Cách bất mồi của cá voi sát thủ

Chúng ta biết cá voi sát thủ là một loài động vật ăn thịt đầu bảng. Có nghĩa là chúng ăn thịt tất cả các loài sinh vật khác trong đại dương mà không có kẻ thù nào có thể đe dọa và ăn thịt chúng.

Bản thân cái tên cá voi sát thủ đến từ việc chúng săn và ăn thịt cá voi [còn cá voi sát thủ thực chất thuộc họ cá heo]. Ngoài ra, cá voi sát thủ còn ăn thịt cả cá mập, bao gồm cá mập trắng khổng lồ.

Chỉ cần phát hiện ra một con cá voi sát thủ trong khu vực sinh sống của mình, qua tiếng kêu hoặc việc ngửi mùi long diên hương của chúng, cá mập trắng khổng lồ sẵn sàng rủ cả đàn trốn sang vùng biển khác, nhường lại khu vực đánh bắt dồi dào cho những ông hoàng thực thụ của biển cả.

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có sợ loài cá nào không?

Thế nhưng, cá voi sát thủ dường như vẫn phải sợ một loài khác: cá voi hoa tiêu. Khi nghe thấy tiếng huýt sáo của chúng, những con cá voi sát thủ liền lẳng lặng quay đầu bơi đi. Một số nhà sinh vật biển trước đây còn bắt gặp đàn cá voi hoa tiêu đuổi đánh cá voi sát thủ.

Anna Selbmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Đại học Iceland cho biết: "Điều này khá bất thường vì cá voi sát thủ vốn là loài săn mồi đầu bảng. Thật kỳ lạ khi thấy chúng phải sợ một loài sinh vật nào khác".

Cá voi hoa tiêu có thể đuổi cá voi sát thủ

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2015, khi Selbmann và giáo sư hướng dẫn của mình Filipa Samara tham gia vào Dự án Nghiên cứu cá voi sát thủ ở Iceland. Họ đã theo dõi một đàn cá voi sát thủ ở ngoài khơi nước này trong suốt một thời gian dài. 

Có một lần khi Samara đang nghe tiếng kêu từ một đàn cá voi sát thủ khi chúng đang bơi thì bỗng nhiên có một tiếng huýt sáo the thé chen vào giữa. "Sau đó những con cá voi sát thủ im bặt. Khi tiếng huýt sáo lớn hơn, một đàn cá voi hoa tiêu xuất hiện còn những con cá voi sát thủ thì quay đầu bơi đi", cô nói.

Kể từ đó tới nay, Samara đã để ý quan sát và ghi nhận được tới 20 sự kiện cá voi sát thủ đụng độ cá voi hoa tiêu. Trong phần lớn các trường hợp ấy, cá voi sát thủ đều tránh đụng độ với loài hàng xóm của mình.

Nhưng một khi cuộc đụng độ bắt buộc phải diễn ra, Samara sẽ thấy đàn cá voi hoa tiêu đuổi những con cá voi sát thủ chạy với tốc độ cao. Cả hai loài đều ngoi lên khỏi mặt nước khiến vai trò của chúng trong cuộc rượt đuổi trở nên rất rõ ràng. Chỉ có cá voi hoa tiêu đuổi, còn cá voi sát thủ chạy.

So sánh tương quan kích thước cá voi sát thủ [trên] và cá voi hoa tiêu [dưới]. Mặc dù được gọi là cá voi, cả hai loài này thực chất nằm trong họ cá heo.

Điều này rất kỳ lạ vì cá voi hoa tiêu vốn nhỏ hơn cá voi sát thủ. Chúng chỉ dài được tới 6 m, nặng hơn 3 tấn, so với 9 m và cân nặng 6 tấn của cá voi sát thủ. Ngoài ra, cá voi sát thủ nổi tiếng là một loài săn mồi hung dữ, chúng ăn cả các loài cá voi nhỏ hơn như cá voi minke, cá voi trắng belugas, kỳ lân biển cho đến các loài lớn hơn như cá voi sừng tấm.

Bản thân cá voi hoa tiêu cũng có thể trở thành con mồi của cá voi sát thủ. Các nhà khoa học từng tìm thấy dạ dày của cá voi sát thủ chứa thịt của cá voi hoa tiêu. Vậy tại sao đàn cá voi hoa tiêu ở Iceland lại đuổi được cá voi sát thủ?

Các giả thuyết được đưa ra

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Report vào tháng 3, các nhà khoa học tại Đại học Curtin, Australia cho biết cá voi hoa tiêu ở ngoài khơi nước này có thể bắt chước tiếng kêu của cá voi sát thủ.

