Cách nuôi và phòng bệnh cho gà

Vệ sinh phòng bệnh là vấn đề là công tác chủ yếu, đảm bảo "Ăn sạch, ở sạch, uống sạch". Nên chuồng và vườn thả phải luôn khô ráo, sạch sẽ, không để ao tù nước đọng trong khu vườn thả. 

Áp dụng nghiêm ngặt lịch phòng vaccine tuỳ theo từng địa phương. Ngoài ra, dùng kháng sinh phòng một số bệnh do vi trùng, đặc biệt đối với gà ta thả nền thì cần phải phòng bệnh cầu trùng khi cho xuống nền và thả vườn. 

a. Những nguyên nhân gây bệnh 

- Gia cầm non, gia cầm bị suy yếu, giống mẫn cảm với bệnh. 

- Môi trường sống: 

+ Thức ăn không cân bằng dinh dưỡng dễ làm con vật mắc bệnh. 

+ Nước uống không sạch. 

+ Không khí, nhiệt độ bất lợi.... 

b. Sức đề kháng của cơ thể gia cầm: 

- Mỗi con vật đều có một hàng rào cơ học để tự bảo vệ cơ thể. 

- Sức đề kháng do con người tạo bằng cách tiêm các loại vaccin phòng bệnh [sức đề kháng chủ động]. 

c. Các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: 

* Vệ sinh phòng bệnh: 

- Thức ăn tốt. 

- Nước sạch. 

- Con giống có khả năng chống đỡ với bệnh tật cao. 

- Chuồng nuôi sạch. 

- Quanh chuồng nuôi phải phát quang. 

- Thực hiện tốt qui trình thú y về vệ sinh phòng bệnh. 

* Phòng bằng Vaccine: 

Lưu ý khi dùng vaccine phòng bệnh: 

- Chỉ dùng khi đàn gia cầm khỏe. 

- Lắc kỹ vaccine trước và trong khi dùng. 

- Vaccine mở ra chỉ sử dụng trong ngày, dư phải hủy bỏ. 

Dùng vitamin để tăng bồi dưỡng cho gia cầm. 

*Phòng bằng thuốc: 

- Bệnh ở đường tiêu hóa: Oxyteracilin, chloramphenicol... 

- Bệnh đường hô hấp: Tylosin, Tiamulin,... 

Không dùng một loại kháng sinh liên tiếp trong các liệu trình. Mỗi liệu trình phòng bệnh khoảng 3-4 ngày là đủ 

d. Phòng bệnh:

Trong giai đoạn gà đẻ, chỉ sử dụng kháng sinh khi gà bệnh. 

Sau 6 tháng đẻ, ngừa lại các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro cho đàn mái đẻ. 

Các loại dịch bệnh:

BỆNH CẦU TRÙNG 

1. Nguyên nhân:

Bệnh lan truyền do gà ăn phải thức ăn, uống nước có lẫn các noãn bào. Bệnh dễ lây truyền từ chuồng này sang chuồng khác, nơi này sang nơi khác do người ta, súc vật... vô tình mang các noãn bào này đi xa. Tốc độ sinh sản nhanh của các cầu trùng khiến bệnh dễ bộc phát. 

Bệnh cầu trùng thường làm tăng tỷ lệ tử vong cho gà nhỏ, gà phát triển chậm, yếu, dễ bị bội nhiễm các bệnh khác. 

Mức độ gây bệnh tùy thuộc vào phương thức nuôi, nuôi trên sàn lưới ít mắc bệnh hơn nuôi trên nền. 

2. Triệu chứng:

Gà ủ rũ, xù lông, chậm chạp, phân đỏ hoặc sáp nhiều khi có máu tươi.Gà đẻ vỏ trứng mỏng, tỷ lệ đẻ giảm.

3. Bệnh tích:

Manh tràng sưng to, chân đầy máu.Ruột sưng to.Trong đường tiêu hóa có dịch nhầy và máu. 

4. Phòng bệnh.

Vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ, đặc biệt không để nền chuồng, chất đọng làm chuồng ẩm ướt. 

