Dụ ngôn người con hoang đàng đọc trong lễ nào năm 2024

1. Hãy so sánh sự đối nghịch giữa “nói” và “làm” ở đây với câu kết luận của Diễn từ trên núi (7, 21) và lời xác quyết ở 23, 3. Phải chăng đó là một chủ đề quan trọng trong Mt?

2. Ai là người đối thoại của Chúa Giêsu: đám đồng? Nhóm Biệt phái? Các môn đồ?

3. Đâu là điểm tương tự giữa dụ ngôn này và dụ ngôn đứa con hoang đàng? (Lc 15, 11 -32).

4. Chúa Giêsu muốn nói gì khi khẳng định quân thu thuế và lũ đàng điếm “qua trước các ông” mà vào Nước Thiên Chúa? Phải chăng đây chỉ là một vấn đề “trước” về thời gian, trước về thứ hạng?

5. Các người đối thoại của Chúa Giêsu đã nói vâng với Thiên Chúa theo nghĩa nào, và nói không theo nghĩa nào?

6. “Vì Gioan đến với các ông theo đàng công chính”: câu này có nghĩa là gì?

1. Mt đã tập trung trong phần này (ch.19-23) ba dụ ngôn nói lên sự đoạn tuyệt, phân cách: hai người con (cc.28-32), thợ vườn nho sát nhân (cc.33-34), tiệc cưới (22,1- 14). Đầu bộ ba, mà có lẽ bắt nguồn từ truyền thống Aram, Mt ghi lại cơ hội nói lên chúng (21, 23-27). Đó là Chúa Giêsu đang tranh chấp với nhà chức trách Do thái tại Giêrusalem; họ đòi Người đưa ra bằng chứng về ủy nhiệm thần linh mà bấy lâu Người vẫn sách viện. Người liền lái vấn đề sang Gioan Tẩy giả: ủy nhiệm của ông từ đâu mà đến? Nếu từ Thiên Chúa, tại sao nhà chức trách Do thái không tin theo? liền đó là tới dụ ngôn ta đang nghiên cứu.

2. Chính các thính giả quy hướng dụ ngôn (cc.28-30) về lối giải thích thứ nhất (c.31). Đây là một phương sách thông dụng: người đối thoại được đưa đến chỗ vô tình bày tỏ lập trường và như vậy là tự lên án; y tán thành một dụ ngôn răn đời mà không ngờ mũi dùi của nó lại chĩa vào chính y. Các ngôn sứ đã dùng mánh lới này nhiều, chẳng hạn Natan đã khiển trách Đavít về tội ông phạm bằng cách lúc đầu nói thật bóng gió (2Sm 12). Đây đúng là một luận cứ ad hominem (luận cứ đối nhân). Lối giải thích thứ hai liên kết dụ ngôn với những gì đi trước bằng việc đề cập đến Gioan Tẩy giả; qua ông này, hầu như toàn bộ lịch sử cứu rỗi được gợi lại.

3. Dụ ngôn đưa vào sân khấu hai người con trai. Thiết tưởng cần nhấn mạnh một chút cái danh từ này (mà đúng ra nên dịch là “hai người con”). Thoạt nhìn, mối liên hệ giữa ông cha với hai đứa con thật in hệt. Vì không phải một bên là con, bên kia là tôi tớ, cũng chẳng phải một người là con thứ, một đứa là con trưởng. Hai kẻ được lệnh đi làm vườn nho đều là con hết. Nếu về phía người cha có một sự biệt đãi, thì đó chỉ là hậu quả do lối cư xử của các con ông, chứ không phải theo óc phân biệt mà ngay từ đầu hắn đã cho thấy tình yêu nơi ông có tính cách bất công, thiên vị.

