Vkfta kì ở đâu?

Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực thuế quan, ngày 16/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 201/2015/TT- BTC quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018. Biểu thuế gồm 9.502 dòng thuế trong đó gồm 9.445 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 57 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 cùng thời điểm với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực.

Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được chính thức khởi động tại Hà Nội vào ngày 6/8/2012. Tiếp đó, hai bên đã trải qua 9 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên họp giữa kỳ, phiên họp cấp trưởng đoàn và phiên rà soát kỹ thuật để thảo luận và thống nhất về Hiệp định VKFTA. Hiệp định VKFTA là một Hiệp định mang tính toàn diện bao gồm các nội dung cam kết về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế khác giữa hai nước.

Ngày 10/12/2014, nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định. Ngày 5/5/2015, Lễ ký chính thức Hiệp định VKFTA đã được tổ chức tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về số dự án và quy mô vốn đăng ký với trên 4.237 dự án và 37,8 tỷ USD tính lũy kế đến tháng 2/2015. Năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 28,8 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc đạt được thỏa thuận về mở cửa thị trường hàng hóa trong VKFTA trên cơ sở mặt bằng cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) dự kiến sẽ đem lại lợi ích gia tăng đáng kể cho cả hai nước.

Về phía Hàn Quốc, Hàn Quốc đã cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi xóa bỏ thuế quan và mở hạn ngạch đối với 11.679 dòng thuế trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản (tôm, cua, cá đông lạnh, đóng hộp); nông sản; hoa tươi; trái cây nhiệt đới; các hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí.... Đối với một số mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, đậu đỏ, khoai lang ... (là những mặt hàng thuế suất MFN cao từ 241-420%), Hàn Quốc đã cam kết mở cửa thị trường cho những sản phẩm này, tạo lợi thế đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Với hàng rào bảo hộ thuế quan đối với các sản phẩm nông thủy sản của Hàn Quốc rất cao, việc Việt Nam đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc đối với các mặt hàng nông, thủy sản sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Về phía Việt Nam, so với cam kết trong AKFTA đã cam kết tự do hóa 8.320 dòng thuế, Việt Nam cam kết bổ sung thêm 201 mặt hàng tự do hóa theo lộ trình VKFTA như nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; hàng điện gia dụng; máy móc thiết bị (ắc quy, máy biến thế, động cơ điện); sản phẩm & linh kiện điện tử; dây điện, cáp điện; động cơ, linh phụ tùng ô tô; ô tô (1 dòng xe tải trên 10 tấn, 1 dòng ô tô con trên 3.000cc). Lộ trình xóa bỏ thuế quan từ 3 năm đến 15 năm được xây dựng trên nguyên tắc các mặt hàng trong nước có nhu cầu nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu chủ lực, lộ trình cắt giảm thuế quan ngắn từ 3-7 năm; các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài để tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước có thời gian để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp VN và doanh nghiệp FDI Hàn Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu với chi phí thấp hơn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực; qua đó gia tăng tính cạnh tranh khi xuất khẩu.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Với hiệp định này, Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc so với cam kết WTO và Hiệp định khu vực tự do ASEAN - Hàn Quốc; Hàn Quốc cũng mở cửa hơn cho Việt Nam so với các FTA đã ký trước đây.

Báo Hậu Giang sẽ lần lượt trích đăng các nội dung chính của hiệp định cũng như nhận định thời cơ và thách thức của nó đối với nước ta.

Hiệp định gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi quy định.

1. Thương mại hàng hóa

a. Các cam kết thuế quan

Các cam kết thuế quan trong VKFTA được xây dựng trên nền các cam kết thuế quan trong FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), nhưng với mức độ tự do hóa cao hơn. VKFTA sẽ cắt giảm thêm một số dòng thuế mà trong AKFTA chưa được cắt giảm hoặc mức độ cắt giảm còn hạn chế, cụ thể như sau:

- Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thêm cho Việt Nam 506 dòng thuế.

- Việt Nam sẽ xóa bỏ thêm cho Hàn Quốc 265 dòng thuế.