"Khi ở dưới môi trường nước, ánh sáng truyền tới đó rất yếu. Vì vậy, các loài cá voi phải dựa vào âm thanh để phát hiện ra con mồi hay động vật ăn thịt chúng để điều hướng di chuyển", Christine Erbe, giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Biển tại Đại học Curtin nói.

Những con cá voi hoa tiêu dường như đã học được tiếng của cá voi sát thủ, từ đó đánh lừa chúng rằng khu vực này đã có một đàn cá voi sát thủ khác. Vì vậy, những con cá voi sát thủ mới tới sẽ phải rời đi.

"Một giả thuyết nữa là khi chúng sử dụng những âm thanh tương tự này, cá voi sát thủ sẽ không nhận ra chúng là con mồi", Erbe nói.

Tuy nhiên, Selbmann và Samarra cho biết điều này không đúng với những con cá voi hoa tiêu ở vùng biển Iceland. Theo đó, bộ đôi đã thu âm những tiếng cá voi hoa tiêu và phát lại chúng qua loa trên thuyền. Họ xác định đó chính là tiếng kêu của cá voi hoa tiêu chứ không phải tiếng bắt chước cá voi sát thủ.

Khi tiếng kêu được phát lại, những con cá voi hoa tiêu đã bơi tiến lại gần thuyền vì nghĩ đó là tiếng gọi của đồng loại. Trong khi, những con cá voi sát thủ nghe thấy tiếng kêu này đã lẳng lặng bơi tránh đi.

Vì vậy điều đó đưa họ tới giả thuyết thứ hai cho rằng cá voi hoa tiêu có thể đang tranh giành con mồi với cá voi sát thủ. Tuy nhiên, Selbman cho rằng điều này cũng không đúng. Bởi cá voi hoa tiêu ở Iceland chủ yếu ăn mực, còn cá voi sát thủ ở vùng này thường ăn cá trích.

"Một giả thuyết khác cho rằng đó là hành vi đánh hội đồng kẻ săn mồi", Selbman nói. "Rất nhiều loài động vật thường đánh hội đồng kẻ đi săn chúng để gây ra yếu tố bất ngờ".

Hành vi này đã được quan sát thấy trên nhiều loài động vật trên cạn như sóc đất khi chúng ném cát vào rắn đuôi chuông, chim kiskadee vờn diều hâu, những con quạ hợp lực đánh lại đại bàng hói và gà tây đánh đuổi cáo.

Nếu một loài sinh vật tấn công kẻ săn mồi của chúng, nhiều khả năng là chúng làm vậy để bảo vệ con non của mình trong đàn. Cá voi hoa tiêu nổi tiếng là một loài di chuyển theo đàn lớn, có thể lên tới hàng trăm con bao gồm con non, một đối tượng có thể dễ bị cá voi sát thủ tấn công.

Vì vậy, đây có vẻ là giả thuyết khả thi nhất. Những đàn cá voi hoa tiêu lớn có thể dọa được cá voi sát thủ, thường chỉ đi săn theo nhóm nhỏ dưới 12 con.

Steve Ferguson, nhà sinh thái học biển động vật có vú tại Đại học Manitoba cho biết mặc dù cá voi sát thủ là loài săn mồi đầu bảng và các loài cá voi nhỏ hơn thường có xu hướng tránh chúng. Tuy nhiên, đã có một vài báo cáo cho thấy con mồi nhỏ hơn tấn công trở lại cá voi sát thủ. Và một loài cá voi khổng lồ là cá voi lưng gù cũng có thể tấn công cá voi sát thủ để bảo vệ một loài cá voi khác.

Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, các quan sát mới bây giờ cho thấy ngai vàng của cá voi sát thủ dường như không vững chắc như chúng ta tưởng. "Có thể có điều gì đó đã thay đổi trong hệ sinh thái này", Samarra nói. Cô và các đồng nghiệp của mình đang tiến hành các nghiên cứu kỹ càng hơn để tìm hiểu điều đó, về trường hợp của những con cá voi sát thủ sợ cá voi hoa tiêu.

Tham khảo Atlantic, Scientificamerican

Cá voi sát thủ là một trong những loài có vú sống dưới nước dễ nhận diện nhất thế giới. Nổi tiếng với cơ thể hai màu trắng đen độc đáo, cá voi sát thủ trở thành sinh vật thân quen với mọi người nhờ những bộ phim dễ thương như Free Willy lẫn những tác phẩm tài liệu gây tranh cãi như Blackfish. Là loài động vật sống tập thể và thông minh, cá voi sát thủ thường bơi thành từng tốp san sát nhau. Mỗi tốp lại có văn hóa riêng biệt, với những chiến thuật và kỹ năng săn mồi được truyền qua nhiều thế hệ. Và nếu bạn chưa biết thì cá voi sát thủ thực ra không được xem là cá voi - chúng là thành viên lớn nhất của loài...cá heo!

