Cách gấp con ngựa cực dễ

Sinh con qua ngả âm đạo và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ luôn được WHO, UNICEF, Bộ Y tế và các chuyên gia sản khoa khuyến cáo vì những lợi ích sức khỏe đối với cả mẹ và bé.

Thông tin trên được các bác sĩ chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến Lợi ích và biến chứng khi sinh nở: Nên sinh thường hay sinh mổ, phương pháp sinh không đau và bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ tối ngày 12/1/2022 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

4 chuyên gia Sản khoa Gây mê hồi sức cùng xuất hiện trong chương trình tư vấn trực tuyến tối ngày 12/1/2022 để giải đáp thắc mắc của mẹ bầu về lựa chọn phương pháp sinh nở an toàn

Mổ lấy thai tiềm ẩn nguy cơ cho mẹ bầu và thai nhi

Hiện nay, việc mổ lấy thai đang có xu hướng bị lạm dụng. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] khuyến cáo nên hạ thấp tỷ lệ mổ lấy thai xuống thấp hơn dưới mức 20%, tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên thế giới, tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam vẫn khá cao. Tại nhiều đơn vị sản khoa, tỷ lệ mổ lấy thai ở mức 40-50%, thậm chí có nơi lên đến 70-80%.

Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp mổ lấy thai là theo yêu cầu, nghĩa là theo ý muốn của gia đình sản phụ mặc dù thai kỳ vẫn phát triển bình thường, không có các nguy cơ gặp tai biến khi sinh nở. Nhiều trường hợp chọn ngày tháng, chọn giờ sinh hợp tuổi hoặc chỉ muốn được sinh mổ cho thoải mái.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ: Khi sinh mổ, người mẹ phải chịu một vết sẹo trên bụng và trên cơ tử cung, do đó luôn tồn tại nguy cơ xuất hiện các biến cố như nhiễm trùng hoặc chảy máu. Thêm vào đó, người mẹ phải đối mặt với nguy cơ tụ dịch vết mổ gây khó có thai, hoặc vết mổ quá mỏng gây nứt, cơ hội sinh thường ở những lần mang thai sau bị hạn chế nếu lần đầu mổ lấy thai có những biến cố nặng.

Mẹ sinh mổ phải nằm viện lâu hơn, do đó tồn tại nguy cơ cao bị nhiễm trùng bệnh viện. Việc ngồi dậy sau sinh khó khăn hơn, việc cho con bú cũng sẽ chậm hơn các mẹ bầu sinh thường. Chính vì thế, ở góc độ nào đó, phụ nữ sinh mổ sẽ thiệt thòi hơn phụ nữ sinh thường. Do đó, việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ cần cân nhắc vào tình huống thai kỳ cụ thể. Chỉ định mổ lấy thai nên là chỉ định của bác sĩ sản khoa chứ không phải từ ý muốn của gia đình.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo việc sinh thường hay sinh mổ nên là chỉ định từ sản khoa, không nên theo ý muốn gia đình

Sản khoa Gây mê hồi sức phối hợp giảm đau sản khoa giúp mẹ không còn ám ảnh cơn đau đẻ

Đau trong chuyển dạ sẽ khác nhau ở mỗi sản phụ tùy vào tình trạng sinh lý và tâm lý. Cơn đau sẽ tăng dần lên trong quá trình chuyển dạ và đạt đến cường độ tối đa khi thai nhi di chuyển vào phần xương chậu của người mẹ. Khoảng 70% mẹ sẽ cảm thấy đau dữ dội hoặc không thể chịu nổi cơn đau.

Là một trong những chuyên gia về giảm đau sản khoa của Hệ thống BVĐK Tâm Anh, BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: Khi sinh thường sẽ có những phương pháp giảm đau khi chuyển dạ là dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Hiện nay, phương pháp sử dụng thuốc bằng cách tiêm qua khoang ngoài màng cứng [đẻ không đau] là lựa chọn của hơn 50% sản phụ trên toàn thế giới.

Đây là phương pháp đưa một lượng thuốc tê để làm tê vùng bụng, sản phụ vẫn cảm nhận được cơn gò tử cung nhưng cơn đau sẽ giảm dần hoặc thậm chí không đau, trải qua cuộc vượt cạn nhẹ nhàng và thoải mái.

Đối với sinh mổ sẽ có phương pháp gây tê tủy sống, giúp sản phụ vẫn có thể đón con yêu chào đời trong trạng thái tỉnh táo và thoải mái nhất. Phương pháp này khác gây tê ngoài màng cứng là chỉ được thực hiện một lần và kéo dài khoảng 3-4 giờ, sau đó khôi phục lại hoàn toàn trạng thái ban đầu.

BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM có những chia sẻ về cơ chế và quá trình gây tê, gây mê ứng dụng trong giảm đau sinh nở

Để quá trình vượt cạn diễn ra an toàn, nhẹ nhàng và thuận lợi nhất, BS.CKI Nguyễn Quang Nhật, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo sản phụ cần thông báo ngay cho đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ thăm khám ngay từ lúc nhập viện để có những phương án chuẩn bị tốt nhất, cũng như có kế hoạch theo dõi sau sinh, tránh những biến chứng nguy hiểm.