Tổng hợp cả các cam kết trong VKFTA và AKFTA thì:

+ Hàn Quốc sẽ xóa bỏ cho Việt Nam 11.679 dòng thuế.

+ Việt Nam sẽ xóa bỏ cho Hàn Quốc 8.521 dòng thuế.

b. Cam kết về Quy tắc xuất xứ

Tiêu chí xuất xứ: Theo quy định tại Hiệp định, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu;

- Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ; hoặc không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định cụ thể trong Phụ lục về Quy tắc xuất xứ cụ thể từng mặt hàng (Phụ lục 3-A) hoặc Phụ lục về các hàng hóa đặc biệt (Phụ lục 3-B).

Nói chung, Quy tắc xuất xứ trong VKFTA chặt hơn so với AKFTA nhưng vẫn tương đối đơn giản. Nhìn chung, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA, hàng hóa cần đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:

+ Tỷ lệ Hàm lượng giá ở khu vực (RVC) theo quy định (thường là trên 40%);

+ Chuyển đổi mã HS (2 số, 4 số hoặc 6 số); hoặc trải qua một công đoạn sản xuất hoặc chế biến nhất (các sản phẩm dệt may).

Hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS vẫn được coi là có xuất xứ nếu:

- Đối với các hàng hóa không thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa” (HS), trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trị giá FOB (là giá trị hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải của nhà sản xuất đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu trở hàng rời bến) của hàng hóa.

-  Đối với các hàng hóa thuộc các Chương từ 50 đến 63 trong Hệ thống Hài hòa (HS), trọng lượng của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trọng lượng hàng hóa, hoặc giá trị của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ không được vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.

- Quy định đối với một số hàng hóa đặc biệt: Hiệp định bao gồm một Phụ lục (3-B) về 100 hàng hóa đặc biệt (Danh mục các hàng hóa này có thể được sửa đổi nếu được cả hai bên đồng ý). Đây là các loại hàng hóa được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên. Hiệp định có quy định riêng về xuất xứ và cơ chế tự vệ đối với loại hàng hóa này. Cụ thể:

+ Quy định về xuất xứ: Hàng hóa vẫn được xem là có xuất xứ dù được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên từ nguyên liệu xuất khẩu từ một bên (Hàn Quốc là chủ yếu), sau đó được tái nhập trở lại bên đó, với điều kiện tổng giá trị nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ không vượt quá 40% trị giá FOB của hàng hóa.

+ Cơ chế tự vệ đặc biệt: Điều kiện áp dụng: Khi một bên (Việt Nam là chủ yếu) xác định số lượng nhập khẩu các sản phẩm đặc biệt được áp dụng Quy định về xuất xứ ở trên đang tăng lên, theo đó có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn thất nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước, thì bên đó được tự do đình chỉ việc áp dụng Quy định xuất xứ đó trong một khoảng thời gian mà bên đó coi là cần thiết để ngăn chặn hoặc đối phó với tổn thất hoặc đe dọa tổn thất đối với ngành sản xuất trong nước.

+ Thông báo áp dụng: Việc đình chỉ của một bên (Việt Nam là chủ yếu) phải được thông báo cho bên kia 02 tháng trước khi bắt đầu giai đoạn đình chỉ và phải cho phép bên kia có cơ hội để trao đổi về việc này, trừ trường hợp khẩn cấp nếu việc đình chỉ bị trì hoãn có thể gây ra tổn thất khó khắc phục, thì một bên có thể thực hiện việc đình chỉ tạm thời mà không cần phải thông báo trước 02 tháng cho bên kia, nhưng phải thông báo trước khi việc đình chỉ có hiệu lực.

+ Cơ chế áp dụng: Khi một bên ra quyết định đình chỉ việc áp dụng Quy định về xuất xứ cho hàng hóa đặc biệt, bên đó có thể đơn phương và vô điều kiện áp dụng việc đình chỉ đó, bao gồm:

+ Thủ tục chứng nhận xuất xứ: về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O), FTA vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước quy định/ủy quyền như trong các VKFTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện. Đặc biệt, Hiệp định cho phép miễn nộp giấy Chứng nhận Xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu nước nhập khẩu cho phép. Các FTA Việt Nam đã ký trước đây thường chỉ cho phép các hàng hóa có trị giá không quá 200USD được miễn nộp giấy Chứng nhận xuất xứ.

