Vì sao người việt mê xem bói

Your browser is no longer supported. Update it to get the best YouTube experience and our latest features. Learn more

Remind me later

Mê tín dị đoan là hiện tượng không mới trong đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, mê tín dị đoan được coi là sự tin tưởng một cách mê muội vào điều hoang đường, dị thường, không hợp với tự nhiên, không có cơ sở khoa học, cần loại trừ khỏi cuộc sống. Theo các nhà nghiên cứu, gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát của con người trong khi họ luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong hoàn cảnh bị coi là bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, không giải thích được, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi, và làm con người cảm thấy an tâm hơn. Là sản phẩm của thời kỳ nhận thức về thế giới, xã hội và con người còn ở trình độ thấp, mê tín dị đoan có mặt trong mọi nền văn hóa, chỉ khác biệt ở mức độ và cách thức con người điều khiển bản thân như thế nào. Bởi tập tục, niềm tin ra đời từ xa xưa có thể đúng mực, có thể là truyền thống tốt đẹp, nhưng lại bị một số người hay nhóm người biến thành mê tín dị đoan. Ở Việt Nam lâu nay, mê tín dị đoan thể hiện rất đa dạng, như: lễ bái, cúng tế, cầu xin; xem tướng số, bói toán; chữa bệnh bằng mẹo hay những kiêng cữ phản khoa học… Bên hành vi mê tín dị đoan ra đời trước đây, lại có hành vi mới xuất hiện và được coi là biến thể phù hợp với thời đại. Thí dụ, những đồ cúng khá hiện đại như hàng mã là đô-la, nhà lầu, xe ô-tô, du thuyền, điện thoại… hoặc xem bói qua internet [in-tơ-nét], thậm chí có một số "thầy" còn bói qua livestream [dùng webcam truyền âm thanh và hình ảnh trực tiếp đến người dùng]…

Ðầu năm mới, mê tín dị đoan thường nở rộ hơn vì đây là thời điểm con người muốn bày tỏ ước mong một năm làm ăn phát đạt, an lành, hanh thông, học hành tấn tới, sức khỏe bảo đảm, gia đình hạnh phúc… và cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội - không gian dễ bị lạm dụng cho việc cầu cúng, tế lễ... Cúng lễ là nhu cầu tâm linh chính đáng nếu được thực hiện đúng nghi thức, nhưng một số người lại cầu cúng vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường. Có thể nói cầu cúng, lễ bái "xin được thăng quan, tiến chức", và cầu mong làm ăn phát đạt - một nhu cầu bình thường, đôi khi cũng được thực hành một cách mê muội. Khi niềm tin đặt lầm chỗ vào với yếu tố siêu nhiên, kỳ bí, một số người không tiếc tiền bạc tới đền, chùa xin "quẻ", tổ chức lễ cầu tài, cầu lộc, cầu phúc rình rang, cung tiến tiền triệu, thậm chí cả hàng chục triệu đồng đã không còn là chuyện hiếm. Có gia đình còn xây am, điện thờ đồ sộ, hằng ngày hương khói, tụng kinh, gõ mõ cầu xin chức quyền. Thậm chí, không chỉ cá nhân mà một số cơ quan còn tổ chức đi lễ tập thể, đi nhiều lần trong năm. Một số tập tục tốt đẹp bị những cá nhân mê tín biến tướng thành cơ hội cầu lộc, cầu tiền bằng những hành vi phản cảm. Chẳng hạn các năm gần đây, "xin ấn đền Trần" khiến nhiều người ngán ngẩm vì chen lấn, xô đẩy chỉ để "cướp" bằng được "ấn", mặc dù có khi chính họ cũng không hiểu bản chất của việc ban "ấn" là ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững. Tuy nhiên, một số người vẫn lầm tưởng rằng xin "ấn" để cầu thăng quan, tiến chức cho nên dẫn đến những cảnh tượng phản cảm mà báo chí đã phản ánh. Những thí dụ khá phổ biến đó, đặt trong sự so sánh với lĩnh vực văn hóa tinh thần, đã trở thành những hiện tượng phản văn hóa, đối nghịch với những giá trị của xã hội.

"Dâng sao giải hạn" cũng là việc được nhiều người thực hành trong những ngày đầu năm, nhất là người được "thầy" phán là "căn cao quả nặng". "Dâng sao giải hạn" bắt nguồn từ tập tục cầu bình an thường diễn ra vào đầu năm mới ở phạm vi gia đình, mong muốn con cái, cháu chắt sẽ được yên ổn, khỏe mạnh trong năm. Nhà chùa cũng chỉ cúng sao giải hạn như một việc làm giúp giải tỏa tâm lý lo sợ, mong muốn tai qua nạn khỏi thông qua các nghi lễ đơn giản, đúng nghi thức. Tuy nhiên, không ít cá nhân lại tổ chức "dâng sao giải hạn" phức tạp, gây lãng phí. Nhiều người còn lợi dụng việc này để biến thành cúng lễ với quy mô lớn nhằm cầu xin tai qua nạn khỏi. Người có tiền thì sẵn sàng thuê cả gian điện với giá hàng chục triệu đồng, mời riêng pháp sư đến "giải hạn". Thậm chí, một số người còn tìm đến dịch vụ "giải sao trọn gói" ở một số chùa. Trong khi đó, cảnh báo hiện tượng này, Hòa thượng Thích Thanh Tứ [1927 - 2011], nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng cho biết, kinh Phật không đề cập việc "cúng sao" có thể "giải được hạn". Bởi theo kinh Phật, không có thần thánh nào gây vận hạn cho con người, tất cả là do con người tạo ra, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, muốn được phúc thì phải làm phúc, không phải cầu xin là được.

