Vì sao bác hồ ra đi tìm.đương cứu ns

Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành rời trường vào Sài Gòn để thực hiện hoài bão: Ra đi tìm đường cứu nước.

Để thực hiện hoài bão đó, ngày 5/6/1911, với cái tên Văn Ba ghi trên thẻ nhân viên của tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành từ Cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn [nay là thành phố Hồ Chí Minh] rời Tổ quốc sang Pháp.

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin [L’Admiral Latouche Trévill], nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước [6/1911]. Ảnh tư liệu

Gần 10 năm sau vào giữa và cuối năm 1920, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy, đã tìm được con đường cứu nước: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Và bằng con đường cứu nước [mà sau này ta gọi là con đường cách mạng] duy nhất đúng đắn ấy Tổ quốc ta đã giành lại độc lập, tự do, dân tộc ta đã đánh bại 2 đế quốc to, đất nước ta đã đổi mới để Việt Nam ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Đảng ta, dân tộc ta đã, đang và mãi mãi kiên định con đường cách mạng duy nhất đúng đắn đó để đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với những ý nghĩa đó, ngày 5/6/1911 thực sự là một ngày lịch sử mang dấu ấn mở đầu của nhiều ngày lịch sử trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.

* * *

Những năm đầu của thế kỷ XX không phải chỉ có một mình Nguyễn Tất Thành mà còn có một số những nhà yêu nước khác sang phương Tây [mà chủ yếu là sang Pháp] để tìm đường cứu nước. Họ cũng rất mẫn tiệp, thông minh. Họ cũng có đầy đủ hành trang từ tinh hoa văn hiến Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông.

Tuy vậy, chỉ có Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc sớm tìm thấy và tìm được con đường cứu nước - Con đường cách mạng mà lịch sử dân tộc Việt Nam đòi hỏi và phó thác.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu

Tại sao vậy?

Để tìm lời giải cho câu hỏi này, hẳn ngoài sự tương đồng giữa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước cùng sang phương Tây tìm đường cứu nước, chúng ta phải xem xét thấu đáo những điều khác biệt trong cách đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước khác cùng thời.

Khác biệt thứ nhất: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc suốt gần 10 năm hoàn toàn sống bằng lao động, với đủ mọi nghề kể cả những nghề cực nhọc nhất. Tự mình lao động để sống, sống để học hỏi, sống để tìm cho kỳ được “Cái cần thiết cho chúng ta”1. “Con đường giải phóng chúng ta”2. Trong một con người Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc có cùng 2 thân phận: người dân mất nước và người lao động bị áp bức. Điều này hẳn đem đến cho Nguyễn Tất Thành nhận thức sâu rộng hơn sự gắn bó mật thiết giữa yêu nước với thương dân, giữa giải phóng dân tộc với giải phóng người lao động.

Khác biệt thứ hai: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc không chỉ sang Pháp, ở Pháp mà còn sang Anh, sang Mỹ và một số nước châu Âu. Còn đi đến nhiều nước khác ở châu Phi có cùng thân phận thuộc địa “được” văn minh phương Tây “khai hóa” như nước Việt Nam của mình. Hẳn nhờ đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã thấu hiểu sâu sắc, cặn kẽ về điều gọi là “Văn minh phương Tây”, về thân phận của dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vượt ra ngoài tầm nhìn quốc gia dân tộc, Người vươn lên tầm nhìn nhân loại.

Khác biệt thứ ba: Hoàn toàn không đứng ngoài để quan sát, tìm tòi và học hỏi, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc dấn thân vào trung tâm cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, vào trung tâm cuộc đấu tranh của phong trào công nhân ngay giữa lòng châu Âu tư bản chủ nghĩa. Nhờ đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc nhận ra mối quan hệ giữa con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đặc biệt, nhận ra mối quan hệ giữa đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh giải phóng giai cấp.

Nguyễn Ái Quốc [thứ 2 từ trái sang phải] với một số chiến sĩ cách mạng châu Phi trong thời gian hoạt động ở Liên Xô. Ảnh tư liệu

Nhận ra các mối quan hệ ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc giác ngộ sâu sắc khẩu hiệu của Lê nin “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”.

Và cũng từ đó, với Người, cuộc đấu tranh để giành lại độc lập cho dân tộc không thể “đứng một mình” mà nhất thiết phải là một bộ phận của cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc. Nhất thiết phải đặt công cuộc giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới.

Khác biệt thứ tư: Học từ và trong thực tiễn đấu tranh, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đặc biệt tự vượt lên để học lý luận từ các trước tác của các nhà lý luận, các nhà cách mạng mà nhân loại có từ thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX, thế kỷ XX. Người không hề dị ứng với bất cứ học thuyết cách mạng nào, mà luôn tìm cho được những hạt nhân hợp lý từ các học thuyết để làm giàu tri thức lý luận của mình. Người kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn việc học trong sách với học trong thực tiễn đấu tranh.

