Trình bày về cơ cấu dân số sinh học và cơ cấu xã hội

[Last Updated On: 17/12/2021]

Cơ cấu dân số là sự phân chia tổng số dân của một vùng thành các nhóm theo một hay nhiều tiêu thức [mỗi một tiêu thức là một đặc trưng nhân khẩu học nào đó].

2. Cách phân loại cơ cấu dân số.

Tuổi và giới tính là những đặc trưng cơ bản nhất của một dân số. Mỗi dân số có một cơ cấu tuổi và giới tính khác nhau. Ngoài ra có nhiều loại cơ cấu dân số như: Cơ cấu dân số theo tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, mức sống, thành thị nông thôn…Việc nghiên cứu cơ cấu dân số cho phép chúng ta nghiên cứu một cách tỷ mỉ và kỹ lưỡng hơn dân số của một địa phương. Trong các loại cơ cấu dân số thì hai cơ cấu quan trọng nhất là cơ cấu tuổi và cơ cấu giới tính. Bởi vì cơ cấu theo tuổi và giới tính là các đặc tính quan trọng của bất kỳ nhóm dân số nào, nó ảnh hưởng đến mức sinh, mức chết, di dân trong nước và quốc tế, tình trạng hôn nhân, lực lượng lao động, thu nhập quốc dân thuần túy, kế hoạch phát triển giáo dục và an sinh xã hội.

Cơ cấu dân số theo tuổi được thể hiện thông qua sự phân chia dân số theo từng độ tuổi, nhóm 5 độ tuổi hoặc 10 độ tuổi hoặc các nhóm tuổi trẻ em [0-14 tuổi], nhóm tuổi lao động [15-59 tuổi], nhóm tuổi già [trên 60 tuổi]. Cơ cấu giới tính là sự phân chia dân số thành hai nhóm nam và nữ.

2.1. Cơ cấu theo tuổi

Tuổi là khoảng thời gian được tính từ lúc một người được sinh ra đến thời điểm thống kê. Có thể phân thành 3 loại tuổi:

Tuổi đúng là độ tuổi được tính chính xác theo ngày, tháng, năm sinh, ví dụ 3 tuổi 2 tháng và 26 ngày. Tuổi tròn là độ tuổi tính theo số lần sinh nhật đã qua, cứ mỗi lần sinh nhật qua đi thì người đó lại được tính thêm một tuổi. Tuổi lịch là độ tuổi được tính bằng cách lấy năm thống kê trừ năm sinh. Trong dân số học, thông thường người ta tính theo tuổi tròn.

+ Tỷ trọng dân số ba nhóm tuổi cơ bản

Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi trong tổng số dân [t1] Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi trong tổng số dân [t2] Tỷ trọng người già trên 65 tuổi trong tổng số dân [t3]

Tỷ trọng dân số ở các nhóm tuổi được tính toán theo công thức sau:

ti = Pi / P *100

Trong đó:

  • Pi: Số dân thuộc nhóm tuổi i
  • P: Tổng số dân
  • ti : Tỷ trọng dân số thuộc nhóm tuổi i trong tổng số dân

Ví dụ: Số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1/4/2009, Dân số của Tỉnh Nghệ An là 2912 nghìn người, trong đó dân số nhóm từ 0-14 tuổi là 749 nghìn người, dân số nhóm từ 15-64 là 1951 nghìn người, dân số nhóm trên 65 là 212 nghìn người. Vậy tỷ trọng dân số nhóm tuổi 0-14 của dân số Nghệ An là:

t1 = P0-14 / P * 100 = 749 / 2912 * 100 = 25,7%

Tương tự, ta tính được tỷ trọng [t1] của nhóm 15-64 tuổi là 67,0% và tỷ trọng nhóm tuổi trên 65 là 7,3%.

