Hòa Bình bao nhiêu dân?

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I, tỉnh Hòa Bình có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, trong đó có 59 xã khu vực III; Quyết định số 433/QĐ-UBDT, ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có 86 thôn, xóm diện ĐBKK thuộc các xã khu vực II và khu vực I, trong đó, 35 thôn, bản ĐBKK thuộc các xã đã hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Khái quát về điều kiện văn hóa - xã hội

Hòa Bình là một trong 9 tỉnh của Việt Nam có người Việt (Kinh) không chiếm đa số, đồng thời tỉnh cũng được coi là thủ phủ của người Mường, vì phần lớn người dân tộc Mường sống tập trung chủ yếu ở nơi đây. Người Mường xét về phương diện văn hóa - xã hội là dân tộc gần gũi với người Kinh nhất. Địa bàn cư trú của người Mường ở khắp các địa phương trong tỉnh, sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác.

Hòa Bình là tỉnh có địa hình đồi núi trùng điệp với các động Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm leo núi, đi bộ, tắm suối. Sức người và thiên nhiên đã tạo cho Hòa Bình một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ và ven hồ có đầy đủ vịnh, đảo và bán đảo mà ở đó động thực vật quý hiếm được bảo tồn. Thấp thoáng các bản Mường, bản Dao, bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, có khá nhiều những suối nước khoáng nóng, những thung lũng hoang sơ huyền bí, nổi bật như: Suối nước khoáng Kim Bôi với nguồn nước phun lên ở nhiệt độ 36°C, đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, chữa bệnh. Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước giải khát, nó cùng loại với nước khoáng Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Kum-dua ở Nga và Paven Barbia của Hungari; Thung lũng Mai Châu thuộc huyện Mai Châu là một thung lũng với đồng lúa và những nếp nhà sàn được quy hoạch bảo tồn phục vụ du lịch; Đà Bắc một huyện vùng cao thích hợp cho du khách tham quan du lịch sinh thái và văn hóa. Đà Bắc với cảnh quan nguyên sơ, thơ mộng của thị trấn miền núi Tây bắc; Lương Sơn là huyện cửa ngõ của tỉnh Hòa Bình, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi Tây bắc, với vị trí chỉ cách Hà Nội khoảng 30 km tiện lợi về giao thông, là nơi tập trung rất nhiều khu du lịch sinh thái, địa điểm giải trí.

Hòa Bình có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Hang động thiên tạo đa dạng Động Tiên (Lạc Thủy), động Tiên Phi (TP. Hòa Bình), các khu bảo tồn thiên nhiên có bản Nanh, bản Nưa, bản Giang Mỗ của người Mường, người Dao và xen kẽ một số gia đình người Thái nổi tiếng với bản Lác huyện Mai Châu, với những mái nhà sàn cổ, bản làng văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh. Hòa Bình với nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, kiến trúc, ngành nghề truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian của nhiều dân tộc trong tỉnh phong phú, đa dạng, độc đáo là những sản phẩm của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Hòa Bình cũng là nơi đặt Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh nguyên liệu tập trung được phát triển và nhân rộng như: vùng cam huyện Cao Phong; vùng mía tím huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong; vùng gỗ, luồng nguyên liệu ở huyện Đà Bắc, Mai Châu; vùng lạc, đậu ở huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; vùng cây dưa hấu ở huyện Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng cây dược liệu ở huyện Tân Lạc, Lạc Sơn; vùng chè ở huyện Lương Sơn, Mai Châu, Đà Bắc…

Đặc điểm đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình

Trên địa bàn tỉnh có các dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc  Dao chiếm 1,7%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; ngoài ra còn có dân tộc Hoa và các dân tộc khác sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh.

Người Mường là chủ nhân lâu đời nhất của mảnh đất Hòa Bình, ngay từ thời xa xưa, đã cư trú ở khắp các huyện thị trên địa bàn tỉnh, nhưng mức độ phân bố không đồng đều cả về số lượng dân và mật độ phân bố, sống tập trung ở những khu vực có địa hình thấp, độ cao trung bình là 300m, nơi mà trước kia các trung tâm trù phú nhất của người Mường ở Hòa Bình với những cái tên như: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Hai huyện Kim Bôi và Lạc Sơn có số người Mường chiếm trên 46% dân số người Mường toàn tỉnh và cũng là nơi người Mường tập trung đông nhất. Hai huyện có mật độ phân bố người Mường thấp nhất là Đà Bắc và Mai Châu. Hiện nay, người Mường ở Hòa Bình cư trú xen kẽ với người Kinh, nhiều nơi, xóm làng của người Mường cũng chẳng khác gì người Kinh, quanh làng cũng có lũy tre bao bọc, nhà đất xuất hiện ngày càng nhiều.