Dùng thuốc trộn vào thức ăn hay pha nước uống cho gà. 

Sử dụng một trong các loại thuốc sau [dùng trong 3 ngày]. 

+ Anticoc 1gr/1 lít nước. 

+ Baycoc 1ml/ 1 lít nước. 

5. Trị bệnh:

Tăng liều gấp đôi liều phòng 

BỆNH THƯƠNG HÀN [Salmonellosis] 

1. Nguyên nhân:

Do vi khuẩn gây ra, bệnh có thể truyền trực tiếp từ gà mẹ sang gà con và cũng có thể nhiễm gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh. 

2. Triệu chứng:

Gà ủ rũ, phân trắng loãng, hôi thối.Gà đẻ trứng giảm, trứng méo mó, mào tái nhợt nhạt hoặc teo. 

3. Bệnh tích:

- Gà con: Gan sưng, có điểm hoại tử trắng, niêm mạc ruột viêm loét lan tràn. 

- Gà đẻ: Gan có điểm hoại tử trắng, túi mật sưng to, buồng trứng đen tím, trứng non dị hình méo mó. 

4. Phòng bệnh:

Bằng các biện pháp vệ sinh tổng hợp. Có thể dùng kháng sinh để phòng bệnh: 

- Oxytetracyclin: 50-80 mg /gà/ngày, dùng trong 5 ngày. 

- Chloramphenical: 1 gr/5-10 lít nước, dùng trong 2-3 ngày. 

5. Trị bệnh:

Tăng liều gấp đôi so với liều phòng bệnh. 

BỆNH DỊCH TẢ [Newcastle disease] 

1. Nguyên nhân:

Bệnh do virus gây, lây lan mạnh. Chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, tuy nhiên bệnh cũng có thể lây qua dụng cụ chăn nuôi. 

Gà mọi lứa tuổi đều mắc bệnh. 

2. Triệu chứng:

Thường biểu hiện ở 2 thể: cấp tính và mãn tính. 

a.Thể cấp tính: Bệnh xuất hiện đột ngột, gà chết nhanh không biểu hiện rõ triệu chứng. Thường rụt cổ, ngoẹo đầu vào cánh, ủ rũ, nhắm mắt mê man bất tỉnh, sau đó chết. 

Khó thở, nhịp thở tăng, hắt hơi [con vật há mồm, vươn cổ thở]. 

Tiêu chảy phân màu xanh - trắng, diều căng đầy hơi. 

Một số con chảy dịch nhờn ở mắt, mũi.Tích, mào tím xanh. 

Nếu sau 4-5 ngày gà không chết, sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh: Gà vận động tròn theo một phía, đi đứng không vững. 

Gà giảm đẻ, vỏ trứng mềm.Tỷ lệ chết từ 50-90%. 

b. Thể mãn tính:

Những gà bị bệnh kéo dài sẽ chuyển sang thể mãn tính. Triệu chứng chủ yếu ở đường hô hấp, thở khò khè, kém ăn, giảm đẻ.... Gà trở thành vật mang trùng. Tỷ lệ chết 10%. 

3. Bệnh tích:

Biến đổi tùy thuộc vào thời gian kéo dài bệnh, lứa tuổi và độc lực của virus.Dạ dày tuyến xuất huyết, có dịch nhầy ở ruột già. 

4. Phòng bệnh:

Chủ yếu là bằng vaccine. 

5. Trị bệnh:

Dùng các thuốc tăng sức đề kháng: Vitamix, vit-plus,.... 

BỆNH GUMBORO 

1. Nguyên nhân: 

Do virus. Gà thường mắc bệnh ở 4-8 tuần tuổi. 

2. Triệu chứng:

Phân lúc đầu loãng, trắng, nhớt nhầy, sau loãng nâu. 

Gà sút nhanh, run rẫy. 

Tỷ lệ nhiễm bệnh rất nhanh: 2-5 ngày toàn đàn bị nhiễm. 

Tỷ lệ chết: 10-30%. 

Gà thịt thường phát bệnh sớm hơn [ở giai đoạn 20-40 ngày]. 