+ Tỷ số phụ thuộc của dân số

Tỷ số phụ thuộc của dân số biểu hiện quan hệ so sánh giữa dân số dưới 15 và trên 65 tuổi với tổng số người trong khoảng 15-64. Công thức để tính tỷ số phụ thuộc của dân số như sau:


Trong đó:

  • DR: Tỷ số phụ thuộc chung
  • P0-14 : Dân số trẻ em từ 0-14 tuổi
  • P65+ : Dân số trên 65 tuổi
  • P15-64 : Dân số từ 15-64 tuổi

Tỷ số phụ thuộc chung của dân số cho biết cứ 100 người trong độ tuổi từ 15 – 64 [dân số lao động] có bao nhiêu người dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi [dân số phụ thuộc]

Tỷ số phụ thuộc chung của dân số có thể chia ra thành tỷ số phụ thuộc trẻ và tỷ số phụ thuộc già:

– Tỷ số phụ thuộc trẻ:

Trong đó:

  • DRC: Tỷ số phụ thuộc trẻ
  • P0-14 : Dân số trẻ em từ 0-14 tuổi
  • P15-64 : Dân số từ 15-64 tuổi

Tỷ số phụ thuộc trẻ cho biết cứ 100 người trong độ tuổi từ 15-64 [dân số lao động] có bao nhiêu trẻ em từ 0 đến 14 tuổi.

– Tỷ số phụ thuộc già:

Trong đó:

  • DRA: Tỷ số phụ thuộc già
  • P65+ : Dân số trên 65 tuổi
  • P15-64 : Dân số từ 15-64 tuổi

Tỷ số phụ thuộc già cho biết cứ 100 người trong độ tuổi từ 15-64 [dân số lao động] có bao nhiêu người từ 65 tuổi trở lên.

Ví dụ, với số liệu của dân số Nghệ An nêu trên ta tính được tỷ số phụ thuộc của dân số Nghệ An như sau:

DR = [749+212]/1951 *100 = 49,3%

Với cách tính tương tự, ta tính được tỷ số phụ thuộc trẻ của dân số Nghệ An là 38,4 và tỷ số phụ thuộc già của dân số Nghệ An là 10,9.

Ở Việt Nam, cơ cấu dân số trẻ nên tỷ số phụ thuộc trẻ em lớn hơn tỷ số phụ thuộc người già. Tuy nhiên, tỷ số phụ thuộc trẻ em đang giảm dần vì mức sinh của Việt Nam đã giảm thấp trong những năm gần đây [bảng 2.4].

Bảng 1. Tỷ số phụ thuộc của dân số Việt Nam giai đoạn 1989-2010

+ Tuổi trung vị của dân số

Tuổi trung vị của một dân số là độ tuổi chia dân số đó thành hai nửa bằng nhau. Một nửa trẻ hơn và một nửa già hơn độ tuổi trung vị. Công thức tính tuổi trung vị như sau:

Trong đó:

  • Md: Tuổi trung vị của dân số
  • Lmd: Giới hạn dưới của nhóm tuổi có chứa tuổi trung vị
  • n: Khoảng cách tuổi của nhóm tuổi có chứa tuổi trung vị
  • ∑Pn : Số cộng dồn dân số từ nhóm tuổi nhỏ nhất cho đến nhóm tuổi sát trước nhóm tuổi có chứa tuổi trung vị
  • Pmd: Dân số của nhóm tuổi có chứa tuổi trung vị

Ví dụ: Tính tuổi trung vị của dân số tỉnh A năm 2009 với số liệu về cơ cấu dân số theo tuổi như sau:

Áp dụng công thức trên.

Trước hết xác định P/2 [Một nửa số dân] = 3758/2 = 1879 nghìn người

Xác định ∑Pn = 1499, bởi vì ta có 1499< 1879 < 1902

Nhóm 15 đến 19 tuổi là nhóm có chưa trung vị. Do đó Lmd = 15 N = 5 [khoảng cách tổ của nhóm có chưa trung vị]

Pmd = 404

Md = 15 + 5 [1879-1499]/405 = 19,7

Tuổi trung vị của dân số tỉnh A là 19,7. Điều này có nghĩa là có một nửa số dân của tỉnh A có độ tuổi thấp hơn tuổi trung vị và một nửa dân số tỉnh A có độ tuổi cao hơn tuổi trung vị.