Cá voi sát thủ hiện diện ở mọi đại dương trên toàn thế giới, và được xem là những kẻ săn mồi vô cùng tàn nhẫn. Nhưng tại sao lại như vậy? Hãy cùng điểm qua 20 lý do giải thích cho điều này.

 

Giống như các loài cá heo khác, cá voi sát thủ có trí thông minh khác thường. Chúng là một trong số rất ít những loài động vật không phải người có khả năng nhận ra chính mình trong gương, và chúng có bộ não lớn thứ hai trong tất cả các loài có vú sống dưới nước. Chưa hết, chúng có chỉ số EQ 2.5, về cơ bản tương đương tinh tinh.

Tất nhiên, kích cỡ bộ não không phải là thứ duy nhất góp phần vào điều đó - cá voi sát thủ tận dụng bộ não của chúng một cách vô cùng ấn tượng. Chúng biết học âm thanh đặc trưng của tốp, và có khả năng nhận diện lẫn học các âm thanh của các tốp khác. Kỹ năng định vị bằng tiếng vang của chúng là cực kỳ siêu việt, khiến một số nhà khoa học cho rằng cá voi sát thủ có thể làm được nhiều thứ hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc phân biệt được phía trước là một con mồi chung chung - chúng có lẽ phát hiện được cả những loài cụ thể! Ví dụ, món ăn ưa thích của một số cá voi sát thủ là cá hồi Chinook. Thay vì chỉ phát hiện ra đó là “cá”, những thợ săn dày dặn này có lẽ còn có khả năng nhận ra chính xác đó là cá hồi Chinook.

Cá voi sát thủ có nhiều kiểu sinh thái đặc trưng, khác biệt gần như hoàn toàn với nhau. Những tốp cá voi sát thủ khác nhau sẽ có âm thanh, kiểu săn mồi, con mồi yêu thích, khu vực sống yêu thích... khác nhau. Ví dụ, cá voi sát thủ định cư chủ yếu ăn cá. Chúng săn cá hồi, cá thu, cá tuyết...; trong khi cá voi sát thủ di cư thì ăn những loài có vú sống dưới nước như hải cẩu, cá voi Minke, và thậm chí là cá voi xám con nữa.

Tuy nhiên, ngay cả khi ở trong những tốp riêng biệt, mỗi cá thể cá voi sát thủ cũng có thể có những sở thích đặc thù. Trong khi cá voi sát thủ Alaska thích ăn cá, cá voi sát thủ định cư phương Bắc và phương Nam gần như chỉ ăn cá hồi. Một số nhóm cá voi sát thủ địa phương như vậy thậm chí chỉ ăn một loại cá hồi, cá voi hay hải cẩu cụ thể.

 

Dù là loài cá heo lớn nhất thế giới, cá voi sát thủ vẫn nhỏ hơn so với những loài cá voi khác. Tuy nhiên, kích cỡ không là vấn đề, khi mà chúng biết tận dụng thế mạnh về tốc độ để bù đắp cho sự thiếu hụt về tầm vóc. Cá voi sát thủ có thể bơi với tốc độ lên đến 87 km/h, dù tốc độ trung bình chỉ khoảng 56 km/h mà thôi.

Bên cạnh khả năng bứt tốc, cá voi sát thủ nhìn chung có thể di chuyển những quãng đường xa trong thời gian khá ngắn. Một tốp cá voi sát thủ có thể bơi gần 161 km mỗi ngày để săn mồi. Chưa hết, khi tìm thấy con mồi, chúng có thể sử dụng tốc độ đáng sợ của mình để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Một số kỹ thuật săn mồi của chúng bao gồm sử dụng tốc độ một cách chiến thuật để tạo ra những con sóng, làm con mồi mất phương hướng, và thậm chí là kéo những con mồi ở vùng nước gần bãi biển về phía mình.

Cá mập trắng được xem là kẻ săn mồi nguy hiểm nhất đại dương. Với cơ thể to lớn, tối ưu cho tốc độ, cá mập trắng thích nghi một cách hoàn hảo với môi trường của chúng. Ấy thế nhưng, một nghiên cứu theo dõi chuyển động của cá mập trắng lại cho thấy những sinh vật này...sợ cá voi sát thủ. Theo đó, khi một tốp cá voi sát thủ di chuyển vào lãnh thổ của cá mập ngoài khơi California, cá mập trắng liền...sơ tán ngay lập tức và một số chẳng dám quay lại trong suốt vài tháng sau đó.