3. Bệnh tích:

Cơ đùi xuất huyết đỏ thành vệt. 

Bệnh mới phát túi Fabricius sưng to. 

-Ngày thứ 2: Thận sưng nhạt màu, ruột sưng có nhiều dịch nhầy. 

-Ngày thứ 3: Xuất huyết lấm tấm hoặc thành vệt cơ đùi, cơ ngực. 

-Ngày thứ 5,6,7 túi Fabricius teo nhỏ, cơ đùi, cơ ngực tím bầm. 

4. Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh bằng vệ sinh: Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại thường xuyên mỗi tháng và sau mỗi đợt nuôi. 

- Phòng bằng vaccine. 

- Trị bệnh: Chưa có thuốc đặc trị. Chỉ dùng thuốc tăng sức đề kháng vật nuôi. 

+ Vitamix: 2 gr/1 lít nước. 

+ Vitamine C: 1 gr/ 1 lít nước. 

+ Dexa [0,5 gr]: 1 viên/ 3-4 con. 

Dùng trong 3 ngày liên tục. 

Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gà, vịt

27/03/2013 16:00 CH Xem cỡ chữ

[Mic.gov.vn] -

Nguyên nhân và cách khắc phục các loại bệnh cho gà như: rụng lông, xù lông, sã cánh, kém ăn, ủ rũ…



Gà bị rụng lông
Hỏi: Nuôi 200 con gà ta và gà thả vườn, gần đây lông ở lưng gà rụng hết, gà không cắn mổ nhau và vẫn ăn uống bình thường, xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục [Khán giả Nguyễn Văn Sỹ - Bình Lục, Hà Nam]
Trả lời: TS Nguyễn Thị Liên Hương – Trung tâm khuyến nông quốc gia cho biết gà ta có biểu hiện như trên có thể là do những nguyên nhân sau đây:
- Do gà đẻ đã già, trống đạp mái gây rụng lông ở lưng
- Gà bị bệnh rụng lông thì có thể là do vệ sinh chuồng nuôi, vườn thả kém, nhiều ký sinh trùng ăn lông, bị nấm lông
- Do khẩu phần ăn bị thiếu chất, đặc biệt là các khoáng vi lượng cần thiết cho lông phát triển. Để khắc phục tình trạng rụng lông ở gà thì bà con chăn nuôi cần thực hiện tốt những công việc sau:
- Chăm sóc tốt, cho gà ăn đầy đủ chất dinh dưỡng
- Giữ ấm, đảm bảo nhiệt độ ổn định cho chuồng gà
- Không thả gà ra vườn vào lúc sáng sớm lúc trời còn lạnh
Ngoài ra cần bổ sung các loại vitamin cho gà, đặc biệt là Vitamin tổng hợp, ADE, B-Complex để tăng cường sức đề kháng cho gà
- Bổ sung kẽm cho đàn gà với liều 5-7g/10 kg thức ăn.
- Tăng cường cho gà ăn rau xanh
Bà con cần lưu ý giữ chuồng trại đảm bảo vệ sinh, tăng diện tích chuồng nuôi, phun khử trùng định kỳ để diệt ngoại ký sinh trùng

Bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà
Hỏi: Gà đã 3 tháng tuổi, đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin nhưng hiện nay gà bị vàng da, mặt tím tái, ăn kém, ủ rũ, đi phân nát. Xin hỏi là gà bị mắc bệnh gì và phải điều trị như thế nào? [Khán giả Nguyễn Tài Minh – Chương Mỹ, Hà Nội].
Trả lời: Phó Giáo sư Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch – Giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chẩn đoán là gà bị mắc bệnh ký sinh trùng đường máu. Để trị bệnh cho gà, anh cần làm như sau:
- Vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi để hạn chế, tiêu diệt các loại côn trùng quanh khu vực nuôi bằng cách sát trùng từ 2-3 lần/1 tuần.
- Dùng kháng sinh: sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng đường máu có thành phần SULFAMONOTHIAZINE, liều 1g/2 lít nước uống, cho uống trong 5-7 ngày.
- Dùng vitamin, điện giải và men tiêu hóa, cụ thể:
+ Dùng các chất điện giải, vitamin như AMILYTE hoặc VITROLYTE liều 1g/1 lít nước uống. Cho gà uống liên tục trong suốt quá trình điều trị.
+ Dùng thuốc tăng cường chức năng gan, thận và tăng cường giải độc cơ thể như SORAMIN hoặc LIVERCIN, liều 1ml/1 lít nước uống. Cho gà uống liên tục trong suốt quá trình điều trị.
+ Bổ sung men tiêu hóa để tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu như ZYMEPRO liều 1g/1 lít nước cho uống, hoặc là PERFECTZYME liều 100g/50 kg thức ăn, cho gà uống hoặc ăn liên tục trong suốt quá trình điều trị.
Lưu ý: sau khi dùng kháng sinh tiếp tục cho đàn gà uống 5-7 ngày thuốc bổ máu để gà chóng phục hồi sức khỏe như PHARCALCI B12. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Có nên nuôi gà đẻ trứng ở Đông Hà, Quảng Trị
Hỏi: Tôi muốn nuôi gà đẻ trứng nhưng nghe nói ở Đông Hà, Quảng Trị bị nắng nóng và gió lào không nuôi được. Muốn nuôi thì làm thế nào, có nên nuôi hay không? [Anh Nguyễn Quang Long – Đông Hà, Quảng Trị]
Trả lời: Thạc sỹ Nguyễn Thị Oanh – Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương – Từ Liêm, Hà Nội trả lời: Hiện nay có giống gà lai Ai Cập, đây là giống gà có sức chịu đựng, kham khổ, chịu nóng tốt hơn các giống gà khác mà lại nuôi thả vườn được rất phù hợp với thời tiết nơi anh ở. Anh có thể tìm mua giống gà này tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, tại đây anh có thể nhận được sự tư vấn của các chuyên gia về kỹ thuật nuôi giống gà này. ĐT: 04.38385803.

Gà bỏ ăn, ủ rũ
Hỏi: Gà 18 ngày tuổi, 1 tuần trở lại đây thì bỏ ăn, trong diều toàn trấu, cho ăn cám mới thì ăn kém, ủ rũ, sã cánh, xù lông, mổ ra thì trong diều toàn trấu, đã dùng thuốc B-complex, xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? [Khán giả Nguyễn Hào Nam – Lào Cai]
Trả lời: Theo PGS,TS Phạm Ngọc Thạch, giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, với biểu hiện mà anh mô tả thì rất có thể là gà thiếu khoáng và các nguyên tố vi lượng. Để phòng bệnh cho gà, anh cần phải làm những công việc sau đây:
- Bổ sung vào thức ăn hàng ngày lượng Vitamin B1 với liều lượng 3mg/1 kg thức ăn
- Cũng có thể sử dụng PREMIX tổng hợp đã có sẵn Vitamin B1 và các Vitamin khác như: COVIT, VITAMINO-200, VITAMINS và ELECTROLYTES POLYVIT dùng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Về điều trị, có thể pha Vitamin B1 cho uống. Đối với gà con: 5-10 mg/ngày, liên tục 3-5 ngày; đối với gà lớn: 10-15mg/ngày, liên tục từ 3-5 ngày, hoặc tiêm 5-10mg/1 kg cân nặng/ ngày, liên tục từ 3-5 ngày.