+ Khái niệm dân số trẻ, dân số già

Một dân số được gọi là dân số trẻ hoặc dân số già nếu có cơ cấu dân số theo tuổi đảm bảo tiêu chuẩn trong bảng 2.5 dưới đây:

Bảng 2: Tiêu chuẩn cho phép xác định cơ cấu dân số là trẻ hay già

Dân số Việt Nam hiện nay đang trong thời kỳ chuyển từ dân số trung gian giữa trẻ và già sang dân số già. Số liệu bảng 2.6 sau đây cho thấy điều đó:

Bảng 3: Cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam từ 1979 đến 2009 [%]

Năm 1979, dân số nước ta thuộc loại rất trẻ. Theo số liệu Tổng điều tra dân số 1/10/1979, nhóm 0-14 tuổi chiếm tới 42,5% tổng dân số. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009, tỷ trọng nhóm dân số này giảm đi còn 24,5% và tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi đã tăng lên 6,4%. Như vậy, dân số Việt Nam đã bước vào ngưỡng của dân số già.

Theo Luật Người cao tuổi của Việt Nam năm 2009, người cao tuổi được định nghĩa là những người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay dân số Việt Nam đang già đi với tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm gần 10% tổng dân số. Theo dự báo, đến năm 2035, tỷ trọng người trên 60 tuổi trong dân số Việt Nam sẽ lên đến 20%, lúc này theo định nghĩa dân số Việt Nam trở thành dân số già. Sau giai đoạn này là dân số siêu già khi tỷ lệ người 60+ chiếm từ 30% trở lên hoặc khi dân số 65+ chiếm từ 21% tổng dân số.

+ Cửa sổ cơ hội nhân khẩu học/Lợi tức nhân khẩu học hoặc Dư lợi nhân khẩu học hay thường gọi là cơ cấu “dân số vàng”.

Dư lợi nhân khẩu học/Cửa sổ cơ hội nhân khẩu học là thuật ngữ dùng để phản ánh một dân số có tỷ lệ người trong độ tuổi 15-64 đạt tối đa và tỷ lệ người phụ thuộc đạt ở mức thấp nhất [người từ 0-14 và trên 65 tuổi]. Tỷ số phụ thuộc của dân số đạt giá trị tối thiểu, qua ngưỡng đó thì tỷ số phụ thuộc lại tăng lên. Trong giai đoạn dư lợi nhân khẩu học, quốc gia đó có cơ cấu dân số vàng. Điều này có nghĩa là tại giai đoạn dư lợi nhân khẩu học, số người trong độ tuổi lao động [có thể tham gia lao động] là cao nhất. Nếu quốc gia đó có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn lao động sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển. Nếu quốc gia đó không tận dụng được cơ hội này, khi tỷ số phụ thuộc tăng trở lại, dân số sẽ già đi và gánh nặng về an sinh xã hội tăng thêm. Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, chuyên môn thường dùng thuật ngữ cơ cấu “dân số vàng” thay cho thuật ngữ “dư lợi nhân khẩu học”.

Trong cơ cấu “dân số vàng”, mỗi người lao động “gánh ít” số người ăn theo, tạo điều kiện tốt cho kinh tế gia đình và nền kinh tế quốc dân phát triển.

Các nhà khoa học cho rằng một dân số đạt được cơ cấu “dân số vàng” nếu tỷ số phụ thuộc chung của dân số ở mức xấp xỉ 50. Điều này có nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi 15-64 chỉ có tổng số khoảng 50 người, gồm những người dưới 15 tuổi hoặc trên 65 tuổi. Hay nói một cách khác, cứ 2 người trong độ tuổi 15-64 thì có có 1 người dưới 15 tuổi hoặc trên 65 tuổi. Nếu tỷ số phụ thuộc chung của dân số tăng trở lại thì dân số đó đã hết cơ cấu “dân số vàng”. Theo các nhà dân số học, giai đoạn cơ cấu dân số vàng có thể kéo dài từ 30 năm đến 40 năm. Hiện nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng [dự báo của TCTK là từ 2007 đến 2042].