BS.CKI Nguyễn Quang Nhật, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cũng đưa ra nhiều lời khuyên trong lựa chọn phương pháp sinh nở cho mẹ bầu

Mặc dù nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là điều luôn được khuyến cáo, thế nhưng không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ cũng như bí quyết cho bé bú đúng cách.

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam khuyến cáo nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho bé bú đến 24 tháng tuổi bởi trong sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như đường, đạm, chất béo, các vitamin phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa đạm và sắt là hai dưỡng chất rất phù hợp với đường ruột còn non nớt của bé, giúp bé dễ hấp thụ và ít khi gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.

Sữa mẹ chứa sữa non có tác dụng xổ nhẹ, bé bú sữa mẹ dễ đào thải phân xu ra ngoài cũng như ít gặp vấn đề vàng da sau sinh. Sữa non có hàm lượng vitamin A rất cao, gấp 10 lần so với những loại sữa thông thường khác.

Chính những lợi ích đó, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo mẹ nên tận dụng nguồn sữa mẹ để bé nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất, dự trữ năng lượng cho 6 tháng đầu đời.

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo mẹ bầu nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ để tận dụng nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé

Dưới đây là phần giải đáp thắc mắc từ các chuyên gia Sản khoa và Gây mê hồi sức của Hệ thống BVĐK Tâm Anh về lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ, phương pháp sinh không đau và bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn.

Khi dùng sức nhiều quá em sẽ bị choáng và xỉu, vậy em có phù hợp sinh thường không? Em đang mang thai lần đầu, thai 32 tuần và có dự định sinh thường. Tuy nhiên, em nghe nói sinh thường qua ngả âm đạo sẽ bị rạch ngả âm đạo, như vậy sẽ không có thẩm mỹ và không trở về như trước nên rất lo lắng.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: 32 tuần là thời điểm sắp bước vào giai đoạn cuối của hành trình mang thai, do đó bạn lo lắng nên sinh thường hay sinh mổ là hoàn toàn đúng đắn. Khi sinh thường sẽ rạch ngả âm đạo và không trở lại như bình thường có nhiều nghĩa, một là rạch xong may lại có sẹo không như bình thường, hai là chuyện chăn gối không được như trước. Nhiều chị em muốn giữ nguyên vẹn chuyện chăn gối như ban đầu nên chọn sinh mổ, tuy nhiên cần thay đổi quan điểm này bởi vợ chồng bạn cần đặt quyền lợi em bé lên hàng đầu.

Bạn cần biết rằng ống âm đạo khi em bé đi ngang qua giống như một cái máy ép ngực em bé từ trước ra sau, nhờ ép lại nên nhiều chất tiết trong vùng hầu họng của bé được tống xuất ra ngoài. Khi sinh mổ sẽ không làm được chuyện này, do đó lợi ích của sinh thường đầu tiên chính là em bé sinh ra có lợi về đường hô hấp. Tiếp theo, em bé sinh thường qua ngả âm đạo sẽ tiếp xúc với những vi khuẩn ở ống âm đạo, mà những vi khuẩn này sẽ tác động trực tiếp lên hệ vi sinh đường ruột, nhờ đó em bé sinh ra sẽ có thêm lợi khuẩn.

Chính những lợi ích đó, chúng tôi khuyến cáo việc sinh thường hay sinh mổ nên để cho y khoa quyết định. Tức là bác sĩ sản khoa sẽ thăm khám lại vào tuần thứ 38-39 thai kỳ để cân nhắc lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.

Em sinh thường cách đây 3 năm, em bé được 3,4kg. Lần mang thai này em đang 36 tuần nhưng em bé ước lượng được 3,9kg, bác sĩ khám thai khuyên em theo dõi thêm để sinh thường. Bác sĩ cho em hỏi em bé to như vậy có sinh thường được không? Em rất lo lắng vì nhiều người bảo em bé to quá sinh thường không nổi, phải sinh mổ mà mổ thì đau gấp 2 lần.

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên: Theo Sản khoa, em bé có cân nặng từ 4kg trở lên mới gọi là to. Hiện thai kỳ bạn 36 tuần, em bé nặng 3,9kg cần theo dõi thai định kỳ. Đến thời điểm thai 40 tuần hoặc khi có dấu sinh, xem xét cân nặng lúc đó bao nhiêu bác sĩ mới chỉ định bạn nên sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, bạn nên đi kiểm tra đường huyết vì có nguy cơ tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn.

Em sinh mổ được 15 ngày, sau mổ em có hiện tượng ngứa. Vết ngứa ban đầu ở bụng, sau đó lan dần ra cổ, bẹn, ngực, tay và chân, có hiện tượng nổi lên các nốt mẩn đỏ. Bác sĩ cho em hỏi đó có phải là hiện tượng dị ứng với thuốc gây mê không và làm sao để hết ngứa?

BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc:Bạn đã sinh được 15 ngày cho nên thuốc gây tê, gây mê sử dụng khi sinh nở đã hoàn toàn biến mất. Vì vậy, việc bạn bị ngứa có thể do nguyên nhân khác, không phải là dị ứng thuốc. Nếu vẫn còn triệu chứng, bạn nên thăm khám da liễu để tìm nguyên nhân chính xác.