Nhờ kiên tâm và kiên trì tìm tòi, học hỏi lý luận như vậy, nhờ phương pháp học hỏi khoa học như vậy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến được với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, đến được với học thuyết khoa học và cách mạng của thời đại. Chính đó là nền tảng lý luận để từ tầm nhìn truyền thống - dân tộc nâng lên tầm nhìn thời đại - quốc tế.

* * *

Vì sao, nhờ vào đâu, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm thấy, tìm được con đường cứu nước - con đường cách mạng cho dân tộc ta còn có thể có nhiều cách lý giải khác. Xin được các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi và lý giải.

Nguồn: Báo Nghệ An

Trước thái độ đầu hàng, cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than dưới gót giày xâm lược của chủ nghĩa thực dân cùng sự bất lực về con đường và phương pháp đấu tranh của những nhà yêu nước tiền bối, từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc thân yêu, thực hiện cuộc hành trình vĩ đại tìm con đường đấu tranh đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Nơi khởi đầu một hành trình vĩ đại

Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, với bản lĩnh của một người yêu nước cùng nhãn quan chính trị thiên tài, Nguyễn Tất Thành-người thanh niên ưu tú của dân tộc đã bước chân lên con tàu Latouche-Treville khởi đầu cho “cuộc quẫy mình” của một dân tộc. Khác với những bậc tiền bối, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn cho mình một con đường đi riêng. Người quyết định tìm đến với văn minh phương Tây, đến với nước Pháp-nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do-bình đẳng-bác ái”, xem nước Pháp và các nước khác làm cách mạng như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Đây chính là điểm khác biệt giữa Nguyễn Ái Quốc với các nhà cách mạng Việt Nam bấy giờ.

Bến Nhà Rồng năm 1911. Ảnh: TL

Năm 1923 khi trả lời một nhà báo Nga, Người nói: “Khi tôi 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau ba chữ ấy”. Người đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều học thuyết, nhiều cuộc cách mạng, hòa mình vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân… Nhưng Người biết rằng dân tộc Việt Nam không thể đi theo con đường đó bởi: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.

Sau một hành trình đi qua nhiều quốc gia, năm 1917 Người trở lại Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Người nhiều lần yêu cầu Đảng cần có thái độ rõ ràng đối với cuộc đấu tranh đòi quyền tự do cho các dân tộc thuộc địa. Người gửi tới Hội nghị Vellsaile bản yêu sách 8 điểm để đấu tranh trực tiếp với kẻ thù đồng thời củng cố thêm nhận thức về bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản: Ở đâu chúng cũng như nhau, “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”.

Cách mạng Tháng Mười Nga-ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam

Qua những lần khảo cứu, tìm kiếm con đường đấu tranh đòi tự do, bình đẳng cho nhân dân An Nam bất thành, tháng 7-1920 Nguyễn Ái Quốc đã được đọc nội dung bản của “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin đăng trên Báo Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Luận cương của Lê-nin đã mở ra cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức mới về con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người thốt lên rằng: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ cảng Sài Gòn. Ảnh: TL

Niềm vui đó đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc tìm đến với Lê-nin, tìm đến với Cách mạng Tháng Mười Nga để nghiên cứu và áp dụng vào điều kiện thực tế ở Việt Nam. Người khẳng định dứt khoát chủ nghĩa tư bản không cứu được nước, không cứu được dân tộc Việt Nam thoát khỏi cuộc đời nô lệ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Sau khi đã xác định con đường cần thiết cho dân tộc, bằng hoạt động thực tiễn của mình Nguyễn Ái Quốc đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, bổ sung, phát triển và truyền bá con đường cách mạng vô sản vào Việt Nam. Thành công bước đầu của quá trình truyền bá con đường cách mạng vô sản là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930-nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thời đại Hồ Chí Minh

Ngày 28-1-1941, trong tiết trời vào Xuân, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã chính thức trở về sau một hành trình vĩ đại 30 năm. Người đã trực tiếp cùng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn chỉnh đường lối cách mạng, lãnh đạo Nhân dânViệt Nam vùng lên đấu tranh làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà-Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới trong lịch sử quang vinh của dân tộc-Thời đại Hồ Chí Minh.

Tiếp sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, theo ngọn cờ "kháng chiến, kiến quốc", quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Với dã tâm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhưng với một chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã ra sức thi đua vừa phát triển kinh tế, chiến đấu bảo vệ miền Bắc XHCN vừa đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước tiến lên xây dựng CNXH.

Đất nước ta sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Ảnh: CTV

Trung thành với con đường cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã và đang giành được nhiều thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông có nhiều diễn biến căng thẳng, khó dự đoán, dịch Covid-19 phức tạp... nhưng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, dân tộc Việt Nam sẽ giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam XHCN, đưa Việt Nam sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới như lời Bác Hồ hằng mong.

Phùng Hải Châu

Video liên quan

Chủ Đề