Những năm có cơ cấu “dân số vàng” là thời cơ để quốc gia có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách phù hợp thì không thể phát huy được lợi thế của dư lợi nhân khẩu học cho mục tiêu phát triển thậm chí còn phải đối mặt với vấn đề việc làm cho số người lao động tăng thêm. Trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” bên cạnh việc cần có chính sách đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực thì cần tuyên truyền để gia đình, cộng đồng, xã hội quan tâm đến người già về các vấn đề: việc làm, đời sống, sức khoẻ… Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình tốt về chăm sóc, tạo việc làm và tạo cuộc sống vui tươi lành mạnh cho người già.

+ Già hóa dân số và đặc trưng của già hóa dân số

Già hóa dân số là quá trình tăng tỷ trọng người già trên 65 tuổi [trên 60 tuổi đối với Việt Nam] trong tổng số dân. Đặc trưng của già hóa dân số trên thế giới thể hiện rõ nhất là người cao tuổi trên thế giới ngày càng tăng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng số dân

Bảng 4: Số lượng và tỷ trọng dân số già trong tổng số dân trên thế giới

Số liệu trên cho thấy đến giữa thế kỷ 21 cả thế giới có tới 21% người già. Trong đó tỷ trọng người già ở các nước đang phát triển là 19% và tại các nước phát triển cứ ba người dân thì có một người già [tỷ trọng người già chiếm 33,5%].

Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009, trong tổng số 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam, 20 tỉnh/thành phố có người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10%, trong đó cao nhất là tỉnh Thái Bình [14,1%], tiếp đến là Hà Tĩnh [13,3%]. Có 6 tỉnh/thành phố có tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên trên 9% tổng số dân. Số lượng các tỉnh/thành phố có tỷ lệ người già dưới 6% là 7 tỉnh, trong đó tỷ trọng này thấp nhất là ở tỉnh Đăk Nông [4,0%] và Lai Châu [4,8%].

Bảng 5: Tỷ trọng người già trong tổng số dân ở một số tỉnh/thành phố của Việt Nam theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009


+ Tỷ số già hoá dân số

Khi so sánh tỷ trọng dân số nhóm tuổi từ 65 trở lên với tỷ trọng dân số nhóm tuổi từ 0-14 tuổi, ta thấy rất rõ xu hướng già hoá dân số. Chỉ báo này được gọi là tỷ số già hoá dân số. Nó được tính theo công thức sau:

Trong đó:

  • AR: Tỷ số già hoá dân số
  • P65+ : Dân số 65 tuổi trở lên
  • P0-14 : Dân số từ 0-14 tuổi

Tỷ số này cho biết cứ 100 trẻ em từ 0-14 tuổi có bao nhiêu người trên 65 tuổi.

Bảng 6. Biến động tỷ số già hoá dân số ở Việt Nam 1979 – 2013

Nhìn vào số liệu trên, ta thấy tốc độ già hoá của dân số Việt Nam rất lớn. Đây là vấn đề cần chú ý trong hoạch định các chính sách dân số, chính sách kinh tế-xã hội thời gian tới.

2.2. Cơ cấu dân số theo giới tính

Cơ cấu dân số theo giới tính là sự phân chia tổng số dân của một vùng thành hai nhóm nam và nữ. Để đo lường cơ cấu dân số theo giới tính, người ta dùng các thước đo sau:

a/ Tỷ số giới tính

Tỷ số giới tính biểu thị quan hệ so sánh giữa bộ phận dân số nam với bộ phận dân số nữ. Công thức tính như sau:

SR = [Pm / Pf] *100

Trong đó:

  • SR: Tỷ số giới tính
  • Pm : Dân số nam của địa phương
  • Pf : Dân số nữ của địa phương

Tỷ số giới tính cho biết cứ 100 nữ trong dân số tương ứng có bao nhiêu nam.