Em đang mang thai lần 2, lần đầu em sinh mổ nên lần mang thai này em sẽ sinh mổ tiếp phải không? Em nghe nói việc mổ lần 2 đau nhiều hơn lần đầu, vậy em có sử dụng phương pháp mổ không đau đồng thời gây tê tủy sống không? Em nghe nói BVĐK Tâm Anh có sử dụng keo sinh học, mổ không đau giúp mau lấy lại sức có đúng không bác sĩ?

BS.CKI Nguyễn Quang Nhật: Chúng tôi cần biết thêm thông tin khoảng cách lần mổ trước là khi nào. Nếu vết mổ dưới 18 tháng được gọi là vết mổ mới, khả năng sinh thường rất khó khăn. Vì thế, phải có dữ kiện về khoảng cách hai lần sinh thì chúng tôi mới đánh giá được trường hợp của bạn. Kết hợp thêm với khám lâm sàng, cân nặng của em bé, nguyên nhân mổ lần trước của bạn là gì, ví dụ như khung chậu hẹp thì bắt buộc lần này bạn phải mổ lấy thai lại dù khoảng cách có là bao lâu đi nữa.

Về vấn đề giảm đau trong sinh mổ là gây tê tủy sống, do đó mặc định nếu mổ lại thì bạn sẽ được gây tê tủy sống. Hiện tại, BVĐK Tâm Anh có dịch vụ dán keo sinh học, bạn có thể yên tâm về vấn đề đó. Tùy theo vết mổ của bạn, bác sĩ sẽ đánh giá nên dùng keo sinh học hay nên may bằng chỉ. Ví dụ vết mổ của bạn dính nhiều, vết mổ có nguy cơ nhiễm trùng thì keo sinh học sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nên sẽ không dùng được keo sinh học mà phải may.

Em 24 tuổi đang mang thai bé đầu. Em bị tiểu đường thai kỳ, khi siêu âm 29 tuần em bé bị dây rốn quấn cổ 1 vòng, nay 35 tuần quấn 2 vòng. Em muốn hỏi nguyên nhân vì sao bé bị quấn như vậy? Em cần lưu ý những gì khi bé bị quấn cổ để không ảnh hưởng đến bé? Em sinh thường được không bác sĩ, em mang thai 35 tuần và bé nặng 2,7kg.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Thai kỳ của bạn có một số vấn đề sau đây: Thứ nhất là đái tháo đường thai kỳ, thứ hai là ghi nhận từ siêu âm có dây rốn quấn cổ 2 vòng. Với trường hợp này, bạn không cần quá lo lắng.

Đối với đái tháo đường thai kỳ, có lẽ các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cho bạn chế độ ăn kỹ càng [giảm thức ăn nhiều đường], chế độ vận động hợp lý. Tại BVĐK Tâm Anh, tất cả các bác sĩ đều được huấn luyện hướng dẫn bệnh nhân cách tự theo dõi đường huyết, cũng như hướng dẫn phân tích trong một khẩu phần ăn có bao nhiêu chất xơ, bao nhiêu phần trăm tinh bột và đạm, sau mỗi bữa ăn nên vận động đi lại bao lâu. Từ 3 bữa ăn phải cộng thêm 2 bữa ăn phụ mỗi ngày. Cuối cùng phải có một bảng theo dõi đường huyết, vì nếu không kiểm soát đường huyết, sẽ dẫn tới một số biến cố như thai lưu, thai quá to.

Theo biểu đồ tăng trưởng, nếu bầu 36 tuần thì cân nặng thai nhi khoảng 2,5 kg 2,6kg và bạn có nói rằng thai 35 tuần nặng 2,7kg. Thật ra thai hơi lớn một chút, nhưng trong siêu âm người ta có cộng trừ 10%, ví dụ 2,7kg thì hiện tại bé khoảng 2,4kg 2,5kg thì vẫn nằm trong biểu đồ tăng trưởng bình thường, thành ra bạn không nên quá lo lắng về việc này.

Về dây rốn quấn cổ, dù cho một vòng hay hai vòng thậm chí là 4 vòng hay 5 vòng đi chăng nữa thì cơ hội sinh thường của bạn vẫn luôn luôn có. Dĩ nhiên, nó sẽ có những biến động xảy ra ngay tại thời điểm chuyển dạ, ví dụ như lúc chuyển dạ bạn sẽ thấy mỗi lần có cơn gò thì tim thai sẽ có những thay đổi, có thể làm giảm lưu lượng máu dẫn đến thai do những vòng dây rốn quấn cổ và xuất hiện các nhịp tim thai, và bạn có thể hiểu cái này là do dây rốn quấn cổ.

Nếu các bác sĩ đánh giá rằng nó sẽ khó khăn để vượt qua được các giai đoạn quan trọng của chuyển dạ để đến được thời điểm xổ thai, và tim thai biến động liên tục như vậy có thể ảnh hưởng đến đứa bé, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ vì bé bị suy thai. Nhưng nếu chuyển dạ nhanh và không có các biến động lớn về tim thai, và khi mình có gợi ý từ siêu âm là có dây rốn quấn cổ dù là 1 vòng, 2 vòng, 3 vòng, 4 vòng hay 5 vòng thì cơ hội sinh thường của mình là luôn luôn có.