Bên các hình thức mê tín dị đoan gây lãng phí về tiền bạc và thời gian, việc tin tưởng mù quáng vào bói toán, nghe theo lời "thầy" phán còn gây nhiều tác hại và nguy hiểm. Ðã có một số "thầy bói" bị vạch trần thủ đoạn như: tạo tin đồn, cho đệ tử quảng cáo, hẹn "khách hàng" lần sau mới gặp để có thời gian tìm hiểu, điều tra… Cũng có người hành nghề bói toán "phán" tùy tiện gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí gây nên những cái chết đau lòng. Cuối tháng 11-2017, vụ án cháu bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa bị sát hại mà nghi phạm chính là bà nội của cháu đã khai tại cơ quan điều tra là lên kế hoạch sát hại cháu mình do mê muội tin vào lời thầy bói phán rằng cháu gái của bà là "yêu nghiệt" trong gia đình, nếu cháu sống thì bà chết, và ngược lại. Năm 2015, một vụ án giết người ở TP Hồ Chí Minh cũng khiến dư luận rúng động bởi hung thủ chính là mẹ của nạn nhân. Trong sự việc đáng tiếc này, người mẹ chủ mưu giết con chỉ vì con bị bệnh chữa nhiều nơi không khỏi và tin điều "thầy" cho rằng con bị "thánh nhập". Chị mời người tới tụng kinh, làm lễ hồi sinh, "nhập thánh" cho con bằng cách dùng sợi dây quấn quanh cổ và siết mạnh, khiến con chết.

Trên thực tế, nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào "thế lực siêu nhiên" là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan. Sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa hành vi thực hành tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan khiến nhiều người không biết đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn và lành mạnh, cho nên dễ sa vào xu hướng tiêu cực. thậm chí, nhiều lúc, nhiều khi hành vi mê tín dị đoan còn được núp bóng "khoác áo" tín ngưỡng để dễ dàng lừa gạt, làm mê muội người dân, mà thí dụ cụ thể là những tà đạo đã được xã hội vạch trần thời gian qua. Lợi dụng xu hướng này, mà một số đối tượng đã thực hiện hành vi mê tín dị đoan trái pháp luật, để rồi vì trình độ nhận thức thấp, thiếu khả năng xét đoán về mặt khoa học đã khiến một bộ phận người dân dễ tin vào "thế lực siêu nhiên", thần bí, vào điều phi lý, không có cơ sở thực tế, dễ bị kẻ xấu lừa đảo. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường cũng dẫn đến sự lầm tưởng về giá trị của chức quyền, của tiền tài và khiến nhiều người chạy theo những giá trị ảo. Từ đó nảy sinh ham muốn cầu xin "thần thánh" đem lại điều mà bản thân mong muốn. Ðó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao hiện tượng mê tín dị đoan ngày càng xảy ra nhiều hơn ở nhóm dân cư có trình độ nhận thức, tri thức cao. Càng có nghề nghiệp và thu nhập tốt, họ càng mong được thuận lợi hơn về công danh, tiền tài. Bên cạnh đó, công tác định hướng hoạt động quản lý của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn những bất cập; trình độ nhận thức, phương pháp quản lý, của đội ngũ làm công tác văn hóa còn chưa đồng đều thống nhất. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội nhiều lúc còn buông lỏng để cho các hoạt động mê tín dị đoan diễn ra tự phát, tràn lan,… Ðặc biệt là xử phạt cũng chưa nghiêm minh.

Việc bài trừ mê tín dị đoan khỏi đời sống xã hội khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn, nhưng không thể không làm và rất cần sự phối hợp giữa ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với vai trò của cơ quan chức năng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của mê tín dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Cùng với việc vạch trần thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng "buôn thần, bán thánh", thầy tướng, thầy bói, cô đồng,… cần phải xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoan hay lợi dụng mê tín dị đoan gây tác động xấu đến xã hội. Ðồng thời, mỗi người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo. Quan trọng hơn là cần nhận thức rõ rằng mê tín dị đoan là hiện tượng tiêu cực, cần phải bài trừ khỏi sinh hoạt xã hội. Ðó chính là cơ sở lý giải tại sao luật pháp Việt Nam tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan. Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, được xử lý bằng tư duy khoa học, có tác động tích cực đến sự phát triển của cá nhân, để qua đó cả xã hội hướng đến điều thiện, điều lành. Bởi dù thế nào thì phúc lộc, sự bình an sẽ chỉ đến khi mỗi người luôn sống có đạo đức, cố gắng trau dồi, rèn luyện, lao động với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vun đắp cuộc sống gia đình, có trách nhiệm với con cái, với cộng đồng…

Video liên quan

Chủ Đề