1 1 1992 lịch âm ngày bao nhiêu

Ngày 4/2/1992 dương lịch (1/1/1992 âm lịch) là ngày Đường Phong theo Lịch ngày xuất hành của cụ Khổng Minh. Ngày này : Rất tốt, xuất hành thuận lợi, cầu tài được như ý muốn, gặp quý nhân phù trợ

Các lịch đang dùng trên đất nước ta đều cho các thông tin về ba loại lịch mà ta thường không chú ý để phân biệt.

Dương Lịch

Lịch này có 365 ngày được dùng thống nhất trên thế giới, còn gọi là Công Lịch. Đây là loại lịch mà theo quy ước lấy năm đầu tiên được coi là năm Thiên Chúa giáng sinh, và đến năm nay là 2011 năm. Lịch này có 12 tháng với số ngày không đều nhau, đặc biệt là Tháng Hai chỉ có 28 ngày, hoặc năm Nhuận có 29 ngày: Tháng Giêng: 31 ngày, Tháng Hai: 28 hoặc 29 ngày, Tháng Ba: 31 ngày, Tháng Tư: 30 ngày, Tháng Năm: 31 ngày, Tháng Sáu: 30 ngày, Tháng Bảy: 31 ngày, Tháng Tám: 31 ngày, Tháng Chín: 30 ngày, Tháng Mười: 31 ngày, Tháng Mười Một: 30 ngày, Tháng Mười Hai: 31 ngày.

Chính vì sự lộn xộn đó, nên đã có nhiều Đề án Cải cách Lịch quốc tế cho thích hợp hơn, nhưng đó lại là một vấn đề khác không bàn ở đây. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng khi nói Dương lịch có 365 ngày thì đó là một con số lấy tròn cho gọn. Một năm Dương lịch theo định nghĩa là thời gian để Trái đất đi hết một vòng chung quanh Mặt Trời, chính xác là 365,2422 ngày. Như vậy, nếu lấy năm chỉ có 365 ngày, mỗi năm sẽ hụt 0,2422 ngày. Do đấy, sau khoảng 4 năm sẽ hụt gần đúng 1 ngày. Vì thế sau 4 năm người ta cho thêm một ngày Nhuận vào tháng Hai, khiến cho tháng Hai có 29 ngày.

Dương lịch phản ánh đúng chu kỳ tự quay của Trái Đất chung quanh Mặt Trời, nên phản ánh gần đúng diễn biến thời tiết của Bốn mùa.

Âm Dương Lịch và chu kỳ 19 năm

Âm Lịch là lịch lấy các tháng theo tuần Trăng. Cứ mỗi chu kỳ tròn khuyết của Mặt trăng lấy làm một tháng. Chu kỳ ấy khoảng 29,54 ngày (con số chính xác là 29,530589). Để cho tròn người ta lấy mỗi tháng âm Lịch có 29 hoặc 30 ngày. Tháng có 30 ngày gọi là tháng đủ, tháng có 29 ngày gọi là tháng thiếu. Nếu cứ lấy tháng đủ, tháng thiếu xen kẽ thì một năm âm Lịch 12 tháng chỉ có 354 hoặc 355 ngày. So với Dương Lịch, mỗi năm âm Lịch sẽ hụt 10 - 11 ngày. âm Lịch như vậy sẽ không theo sát được Dương Lịch và sẽ không phản ánh được đúng thời tiết của Bốn mùa. Chính vì thế sau khoảng 2 - 3 năm, người ta cho thêm một tháng Nhuận vào âm Lịch. Năm ấy âm Lịch sẽ có 13 tháng.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, nhà thiên văn người Hy Lạp METON đã tìm ra CHU KỲ 19 NĂM, theo đó một chu kỳ 19 năm Dương Lịch chứa đúng 235 tuần Trăng.

19 tuần Trăng x 365,2422 = 6939,6018 ngày.

235 tuần Trăng x 29,530589 = 6939,6884 ngày.