Nếu bạn có theo dõi các chương trình hay thông tin trên truyền thông, có em bé mang 5 kiềng cổ nhưng vẫn sinh ngả âm đạo được. Như vừa rồi, chúng tôi có trường hợp em bé có 4 vòng dây quấn cổ vẫn sinh thường được. Dĩ nhiên, các bác sĩ sẽ phải theo dõi tim thai rất sát sao từ thời điểm này đến thời điểm sanh còn xa hay không, và tim thai có biến động nhiều trong quãng thời gian đó hay không. Thành ra việc của bạn bây giờ là kiểm soát đường huyết cho tốt. Thứ 2 là theo dõi cử động thai, chúng ta biết cử động thai, thai máy, thai đạp đều có ý nghĩa như nhau cả. Trung bình 1 giờ có khoảng 4 đến 5 lần cử động thai, nếu 2-3 giờ liền bạn không thấy thai máy, thai đạp thì bạn có thể ôm bụng lắc qua lắc lại một chút vì đứa bé cũng có chu kỳ ngủ sinh lý giống như chúng ta vậy. Nếu em bé trở dậy, hoạt động đạp lại bình thường thì ổn, còn nếu bạn không cảm nhận con đạp hay máy gì sau khi chúng ta lắc bụng 1-2 lần thì nên đi khám ngay. Hoặc nếu bạn thấy bé đạp yếu hay đạp hỗn loạn một cách bất thường thì bạn cũng nên đi đến bệnh viện gấp.

Cho em hỏi khi chích gây tê có đau không? BVĐK Tâm Anh có áp dụng các phương pháp giảm đau không dùng thuốc như thư giãn, tư thế sinh hay thủy liệu pháp không, hay chỉ có phương pháp gây tê ngoài màng cứng?

BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc: Khi chích gây tê ngoài màng cứng chúng ta sử dụng cây kim khá to kim số 18, nhỏ hơn kim chúng ta đi hiến máu một chút, cho nên sẽ có cảm giác đau khi đâm kim vào. Nhưng trước khi gây tê bằng kim lớn thế này, chúng ta sẽ dùng kim nhỏ gây tê tại chỗ. Bạn sẽ được gây tê dưới da, ở các mô dưới da có thể tê sâu đến 2cm. Sau đó, chúng ta sẽ đi kim thì không còn đau nữa. Trường hợp bạn đã chích thuốc tê mà vẫn còn đau thì bạn có thể báo cho bác sĩ, chúng tôi có thể tiêm thêm thuốc tê cho bạn.

Hiện giờ phương pháp gây tê ngoài màng cứng được áp dụng nhiều nhất. Có một phương pháp dùng thuốc khác để giảm đau thông thường hoặc nhóm thuốc Morphin, hay còn gọi là nhóm thuốc phiện. Nhóm thuốc phiện này dùng giảm đau khá tốt nhưng tác dụng phụ của nó cũng nhiều như làm tụt huyết áp của mẹ, gây nôn, buồn nôn, làm cho sản phụ buồn ngủ và cái nguy hiểm nhất của nó là nó lây qua nhau thai làm ảnh hưởng đến em bé như là khi sinh ra em bé khóc không tốt hoặc là không khóc không thở, lúc đó chúng ta phải hỗ trợ thở cho em bé hoặc phải dùng thuốc hóa giải làm mất tác dụng của thuốc phiện. Vì thế, nhóm thuốc này chúng ta không sử dụng cho các trường hợp thông thường, chỉ sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, khi sản phụ không thể sử dụng được phương pháp gây tê ngoài màng cứng nên áp dụng nhóm thuốc này. Ngoài ra, các nhóm thuốc giảm đau thông thường khác không có tác dụng giảm đau nhiều, chỉ rất nhẹ thôi.

Còn những phương pháp không dùng thuốc, chẳng hạn các bạn có thể tìm hiểu về quá trình chuyển dạ, chúng ta hiểu được, chúng ta biết được chúng ta sẽ trải qua những gì trong quá trình chuyển dạ thì chúng ta có thể chấp nhận cơn đau dễ dàng hơn. Còn các phương pháp khác như thủy liệu pháp, chườm nóng, xoa bóp, massage hoặc là tập thở thì phụ thuộc vào ý chí của các bạn, có nghĩa là các bạn có đủ bình tĩnh, tỉnh táo để chúng ta thư giãn hay không. Ví dụ như khi lên cơn đau, chúng ta đau dữ dội quá thì chúng ta không thể thư giãn được, chúng ta gồng cứng người lên thì cũng không thể áp dụng được những phương pháp này. Hiện tại, BVĐK Tâm Anh vẫn sử dụng phương pháp giảm đau là gây tê ngoài màng cứng.

Em sinh mổ bé được gần 1 tháng, hiện tại em kích sữa bằng máy 3 tiếng 1 lần nhưng sữa ra rất ít, khoảng 20-30ml/lần. Nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp em cách có nhiều sữa hơn cho bé bú.

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên: Đầu tiên, để tăng lượng sữa cho bé bú, bạn phải quan tâm đến dinh dưỡng đầy đủ và dinh dưỡng khoa học. Phải ăn đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản như đạm, đường, sữa và phải ăn đầy đủ các vitamin. Ngoài ra, bạn phải uống nhiều nước, cần đảm bảo từ 2,5- 3l lít nước một ngày.