Bệnh newcastle ở gà
Hỏi: Gà 40 ngày tuổi diều đầy nước, mắt lim dim, chảy nước mắt, có con nhắm lại như bị mù, đi ngoài phân trắng, gà bị đã 2 hôm, tôi có dùng thuốc men tiêu hóa đầy hơi chướng bụng. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? [Hoàng Thị Hiên ở Văn Giang, Hưng Yên]
Trả lời: Rất có thể gà mắc bệnh newcastle. Cách trị bệnh:
-Dùng kháng thể Gumboro 1-2ml/0,5-1kgP gà.
-Tiêm lặp lại sau khi khỏi bệnh 5 ngày
-Dùng Lasota nhỏ mắt, mũi gà với liều gấp 1,5-2 lần so với phòng bệnh
-Kết hợp với uống nước phà Hanmivit, Multivit, Bcomplex, bột điện giải
-Sử dụng kháng sinh phổ rộng chống bội nhiễm như Genta-Costrim, Tylo-50… liều lượng ghi trên vỏ thuốc để điều trị.
Phòng bệnh bằng cách:
-không nên nuôi chung gà các lứa tuổi với nhau
-Chú ý khâu vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại trong quá trình nuôi
-Cần phòng bệnh bằng vắc xin sau: Dùng Lasota nhỏ mắt, mũi gà lúc 3-7 ngày tuổi và 21 ngày tuổi
-Tiêm Newcastle hệ I lúc gà 60 ngày tuổi và 135 ngày tuổi.
-Trong quá trình sử dụng vắc xin cho gà chị nên lưu ý thời hạn sử dụng. Khi đến thời điểm thì phải dùng ngay, hết thời điểm thì dùng tiếp để gà có thể miễn dịch bền vững.

Gà bị chướng diều
Hỏi: Gà bị chướng diều, đi phân nhớt, màu tím, xù lông, sã cánh, ủ rũ, khô chân, mào thâm. Gà bị bệnh đã 4-5 ngày nay, xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục. [Hà Văn Chiến ở Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa].
Trả lời: Rất có thể gà nhà anh mắc bệnh đầu đen. Để điều trị có thể dùng 1 trong 2 phác đồ sau:
Phác đồ 1 thực hiện 2 bước sau:
-Bước 1: Tiêm bắp T.AVIBRASIN 1ml/5kg gà 1 lần/ngày. Tiêm 2-3 ngày.
-Bước 2: Cho uống thuốc cúm gia súc: 1,5-2g; CORYZIN 1,5-2G; SUPER VITAMIN 2g. Cả 3 loại trên pha vào 1 lít nước cho gà uống liên tục 3-4 ngày là khỏi.
Phác đồ 2 thực hiện 2 bước sau:
-Bước 1: Tiêm bắp MACAVET 1ml/6-8kgP/1 lần. Sau 48 giờ tiêm mũi thứ 2.
-Bước 2: Cho uống thuốc cúm gia súc: 1,5-2g; CORYZIN 1,5; T.FLOX-C 1,5g; DOXYVIT Thái 2g. Cả 4 loại trên pha vào 1 lít nước cho gà uống liên tục 3-4 ngày là khỏi.
Để phòng bệnh đầu đen cho gà:
-Không nuôi chung gà Tây với gà ta và không nuôi nhiều lứa gà trong cùng 1 cơ sở chăn nuôi.
-Không thả gà ra vườn trong những ngày mưa gió to.
-Từ 20 ngày tuổi trở lên cho gà uống SULFAT đồng hoặc uống thuốc tím. Cứ 7-10 ngày uống 1 lần. Mỗi 1 lần cho gà uống 1g thuốc tím hoặc 2g SULFAT đồng pha với 10 lít nước trong 1-2 giờ sau đó nếu thừa thì đổ đi.
-Hàng tuần cần phun thuốc khử trùng và và cuốc xới sân vườn rồi rắc vôi bột.