Thành thử bản văn chẳng nhấn mạnh đến tính cách của hai người con và càng không nhấn mạnh đến điều chúng nói. Cái phân biệt chúng rốt cuộc chính là việc chúng sẽ làm hay không làm theo lời yêu cầu của cha. Đứa thứ hai bên ngoài trông đầy đủ đức hạnh: lịch sự đến độ khúm núm, cung kính ra vẻ đạo đức vồn vã ưng thuận quá mức độ thực hiện như lời. Còn đứa thứ nhất cứng đầu nhưng tốt lành tâm địa.

Tiếng vâng mà thực sự là không, tiếng không mà thực là vâng có lẽ làm độc giả nghĩ hai anh chàng thật bất định, ưa nghịch đời, đầy óc mâu thuẫn, nếu người ta chẳng tiết lộ vì sao tiếng không ban đầu của đứa nhất đã biến thành tiếng vâng dạ, thành một việc “thực hiện ý cha”. Tính khí bất định không giải thích nổi sự chuyển hướng này, tính khí càu nhàu cũng chẳng cắt nghĩa gì hơn được. Cả hai tính khí không là chìa khóa của dụ ngôn. Nếu bảo là chìa khóa tức là cho xen vào những dữ kiện tâm lý chẳng mấy nằm trong nhãn giới Tin Mừng. Chỉ có thể giải thực.h việc thay đổi thái độ nơi người con thứ nhất bằng sự thống hối đích thực, một lòng thống hối mở được cửa nước trời lòng thống hối tạo nên niềm tin yêu.

4. Khi đã đồng ý nhìn nhận làm giá trị hơn nói, đáng ra các thính giả của Chúa Giêsu phải chấp thuận cái lý tiềm ẩn trong đó và phải bắt đầu đến lượt mình ăn năn hoán cải. Những người thu thuế và gái điếm (hạng vô luân thường đạo lý như ngày nay ta vẫn còn bảo) đã có thể sống nhiều năm xa cách Thiên Chúa. Họ đã có thể vô luân thường (vô lề luật) và vẫn còn có thể như vậy, nhưng họ không phải là không có đạo lý (đức tin). Để được cứu rỗi, họ đã chấp nhận phó thác và tín nhiệm vào một con người (Gioan Tẩy giả).

Như thế họ gần với ơn cứu rỗi hơn những Biệt phái giả hình nói vâng mà chẳng làm gì hết (x. 3, 3). Tiếng vâng của những kẻ này chỉ được cái bộ mã: một truyền thống lâu đời về sự mực thước, một sự trung tín bề ngoài không thể chối cãi nhưng lại từ chối công việc làm vườn nho, công việc lớn lao của Thiên Chúa là tin vào Chúa Giêsu Kitô. Việc họ tỉ mỉ giữ luật có lẽ sẽ làm cho họ vinh dự nếu họ ý thức mình làm là làm cho Thiên Chúa, và nếu họ không đặt tất cả tin tưởng vào chính bản thân và vào các nhân đức giả tạo của mình Họ có thể đã sống và sẽ còn sống với Lề luật, nhưng họ không có đức tin vậy.

5. Nói đúng ra, Chúa Giêsu chẳng loại bỏ sự phân biệt giữa những kẻ tuân hành và những kẻ vi phạm Lề luật. Người không chấp nhận sự buông tuồng của hạng này mà cũng chẳng lên án lòng trung tín của hạng kia. Nhưng người tỏ cho cả hai biết một con đường mới mà điều qui chiếu chủ yếu không còn là lề luật nữa. Một viễn tượng mới đã được mở ra: nó đem đến nhiều tự do hơn trước lắm yêu sách quá tỉ mỉ và ít câu thúc hơn trước một chương trình sống chỉ đè nặng và làm vấp ngã con người.

