Cách bảo tồn âm nhạc truyền thống

Phú Yên là vùng đất hội cư với 32 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có đặc điểm riêng về phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt…, đặc biệt là âm nhạc, tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Trước nguy cơ bị mai một của nhiều loại hình âm nhạc dân tộc thiểu số [DTTS], việc bảo tồn, gìn giữ mạch nguồn âm nhạc các dân tộc đã và đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.

Giai điệu của đại ngàn

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích thắng cảnh cấp tỉnh thác H’Ly, tiếng cồng chiêng của đồng bào DTTS ở xã Sông Hinh [huyện Sông Hinh] thực sự thu hút chúng tôi. Với những âm thanh mang đậm sắc thái của đại ngàn, người nghe như được hòa mình trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa.

Là người có nhiều năm thể hiện các nhạc cụ âm nhạc truyền thống tại các lễ cúng cầu mưa, bến nước, bỏ mả…, ông Ksiu Thắng ở thôn Hà Roi, xã Sông Hinh, chia sẻ: “Ngoài tham gia biểu diễn tại các lễ hội truyền thống, tôi mong muốn thông qua những dịp này để giới thiệu đến mọi người nhiều hơn về nét đặc trưng âm nhạc truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát triển âm nhạc của đồng bào DTTS ở Sông Hinh nói riêng và bản sắc văn hóa của các DTTS nói chung…”.

Theo ông Nguyễn Như Đông, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, thời gian qua, các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn, kể cả một số đồng bào DTTS ở Tây Bắc đang sinh sống trên địa bàn huyện. Qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻhiểu biết về nguồn cội và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. “Cụ thể, huyện Sông Hinh tổ chức định kỳ Liên hoan VH-TT-DL các dân tộc; sưu tầm các loại nhạc cụ, trường ca… của đồng bào các DTTS; trang bị cho 17/36 buôn đồng bào DTTS bộ cồng chiêng arap, trống đôi, cồng ba, chiêng năm; thành lập CLB hát then của người Tày, CLB dân ca người Ê Đê…”, ông Đông cho biết.

Không chỉ Sông Hinh, các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống như: Sơn Hòa, Đồng Xuân cũng đã tổ chức các hoạt động giữ gìn và bảo tồn âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS như: Liên hoan cồng chiêng ở xã Krông Pa, xã Cà Lúi [huyện Sơn Hòa]; Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở xã Xuân Lãnh [huyện Đồng Xuân]…

Cần sách lược có tính kế thừa

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào DTTS, gồm: Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên; có 13 CLB dân ca, âm nhạc truyền thống dân tộc ở các thôn, buôn chủ yếu ở huyện Sông Hinh. Ngành Văn hóa và các địa phương đã tổ chức sưu tầm 31 bộ chiêng a ráp với 590 chiếc; cồng ba chiêng năm có 64 bộ, 344 chiếc; trống đôi có 3 cặp và 18 trống cái. Việc tổ chức hoạt động nghệ thuật phục vụ đồng bào DTTS được quan tâm thường xuyên. Tỉnh cũng đã duy trì tổ chức Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên định kỳ 3 năm một lần. Ngoài ra, đồng bào các DTTS còn sử dụng ngôn ngữ của mình để chuyển tải nội dung các bài hát của dân tộc mình [hát Aray] trong các hội thi nghệ thuật quần chúng, Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc.

Theo ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, bên cạnh những mặt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ truyền thống… được lưu giữ chủ yếu trong trí nhớ và truyền miệng, chưa được ghi chép, lưu giữ. Việc tổ chức trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; hát sử thi, dân ca… chưa được thường xuyên, chỉ tập trung tổ chức vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của tỉnh, đất nước.

“Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, các khu thể thao, vui chơi giải trí, nhất là các nhà sinh hoạt văn hóa, tạo địa điểm để giao lưu dân ca, dân vũ, dân nhạc… Song, trong chiến lược gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có âm nhạc, rất cần có sách lược mang tính kế thừa để các giá trị văn hóa của dân tộc luôn sống với cộng đồng, với thời gian”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Bùi Văn Thành, để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS giai đoạn 2021-2030, các địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 [khóa XI].

