủ:

  • Khi bé bú, mẹ có thể nghe thấy tiếng bé nút ti rất rõ ràng, đồng thời còn nhìn thấy sữa đang ngập trong miệng bé.
  • Bé nhanh nhẹn, tỉnh táo, tiếng khóc to.
  • Bé tè nhiều, nước tiểu có màu nhạt và không mùi.
  • Môi bé hồng hào và ẩm ướt.
  • Làn da bé căng khỏe và đàn hồi tốt khi mẹ ấn nhẹ tay vào.
  • Bé thỏa mãn và thư giãn sau cữ bú.
  • Bé có thể ngủ đẫy giấc trong vòng 2-3 giờ đồng hồ.
  • Bầu vú mẹ mềm hơn sau mỗi lần cho con bú.

Các dấu hiệu cho thấy bé đã muốn bú

  • Bé ngọ nguậy đầu
  • Miệng bé mở đóng thường xuyên hoặc thè lưỡi
  • Có bé cho ngón tay hoặc cả nắm tay vào miệng
  • Chụm môi như đang bú
  • Rúc vào ti mẹ
  • Thể hiện phản xạ tìm kiếm [miệng bé quay về phía có vật chạm vào má].
  • Quấy khóc.

Nội dung liên quan:

Có nên cho bé nằm phòng máy lạnh ngay từ khi mới sinh?

Cách chăm sóc bầu vú mẹ trong thời kỳ cho con bú

Theo lời khuyên của các chuyên gia, các mẹ bỉm sữa chỉ nên vệ sinh bầu vú của mình bằng nước sạch. Không nên bôi trực tiếp các loại hóa chất làm sạch như xà phòng hay sữa tắm bởi chúng có thể làm mất các chất nhầy từ nhiên của vùng da này, khiến cho bầu vú trở nên khô và nứt nẻ.

Khi tắm cần chú ý nhẹ nhàng, không chà xát mạnh vùng này. Tay các mẹ cũng phải đảm bảo sạch sẽ khi chạm vào vú. Và nếu các mẹ phải dùng tấm lót sữa thì nên thay tấm lót thường xuyên, bởi môi trường ẩm ướt rất dễ khiến vi khuẩn sinh sôi làm cho da bị nhiễm khuẩn đồng thời lây tới cả bé. Các mẹ cũng nên chọn loại tấm lót sữa bằng cotton có tác dụng thấm hút tốt.

Chăm sóc bầu vú mẹ trong thời kỳ cho con bú [Nguồn ảnh: istockphoto]

Bên cạnh đó, mỗi khi bé bú xong, mẹ có thể nặn ra một chút sữa rồi bôi lên phần đầu ti và xung quanh núm ti, sau đó đợi sữa khô rồi mới mặc lại áo ngực. Bằng cách này, bầu vú của mẹ sẽ luôn được giữ ẩm đồng thời được lớp màng sữa bao bọc, bảo vệ khỏi vi khuẩn xâm nhập.

Hi vọng, những thông tin cung cấp trong bài sẽ khiến các mẹ không còn lo lắng trẻ sơ sinh mấy tiếng bú 1 lần. Có thêm kiến thức nuôi con, các mẹ sẽ có những giây phút tuyệt vời bên con yêu.

Nguồn tham khảo: Hướng dẫn mẹ cho con bú đúng cách – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!

Video liên quan

Chủ Đề