Như vậy, chu kỳ 19 năm Dương Lịch chỉ sai với 235 tuần Trăng có 2 giờ đồng hồ.

Nói cách khác sau 19 năm, vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất đều gần giống hệt nhau trên bầu trời. Do đó sau 19 năm mỗi người lại có sinh nhật âm và Dương trùng nhau (với sai số 1 ngày). Thí dụ: Ngày Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9.1945 là ngày 26 tháng Bảy năm Ất Dậu. 19 năm sau kỷ niệm ngày độc lập 2.9.1964 cũng là ngày 26 tháng Bảy năm Giáp Thìn.

Nếu mỗi năm âm Lịch chỉ có 12 tháng thì sau 19 năm mới chỉ có 19 x 12 = 228 tuần Trăng, bị hụt so với chu kỳ METON: 235 – 228 = 7 tuần Trăng. Vậy sau 19 năm âm Lịch nếu ta tìm cách bổ sung sao cho có được 7 tháng Nhuận thì năm âm Lịch sẽ theo sát năm Mặt Trời, chỉ sai có 2 giờ. Đó là lý do người Trung Quốc đã lập ra quy tắc: Thập cửu niên thất nhuận, có nghĩa 19 năm có 7 lần nhuận. Việc chọn tháng nào là tháng Nhuận là cả một quy luật về Nhuận của âm Lịch, ta không bàn ở đây. âm Lịch như vậy sẽ theo sát Dương Lịch, và gọi là âm Dương Lịch. Đó là thứ lịch Âm mà ta hiện đang dùng.

Lịch Tiết Khí

Các nhà làm lịch Trung Hoa xưa hoàn toàn biết rõ các năm âm Lịch, dù có Nhuận cũng vẫn không phản ánh đúng thời tiết từng năm. Vì thế người ta sáng tạo ra loại lịch thứ ba gọi là Lịch Tiết Khí. Lịch này chia đường chuyển động của Trái Đất chung quanh Mặt Trời (còn gọi là vòng Hoàng Đạo) thành bốn điểm chính: Đông Chí, Hạ Chí, Xuân Phân, Thu Phân. Vì trục Trái Đất lệch với vòng Hoàng Đạo 2305 nên Trái Đất có bốn mùa:

Ngày Đông Chí (khoảng 21 - 22 tháng 12 Dương Lịch): ngày ngắn nhất, đêm dài nhất.

Ngày Hạ Chí (khoảng 21 - 22 tháng 6 Dương Lịch): ngày dài nhất, đêm ngắn nhất.

Ngày Xuân Phân (khoảng 21 - 22 tháng 3 Dương Lịch): ngày đêm bằng nhau.

Ngày Thu Phân (khoảng 21 - 22 tháng 9 Dương Lịch): ngày đêm bằng nhau.

Bốn điểm trên là 4 Tiết Khí quan trọng nhất của vòng Hoàng Đạo.

Người ta lại chia các cung chứa 4 Tiết Khí trên làm đôi, thành 4 Tiết Khí nữa: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, coi như những ngày bắt đầu của bốn mùa. Từ đó hình thành khái niệm TỨ THỜI, BÁT TIẾT.

Người ta lại tiếp tục chia đều thành 24 Tiết Khí. Đó là lịch Tiết Khí. Bất kỳ ngày Tiết Khí nào cũng ghi những ngày Tiết Khí này: Đại Hàn, Tiểu Hàn, Đại Thử, Tiểu Thử, Thanh Minh, Cốc Vũ... Vì các điểm Tiết Khí là những điểm cố định trên vòng Hoàng Đạo, nên những ngày Tiết Khí là những ngày cố định trong Dương Lịch (sai lệch 1 ngày do Dương Lịch có Nhuận 1 ngày). Chẳng hạn Tiết Lập Xuân bao giờ cũng rơi đúng vào ngày mồng 4 tháng 2 Dương Lịch.