Viễn tượng mới này đòi hỏi phải tin vào sứ điệp của vị Tiền hô và do đó vào Chúa Kitô. Nó giả thiết lòng thống hối. Để vào Nước Trời, thực ra chỉ cần một điều kiện: lòng thống hối mà đức tin là một khía cạnh, cái lòng thống hối bao hàm một thái độ nội tâm sâu xa. Khi phạm tội, ta đã xây dựng lại với Thiên Chúa, bây giờ ta quay về với Ngài, với ý thức đầy đủ là ta không thể tự mình dứt bỏ được tội đã phạm, và vì thế phải trông cậy vào một Đấng khác. Các ngôn sứ đã xem đó là phương thế duy nhất tránh khỏi sự đoán phạt của Thiên Chúa, và “nhóm còn lại” chính là nhóm của những người thống hối ăn năn. Tính tự mãn của Biệt phái đã cản ngăn họ trở nên thành phần của nhóm còn lại này, vì thế họ tự đặt mình dưới án phạt của Thiên Chúa một cách tất nhiên.

6. Lòng thống hối, ơn của Thiên Chúa, một lần nữa dẫn ta về chính con người Chúa Kitô, và trong Người ta nói Amen (tiếng vâng của ta) cho vinh quang Thiên Chúa (2 Cr 1, 20). Dĩ nhiên phải mong rằng khi nghe lời yêu cầu của Chúa Cha, lập tức ta thưa vâng và đem thi hành ngay: vâng thì cho đúng là vâng vậy ” (Gc 5,12). Và điều này ta có thể làm được trong Chúa Giêsu là Đấng “đã chẳng phải là vừa “vâng” vừa “không”, trái lại chỉ toàn là “vâng” nơi Người ” (2 Cr 1, 19 ), cái tiếng vâng của lời hứa mà Thiên Chúa không hề hối tiếc” (Rm 11, 29), nhưng cũng là tiếng vâng của con người đến để làm theo ý Đấng đã sai mình (Ga 4, 34 ; 5, 30 ; 6, 38…). Điều Chúa Giêsu yêu cầu thính giả Người đến lượt họ cũng hãy làm, là tin vào Người, người Con mà Chúa Cha đã sai đến (Ga 6, 29).

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Các ông nghĩ sao? Một người có hai con . . . “. Như ở 18, 12 và 22,42, Chúa Giêsu xin ý kiến không phải của môn đồ Người, mà là của các đối thoại viên hay địch thủ. Người này tượng trưng cho Thiên Chúa, như ta có thể diễn dịch dựa trên lời áp dụng Chúa Giêsu sẽ nói sau; hai đứa con của ông tượng trưng hai hạng làm nên dân Do thái thời đó: những “người tội lỗi” hay dửng dưng, không mấy giữ Lề luật và các qui định của giáo sĩ, và những “người công chính” hằng trung thành với tôn giáo chính thức, tức ở đây là các thủ lãnh của Israel. Hãy lưu ý là: hai hạng đều là con Thiên Chúa. Đối với cả hai, bản văn hẳn nhấn mạnh về tính chất (đạo đức, có chân lý tốt hay không), cũng như lời ăn tiếng nói của họ, mà về điều họ sắp làm hay không làm. Trên điểm này, Chúa Giêsu và đối phương người đều nhất trí với nhau (c.31b; xem thêm 23,3: các Biệt phái ngự tòa Môisen và dạy người ta làm, y như Chúa Giêsu). Ở đây cũng như mọi chỗ khác trong một, động từ làm (poiein) là căn băn.

“Hôm nay”: Chữ này quan trọng chứ chẳng phải chơi; ông cha trong dụ ngôn không muốn mất giờ giả định về tâm tính, dữ kiện khác biệt của hai con mình; ông đặt cả hai đứa trước cùng các lệnh sẽ quyết định vận mệnh của chúng.

“Về sau”: Không nên xem thành ngữ này là một ám chỉ đến lương dân, những kẻ vào Nước Trời sau người Do thái như một số nhà chú giải đã nghĩ. Lối giải thích gượng ép đó không ăn khớp với các hoàn cảnh mô tả trong dụ ngôn. Quả thế, người con thứ nhất trước tiên đã từ chối vâng lời, đó không phải là trường hợp của lương dân: sở dĩ họ vào muộn hơn trong Nước Trời, chỉ vì Nước Trời đã chưa được trình bày cho họ. Đàng khác, câu giải thích rõ ràng Chúa Giêsu thêm vào đã loại bỏ lối chú giải trên.