Có cơ sự này là bởi cá voi sát thủ nhiều khả năng đã tìm ra một cách độc đáo nào đó để săn cá mập trắng. Khi lật ngược cơ thể, cá mập trắng bước vào một trạng thái gọi là “chết cứng” [tonic immobility], về cơ bản giống như rơi vào hôn mê vậy. Cá voi sát thủ đã lợi dụng trạng thái này, lật ngược cá mập trắng và giữ chúng như vậy cho đến khi nạn nhân chết vì...đuối nước, rồi xơi tái lá gan của cá mập và bỏ đi.

Cá nhà táng là loài thú có vú sống dưới nước, có răng, lớn nhất thế giới, dài hơn 15,24 mét và nặng hơn 60 tấn. Chúng thường đi săn ở những vực sâu dưới đáy đại dương và có thể nhịn thở hơn 2 tiếng liên tục. Ấy thế nhưng, cá nhà táng lại bị săn lùng bởi cá voi sát thủ, và chúng tỏ ra khá sợ hãi trước những tốp cá voi sát thủ này. Thay vì tấn công, cá nhà táng bị vây ráp bởi một tốp cá voi sát thủ sẽ tìm cách co cụm lại để tạo thế phòng thủ.

Một tình huống như vậy từng diễn ra ở ngoài khơi Sri Lanka, khi một nhóm 5 con cá voi sát thủ tấn công nửa tá cá nhà táng, sử dụng tốc độ kinh khủng của mình để húc vào cá nhà táng từ mọi hướng, đồng thời cắn đối thủ mỗi khi có cơ hội. Và dù rằng cá nhà táng có thể tiêu diệt cá voi sát thủ chỉ bằng cách vẫy đuôi, chúng dường như không muốn chiến đấu. Sau hơn nửa giờ, có vẻ như cá voi sát thủ đã chia tách được một con cá voi con ra khỏi bầy, và nhấn chìm nó, hoặc ăn thịt con mồi xấu số.

 

Bằng một đòn mà các nhà sinh vật học đại dương gọi là “chặt karate”, cá voi sát thủ sẽ dùng toàn lực quật đuôi vào con mồi, gây choáng hoặc tiễn chúng về với ông bà trong một nốt nhạc. Cũng chính cái đuôi này còn cho phép cá voi sát thủ lùa con mồi lên bề mặt, tạo lốc xoáy thổi mục tiêu lên trên dù mục tiêu có muốn hay không. Với phương thức này, cá voi sát thủ không cần tiếp xúc trực tiếp với con mồi, từ đó giảm được sự nguy hiểm đặc biệt khi săn những loài có vú cỡ lớn sống dưới đại dương, hoặc những sinh vật săn mồi như cá nhám thu [mako] và cá mập trắng.

Đối với cá mập, cá voi sát thủ sẽ sử dụng tuyệt chiêu “chặt karate” để gây choáng, sau đó lật ngược chúng lại, khiến chúng tê liệt và chết đuối. Tuyệt chiêu này cũng được sử dụng với nhiều con mồi có tốc độ di chuyển chậm, như hải cẩu, sư tử biển... Có lẽ điều thú vị nhất cần biết về phương thức này là cá voi sát thủ đã tạo ra và rèn giũa nó để săn được những sinh vật mà những loài khác hầu như không muốn gây sự, như cá mập chẳng hạn! Và tuyệt chiêu “chặt karate” có thể được truyền qua nhiều thế hệ, trong đó những chú cá voi sát thủ con tập luyện và quan sát các thành viên trưởng thành trong tốp suốt nhiều năm trước khi tự mình thực hiện.

Hàng triệu năm về trước, có khả năng cá voi sát thủ đã chia thành nhiều nhóm địa phương và chuyên săn những con mồi cụ thể để tránh cạnh tranh giành thức ăn với nhau. Do đó, các nhóm gia đình cá voi sát thủ cũng hình thành nên những âm thanh mang tính vùng miền, mối nhóm tạo ra “ngôn ngữ” của riêng chúng, độc nhất và không đụng hàng với những nhóm cá voi sát thủ khác. Ngay cả trong các nhóm địa phương, một số tốp cá voi cũng có một “âm vực” riêng, với những âm thanh nhất định đặc trưng của tốp và không bị sao chép bởi những tốp khác trong khu vực.