Bên cạnh đó, cần kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở; quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào DTTS, bảo đảm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời tiếp tục giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch; tổ chức các loại hình nghệ thuật gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Trong chiến lược gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có âm nhạc, rất cần có sách lược mang tính kế thừa để các giá trị văn hóa của dân tộc luôn sống với cộng đồng, với thời gian.

Ông Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL

Baophuyen.com.vn  

Làm thế nào để chấn hưng âm nhạc dân tộc trong đời sống hiện đại đang là câu hỏi thường trực với những ai tâm huyết với giá trị văn hóa cội nguồn.

Tìm lại vị thế cho âm nhạc truyền thống

Giáo sư, TS, NSND Quang  Hải từng nhận xét: "Ðang có một báo động khẩn cấp là các nghệ nhân, những người còn nắm giữ vốn âm nhạc cổ truyền ngày càng trở nên hiếm hơn, số đông họ thuộc tầng lớp nghèo. Nếu không có một chiến lược gấp rút sưu tầm và một chính sách thích hợp đối với nghệ nhân thì hậu quả của nó sẽ không thể lường được".

Trên công luận cũng đã xuất hiện nhiều lời cảnh báo về các giá trị cổ nhạc bị mai một... Ca trù là một trong số đó. Gần 20 làn điệu từng được ghi nhận, nay chỉ còn dăm, bảy làn điệu.

Sự đứt đoạn truyền thống cũng diễn ra trong chèo và tuồng. Hàng trăm vở  tuồng cổ với nhiều dạng thức khác nhau đã ra đi không trở lại. Nhiều nghệ sĩ tuồng bây giờ không biết đọc bản nhạc cổ nhạc theo hệ thống Hò - Xự - Xang... mà chỉ biết [và thích] hệ thống Ðô - Rê- Mi. Thế nhưng một số giọng hát lạc điệu so với cổ truyền lại dần dà được công nhận bởi đây là "mới" [?]. Chẳng hạn kỹ thuật "rung giọng" thì nay "như Tây" còn kỹ thuật "nảy hạt" truyền thống bị xem nhẹ. Ðiều đáng buồn là các "chuẩn mực mới" đó đương nhiên được tán thưởng vì chẳng có ai phán xét gì [!]

Một số nghệ sĩ đầu đàn ngành chèo như Quý Bôn [Hà Nội] hay Thế Tuyền [Nam Ðịnh]... than phiền lớp trẻ bây giờ không thể hát được như họ, phần vì ngại khó, phần vì không trọng thị lối hát "tận khổ can tràng". Có nghệ sĩ chèo còn nói mát "thời  đại nay mà cứ hát lối í ì i cổ lỗ của các cụ nghe sốt ruột lắm" [!].

Những năm 50 của thế kỷ trước, gia sản của nghệ thuật chèo cổ có khoảng 50 vở diễn với 170 làn điệu. Vậy mà  hơn thập kỷ nay, công chúng chỉ được biết đến vài vở chèo cổ hay thậm chí chỉ vài trích đoạn. Ta hiện có tới hai chục đoàn chèo song các đoàn không còn khả năng phục hồi những gì mà lớp nghệ nhân lão thành Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Lý Mầm, Hề Phẩm, Kép Tích... từng thể hiện. Nếu mở một cuộc tổng kiểm kê di sản nghệ thuật cổ nhạc nay ra sao, chắc chắn chúng ta còn choáng váng hơn...

Ðã có người quan niệm di sản cổ nhạc là thứ nguyên liệu còn thô sơ... bởi thế chỉ nên bảo tồn phần nào và dựa trên nguyên tắc "bỏ thô lấy tinh", "gạn   đục khơi trong" rồi khoa học hóa, hiện đại hóa các giá trị cổ nhạc [?]. Ðể phát triển âm nhạc cổ người ta đã áp dụng một số thủ pháp soạn nhạc với hệ thống lý luận nhạc lý cổ điển phương Tây, kèm theo đó là hình thức hợp xướng và kỹ thuật thanh nhạc; dàn nhạc kiểu giao hưởng với phương Tây... Việc làm này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nghệ thuật cộng đồng. Các loại chèo "cải biên", tuồng "hiện đại", quan họ "đài", nhạc "giao hưởng dân tộc", "nhạc nhẹ dân tộc"... xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường âm nhạc... Nhưng rồi vẫn "tịch" không có người xem [!]. Vốn liếng nghìn năm của tổ tiên ta thì hữu hạn, phải chăng không nên mạo hiểm đưa các giá trị này ra thử nghiệm [!]. GS, TSKH Tô Ngọc Thanh từng nhận xét: "Không thể cải tiến vốn văn hóa cổ truyền mà không thể biến đổi nó thành thứ khác". Do vậy chèo không còn là chèo, tuồng không còn là tuồng cũng là điều dễ hiểu.