“Nó hối hận”: Nơi đây Mt không dùng động từ “thống hối” (melanoiein) nhưng dùng một động từ khác (metamelesthai); động từ này chỉ xuất hiện thêm trong Mt 27, 3, nhưng lại được dùng nhiều trong bản 70 theo nghĩa hoán cải, trở về với Thiên Chúa (Ed 14, 22 ; Tv 105, 45 ; Xh 13,17…). Người ta không giải thích tại sao người con ấy lúc đầu bướng bỉnh, sau cùng lại hối hận, mà chỉ khẳng định sự kiện thôi. Nhưng gương của nó đáng ra phải làm đứa thứ hai suy nghĩ: chắc hẳn đấy là lý do tại sao nó được đưa vào sân khấu đầu tiên (dù có một số thủ sao đã đảo ngược vai trò, có lẽ để gợi lên sự đối chiếu Israel dân ngoại).

“Vâng, thưa Ngài”: Tiếng “Ngài” đây, lạ lùng trên môi đứa con, có thể giải thích được dễ dàng nếu cho người cha là Thiên Chúa. Đây là một tiếng vụt qua bóng bẩy nhằm chuẩn bị cho lời áp dụng sắp tới.

“Qua trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa”: Động từ được dùng chỗ này là proagein; ở đây, chữ pro (trước) không có một nghĩa thời gian nhưng có một nghĩa khai trừ. Các người tội lỗi chẳng đi trước Biệt phái song sẽ chiếm chính chỗ của họ trong Nước Trời. Đây là một ngữ điệu Aram, như có một bản văn giáo sĩ đặt vào miệng Thiên Chúa những lời này: “Ai đã đi trước Ta trong việc sáng tạo?”, nghĩa là: “Ta đã sáng tạo thế gian, chứ chẳng phải một ai nào khác” (Targ. Hi 41, 3).

“Theo đàng công chính”: Thành ngữ (Cn 8, 20; 12, 28, Pr 2, 21) diễn tả việc chấp nhận không những hạnh kiểm luân lý của Gioan Tẩy giả, mà còn toàn thể sứ vụ của vị Tiền hô. Thực vậy khi công bố nước Thiên Chúa đang tới gần, Gioan Tẩy giả đã cho thấy dấu hiệu về sự công chính đích thực sắp đến, sự công chính mà Chúa Giêsu mang lại một cách sung mãn tràn đầy. Gioan và Chúa Giêsu đã không giảng dạy hai đường khác nhau, nhưng đã chỉ cùng một con đường duy nhất, con đường thống hối và quay về với Thiên Chúa: trong 3,2 và 4, 17, Mt đã cố công làm nổi bật sự tương đồng sứ điệp này khi đặt vào miệng hai Đấng những lời nói như nhau. Thành thứ kẻ không tin Gioan (nghĩa là chẳng xem ông như người đại diện hữu quyền của Thiên Chúa) cũng sẽ không tin Chúa Giêsu, Đấng mà Gioan loan báo vậy.