Âm vực độc nhất đó có thể xem là “tài sản” của chỉ một nhóm gia đình, hay “tốp”, cá voi sát thủ, được truyền lại qua nhiều thế hệ, hoặc có thể phổ biến ra những vùng rộng hơn với chỉ một vài biến thể giữa các tốp. Việc phân chia riêng biệt như thế này biến cá voi sát thủ trở thành những thợ săn cực kỳ hiệu quả, bởi chúng không phải cạnh tranh với đồng loại để có được cùng một con mồi. Tuy nhiên, nếu một con cá voi sát thử từ một nhóm này sống chung với một tốp cá voi sát thủ từ một nhóm khác, con cá voi sát thủ “ngoại lai” sẽ học được âm vực, giống như con người có thể học ngôn ngữ mới vậy. Cá voi sát thủ thậm chí còn nhại được âm thanh của những loài cá heo khác nữa, cho thấy khả năng học được cách giao tiếp xuyên loài của chúng.

 

Cá voi sát thủ tồn tại trong mọi đại dương trên trái đất, từ vùng nhiệt đới cho đến Bắc Cực. Chúng thích nghi cực kỳ hiệu quả với môi trường xung quanh và tận dụng tốt những lợi thế mà lãnh thổ của con mồi mang lại cho chúng. Những tốp khác nhau sống chung một khu vực thậm chí có thể thay đổi sang săn lùng những loài khác nhau để không phải cạnh tranh với nhau.

Hiện chỉ có khoảng 50.000 con cá voi sát thủ trong tự nhiên. Nhưng lãnh thổ rộng lớn trải dài khắp nơi đồng nghĩa cá voi sát thủ là bậc thầy trong việc săn lùng mọi thứ, từ chim cánh cụt cho đến cá đuối, sứa, và lươn. Hơn nữa, trong khi một số nhóm chỉ có số thành viên rất ít, thói quen sống cộng đồng của cá voi sát thủ đồng nghĩa những cá thể trong một tốp hiếm khi đi riêng lẻ.

Chúng ta đã đề cập đến tốc độ của cá voi sát thủ vài lần từ đầu bài viết, nhưng tốc độ đó là nền tảng cho hai trong số nhiều phương thức đi săn của cá voi sát thủ: sóng vỗ và mắc cạn có chủ đích. Sóng vỗ là khi một tốp cá voi sát thủ tụ tập lại và tấn công một tảng băng trôi, sử dụng tốc độ để tạo nên một đợt sóng đánh hải cẩu hoặc sư tử biển rơi khỏi tảng băng, ngã xuống nước. Sau đó, chúng sẽ sử dụng những phương pháp đi săn khác để cách ly và tấn công con mồi khi thời cơ đến.

Một chiến thuật khác, trước đây được cho là của riêng loài cá voi ngoài khơi Nam Mỹ, nhưng nay còn quan sát được ở những con cá voi sát thủ ở biển Salish: chúng sẽ cố ý dạt lên bờ nhằm bắt hải cẩu ngay trên đất liền. Hành động này dù khá nguy hiểm đối với bản thân cá voi sát thủ, nhưng luôn thành công. Người ta thậm chí còn quan sát được cá voi sát thủ mẹ đẩy con lên bờ sau đó kéo chúng xuống nước lại để dạy cách đi săn độc đáo này nữa!

 

Với chúng ta, màu đen và trắng của cá voi sát thủ có vẻ nổi bật và dễ nhận diện. Tuy nhiên, màu sắc này khiến chúng rất khó để thấy được từ bên dưới, làm con mồi ít khi phát hiện được chúng. Những khối màu độc đáo trên cơ thể còn giúp cá voi sát thủ trông nhỏ hơn các loài sống dưới nước khác, do đó phần nào giảm bớt sự nguy hiểm của chúng. Những nhóm cá voi sát thủ khác nhau sẽ có họa tiết màu khác nhau, một số có vùng màu trắng tối hơn, và người ta cho rằng cá voi sát thủ sử dụng những họa tiết này để phân biệt các thành viên trong tốp và nhóm gia đình với những cá thể khác.

Một số kiểu sinh thái cá voi sát thủ cụ thể thậm chí chuyên săn mồi một cách lén lút, tận dụng khả năng bơi gần như không phát ra tiếng động, tốc độ, và màu sắc, để phục kích con mồi lớn hơn. Hành vi này thường thấy nhiều nhất ở những con cá voi sát thủ xa bờ, cụ thể là cá voi sát thủ Loại 2 Bắc Đại Tây Dương, một loài chuyên săn cá heo và cá voi [như cá voi Minke].

