Đánh giá học thuyết tam quyền phân lập

Thuyết tam quyền phân lập là gì? Nội dung thuyết tam quyền phân lập? Có nên áp dụng thuyết tam quyền phân lập vào Việt Nam không?

     

Tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước là một nội dung quan trọng của chế độ chính trị của mỗi quốc gia. Mỗi một mô hình nhà nước lại chọn cho mình cách thức tổ chức quyền lực khác nhau. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Vậy thuyết tam quyền phân lập là gì? Thực tiễn hiện nay có nên áp dụng học thuyết này để thực hiện tổ chức quyền lực ở Việt Nam?

Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568

Mục lục bài viết

  • 1 1. Thuyết tam quyền phân lập là gì?
  • 2 2. Nội dung thuyết tam quyền phân lập:
    • 2.1 2.1. Phân quyền ngang:
    • 2.2 2.2. Phân quyền dọc:
  • 3 3. Có nên áp dụng thuyết tam quyền phân lập vào Việt Nam không?

Thuyết tam quyền phân lập là học thuyết về tổ chức bộ máy nhà nước tư sản do Lôckơ, Môngtexkiơ, Ruxô sáng lập dựa trên quan điểm cho rằng phải hạn chế sự lạm quyền bằng việc không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào tay một cơ quan nhất định, trong đó 3 quyền của nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ

Thuyết tam quyền phân lập trong tiếng Anh là “Separation of powers”.

2. Nội dung thuyết tam quyền phân lập:

2.1. Phân quyền ngang:

– Quyền lực nhà nước được phân chia thành các nhánh khác nhau, do các cơ quan khác nhau nắm giữ để không một cá nhân hay tổ chức nào nắm được trọn vẹn quyền lực nhà nước. Điển hình như là: ở Mỹ, nghị viện nắm quyền lập pháp, chính phủ tổng thống nắm quyền hành pháp, còn tòa án nắm quyền tư pháp.

– Hoạt động của các cơ quan quyền lực công có sự chuyên môn hóa, mỗi cơ quan chỉ hoạt động nhằm thực hiện chức năng riêng của mình, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác.

– Quyền lực giữa các cơ quan quyền lực cân bằng, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn. Các cơ quan quyền lực giám sát, kiềm chế đối trọng và chế ước lẫn nhau, để không có một cơ quan nào có khả năng lạm quyền.

– Ở nhiều nhà nước hiện nay, tư tưởng phân quyền ngang có một số thay đổi, mà chủ yếu là số nhánh quyền lực được phân chia ra từ quyền lực nhà nước. Ở một số nước Nam Mỹ, quyền lực nhà nước nhiều khi được chia thành 4, 5, thậm chí cả 6 bộ phận. Ví dụ: Nicaragoa có thêm quyền kiểm tra do Tổng thanh tra thực hiện; Argentina phân làm 6 quyền.

Có ba mức độ biểu hiện của cách thức phân quyền ngang trong bộ máy nhà nước hiện nay, đó là:

– Phân quyền cứng rắn được áp dụng trong chính thể cộng hòa tổng thống, đặc điểm là chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như: Mỹ, Philippines,…

– Phân quyền mềm dẻo được áp dụng trong chính thể đại nghị, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, như: Anh, Nhật,…

– Phân quyền trong chính thể cộng hòa hỗn hợp, chính phủ vừa phải chịu trách nhiệm trước nhân dân vừa phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, như ở các nước Pháp, Nga,…

2.2. Phân quyền dọc:

Để hạn chế quyền lực nhà nước thì quyền lực nhà nước không chỉ phân chia theo chiều ngang thành các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp mà còn phải tiếp tục phân chia ở chiều dọc giữa trung ương và địa phương. Chính ở sự phân quyền này mà quyền lực nhà nước trung ương bị hạn chế. Đến lượt mình, quyền lực của cơ quan địa phương – chính phủ địa phương lại bị phân chia thành lập pháp địa phương và hành pháp địa phương.

Nội dung chủ yếu của tư tưởng phân quyền dọc được thể hiện như sau:

– Tồn tại hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước do dân bầu ở các cấp địa phương, song song với bộ máy nhà nước trung ương.

– Có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong những lĩnh vực cụ thể; mà chủ yếu là chính quyền trung ương sẽ giải quyết các vấn đề công, vì lợi ích của cả cộng đồng xã hội, như vấn đề: chủ quyền lãnh thổ, dịch vụ công,…; còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục, văn hóa ở địa phương, ngoài ra còn có thể chủ động tiến hành hợp tác, giao lưu với các địa phương khác hoặc các tổ chức quốc tế trong quyền hạn của mình.

– Tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền trong nhiệm vụ và quyền hạn của mình là tương đối độc lập với nhau. Chính quyền trung ương không có quyền điều hành, chỉ đạo chính quyền địa phương, mà chỉ có thể xây dựng chủ trương chính sách, tạo dựng khuôn khổ pháp lý, và kiểm tra, giám sát hoạt động của các chính quyền cấp dưới, mọi phạm vi của chính quyền địa phương sẽ do Tòa án Hành chính xét xử độc lập.