2. Thương mại dịch vụ:

Chương về Dịch vụ trong VKFTA được chia làm 02 phần:

- Cam kết về nguyên tắc: bao gồm các định nghĩa, các quy định chung về nghĩa vụ: Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc..., và 03 phụ lục về tài chính, viễn thông, di chuyển thể nhân.

- Cam kết về mở cửa thị trường: là 01 phụ lục riêng bao gồm 02 danh mục mở cửa của Việt Nam và Hàn Quốc về từng lĩnh vực dịch vụ.

a. Cam kết về nguyên tắc:

Hai bên cam kết về các quy định và nghĩa vụ chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ của mỗi bên khi tiếp cận thị trường dịch vụ của bên kia. Mỗi bên sẽ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ của bên kia các quyền lợi cơ bản là:

- Đối xử quốc gia (NT): Đối với những ngành được nêu trong Biểu cam kết cụ thể, tùy thuộc vào các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định trong đó, mỗi bên phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bên kia, trong hoàn cảnh tương tự, đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử được bên đó dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mình.

- Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nếu sau khi VKFTA có hiệu lực mà một Bên trong Hiệp định (Việt Nam hoặc Hàn Quốc) ký các thỏa thuận với một bên thứ 3 mà trong đó dành các đối xử ưu đãi hơn cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ 3 đó, thì một bên được yêu cầu tham vấn với bên kia để xem xét khả năng gia tăng các đối xử ưu đãi trong VKFTA không kém thuận lợi hơn so với các đối xử ưu đãi trong thỏa thuận với bên thứ 3 đó, trừ trường hợp các đối xử ưu đãi này là theo các hiệp định hiện có hoặc hiệp định giữa các thành viên ASEAN.

b. Cam kết về mở cửa thị thường:

Cam kết mở cửa thị trường Chương Dịch vụ trong VKFTA áp dụng cách tiếp cận chọn - cho tương tự như trong WTO, tức là mỗi bên sẽ có một danh mục các lĩnh vực cam kết trong đó liệt kê các lĩnh vực mở cửa và mức độ mở cửa, các lĩnh vực nào không được liệt kê là không có cam kết.

Đối với các lĩnh vực có cam kết, tùy vào nội dung cam kết cụ thể, mỗi bên sẽ không ban hành hoặc duy trì các biện pháp ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ của bên kia gồm hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; hạn chế về giá trị giao dịch; hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ đầu ra; hạn chế về tổng số nhân lực tuyển dụng; hạn chế về loại hình doanh nghiệp; hạn chế về vốn góp nước ngoài.

So với các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam và Hàn Quốc trong WTO và AKFTA thì trong VKFTA:

- Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc trong 02 phân ngành:

+ Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị.

+ Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển.

- Hàn Quốc mở cửa hơn cho Việt Nam trong 05 phân ngành:

+ Dịch vụ pháp lý.

+ Dịch vụ chuyển phát.

+ Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt.

+ Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt.

+ Dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.

3. Đầu tư:

Chương về Đầu tư trong VKFTA được chia làm 02 phần:

Đầu tư, bao gồm:

- Các cam kết về nguyên tắc chung (bao gồm các định nghĩa, các quy định chung về nghĩa vụ Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc...)

- Các cam kết về mở cửa của từng bên (mỗi bên sẽ có một danh mục bảo lưu các biện pháp/lĩnh vực không phải áp dụng một số nguyên tắc đầu tư - danh mục các biện pháp không tương thích)

Hiện tại, phụ lục về danh mục các biện pháp/lĩnh vực bảo lưu vẫn chưa được hình thành. Hai bên cam kết sẽ tiến hành đàm phán về danh mục này ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ kết thúc đàm phán trong vòng 1 năm.