KẾT LUẬN

Khi so sánh dụ ngôn này với dụ ngôn đứa con phung phá, ta thấy được mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với hàng thủ lãnh Israel đã đổi thay sắc thái đến độ nào. Đứa con nói không và về sau hối hận chắc hắn ít bị khiển trách hơn anh chàng phung phá, song đứa nói vâng rồi chẳng làm một tí mảy mạy thì bị lên án nghiêm khắc hơn người anh cả ghen tương. Trong trường hợp sau này, thính giả dụ ngôn có cảm tưởng người cha vẫn còn trông mong lấy tình yêu bao phủ lòng ghen tương đê tiện của đứa con cả. Nhưng khi nghe dụ ngôn hai người con, người ta đoán chắc Chúa Giêsu chẳng còn hy vọng hoán cải các người Biệt phái. Họ đã chứng kiến sự thánh thiện của Gioan Tẩy giả, lòng thống hối của những người thu thuế và tội lỗi mà rồi chẳng chút động tâm. Xem ra lòng chai đá của họ không thể biến cải được nữa.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chúa Kitô dạy ta đừng dự đoán giá trị đạo đức của người ta theo các phạm trù chính thức cũng như theo các cam kết lý thuyết hay trên nguyên tắc. Vì cuối cùng, chính cách sống sẽ biểu lộ nhân tâm con người.

2. Tiếng Chúa Cha mời gọi ta đi làm vườn nho hãy còn được tiếp tục gởi đến cho ta. Nó sẽ gợi lên tiếng ta câu trả lời nào? Phải chăng ta sẽ là những kẻ khéo nói cố tránh đưa vào hành động những câu trả lời đẹp đẽ dựng lên? Phải chăng ta sẽ coi những ước vọng cao quí, những quyết định hay ho là những hành vi đã thực hiện.

3. Sự thống hối cần có để vào Nước Trời chẳng bao giờ chỉ làm một lần là đủ. Phải luôn luôn làm lại, hôm nay cũng như ngày mai. Nếu không, những người thu thuế và đàng điếm (mà ngày nay vẫn còn) sẽ chiếm mất chỗ của ta trong Nước Trời, vì đức tin của họ chân thật hơn đức tin của ta, và cuối cùng sẽ mang nhiều hoa trái.

4. Nơi người con thứ nhất, rõ ràng là cái ý thức về việc nó từ chối đã gây nên lòng hối hận và thúc đẩy nó vâng lời. Thành thử thật là lạ lùng, chính một lời từ chối thẳng thừng với Thiên Chúa, một tội lỗi quá hiển nhiên đã giúp người con kiểm điểm lại thái độ của mình đối với Ngài và đã sửa đổi. Cũng vậy những người thu thuế, đàng điếm, bị dân chúng liệt vào hạng tội lỗi, đã không thể bị ảo tưởng về tình trạng của họ trước mặt Chúa, nên vì thế dễ thấy, dễ ao ước và dễ thực hiện sự công chính mà Chúa đề nghị với họ hơn. Ở đây họ trở nên chân dung của tất cả chúng ta, theo một cấp độ rõ ràng nhiều hay ít. Được Chúa yêu cầu mãi, ta khám phá ra mình đã nhiều lần thản nhiên từ chối thánh ý Ngài, ta đo lường được khoảng cách giữa cái ta đang là với cái đúng ra ta phải trở nên, và đó là một điều kiện đầu tiên để vào Nước Chúa. Không phải là cần phạm tội thêm để làm như một con đường đến cùng Chúa: từ bản chất; tội chỉ làm ta xa Ngài. Nhưng một khi đã phạm, chính tội cũng có thể được sử dụng để trở về với Thiên Chúa. So sánh với một nhân đức giả hình, tội ít ra vẫn có cái “lợi” (nếu có thể nói được như thế) là tạo nên một ảnh trạng rõ rệt: người ta bị dồn vào chỗ phải thống hối hay tiếp tục ngoan cố trong điều dữ, trong lúc nhân đức giả tạo bên ngoài của người Biệt phái, vì bịt mắt không cho ông thấy mình xa Thiên Chúa, đã ngăn chận ông thực lòng hoán cải ăn năn.

5. Thành thử cái quan trọng chẳng phải là khởi điểm, là những lần từ chối đã qua, là các tội dồn đống từng làm nên bao tiếng không với Chúa. Cái quan trọng là nhìn lại những tiếng không của mình để đổi thành tiếng dâng. Điều đó luôn có thể làm được với ân sủng của Thiên Chúa.