Chuyển động từ ý thức đến hành động

Tôi còn nhớ NS Ðặng Hoành Loan - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc từng nhấn mạnh: "... Có một việc nếu không được làm ngay, làm triệt để, toàn diện đó là bảo tồn và phát huy vốn di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay thì đến một ngày không xa, chúng ta sẽ đánh mất dần, mai một dần rồi mất hẳn một phần ký ức dân tộc, bản sắc dân tộc trong văn hóa âm nhạc. Sự mất mát ấy cũng không thua kém gì sự mất đi tiếng nói và chữ viết của một quốc gia".

Ðể có cơ sở bảo tồn, tôn vinh các giá trị nghệ thuật cổ truyền cần tới sự giáo dục có hệ thống và quy mô trên diện rộng. Theo thời gian, sự giáo dục đại chúng đó tất sẽ tạo lập một thị hiếu trong lòng xã hội với suy nghĩ như vậy. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kiến nghị: Trong hệ thống giáo dục và đào tạo, việc dạy và học cổ nhạc, âm nhạc truyền thống cần được thể chế hóa để việc lưu truyền các giá trị đó không bị đứt đoạn. Chúng ta nên có những nhà hát, những trung tâm kiểu mẫu chuyên biểu diễn và quảng bá từng thể loại nghệ thuật cổ truyền. Về phương pháp truyền dạy, cần coi trọng và duy trì phương pháp "truyền khẩu, truyền ngón" nghề trực tiếp từ chính các nghệ nhân. Hệ thống các giá trị phức tạp và tinh tế của âm nhạc cổ truyền [những cái mà không thể ghi thành văn bản] được bảo lưu khi thầy truyền thụ trực tiếp cho trò. Nếu chúng ta không trân trọng [tức không muốn nghe, không muốn học] thì các giá trị đó sẽ vĩnh viễn ra đi theo lớp nghệ nhân già...

Trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, cần tăng cường hơn nữa thời lượng phát sóng những chương trình chuyên biệt từng thể loại cổ nhạc nguyên bản [không cải biên].

Tại sao chúng ta đã có chính sách bảo vệ di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, miếu mạo, hệ thống cổ vật... mà lại chưa làm được với kho tàng tác phẩm nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật sân khấu cổ truyền? Người ta không thể ốp lát gạch men kính, bê-tông hóa các di tích, làm cầu thang máy cho các tòa tháp cổ... thì tại sao lại hiện đại hóa và loại bỏ dần chất truyền thống trong các vở diễn, các tác phẩm âm nhạc cổ truyền?

Từ ý thức tới hành động, chúng ta cần trả lại sự công bằng ngay cho những di sản văn hóa phi vật thể dân tộc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng. Ðiều quan trọng để thật sự lưu truyền được âm nhạc truyền thống thì nó phải được chính cuộc sống hôm nay nuôi dưỡng. Mới đây để góp phần tạo môi trường cho âm nhạc dân tộc, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm thể nghiệm văn hóa thông tin cơ sở và Công ty Cổ phần giới thiệu Văn hóa nghệ thuật Ðông Ðô cho ra mắt chương trình Hương sắc Việt Nam để thường xuyên tổ chức các buổi diễn ca nhạc dân tộc vào các tối tại 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Chương trình tỏa sáng những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng nhiều dân tộc anh em trên đất nước ta. Có thể nói  Hương sắc Việt Nam là một cách làm hay, nhằm tiếp cận công chúng và tạo công chúng cho âm nhạc truyền thống.

THÁI KIỀU NGÂN

Video liên quan

Chủ Đề