Công thức này có thể áp dụng để tính tỷ số giới tính chung cho toàn bộ dân số cũng như tính tỷ số giới tính riêng cho từng nhóm tuổi. Tỷ số giới tính do ba yếu tố sau quyết định: Tỷ số giới tính khi sinh, sự khác biệt về mức chết theo giới tính, sự khác biệt về di cư theo giới tính.

Ví dụ, theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009, nước ta có 85.789.573 người trong đó có 42.483.378 nam và 43.306.195 nữ. Như vậy, cứ 100 nữ ở nước ta có 98,1 nam.

+ Tỷ trọng nam [nữ] trong tổng số dân

Tỷ trọng nam hoặc nữ trong tổng số dân là quan hệ so sánh giữa bộ phận dân số nam hoặc nữ với tổng dân số của một vùng, một nước thường biểu thị bằng %. Công thức tính như sau:

Trong đó:

  • pm/ pf: Tỷ trọng dân số nam / nữ
  • Pm : Dân số nam của địa phương
  • Pf : Dân số nữ của địa phương
  • P : Tổng số dân của địa phương

Ví dụ, theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009, nước ta có 85.789.573 người trong đó có 42.483.378 nam và 43.306.195 nữ. Như vậy, nam chiếm tỷ trọng là 49,5% và nữ chiếm tỷ trong là 51,5%.

b/ Tỷ số giới tính khi sinh.

Đối với nhóm trẻ em mới sinh, ta cũng có thể áp dụng công thức này để tính tỷ số giới tính khi sinh.

SR0 = Bm / Bf * 100

Trong đó:

  • SRo: Tỷ số giới tính khi sinh
  • Bm : Số bé trai sinh sống ở địa phương trong năm
  • Bf : Số bé gái sinh sống ở địa phương trong năm

Công thức trên cho ta thấy cứ 100 bé gái được sinh ra sẽ có bao nhiêu bé trai được sinh ra. Tỷ số giới tính khi sinh ở hầu hết các nước khoảng 105 nam so với 100 nữ. Sau khi sinh tỷ số giới tính khi sinh biến đổi vì tình hình tử vong của trẻ em trai và gái trong một dân số có khác nhau. Thường là trẻ em trai có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ em gái.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi tính tỷ số giới tính khi sinh, để đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của kết quả thu được, số lượng thống kê ít nhất cần đạt 10.000 ca sinh. Vì vậy, không nên tính toán chỉ báo này ở cấp huyện [số ca sinh thường ít hơn 10.000 ca trong một năm].

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam

Ở Việt Nam từ số liệu TĐTDS 1999 cho thấy ở một số tỉnh đã có xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2006, với sự hỗ trợ của Quĩ Dân số Liên Hợp Quốc, Tổng cục Thống kê [TCTK] đã thu thập, phân tích và xuất bản hàng năm số liệu TSGTKS và kết quả thu được cho thấy tỷ số này khá cao và giao động quanh mức 110 [TSGTKS Việt Nam là 109,8 năm 2006 và đây được coi là năm TSGTKS ở Việt Nam bắt đầu MCBGTKS].

Theo số liệu của các Tổng điều tra Dân số và Nhà ở các năm 1979, 1989, 1999, 2009, tỷ số giới tính của trẻ em khi sinh như sau:

Hình 2.1. Tỷ số giới tính khi sinh của trẻ em Việt Nam qua các TĐTDS 1979 – 2009. Nguồn: Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009 : Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam – Các bằng chứng mới về thực trạng, xu hướng và sự khác biệt. Tổng cục Thống kê. Tháng 5.2011. Hà Nội, Việt Nam : trang 17.

Theo số liệu Điều tra mẫu về Biến động DS-KHHGĐ 1/4/2013, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 113,8. Chỉ số này ở mức cao. So với thế giới, Việt Nam xếp hạng thứ tư [Armenia 117, Georgia 116, Trung Quốc 114, Việt Nam 113, Albania và Đài Loan 110].