Phân quyền dọc được thực hiện theo hai phương pháp:

– Phân quyền theo lãnh thổ: là cách phân quyền của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương theo địa giới hành chính – lãnh thổ. Việc tổ chức quản lý những vùng lãnh thổ này cần thiết phải tính đến nguyện vọng và ý chí của cộng đồng dân cư. Vì vậy, tham gia vào cơ chế vận hành bộ máy chính quyền địa phương, ngoài các cơ quan quản lý còn có cả các cơ quan do dân cư hợp thành trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra. Việc tổ chức cơ quan ở đây mang nhiều tính chất tự quản. Các đơn vị hành chính không có quyền độc lập chính trị. Để tổ chức thực hiện những vấn đề về phát triển địa phương, các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật có quyền thành lập các hội đồng tự quản địa phương, chịu sự kiểm tra của đại diện cơ quan quyền lực nhà nước cấp trên. Cơ cấu tự trị yêu cầu chính quyền địa phương phải có một cơ quan ra nghị quyết và một cơ quan thi hành các nghị quyết đó, giống như mô hình Nghị viện và Chính phủ.

– Phân quyền theo chuyên môn: Là cách phân quyền giữa các bộ chuyên môn với chính quyền địa phương. Ví dụ: ở New Zealand, chính phủ không quản lý bất kỳ bệnh viện công nào, tất cả bệnh viện được giao về cho các bang. Các quan chức cao cấp Chính phủ khi bị bệnh cũng phải đến các bệnh viện ở bang. Tùy theo tiêu chí các cấp chính quyền địa phương, thì có thể chia các cấp địa phương thành 4 cấp như Đức, Cameroon, Sénégal,…; 3 cấp như Italia, Ấn Độ,…; 2 cấp như Đan Mạch, Nhật Bản,…; thậm chí 5 cấp như Pháp.

Nguyên tắc phân quyền dọc còn được thể hiện trong mối liên hệ giữa nhà nước liên bang và các bang. Việc tổ chức nhà nước của các nước liên bang trước hết phải có sự phân biệt thẩm quyền giữa liên bang và các bang. Các bang của nhà nước liên bang không có chủ quyền về mặt đối nội và đối ngoại. Hiến pháp liên bang nghiêm cấm các bang ký kết hợp tác với nước ngoài về những vấn đề chính trị. Trong việc tổ chức nhà nước liên bang vấn đề rất quan trọng là phân chia quyền lực giữa liên bang với các bang, phân chia theo chiều dọc. Việc phân chia quyền lực nhà nước theo chiều dọc giữa liên bang và các bang có 3 hình thức:

– Những thẩm quyền đặc biệt chỉ có ở liên bang.

– Những thẩm quyền đặc biệt của các bang.

–  Những thẩm quyền chung của liên bang và các bang.

Nhằm hạn chế quyền lực nhà nước các bang, hiến pháp liên bang thường liệt kê nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên. Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được liệt kê thì bang không được giải quyết. Hoặc ngược lại, nhà nước liên bang vẫn tôn trọng chủ quyền của các thành viên hợp thành thì lại có xu hướng liệt kê các quyền hạn hữu hạn cho liên bang.

3. Có nên áp dụng thuyết tam quyền phân lập vào Việt Nam không?

Trong thời gian gần đây, một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước… để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”. Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị.

Thuyết tam quyền phân lập mặc dù có những ưu điểm nhất định như hạn chế sự lạm quyền, độc tài, chuyên chế cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi nhánh quyền lực thế nhưng trong tình hình hiện nay, chưa nên và không nên áp dụng học thuyết này vào tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam bởi lẽ:

– Điểm khác biệt cơ bản của sự phân công quyền lực ở nước ta so với bản chất của mô hình phân quyền ở các nước tư sản chính là quyền lực nhà nước phải đảm bảo tính thống nhất của nó là thuộc về nhân dân, do giai cấp vô sản nắm giữ và phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Để quyền lực vận hành một cách hiệu quả, các bộ phận của nó phải có sự kết hợp, ràng buộc, chế ước, quy định lẫn nhau trên cơ sở nguyên tắc cơ bản, cơ chế vận hành chung, đồng thời phải hoạt động một cách nhịp nhàng trên cơ sở thực hiện đầy đủ, đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

– Điều này được ghi nhận tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI: Luật pháp chính là sợi dây vô hình kết nối, ràng buộc các quan hệ giữa các yếu tố khác nhau của quyền lực và quyền lực nhà nước cũng không phải là phép cộng giản đơn giữa các yếu tố quyền lực khác nhau mà đó là sự tổng hòa các yếu tố quyền lực”.

– Hiến pháp quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp, phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất của trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.