 

Cá voi sát thủ có thị lực cực tốt cả dưới lẫn trên mặt nước, biến chúng thành nỗi ám ảnh của cả những loài sống hoàn toàn dưới nước lẫn sống gần bờ. Người ta cho rằng thị lực này kết hợp với khả năng định vị bằng tiếng vang của cá voi sát thủ cho phép chúng nhắm đến những con mồi cụ thể. Điều này cũng trái ngược với nhiều loài có vú sống dưới nước khác, bao gồm một số loài cá voi lớn hơn, và có lẽ đó là một lý do khác khiến cá voi sát thủ có lợi thế trước những sinh vật chúng săn đuổi.

Quay trở lại với cá voi sát thủ Salish, khả năng phân biệt cụ thể nguồn thức ăn yêu thích của chúng dường như đang dần trở thành một rào cản. Chúng thích ăn cá hồi Chinook, và từ chối ăn cá hồi đỏ lẫn cá hồi hồng, vốn là những loài có số lượng khá đông đúc trong khu vực sinh sống của cá voi sát thủ. Chúng duy trì thói quen này kể cả khi cá hồi Chinook ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, thị lực xuất sắc của chúng nhiều khả năng là một phần lý do giúp những tốp cá voi sát thủ tổ chức những cuộc tấn công theo nhóm lớn.

Ở trên, chúng ta có nói về việc cá voi sát thủ sở hữu lớp ngụy trang cực kỳ hiệu quả, nhưng một số tốp cá voi sát thủ thậm chí còn tận dụng nhiều kỹ thuật săn mồi khác thay vì chỉ dựa vào màu sắc. Cá voi sát thủ có thể ẩn trong bóng tối của đại dương, hoàn toàn tĩnh lặng, dựa vào thính giác xuất sắc của chúng để âm thầm theo dõi con mồi trước khi tung đòn sát thương. Hành vi này được các nhà khoa học ghi nhận ở những con cá voi sát thủ phương bắc, nơi đôi lúc chỉ chìm trong bóng tối vài giờ đồng hồ mà thôi. Do đó, chúng phải thực hiện chiến thuật sao cho hiệu quả nhất, đủ để duy trì sự sinh tồn của cá voi sát thủ.

Phương thức này được thấy chủ yếu ở những nhóm cá voi sát thủ ăn động vật có vú, như các nhóm di cư và xa bờ, và hầu như không được ưa chuộng bởi những tốp ăn cá. Cá voi sát thủ ăn cá phát ra âm thanh rất lớn, thường xuyên “trò chuyện” với nhau, trong khi cá voi sát thủ ăn động vật có vú chỉ phát âm thanh sau khi đã giết được con mồi. Một nhà khoa học đưa ra nhận định rằng cá voi sát thủ giao tiếp sau khi tấn công chủ yếu bởi chúng cần tốc độ và sự chính xác để phân xác con mồi. Và dù một số nhà khoa học cho rằng những con cá voi sát thủ thầm lặng chỉ cần đến thị giác khi đi săn, sự thật là việc chúng săn mồi trong bóng tối cho thấy chúng còn có thể dựa vào thính giác xuất sắc để theo dấu và dồn con mồi vào đường cùng.

 

Bạn sẽ không tin rằng nai sừng tấm là một con mồi yêu thích của cá voi sát thủ. Cũng đúng thôi khi mà nai sừng tấm chủ yếu sống trên đất liền, trong khi cá voi sát thủ sống dưới đại dương. Cả cá voi sát thủ và nai sừng tấm đều là những thành viên lớn nhất trong loài của chúng, và cả hai đều có rất ít - nếu không muốn nói là không có - “thần chết” tự nhiên. Sinh vật nguy hiểm bậc nhất hiện nay đe dọa sự sống của hai loài này chính là con người; dù nai sừng tấm là loài ăn thực vật, chúng vẫn được xem là một loài đứng trên đỉnh của chuỗi thức ăn chỉ vì kích cỡ lớn.

Nhưng có một mối quan hệ kỳ lạ giữa cá voi sát thủ và nai sừng tấm. Vào mùa hè, nai sừng tấm thích ăn các loại thực vật mọc dưới nước, và sẽ chấp nhận lặn xuống nước để lấy được món yêu thích, khiến chúng trở thành con mồi ngon cho cá voi sát thủ. Dù cá voi sát thủ không thường xuyên nhắm đến nai sừng tấm, vẫn có những bằng chứng - như xác nai sừng tấm dạt lên bờ với những dấu răng đặc trưng của cá voi sát thủ - cho thấy cá voi sát thủ có thể, và sẽ xơi tái nai sừng tấm nếu muốn. Điều này cũng hợp lý, bởi cá voi sát thủ vốn là những kẻ săn mồi cơ hội, thường chấp nhận ăn bất kỳ thứ gì mà chúng có thể nhúng răng vào!