Nguyên nhân làm cho tỷ số giới tính khi sinh cao là do lựa chọn giới tính của thai nhi của các cặp vợ chồng mong muốn có con trai do ảnh hưởng của văn hóa châu Á. Việc phá thai lựa chọn giới tính của con khi được sinh ra thường khác biệt theo thứ tự lần sinh. Đối với những đứa trẻ được sinh ra lần đầu thì lựa chọn giới tính ít xảy ra. Đối với những đứa trẻ sinh ra lần thứ hai, việc lựa chọn giới tính của thai nhi đã được chú ý. Những đứa trẻ sinh lần thứ ba và trên thứ ba thì việc lựa chọn giới tính thai nhi trở nên nghiêm trọng. Ví dụ: ở Đài Loan, tỷ số giới tính khi sinh là 134 đối với những đứa trẻ ở lần sinh thứ ba và 159 đối với những đứa con ở lần sinh thứ tư. Tỷ số này ở Trung Quốc là 120,9 đối với đứa con thứ hai và tại Hàn Quốc tỷ số này là 185 đối với đứa con thứ ba.

2.3. Cơ cấu dân số theo dân tộc và tôn giáo

Khi nghiên cứu cơ cấu dân số, ngoài tuổi và giới tính, một số khía cạnh khác nữa cũng cần được quan tâm. Cùng với tuổi và giới tính, các khía cạnh này trở thành những đặc điểm chủ yếu của dân số. Vì vậy, sau khi xem xét cơ cấu tuổi và giới tính của dân số, chúng ta sẽ xem xét tiếp các cơ cấu quan trọng khác của dân số. Đó là sự phân chia dân số theo các tiêu chí như dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, giáo dục, trình độ chuyên môn kỹ thuật, theo các loại hoạt động và các thành phần kinh tế. Các loại cơ cấu dân số này thường được phân tích kết hợp với cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính, cho phép hiểu sâu hơn về số lượng và chất lượng dân số.

Cơ cấu dân số chia theo dân tộc là một chỉ báo quan trọng trong nghiên cứu dân số học, đặc biệt khi dân số Việt Nam có cơ cấu đa dạng theo các nhóm dân tộc. Theo danh mục chính thức của Chính phủ dân số Việt Nam bao gồm 54 nhóm dân tộc. Trong đó nhóm dân tộc Kinh chiếm đông nhất [92,9% theo TĐTDS 2009], còn lại là 53 nhóm các dân tộc khác. Do cơ cấu của các nhóm dân tộc rất khác nhau, do vậy cơ cấu dân tộc thường chỉ được thu thập và công bố kết quả trong các cuộc TĐTDS. Trong nghiên cứu dân số học ngoài việc nghiên cứu cơ cấu dân tộc của cả nước, việc nghiên cứu cơ cấu dân số của từng tỉnh cũng rất quan trọng, đặc biệt là với các tỉnh có tỷ lệ người dân tộc cư trú đông và những tỉnh mang bản sắc đa sắc tộc.

Biểu 7. Dân số Tây Nguyên chia theo nhóm dân tộc, TĐTDS 2009

Ngoài việc nghiên cứu dân số theo các nhóm dân tộc, dân số học cũng nghiên cứu dân số chia theo các nhóm tôn giáo. Ở Việt Nam cũng thường nghiên cứu dân số chia theo một số nhóm tôn giáo chính như Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Cao Đài,…. giống như chỉ tiêu dân tộc, thường số liệu dân số chia theo tôn giáo cũng chỉ có trong số liệu tổng điều tra dân số.

2.4. Cơ cấu theo tình trạng hôn nhân

+ Cơ cấu dân số theo tình trạng hôn nhân

Tình trạng hôn nhân, thông thường thống kê dân số từ 13 tuổi trở lên chia theo các nhóm tình trạng hôn nhân như sau:

  1. Chưa vợ/chồng [những người chưa bao giờ lấy vợ, lấy chồng];
  2. Có vợ/chồng [người được pháp luật hoặc phong tục thừa nhận là có vợ, có chồng hoặc sống với người khác giới tính như vợ/ chồng tại thời điểm điều tra];
  3. Goá [người có vợ/ chồng đã bị chết mà chưa tái hôn tại thời điểm điều tra];
  4. Ly hôn [người trước đây đã kết hôn nhưng nay đã được toà án xử cho ly hôn và hiện vẫn chưa kết hôn lại];
  5. Ly thân [người đã kết hôn nhưng vì lý do nào đó đã không còn sống chung như vợ/chồng tại thời điểm điều tra];
  6. Không xác định [nhóm người còn lại].