Như vậy Lịch Tiết Khí thực chất là một loại Lịch Mặt Trời, tức Dương Lịch. Các nhà nông ta đã theo lịch Tiết Khí này để làm ruộng. Người ta rất coi trọng sự mọc của sao Tua Rua (tức Tiết Mang Chủng), rơi vào ngày 6 tháng Sáu Dương Lịch, để gieo mạ:

“Tua rua (Mồng 6.6) đi rắc mạ mùa

Tiểu thử (Mồng 7.7) đi bừa cấy ruộng nông sâu

Hàn lộ (8.10) lúa trỗ bằng đầu

Lập Đông (7.11) ta quyết mau mau gặt mùa”

TỪ MỒNG 1 TẾT NHÂM THÂN 1992 ĐẾN MỒNG 1 TẾT TÂN MÃO 2011 - NHỮNG NGÀY ĐẶC BIỆT

Qua những điều trên ta thấy ngày Mồng 1 Tết Dương Lịch không trùng với Mồng 1 Tết Nguyên Đán và cũng không trùng với Tiết Lập Xuân.

Theo lịch Tiết Khí, Tiết Lập Xuân mới thực sự là bắt đầu của mùa Xuân, và ngày này thường không trùng với Mồng 1 Tết Nguyên Đán.

Cách đây 19 năm, lần đầu tiên từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tiết Lập Xuân rơi đúng vào ngày Mồng 1 Tết Nguyên Đán.

Chúng ta đều biết rằng tháng 9.1991 Liên bang Xô Viết sụp đổ. Rất nhiều người hoang mang. Ban Tuyên giáo Trung ương lúc ấy cũng băn khoăn không biết kỷ niệm sinh nhật Đảng 3.2.1992 nên thực hiện thế nào cho thích hợp. Khi ấy tôi viết bài trên báo Nhân dân: Mồng 1 Tết Nhâm Thân 1992 – Ngày Thiên văn đặc biệt (số Tất Niên). Cái đặc biệt ở đây là ngày Mồng 1 Tết Nguyên Đán trùng với Tiết Lập Xuân mồng 4.2. Điều đó có nghĩa là Sinh nhật Đảng rơi đúng vào ngày 30 Tết. Do đó tôi đã đề nghị với đồng chí Thái Ninh, lúc ấy là Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, thông qua một văn bản với dấu của Ban Lịch Nhà nước về sự kiện này, và đề nghị ta vẫn nên tổ chức long trọng ngày Sinh nhật Đảng vào 30 Tết. Và tôi đã viết trong bài báo trên Điều đó có nghĩa là khi toàn dân ta đón giờ phút giao thừa thiêng liêng đến, thì cũng là lúc kỷ niệm Sinh nhật Đảng.

Năm ấy biểu ngữ Mừng Đảng - Mừng Xuân được trương cao ở Nhà hát Lớn và vòng quanh Hồ Gươm. Như thường lệ người dân Thủ Đô đi đón Giao thừa ở Hồ Gươm cũng đã thực sự đón Xuân cùng với Sinh nhật Đảng.

Năm nay, Mồng 1 Tết Nguyên Đán 2011 là đúng chu kỳ 19 năm sau Mồng 1 Tết nguyên Đán Nhâm Thân 1992. Với sự xê dịch một ngày Mồng 1 Tết Nguyên Đán năm nay trùng với ngày Sinh nhật Đảng 3.2.2011. Đó là một sự trùng hợp hiếm hoi, vì muốn có một sự trùng hợp như thế nữa phải chờ 57 năm nữa, tức năm Mậu Tý - 2068. Sự trùng hợp có thể xảy ra vào một năm nào đó, có thể là năm ngoái hoặc sang năm nhưng lại rơi đúng vào năm nay khi Đại hội Đảng lần thứ XI vừa thành công tốt đẹp. Ta có thể coi đó là một điềm tốt lành, để khẩu hiệu MỪNG ĐẢNG – MỪNG XUÂN đúng với tất cả ý nghĩa của nó.