Giải quyết tranh chấp đầu tư, bao gồm phạm vi, nguyên tắc và quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp khi có mâu thuẫn phát sinh giữa nhà nước của một bên của Hiệp định và nhà đầu tư của bên kia.

Về cơ bản, các cam kết trong Chương Đầu tư phù hợp với Hiến pháp và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam như Luật Đầu tư năm 2005. Việc thực hiện chương này không đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Cam kết về Đầu tư: Mỗi bên cam kết sẽ bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu từ và khoản đầu tư của các nhà đầu tư của bên kia thông qua các nghĩa vụ quy định cụ thể trong Chương Đầu tư. Trong đó, 4 nghĩa vụ cơ bản là:

- Đối xử quốc gia (NT): Mỗi bên sẽ dành cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư được bảo hộ của bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử của bên đó dành cho các nhà đầu tư và khoản đầu tư của bên mình.

- Đối xử tối huệ quốc (MFN): Mỗi bên sẽ dành cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư được bảo hộ của bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử của bên đó dành cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của bất kỳ bên thứ ba nào, trừ trường hợp sự đối xử đó là theo các hiệp định đã có với bên thứ ba hoặc hiệp định giữa các thành viên ASEAN.

Trong tương lai nếu một bên ký bất kỳ thỏa thuận hay hiệp định nào với bên thứ ba mà dành các đối xử ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư và khoản đầu tư của bên đó thì cũng không phải dành sự đối xử tương tự cho các nhà đầu tư và khoản đầu tư của bên kia nhưng phải dành cho bên kia cơ hội thỏa đáng để đàm phán về việc hưởng các ưu đãi đó nếu được yêu cầu.

+ Các yêu cầu về hoạt động (Performance Requirements - PR)

Các bên cam kết không áp dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến các nhà đầu tư của bên kia như các yêu cầu: nhà đầu tư phải đạt một tỷ lệ hàm lượng nội địa nhất định; ưu tiên mua hàng nội địa; ràng buộc tỷ lệ nhập khẩu với xuất khẩu; hạn chế việc bán hàng trên lãnh thổ của nước đó; xuất khẩu hàng đạt một tỷ lệ nhất định; chuyển giao công nghệ, quy trình, bí quyết sản xuất cho chủ thể của bên kia...

+ Nhân sự quản lý cao cấp (SMBD)

Các bên cam kết không đặt ra các yêu cầu về quốc tịch đối với nhân sự quản lý cao cấp trong doanh nghiệp đầu tư của bên kia, nhưng có thể yêu cầu đa số thành viên Hội đồng quản trị phải mang một quốc tịch nhất định, hoặc phải cư trú trên lãnh thổ của bên nhận đầu tư nhưng không được làm ảnh hưởng đáng kể tới khả năng kiểm soát khoản đầu tư.

Cam kết về Giải quyết, tranh chấp đầu tư: Tương tự như trong AKFTA, VKFTA cũng áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Tuy nhiên, cơ chế ISDS trong VKFTA có phạm vi áp dụng rộng hơn, và có các quy định về quy trình và thủ tục cụ thể hơn trong AKFTA.

- Phạm vi áp dụng: Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư trong VKFTA chỉ áp dụng cho các tranh chấp giữa một bên (tư cách nhà nước) và nhà đầu tư của bên kia do nhà nước đó vi phạm một số nghĩa vụ cam kết về đầu tư trong Hiệp định gây thiệt hại đến nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư của nhà đầu tư của bên kia liên quan đến việc quản lý, thực hiện, vận hành, hoặc bán hoặc các hình thức định đoạt khác khoản đầu tư đó.

- Chủ thể giải quyết tranh chấp: Nhà đầu tư có quyền đưa tranh chấp ra giải quyết tại:

+ Tòa án hành chính của nước nhận đầu tư: quy trình và thủ tục sẽ theo quy định và pháp luật của nước đó.

+ Trọng tài: theo quy trình và thủ tục quy định trong Hiệp định.

Chú ý: Trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc đã cam kết chấp thuận việc khởi kiện tranh chấp ra trọng tài phù hợp với các quy định trong Hiệp định.