Bảng 8: Tỷ trọng dân số Việt nam từ 15 tuổi trở lên chia theo tình trạng hôn nhân và các vùng Kinh tế – Xã hội, 2009

Tỷ lệ có vợ/chồng của dân số Việt Nam ở nông thôn cao hơn thành thị. Tỷ lệ này cao nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc và thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ. Ngược lại tỷ lệ người chưa vợ/chồng lại cao nhất ở Vùng Đông Nam Bộ và thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

+ Cơ cấu dân số hoạt động kinh tế và việc làm

Theo loại cơ cấu dân số này, toàn bộ dân số từ 15 tuổi trở lên được chia theo các loại hoạt động, bao gồm: làm việc, nội trợ, đi học, mất khả năng lao động và không làm việc [có nhu cầu và không có nhu cầu việc làm]. Những người có việc làm lại được chia theo thành phần kinh tế, bao gồm: Nhà nước, tập thể, tư nhân, cá thể, hỗn hợp và nước ngoài. Các nhóm dân số này luôn được phân tích kết hợp với các tiêu thức tuổi, giới tính, thành thị và nông thôn.

2.5. Cơ cấu theo trình độ học vấn

+ Cơ cấu dân số theo trình độ giáo dục

Toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên được chia thành số đang đi học, số đã thôi học và số chưa bao giờ đi học. Sau đó, dân số 5 tuổi trở lên đã và đang đi học được chia theo các loại trình độ [cấp học] đã hoàn thành. Trong thống kê cũng thường tính số dân số 10 tuổi trở lên được chia thành số người biết đọc biết viết và số người không biết đọc biết viết hoặc theo lớp đã đạt được. Những phân chia này đều được chia theo giữa nam và nữ, giữa các nhóm tuổi khác nhau và giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Bảng 9. Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo tình hình đi học, thành thị và nông thôn, năm 2009

Bảng 10. Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo trình độ học vấn đạt được, thành thị và nông thôn, năm 2009

Tỷ lệ biết chữ của dân số Việt Nam khác cao. Theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và nhà ở 1.4.2009, 94,0% dân số từ 10 tuổi trở lên của Việt Nam biết đọc biết viết. Một số đặc điểm chung khi phân tích những chỉ báo này trong cơ cấu dân số theo trình độ giáo dục là tỷ lệ nam biết chữ cao hơn nữ; tỷ lệ dân số biết chữ ở thành thị cao hơn ở nông thôn; tỷ lệ đi học tăng dần theo độ tuổi; số năm đi học trung bình của nam dài hơn của nữ; trình độ học vấn của người dân ở thành thị cao hơn nông thôn; tỷ lệ trẻ em đã thôi học ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị; tỷ lệ chuyển từ lớp dưới lên lớp trên ở thành thị cao hơn nông thôn.

Bảng 11. Tỷ trọng dân số từ 5 tuổi trở lên chia theo trình độ học vấn đạt được, thành thị và nông thôn, năm 2009

Trong cơ cấu dân số theo trình độ, người ta còn chia dân số từ 15 tuổi trở lên theo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong Tổng điều tra Dân số và nhà ở ngày 1.4.2009, dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật được chia thành:

  • 1 – Không có trình độ chuyên môn kỹ thuật;
  • 2 – Trình độ sơ cấp;
  • 3 – Trình độ trung cấp;
  • 4 – Trình độ cao đẳng;
  • 5 – Trình độ đại học trở lên.