Bạn nên ưu tiên uống nước ấm để dễ lên sữa hơn, ngoài ra các bạn phải ngủ đầy đủ, tình thần thoải mái thì sữa sẽ lên nhiều hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu bạn cho bé bú thì động tác bú sẽ kích thích các tuyến của người mẹ tiết ra chất Prolactin, chất này sẽ kích thích tạo sữa nhiều hơn, còn chuyện kích sữa sẽ không bằng động tác cho bé bú. Do đó, nếu được bạn nên cho bé bú mẹ trực tiếp thay vì hút sữa.

Thứ 2, bạn phải có một tinh thần thật sự thư giãn, đừng nghĩ rằng mình ít sữa, thiếu sữa thì suy nghĩ này sẽ làm ức chế việc tạo sữa của bạn. Bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp dân gian như có thể uống nước đậu ván chẳng hạn, hoặc bạn có thể ăn những món dễ sinh sữa như canh rau đay, đu đủ hầm giò heo. Tuy nhiên, bạn đừng nên ăn giò heo quá nhiều vì trong sữa sẽ có lượng mỡ nhiều vì thế bé hấp thu không tốt, khó tiêu.

Vợ em sinh được 6 tuần bị tắc sữa, ngực trái lại có thêm một mụn nhỏ trắng ở đầu ngực. Trường hợp của vợ em nên điều trị như thế nào?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Đây là một câu hỏi mà bác sĩ sản khoa chúng tôi hay gặp khi mà chị em đã sinh xong và trở về nhà. Bình thường phụ nữ đang cho con bú gặp phải tình trạng một bên ngực trở cứng và đau, đồng thời lượng sữa giảm đi. Nếu cho rằng đây là một vấn đề gì quá lớn mà cắt nguồn sữa của em bé thì không nên. Tình huống này khiến chúng ta phải nghĩ tới vấn đề tắc tia sữa. Ở những phụ nữ có nhiều sữa đôi khi cho con bú không kịp hoặc vắt ra không hết thì sữa ở các tuyến sữa còn dư và dần keo lại, gây cản trở sữa chảy qua các ống dẫn sữa.

Thông thường, nhiều mẹ nghĩ đau bên nào thì ngưng bên đó, đang nghẹt thì tạm ngưng, tuy nhiên đây lại là việc không nên. Lời khuyên đúng là không nên ngừng khi thấy một bên ngực bị tắc hay đau mà vẫn cho bú đều hai bên. Tuy nhiên, nếu lượng sữa ra vẫn ít thì có một số giải pháp để các kênh dẫn sữa được thông suốt, sữa tiết ra nhiều hơn, cụ thể như massage, dùng khăn ấm chườm hai bên bầu sữa, dùng lược chải ngược từ phía trong bầu vú ra ngoài để sữa dồn về đầu vú và chảy ra dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, tích cực cho con bú, hút sữa ra bớt; cho bú đều hai bên, bên bị tắc cho bú nhiều hơn, lực hút của con cũng giúp thông sữa.

Hơn nữa, sau khi tái khám, bác sĩ cũng sẽ cho thực hiện các biện pháp kiểm tra, siêu âm chẩn đoán để xem có vấn đề gì phát sinh [như có bướu trong vú hay chỉ đơn thuần là bị nghẹt, chậm trễ trong việc dẫn sữa, gây tắc tia sữa].

Sau khi áp dụng tất cả các biện pháp trên mà vẫn không cải thiện tình trạng tắc sữa, y khoa sẽ đưa ra các liệu pháp vật lý cơ học, ví dụ sử dụng sóng siêu âm cao tầng, kết hợp với tia hồng ngoại, chiếu vào trong các túi sữa, những vùng mà chúng ta cho là bị tắc tuyến sữa, làm tan đi những khối tụ sữa mà không gây tổn thương tuyến sữa.

Tại BVĐK Tâm Anh, các bác sĩ sản gặp rất nhiều trường hợp này. Chúng tôi cũng đã tư vấn nhiều qua tổng đài với các biện pháp massage, hút sữa, cho con bú đều.

Đối với vấn đề có một mụn nhỏ ở đầu ngực thì bạn nên đưa bà xã trở lại bệnh viện [nơi bà xã sinh nở] hoặc có thể đến BVĐK Tâm Anh để các bác sĩ thăm khám, xem đó chỉ là những hạt mụn do nhiễm trùng, hay hạt Montgomery thường có ở trên quầng vú. Nếu đó là mụn nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ cho điều trị bằng kháng sinh hay các biện pháp phù hợp để điều trị nhiễm trùng đó nhưng vẫn giữ được nguồn sữa mẹ.

Cách đây 7 năm em sinh thường bé đầu, có đăng ký đẻ không đau nhưng khi nở gần trọn thì được bác sĩ thông báo là hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu bị giảm nên không sử dụng thuốc gây tê màng cứng. Cho em hỏi tình trạng đó là gì và nếu sinh lần nữa em có gặp lại không?

BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc: Với phương pháp gây tê ngoài màng cứng, để làm giảm đau sản khoa cần có một số điều kiện: người bệnh không có bệnh bị chảy máu, không có nhiễm trùng ở vùng da. Tiểu cầu là một tế bào trong máu, có tác dụng tạo thành một cục máu đông để lấp lại chỗ vết thương ở trên mạch máu, làm đông máu và giúp chúng ta không còn chảy máu. Trong trường hợp tiểu cầu giảm quá thấp, khi gây tê ngoài màng cứng có thể làm chảy máu ở vùng da, mô dưới da, thậm chí làm tụ máu ở khoang ngoài màng cứng và chèn ép vào các dây thần kinh ở vùng thắt lưng, có thể gây tê chân, thậm chí liệt chân.

Trường hợp giảm hồng cầu, thiếu máu quá nặng thì khi gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống làm cho chúng ta giảm huyết áp. Với tình trạng giảm huyết áp và thiếu máu này sẽ làm cho huyết áp của mẹ giảm sâu có thể gây ảnh hưởng tới em bé.

Với lần mang thai này, bạn cần phải được theo dõi trong suốt thai kỳ, có thể làm định kỳ công thức máu và chức năng đông máu. Lần cuối cùng cần làm là trước khi bạn bắt đầu vào chuyển dạ để xem xét tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; chức năng đông máu có trong giới hạn bình thường không. Chúng ta cũng phải xem xét lại các yếu tố gây ra vấn đề trong lần sinh trước của bạn có còn tồn tại đến ngày hôm nay hay không, từ đó mới xác định chắc chắn bạn có gặp lại tình trạng này hay không.

Nếu sinh thường mà chọn phương pháp sinh không đau thì còn cảm giác rặn không? Em nghe nói nếu tiêm mũi thuốc đó thì mình không còn cảm giác rặn, em bé có thể bị ngộp và phải chuyển sang sinh mổ có đúng không ạ?

BS.CKI Nguyễn Quang Nhật: Đây là câu hỏi mà các thai phụ trước khi sinh có sử dụng phương pháp sinh không đau thường hỏi. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại so với suy nghĩ của các chị em. Lý do, khi không được giảm đau tốt thì thai phụ sẽ không theo được sự hướng dẫn của bác sĩ để thực hiện một cuộc sinh tốt. Đồng thời, khi đau quá nhiều, cơ thể sẽ gồng cứng lại, điều này vô tình khiến cổ tử cung mở chậm hơn, hai chân khép lại khiến đường ra của em bé bít lại. Những yếu tố này làm chậm và tăng nguy cơ của cuộc sinh.

Do đó, giảm đau sinh nở là phương pháp giúp sản phụ đưa cuộc sinh đi theo hướng nhẹ nhàng nhất. Thực chất thuốc giảm đau khi tiêm vào ngoài màng cứng chỉ làm giảm 60-70% cảm giác đau. Hơn nữa, đây là giảm đau vùng nên vẫn còn cảm giác sinh. Chỉ cần tâm lý thoải mái, kiểm soát được cơn đau và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ trong lúc rặn sinh thì cuộc chuyển dạ sẽ thuận lợi và an toàn.

Em sinh mổ lần đầu được 8 năm, sau đó có dịch tụ vết mổ. Em mổ mở sửa sẹo được 1 năm và giờ đang có thai. Trường hợp của em có sinh thường được không hay phải sinh mổ?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Hiện nay, với tỷ lệ mổ lấy thai rất cao ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đều tăng thì cơ hội sinh thường lại khá thấp cho những phụ nữ đã từng mổ lấy thai ít nhất 1 lần. Do đó, sẽ có một số biến cố như tụ dịch vết mổ khiến khó có thai lại dễ dàng ở một số chị em.

Với trường hợp của bạn, chúng ta lại phải mổ lần nữa để sửa lại sẹo. Nghĩa là tạo một sẹo mới ngay trên sẹo mổ cũ. Chúng ta phải cắt sẹo mổ cũ trên cơ tử cung, lấy hốc sẹo rồi may áp hai cái thành lại nhằm bít hoàn toàn hốc đó để không thể tụ máu kinh hay dịch trong đó. Vậy là chúng ta có hai vết sẹo trên cơ tử cung. Điều này có nghĩa, nếu mang thai lại thì chúng ta phải thực hiện mổ lấy thai. Vì theo phác đồ xử trí chấm dứt thai kỳ hiện tại ở những phụ nữ có mổ lấy thai từ 2 lần trở lên hoặc trên cơ tử cung có sẹo mổ từ 2 lần trở lên thì chúng ta có chỉ định mổ lấy thai lại.

Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi nghĩ là bạn nên tiếp tục theo dõi thai kỳ và làm theo hướng dẫn của các bác sĩ cho đến khi đạt đến thời điểm thai trưởng thành 39 tuần trở đi hoặc ngay thời điểm có chuyển dạ thì các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai.

Em được biết đẻ không đau là gây tê vào tủy sống, nhưng từ khi có bầu 3 tháng cuối em lại hay bị đau lưng. Vậy em có sử dụng được phương pháp đẻ không đau này không, có ảnh hưởng đến cột sống sau này không?

BS.CKII Huỳnh Vĩnh Phúc: Khi mang thai đa phần phụ nữ đều bị đau lưng. Thai càng lớn tình trạng đau lưng càng nhiều. Lý do là khi có thai cơ thể thay đổi rất nhiều về nội tiết tố, làm cho các dây chằng giãn và mềm ra. Khi thai càng lớn thì trọng lượng dồn về phía trước bụng nhưng áp lực lại dồn vào phần dưới của thắt lưng.