Gà mắc bệnh đậu
Hỏi: Gà chọi mới được 6 tháng tuổi bị lên nốt như hạt ngô màu tím đỏ ở mặt, mào bị mốc trắng ăn uống vẫn bình thường, xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? [Khán giả Lê Xuân Vương - Chương Mỹ, Hà Nội]
Trả lời: Gà nhà anh mắc bệnh đậu kết hợp với bệnh vảy nến. Để điều trị cho đàn gà cần làm như sau:
-Khi gà có hiện tượng bệnh uống chất điện giải, Vitamin C, B1, đường Glucose và men tiêu hóa.
-Sát trùng vết thương, các nốt đậu bằng nước lá trầu không, dung dịch xanh Methylen 2%, sau đó bôi kháng sinh bột hoặc mỡ vào các nốt đậu như Tetracyclin, Penicillin, Streptomycin…
-Để chống bội nhiễm:
+ Pha nước cho toàn đàn uống với một trong các loại kháng sinh như sau: IAMULIN, OXYTETRACYCLIN, AMPICILI, FU-OXIT… 2 lần/ngày, 2-3 giờ/lần, liên tục 3 ngày.
Để phòng bệnh, cần:
-Mỗi tuần pha nước cho toàn đàn uống liên tục 2-3 ngày, 2 lần/ngày, mỗi lần 2-3 giờ với chất điện giải, Vitamin C, B1, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
-Mỗi tháng 1 đợt 7-10 ngày trộn thức ăn cho gà với các chế phẩm PREMIX KHOÁNG, PREMIX VITAMIN và các nguyên tố vi lượng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất
-Sát trùng chuồng trại 1-2 lần/tuần với các thuốc sát trùng như HAN-IODIN 5%, BKA, ANTISEP,…
-Khi thời tiết thay đổi, độ ẩm cao, nên phun các dung dịch sát trùng.

Gà mắc bệnh tiêu chảy
Hỏi: Gà mua được về nuôi 6 ngày có biểu hiện ủ rũ, đi ngoài, phân dính hậu môn đã bị bệnh được 2 ngày nay. Tôi đã cho dùng thuốc cầu trùng nhưng không có biến chuyển. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? [Anh Nguyễn Hoàng Nam - Kim Bảng, Hà Nam]
Trả lời: Theo miêu tả của anh, rất có thể gà đã nhiễm vi khuẩn tiêu chảy xamonela, có thể do gà mẹ truyền sang qua trứng hoặc là nhiễm sớm qua ấp nở hoặc không đảm bảo vệ sinh. Cách khắc phục như sau: cho toàn đàn dùng 1 trong các thuốc sau: NEOMICIN, GENTACOSTRIM, DOXYGEN trộn thức ăn hoặc nước uống; tiêm GENTAMICIN, LINCOSPECTO theo hướng dẫn. Kết hợp bổ sung VITAMIN; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi. Để hiệu quả thì nên chủ động phòng bệnh bằng cách vệ sinh, sát trùng chuồng trại, tăng sức đề kháng cho gà. Khi gà mắc bệnh cần chọn lọc loại thải chặt chẽ những con có bệnh nặng sau đó điều trị toàn đàn.

Điều trị bệnh thiếu vitamin cho vịt
Hỏi: Vịt đẻ được gần 1 năm, ăn kém, tụt lông cánh, ăn uống rất thất thường, lúc ít, lúc nhiều, bỏ ăn. Xin hỏi cách khắc phục? [Khán giả Nguyễn Văn Ty – Hợp Hòa, Sơn Dương, Tuyên Quang]
Trả lời: PGS,TS Phạm Ngọc Thạch chẩn đoán vịt của gia đình ông đã bị thiếu vitamin và nguyên tố vi lượng, do vậy để phòng và điều trị bệnh có hiệu quả ông cần thực hiện như sau:
- Pha Vitamin nhóm B cho uống với liều 5-10mg/ngày, liên tục trong vòng 3-5 ngày hoặc tiêm với liều 5-10mg/1 kg thể trọng/ ngày, dùng liên tục trong vòng 3-5 ngày.
- Bổ sung các nguyên tố vi lường dưới dạng PREMIX vào khẩu phần ăn hàng ngày với liều lượng 0,15-0,2 mg/kg thức ăn.

Vũ Nhung

Lượt truy cập: 19790

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT[ 3]

Họ và tên:*

Email:*

Nội dung:*

Mã Captcha:

[Tích chọn để xác nhận bạn là bạn đọc, không phải là người máy tự động]

TIN KHÁC

  • Một số bệnh thường gặp ở ngan- 27/03/2013
  • Một số bệnh thường gặp trên chim bồ câu, chim trĩ- 27/03/2013
  • Một số bệnh gặp phải khi nuôi bò- 27/03/2013
  • Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho cá, lươn, baba- 27/03/2013
  • Một số hướng dẫn nuôi và phòng bệnh cho dê- 27/03/2013

Xem theo ngày

    Video liên quan

    Chủ Đề