Bảng 12. Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, giới tính, thành thị-nông thôn, năm 2009

Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong dân số Việt Nam còn thấp [13,3% theo Tổng điều tra Dân số và nhà ở ngày 1.4.2009]. Nhìn chung, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nam giới cao hơn nữ giới. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của dân số thành thị cao hơn nhiều với dân số nông thôn. Sự khác biệt nông thôn – thành thị đặc biệt rõ nét ở trình độ học vấn đạt được bậc đại học.

2.3. Tháp dân số

Tháp dân số là một đồ thị trình bày cơ cấu tuổi và giới tính của một dân số. Các thanh nằm ngang phản ánh số lượng hoặc tỷ lệ nam và nữ trong từng nhóm tuổi. Tổng số tất cả các nhóm tuổi và giới tính trong tháp dân số bằng 100% dân số. Tháp dân số [tháp tuổi] có thể được trình bày theo từng năm tuổi hoặc số liệu từng nhóm tuổi. Tháp dân số được chia thành hai phần bởi đường cao từ đáy tháp, trong đó phần phía bên phải biểu thị dân số nữ và phía bên trái biểu thị dân số nam. Từ gốc tọa độ đường thẳng đứng cho biết độ tuổi hoặc nhóm tuổi, thông thường là nhóm tuổi 5 năm.

Hình dạng của tháp dân số không chỉ cung cấp các thông tin khái quát về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số tại một thời điểm xác định. Ví dụ, có thể quan sát xem ở từng nhóm tuổi nam hay nữ chiếm tỷ trọng cao. Mặt khác, tháp tuổi dân số còn có thể cho phép phân tích các yếu tố tác động làm thay đổi quy mô và cơ cấu dân số trong những thời gian trước đó, đặc biệt các yếu tố như chiến tranh, di dân hàng loạt, nạn đói, bệnh dịch làm chết nhiều người… Các biến động lớn, bất bình thường luôn để lại những hậu quả lâu dài đến phát triển dân số. Bề rộng của nhóm tuổi trẻ nhất [đáy tháp] phản ánh sự tăng hay giảm của mức sinh so với những năm trước. Ví dụ, đáy tháp mở rộng chứng tỏ mức sinh của năm vẽ tháp tuổi cao hơn những năm trước và ngược lại, nếu đáy tháp thu hẹp, có nghĩa là mức sinh của năm thấp hơn mức sinh của các năm trước.

Ba dạng tổng quát của tháp dân số

Dân số ở các nước khác nhau có thể có các kiểu sinh, chết và di cư khác nhau. Tuy nhiên, có thể tổng kết thành ba dạng cơ bản sau:

  • Mở rộng: Tăng trưởng dân số nhanh, tỷ trọng dân số trẻ [dưới 14 tuổi, đặc biệt là nhóm 0-4 tuổi] lớn.
  • Co hẹp: Tăng trưởng dân số thấp, tỷ trọng dân số trẻ, [dưới 14 tuổi, đặc biệt là nhóm 0-4 tuổi] nhỏ.
  • Dừng: Tăng trưởng dân số bằng 0, tỷ trọng dân số ở tất cả các nhóm tuổi gần bằng nhau và nhỏ dần ở những độ tuổi

Như hình trên cho thấy, tháp tuổi [tháp dân số] của Việt Nam năm 1979 là tháp dân số mở rộng. Mỗi đoàn hệ sau đều đông hơn đoàn hệ trước. Đây là do tỷ suất sinh ở năm sau cao hơn năm trước. Tháp dân số của Việt Nam theo dự báo dân số năm 2024 là tháp dân số co hẹp, do đây là phương án dự báo với mức sinh giảm, số sinh của năm sau giảm hơn số sinh của năm trước, nên tỷ trọng của nó cũng nhỏ hơn, điều này làm cho tháp dân số của Việt Nam thay đổi từ mở rộng [1979] sang thu hẹp [dự báo 2024]. Dân số Đan Mạch có số lượng người ở mọi nhóm tuổi gần xấp xỉ nhau, vì vậy tháp dân số của họ là tháp dân số dừng.

[Nguồn tài liệu: Tài liệu môn Dân số học cơ bản, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, 2015]

Video liên quan

Chủ Đề