Ban chỉ đạo cải cách tư pháp cấp huyện

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục chỉ đạo công tác cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, ngày 05/7/2021, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về công tác trọng tâm cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2025.

Chương trình xác định các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về cải cách tư pháp; triển khai thực hiện nghiêm túc các đạo luật liên quan đến công tác tư pháp giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và cơ quan Thường trực; củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp; lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động bổ trợ tư pháp; phát huy vai trò giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung Thông báo Kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh [Năm 2020]

Bên cạnh đó, Chương trình nêu rõ nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên cho các đảng ủy các cấp, bao gồm:

1. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh; các huyện, thành, thị ủy chỉ đạo UBND cùng cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Quan tâm, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp; thực hiện tốt công tác phối hợp với TAND tỉnh trong giải quyết án hành chính. Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cải cách thủ tục hành chính - tư pháp; đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

2. Đảng ủy Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo hoạt động của Cơ quan điều tra các cấp; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, vận dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát với hoạt động điều tra tố tụng; chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều tra, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác 3 truy bắt, vận động đối tượng truy nã; nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật hình sự phục vụ công tác điều tra tội phạm; công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, quản lý tạm giam, tạm giữ đảm bảo an toàn, đúng quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Công an tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án Về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo Quyết định số 1172/QĐ-TTg, ngày 11/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban cán sự đảng VKSND tỉnh chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp và Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC, ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLTVKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP, ngày 01/6/2020 về phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Chủ trì, phối hợp rà soát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết liên ngành số 04/NQ-LN, ngày 05/10/2017 về việc phối hợp tiếp nhận quản lý, xử lý tố giác tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh và các quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan nội chính. Kiểm sát chặt chẽ việc phân loại, xác minh điều kiện thi hành án dân sự và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025.

4. Ban cán sự đảng TAND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án. Tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án dư luận quan tâm. Làm tốt công tác hòa giải, nâng tỷ lệ hòa giải thành; chuẩn bị điều kiện để triển khai xét xử trực tuyến các vụ án hành chính và việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên theo chỉ đạo của TANDTC. Khắc phục triệt để việc chậm thụ lý, quá thời hạn xét xử; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm. Sơ kết việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên tòa; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư và trợ giúp viên pháp lý tham gia. Xây dựng bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp; xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, gần dân, hiểu dân, giúp dân, là chỗ dựa của Nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử Tòa án.

5. Cục Thi hành án dân sự tỉnh tập trung xác minh, phân loại để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; khắc phục tình trạng chậm thi hành án, vi phạm trình tự, thủ tục trong thi hành án dân sự.

6. Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các bộ luật liên quan đến công tác tư pháp được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu thực hiện cải cách hành chính tư pháp và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp; tổng kết việc thực hiện Đề án phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp [luật sư, công chứng; giám định, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý]. Triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực hoạt động tư pháp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhất là công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo các tổ chức công chứng, đấu giá tài sản, hoạt động luật sư, trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.

7. Các cơ quan tư pháp tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế theo đúng định hướng đối ngoại của Đảng về tư pháp, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài. Lồng ghép các nội dung hợp tác quốc tế về hoạt động tư pháp vào các quan hệ đối ngoại của tỉnh để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập. Củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về tư pháp với các tỉnh của nước bạn Lào, tăng cường phối hợp trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm có yếu tố quốc tế, nhất là tội phạm khủng bố. Chủ động, tích cực thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

8. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tư pháp.

9. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực cải cách tư pháp; chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cải cách tư pháp.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn mới sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Hạnh Ngân

Video liên quan

Chủ Đề