Người Kinh, sống ở khắp nơi trong tỉnh. Những người Kinh sống ở Hòa Bình đầu tiên đã lên tới 4-5 đời; nhưng đa số di cư tới Hòa Bình từ những năm 1950 của thế kỉ trước, thuộc phong trào khai hoang từ các tỉnh đồng bằng lân cận (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây...). Trong những năm gần đây, sự giao lưu về kinh tế và văn hóa mở rộng, nhiều người Kinh từ khắp các tỉnh thành đều tìm kiếm cơ hội làm ăn và sinh sống ở Hòa Bình.

Người Thái, chủ yếu sống tập trung ở huyện Mai Châu. Tuy sống gần với người Mường lâu đời và đã bị ảnh hưởng nhiều về phong tục, lối sống (đặc biệt là trang phục), nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo. Đây là vốn quý để phát triển du lịch cộng đồng và bảo lưu vốn văn hóa truyền thống. Hiện nay, khu du lịch Bản Lác là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước hàng đầu ở Hòa Bình.

Người Tày, chủ yếu sống tập trung ở huyện Đà Bắc, sống xen kẽ với người Mường, người Dao. Người Tày có tập quán và nhiều nét văn hóa gần giống với người Thái, đặc biệt là ngôn ngữ. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh trang phục thì người Tày ở Đà Bắc giống người Thái trắng thuộc các huyện Phù Yên, Bắc Yên (tỉnh Sơn La).

Người Dao sống thành cộng đồng ở các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi, Cao Phong, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình. Người Mông sống tập trung ở xã Hang Kia và Pà Cò của huyện Mai Châu. Trước đây hai dân tộc này sống du canh du cư, nhưng từ những năm 70-80 đã chuyển sang chế độ định canh, định cư và đạt được những thành tựu đáng kể về phương diện kinh tế-xã hội (KT- XH).

Người Mông sống tập trung tại hai xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu). Đây là 2 xã người Mông của tỉnh Hòa Bình, họ sống tập trung thành 12 xóm với tỷ lệ người Mông chiếm 97%. Có thể nhận thấy những nét đặc trưng của đồng bào thông qua tiểu vùng thời tiết khí hậu với sương mù giăng trắng núi rừng, các mái nhà trệt bằng gỗ rất rộng và hơi ẩm do ở trên núi cao, có độ cao 1.200m so với mặt biển. Từ lâu đời, người Mông vẫn giữ được khá nhiều những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống mà không thể lẫn đâu được như: tập quán canh tác trên đất dốc, nấu rượu ngô bằng men lá, giã bánh dầy để đãi khách trong dịp tết đến xuân về. Cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều của tập quán tự cấp tự túc, họ tự sản xuất ra các vật liệu, công cụ sản xuất bằng thủ công. Bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nông - lâm nghiệp với các sản phẩm số lượng ít, chưa thành hàng hóa, cuộc sống còn nhiều khó khăn khi vẫn còn phụ thuộc vào thiên nhiên.

Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế giúp đồng bào phát triển kinh tế ổn định cuộc sống

Trong những năm qua, tình hình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định. Với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Xây dựng NTM, đã được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 58/131 xã về đích NTM; có 2 huyện Lương Sơn và Lạc Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình quân đạt 15,31 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo từ 24,38% năm 2016 giảm còn 9,97% năm 2020, bình quân giảm 3,16%/năm; xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giảm trung bình 3%/năm. Đến hết năm 2020 có 6 xã, 73 thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Huyện Kim Bôi thoát khỏi diện được áp dụng cơ chế hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Tuy nhiên, khu vực các xã ĐBKK, khu vực có đông đồng bào DTTS tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh còn khá cao so với cả nước. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, kết quả giảm nghèo ở nhiều địa phương còn thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo là người DTTS vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Tính đến năm 2020, hộ nghèo người DTTS chiếm tới 92,42% trong tổng số hộ nghèo cả tỉnh (tỷ lệ người DTTS chiếm 74,31% dân số của cả tỉnh). Những xã ĐBKK tỷ lệ hộ nghèo còn 20,27%.

Để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh xác định: đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, đặc biệt là các chính sách đặc thù của tỉnh. Vì vậy, ngày 30/7/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị các phần việc để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thực hiện tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn ĐBKK, xã đặc thù. Đối tượng thụ hưởng là hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn ĐBKK; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức KT-XH hoạt động ở địa bàn vùng ĐBKK.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên được kỳ vọng là đòn bẩy để vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giữa các vùng, miền, ổn định cuộc sống và phát triển.