Có lẽ một trong những chi tiết thú vị nhất về cá voi sát thủ, đặc biệt là những tốp chuyên săn cá mập và các loài có vú sống dưới nước, là chúng có khả năng chọn lựa thứ muốn ăn. Mặc cho cần hàng trăm pound thức ăn mỗi ngày để sinh tồn, cá voi sát thủ được cho là chỉ ăn lá gan béo múp, giàu dinh dưỡng của cá mập, và để phần còn lại cho kẻ đến sau. Chúng thậm chí còn có một phương pháp chuyên biệt để lấy lá gan ra: mở một lỗ gần lá gan và...bóp nó ra khỏi cơ thể con cá mập xấu số, giống như chúng ta bóp kem đánh răng vậy.

Một nhà khoa học thậm chí từng quan sát được một tốp cá voi sát thủ tấn công một con cá voi xanh, loài động vật lớn nhất còn tồn tại trên trái đất! Xấp xỉ 12 con cá voi sát thủ đã liên tục húc mạnh vào cá voi xanh, cắn xé nó, và cuối cùng ép con cá voi phải chìm xuống nước, chết đuối. Sau đó, thay vì xơi tái nạn nhân một cách bừa bãi, chúng ăn lưỡi trước. Đôi lúc, lưỡi là bộ phận duy nhất của cá voi xanh bị ăn mất, dù cho cá voi sát thủ cần một lượng lớn thức ăn để sinh tồn.

 

Cá voi sát thủ không phải là sinh vật lớn nhất ở đại dương nhưng chúng là sinh vật duy nhất không có đối thủ trên đại dương. Ngay cả cá mập trắng cũng không dám đụng đến một tốp cá voi sát thủ. Dù nhiều người xem cá mập trắng là loài săn mồi đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn của đại dương, chúng vẫn sẽ lặn mất tăm khi thấy cá voi sát thủ, đôi lúc không dám quay lại nữa. 

Cá voi xanh và xám, những sinh vật dưới nước lớn nhất từng tồn tại, cũng tỏ ra nhút nhát và thậm chí là lo sợ trước cá voi sát thủ. Dù sở hữu cơ thể lớn và đuôi nặng, có khả năng quật chết hoặc gây choáng cho những đối thủ khác, chúng gần như miễn cưỡng khi tấn công cá voi sát thủ kể cả khi bị tấn công trước! Nhiều khả năng, trí thông minh, chiến thuật săn mồi điêu luyện, và hành vi sống theo tốp của cá voi sát thủ là những yếu tố giúp chúng có một chỗ đứng khá cao ngạo trong chuỗi thức ăn của đại dương.

Nhân tiện đang nói về sự phân bố rộng khắp của cá voi sát thủ trên toàn thế giới và thói quen kén cá chọn canh của chúng, một số nhóm cá voi sát thủ ở một số khu vực nhất định lại nổi tiếng vì ăn tạp. Thay vì chỉ có một loại con mồi cụ thể, những nhóm này sẽ ăn bất kỳ thứ gì chúng có thể tìm thấy. Trên toàn cầu, các nhà sinh vật học hải dương đã quan sát được chúng xơi tái 140 loại động vật khác nhau, bao gồm hơn 50 loại thú có vú sống dưới biển khác nhau!

Đặc biệt, cá voi sát thủ sống ở Nam Cực còn đi săn và ăn chim cánh cụt. Nạn nhân của chúng là những con chim cánh cụt cỡ nhỏ, và vị trí yêu thích là phần thịt ức. Chúng thường tỉ mẩn lọc bỏ da và lông - đôi lúc nhờ sự trợ giúp của những con cá voi sát thủ khác. Hành vi này được các nhà khoa học đánh giá là cực kỳ bất thường. Cá voi sát thủ có thể chỉ thu được 1 hoặc 2 pound thịt từ mỗi con chim cánh cụt. Bởi chúng cần ăn hàng trăm pound thức ăn mỗi ngày, việc chọn lựa kỹ càng như vậy có vẻ không hợp lý lắm xét về hành vi sinh tồn.

Giống như nhiều loài thú có vú sống dưới đại dương, cá voi sát thủ tự thở. Không như loài người vốn có phản xạ tiềm thức giữ cho chúng ta thở kể cả khi ngủ say, cá voi sát thủ phải chọn khi nào cần thở. Có nghĩa là chúng không thể hoàn toàn rơi vào giấc ngủ như chúng ta, trừ khi muốn chết đuối!