Thế nhưng, lưng cũng chính là vùng chúng ta thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Nguyên nhân nữa, khi có thai thì nhu cầu về canxi của mẹ rất cao. Nếu không chú ý đến chế độ ăn, chúng ta sẽ bị thiếu canxi, gây ra tình trạng loãng xương, làm tăng nguy cơ đau lưng hơn nữa. Đến khi sinh xong, chúng ta thường ngồi tư thế cúi xuống nhìn con khi cho con bú, chính tư thế này làm cột sống của chúng ta cong quá mức. Cột sống cổ căng hơn, cột sống thắt lưng ưỡn nhiều hơn. Các cơ ở vai và lưng cũng căng cứng hơn. Do đó, chúng ta có thể bị đau lưng do tư thế, có thể đau cả cổ vai gáy nữa.

Một cuộc gây tê ngoài màng cứng sẽ diễn ra như sau: đi kim từ da, mô dưới da, đi qua các dây chằng ngoài cột sống [dây chằng trên gai, dây chằng liên gai và dây chằng vàng]. Trường hợp khó tìm khoang ngoài màng cứng bác sĩ có thể đâm kim nhiều lần, đổi hướng kim nhiều lần, có thể sẽ gây tổn thương những mô này. Tuy nhiên, đây là những mô mềm thì theo thời gian nó sẽ mau lành và không còn gây đau.

Có nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy, đau lưng do gây tê ngoài màng cứng chỉ kéo dài vài ngày và chưa có bằng chứng nào cho thấy tình trạng đau sẽ diễn ra lâu dài. Do đó, với tình trạng đau lưng của bạn thì từ khi có thai chúng ta phải chú ý tư thế, chế độ ăn, thế ngồi cho con bú để hạn chế đau lưng sau mổ.

Cho em hỏi GBS+ thì phải truyền kháng sinh để tránh lây nhiễm cho em bé, vậy khi sinh mổ có nguy cơ lây cho em bé không và có cần truyền kháng sinh không?

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên: Trước đây, một số nghiên cứu GBS trên những em bé sinh ra mà nhiễm trùng sơ sinh là do mẹ nhiễm GBS Thông thường, virus này nằm ở âm đạo hoặc hậu môn người phụ nữ sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng hay vấn đề gì cho sức khỏe của người phụ nữ, nhưng nó có thể dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh. Do đó, gần đây người ta khuyến cáo rằng, các thai phụ 36-37,5 tuần sẽ tầm soát xem có nhiễm GBS hay không. Nếu thai phụ có nhiễm GBS thì tới giai đoạn chuyển dạ, hoặc vỡ ối, bác sĩ sẽ truyền kháng sinh cho mẹ để tránh nhiễm trùng cho em bé khi sinh. Tuy nhiên, nếu bạn mổ lấy thai, thời điểm mà cổ tử cung chưa mở, ối chưa vỡ, thì người ta sẽ không dùng kháng sinh để truyền.

Em siêu âm lúc thai 29 tuần bị ít ối, chỉ có 80ml. Bác sĩ hẹn em siêu âm lại sau 3 ngày thì lên 90ml, nhưng đến tuần 30 em siêu âm lại thì tụt còn 83ml. Bác sĩ cho em hỏi có phương pháp nào làm tăng nước ối không?

BS.CKI Nguyễn Quang Nhật: Siêu âm của bạn lúc 29 tuần là 80ml/m, tức là 8cm, thì trong giới hạn bình thường, dưới 5cm thì tình trạng thiếu ối. Đối với tuổi thai càng nhỏ, khi gặp vấn đề thiếu ối thì mình phải tìm nguyên nhân về những dị tật bẩm sinh của bé, để xem liệu có những dị tật nào gây thiểu ối hay không. Đối với lượng nước ối của bạn từ 80-83ml, dao động trong khoảng không thay đổi, chỉ thay đổi do bác sĩ siêu âm chênh nhau một vài ml cũng không thành vấn đề, nên vấn đề của bạn hiện tại thì không có gì đáng ngại cả.

Em vừa sinh em bé được 6 tháng thì mang thai tiếp bé thứ 2. Em có nên cho bé đầu bú sữa mẹ nữa hay không?

BS.CKI Hồ Thị Khánh Quyên: Người ta thấy rằng cho bé bú trong thời gian mẹ mang thai thường không ảnh hưởng gì đối với em bé ở trong bụng. Chính vì thế, lời khuyên của y khoa là vẫn nên tiếp tục cho bé bú. Tuy nhiên, nếu bạn mang song thai, hoặc bạn có tiền sử sảy thai hoặc bạn có dấu hiệu đau bụng, ra máu, có dấu hiệu dọa sinh non thì chúng tôi khuyên rằng thời điểm đó bạn không nên cho bé bú.

Em đang mang thai IVF, hiện thai 37 tuần. Em bị nhau bám 2 mặt, cuống rốn bám mép bánh nhau. Em có thể sinh thường được không hay phải mổ lấy thai?

