Bầu phơi khô như thế nào

So với các nguyên liệu khác thường nấu kèm cùng giò heo như: măng [khô hoặc tươi], thuốc bắc, nấm đông cô, đậu phộng, thì bầu khô có vẻ dân dã hơn nhưng không kém phần ngon miệng. Bầu khô không có bán ở chợ, mà thường là vào mùa bầu rộ, giá rẻ; hoặc giàn bầu trồng ở nhà, cùng cho trái một lúc ăn không hết, nên các bà, các chị đem gọt bỏ vỏ xanh, lần lượt lạng những lát dài mỏng thanh theo chiều dọc của trái bầu, phơi thật khô, giòn, rồi cho vào túi cột kín để dành ăn dần.

Ngâm bầu khô vào thau nước ấm một lúc, từng lát bầu hút nước sẽ trương nở. Rửa lại thật sạch, rồi vắt thật khô, sau đó ướp bầu với chút gia vị như nước mắm, bột ngọt, tiêu, hành. Chân giò heo làm sạch, chặt miếng to, cũng ướp với các loại gia vị như đã ướp với bầu, để khoảng 30 phút cho thấm.

Bắc nồi nước sôi, thả nhẹ giò heo vào, chờ sôi bùng lên thì vớt bọt, rồi giảm lửa để một lúc mới thả tiếp bầu vào. Hầm bầu và giò cho đến khi thịt mềm là được. Nêm nếm lại vừa ăn, cho hành, ngò vào rồi tắt lửa.

Tô canh thành phẩm thơm phức mùi thịt giò hầm, thoang thoảng vị bầu. Nước canh trong vắt, óng ánh mỡ tươm từ giò heo, trên mặt tô canh điểm tô bởi màu xanh tươi mát của hành, ngò và lấm chấm những hạt tiêu xay, làm nổi bật hơn những miếng thịt giò nâu hồng lẫn lộn trong màu nâu sẫm của những khoanh bầu khô. Bao nhiêu đậm đà tinh túy của các chất liệu trong nồi canh đã tích tụ vào đây. Từng miếng bầu giòn ngọt, hương vị đậm đà vì các vị ngon ngọt từ thịt giò tiết ra được rút hết - ngấm vào miếng bầu. Vì vậy, mỗi lần mẹ tôi hầm giò heo với bầu khô thì bao giờ bầu cũng hết trước thịt giò!

Bầu khô hầm với giò heo là một sự phối hợp tuyệt vời giữa sự giòn thanh của bầu và dai béo của chân giò làm cho món ăn ngon mà không ngán, là món ăn dân dã nhưng đặc sắc, ăn với cơm hay bún đều hấp dẫn và ngon.

N.B

Video liên quan

Chủ Đề