Thay vào đó, cá voi sát thủ thực hiện một hành vi gọi là “giấc ngủ sóng chậm đơn bán cầu”, trong đó một nửa não tắt hẳn, nửa còn lại ở chế độ báo động, cho phép cá voi sát thủ vừa đề phòng nguy hiểm vừa tiếp tục thở trong khi vẫn được nghỉ ngơi. Chúng đảo bên não để bật tắt luân phiên nhằm đảm bảo ngủ nghỉ đủ giấc. Và trong khi không hoàn toàn tỉnh táo, chúng vẫn có khả năng di chuyển; cá voi sát thủ đang ngủ sẽ bơi chậm mà đều, gần với mặt nước, để có thể dễ dàng thở mỗi khi cần thiết.

 

Động vật nào khi còn bé cũng xinh xắn. Không may là đó cũng là giai đoạn chúng yếu ớt nhất và dễ bị tấn công nhất, do đó cá voi sát thủ chuyên nhắm vào những con con của nhiều loài khác nhau. Phương thức săn mồi này thường thấy ở hải cẩu và sư tử biển, nhưng cá voi sát thủ di cư và xa bờ cũng tận dụng để săn cá voi xanh và cá voi xám nhỏ.

Theo đó, chúng sẽ tấn công những tốp nhỏ hoặc những nhóm gia đình đơn lẻ. Chúng phối hợp để tách con con ra khỏi con mẹ. Cá voi xám đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của loại hình tấn công này, bởi chúng thường đi một mình hoặc trong những nhóm không quá 3 cá thể [dù vẫn có những tốp lớn hơn]. Một khi cá voi sát thủ chia tách thành công con non khỏi mẹ, chúng sẽ nhấn chìm hoặc cắn xé nạn nhân. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng cá voi sát thủ săn cá voi xanh non để thỏa mãn... sở thích. Tại sao? Một số cá voi sát thủ bỏ ra hàng giờ để săn nạn nhân chỉ để ăn lưỡi và bỏ phần còn lại.

Bởi cá voi sát thủ chỉ sinh con mỗi 3-10 năm/lần, sau 17 tháng thai nghén, chúng cực kỳ lo lắng cho con. Cá voi sát thủ mẹ sẽ chăm sóc con non đến 2 năm, và cá voi sát thủ trẻ giống cái sẽ giúp chăm sóc những con nhỏ hơn trong tốp. Bởi tốp cá voi sát thủ theo mẫu hệ, và phương thức săn mồi được truyền từ mẹ sang con, việc cá voi sát thủ trẻ được trao cơ hội để trưởng thành là rất quan trọng. Con mẹ thường giữ một con cá hồi trong miệng, cho phép con non ăn con cá đó, và từ đó học được loại con mồi yêu thích của nhóm chúng đang sống.

Cá voi sát thủ còn đảm bảo cá con có thật nhiều thức ăn. Trong trường hợp đi săn những con mồi lớn hơn, như cá voi xanh, cá voi sát thủ sẽ lặn xuống xác con mồi đang chìm để xé từng mảng thịt đưa lên mặt nước. Cá voi sát thủ nhỏ không thể lặn sâu và lâu như cá voi sát thủ trưởng thành. Thêm nữa, chúng cần nhiều thức ăn hơn con trưởng thành [10% khối lượng cơ thể, so với 2-3% đối với con trưởng thành]. Do đó, tốp cá voi sát thủ đảm bảo con non được ăn no. Một số con non sẽ tách khỏi tốp của mẹ và chuyển sang nhóm khác. Tuy nhiên, nhiều con non chọn ở lại trong tốp suốt đời.

 

Có lẽ một trong những sự thật thú vị nhất - và đáng báo động nhất - về cá voi sát thủ là chúng có những nét văn hóa vô cùng độc đáo. Giống như loài người, những nhóm riêng lẻ sống trong các khu vực khác nhau [và kể cả những tốp sống trong cùng khu vực] có âm vực, cách phát âm, và thói quen riêng. Một nghiên cứu về 4 bầy cá voi sát thủ định cư ngoài khơi British Columbia và Washington cho thấy mặc cho khu vực sống gần nhau, có lúc chồng lấn nhau, mỗi bầy lại có một ngôn ngữ độc đáo riêng.

Những điểm khác biệt khác bao gồm một số cá voi sát thủ thích đến gần bờ biển để...mát xa. Chúng cố tình chà cơ thể vào những viên đá cuội ở các bãi nông, trong khi số khác ở gần đó không có hành vi tương tự. Cá voi biển Salish nổi tiếng vì rất tinh nghịch và thậm chí còn nghĩ ra những nghi thức chào đón nhau nữa!

Tham khảo: ScienceSensei

Video liên quan

Chủ Đề