BS.CKI Nguyễn Quang Nhật: Thai IVF là một trường hợp thai có nguy cơ, tức là thai con hiếm, mà có yếu tố dây rốn bám mép. Nếu thai bình thường dây rốn bám ở trung tâm bánh nhau, ở đây dây rốn bám mép, tức là có thêm một nguy cơ nữa. Trường hợp của bạn chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn mổ lấy thai. Đồng thời, bác sĩ cần kiểm tra lại dây rốn bám mép đó còn thêm yếu tố gì nữa không, chẳng hạn như dây rốn bám mép, vị trí nằm gần cổ tử cung, thậm chí nó có những mạch máu tiền đạo thì mình không thể để chuyển dạ được, vì khi đó sẽ gây chảy trong tử cung, làm đứt nguồn dinh dưỡng từ mẹ thì bé sẽ mất bất cứ lúc nào.

Em đang mang thai con đầu lòng được 26 tuần. Ở tuần thai thứ 22, em đi siêu âm hình thái học thai nhi được chẩn đoán tim bẩm sinh: không lỗ van động mạch phổi và vách liên thất kín, thiểu sản thất phải. Em được biết BVĐK Tâm Anh ngoài thế mạnh sản khoa còn có đơn vị sơ sinh và khoa tim bẩm sinh, em muốn hỏi con em bị tim bẩm sinh thì em có sinh thường được không? Sau khi sinh con em sẽ được theo dõi bệnh tim bẩm sinh như thế nào?

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Thai kỳ của bạn là 26 tuần, các dị tật bẩm sinh ở tim có thể được phát hiện từ tuần 20, thậm chí ở tuần 12, 13. Những có lẽ để phát hiện rõ ràng nhất là từ tuần 20 25 của thai kỳ. Ở đây 22 tuần mình đã phát hiện một dị tật bẩm sinh khá nhiều vấn đề: không lỗ van động mạch phổi, vách liên thất kín, đây là bệnh tim khá phức tạp. Nếu bạn đang khám thai tại BVĐK Tâm Anh, ở đây ngoài Trung tâm Sản Phụ khoa còn có Trung tâm Tim mạch, các bác sĩ tim mạch làm về siêu âm tim thai và có Trung tâm Sơ sinh hỗ trợ.

Tại BVĐK Tâm Anh, với những ca chẩn đoán có tim bẩm sinh thì có sự phối hợp của 3 chuyên khoa khác nhau: Sản Phụ khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Tim mạch và Sơ sinh để xác định trong trường hợp này có kế hoạch như thế nào. Sau khi lên kế hoạch thì xác định nên sinh thường hay sinh mổ.

Như những trường hợp khác, việc sinh thường hay sinh mổ hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ định của sản khoa và y khoa, không nên vì thai nhi bị bệnh tim mà chỉ định mổ lấy thai, vì đứa bé bị bệnh tim nhưng người mẹ bình thường, không có chống chỉ định sinh ngả âm đạo. Chỉ có việc em bé có bệnh tim thì việc điều trị, chăm sóc ở những giờ đầu sau sinh cho em bé sẽ được các bác sĩ sơ sinh và tim mạch thực hiện ngay tại phòng mổ. Việc sinh thường hay sinh mổ không ảnh hưởng đến tiên lượng của em bé cũng như quá trình sinh ra của em bé.

Việc phối hợp giữa 3 chuyên khoa trong cùng một bệnh viện mang lại nhiều lợi ích; sau khi sinh xong bác sĩ sơ sinh sẽ hồi sức để giữ sinh hiệu và tình trạng tim mạch của em bé ngay trong những giờ đầu tiên, gọi là phác đồ giờ vàng để em bé trải qua những giờ đầu tiên ổn. Sau đó, các bác sĩ tim mạch sẽ làm siêu âm tim bé một lần nữa. Bởi vì tim của con người khi chào đời khác hoàn toàn tim trong thời kỳ bào thai, người ta sẽ đánh giá kỹ hơn vì lúc đó đầu dò được đặt trực tiếp lên trên thành ngực của em bé.

Sau đó, tất cả những chẩn đoán sẽ được đưa ra bàn bạc với các phẫu thuật viên về tim mạch để lên kế hoạch có nên chuyển viện bé đến 1 trung tâm tim mạch vào thời điểm nào, can thiệp gì, tiên lượng ra sao, có thể 1 lần hay 2 lần mổ tim hay chỉ cần thông tim thôi. Đây là vai trò rất lớn của phẫu thuật viên tim mạch sau khi em bé chào đời. Vai trò của các nhà sản khoa thì chúng tôi sẽ đánh giá sanh thường được hay nên mổ lấy thai, mổ lấy thai phải có lý do rõ ràng không phải vì em bé bị bệnh tim bẩm sinh.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, quy tụ đội ngũ bác sĩ sản khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tư vấn và hướng dẫn mẹ bầu theo dõi và chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Đặc biệt, Trung tâm Sản Phụ khoa còn phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác như Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh có phác đồ can thiệp xử trí kịp thời những thai kỳ nguy cơ cao, đảm bảo cuộc sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông, bé được nuôi dưỡng tốt nhất đủ nền tảng phát triển trí tuệ và thể lực về sau.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

Chủ đề:

Video liên quan

Chủ Đề