Cách sử dụng OBS stream Youtube

Bạn muốn sử dụng phần mềm OBS Studio để Stream trên Youtube?

Đây là phần mềm hỗ trợ tốt nhất cho việc trực tiếp buổi chơi game của bạn. Trong hướng dẫn này tôi sẽ giúp bạn sử dụng nó để bắt đầu LiveStream trên Youtube.

Nếu như bạn chưa có một kênh Youtube thì bạn cần tạo nó trước để có thể Stream trên Youtube.

Bây giờ, hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu.

Sử dụng phần mềm OBS Studio để Stream trên Youtube với 3 bước đơn giản:

1. Tải và cài đặt phần mềm OBS Studio để Stream

2. Thiết lập trình phát trực tiếp của Youtube

3. Thiết lập cuối cùng để bắt đầu Stream

Để LiveStream trên Youtube bạn cần sử dụng thêm phầm mềm hỗ trợ. Vậy nên, bạn cần tải và thiết lập các thông số trên cả phần mềm OBS Studio và Youtube.

Đầu tiên, cùng đi vào việc cài đặt và thiết lập phần mềm OBS Studio.

1. Tải và cài đặt phần mềm OBS Studio để Stream

Để tải phần mềm OBS Studio bạn cần di chuyển đến trang chủ của OBS Studio và lựa chọn phiên bản phù hợp với hệ điều hành trên máy tính của bạn.

Tại đây sẽ có 3 lựa chọn về hệ điều hành như: Windows, MacOS và Linux.

Sau khi đã tải xong, bạn cần thiết lập phần mềm OBS Studio để Stream, tùy chỉnh các thông số sao cho phù hợp với máy tính của bạn, đem chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt nhất đến với người xem và tránh xảy ra hiện tượng giật lag khi LiveStream.

Để thiết lập trên OBS Studio, bạn cần di chuyển đến góc trái của màn hình chọn File > Settings

Tab General

Đây là tab đầu tiên bạn cần thiết lập, OBS Studio hỗ trợ khá nhiều ngôn ngữ trong đó có cả Tiếng Việt. Tuy nhiên, trong hướng dẫn này tôi sẽ sử dụng Tiếng Anh để thiết lập.

Bởi trước giờ nhiều bạn đã quen với các thuật ngữ về máy tính bằng Tiếng Anh rồi. Hơn nữa, nếu chuyển sang Tiếng Việt sẽ có nhiều từ được dịch không sát nghĩa dẫn đến việc hiểu nhầm và dùng sai.

Như vậy, ở tab General nếu bạn không thay đổi ngôn ngữ thì bạn sẽ không cần phải thiết lập gì ở đây.

Tab Stream

Bạn cần chọn nguồn LiveStream, hướng dẫn này tôi muốn nói đến việc phát trực tiếp trên Youtube. Nên phần Service bạn sẽ chọn Youtube RTMPS để phát trực tiếp trên Youtube. Công việc còn lại của bạn là nhập Stream Key để hoàn tất.

Để lấy được Stream Key bạn cần truy cập đến trình phát trực tiếp của Youtube [nên tôi sẽ hướng dẫn bạn lấy Stream Key này sau khi nói về trình phát trực tiếp của Youtube].

Tab Output

Đây là tab quan trọng nhất bạn cần thiết lập trên OBS Studio để Stream, nó quyết định chất lượng đầu ra video của bạn như: hình ảnh, tốc độ truyền tải. Vì thế, tôi sẽ nói khá chi tiết về phần này để bạn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với máy của bạn và chất lượng mà bạn muốn LiveStream.

Đầu tiên, bạn là chế độ Output Mode đầu ra. Mặc định thì phần Output Mode sẽ là Simple [đơn giản] bạn cần chuyển sang chế độ Advance [nâng cao] đây là chế độ nâng cao để bạn có thể tùy chỉnh nhiều hơn.

Sẽ có 4 phần ở chế độ nâng cao mà bạn có thể thiết lập như: Streaming, Recording, Audio, Replay Buffer. Tuy nhiên, bạn chỉ cần thiết lập phần Streaming để hỗ trợ cho việc LiveSteam, những phần còn lại bạn sẽ không cần thiết lập bởi bạn sẽ không cần sử dụng đến nó.

Thiết lập phần Streaming trên OBS Studio để Stream.

1. Encodor. Đây là bộ mã hóa video. Để mã hóa video bạn có thể sử dụng các loại Card màn hình [Card màn hình rời, Card màn hình tích hợp] hay một thư viện phần mềm để mã hóa các luồng video [như x264].

  • Card màn hình rời.Để tốt nhất cho việc mã hóa video thì bạn cần sử dụng Card màn hình rời [như của NVIDIA hay AMD]
  • Card đồ họa tích hợp. Trong trường hợp máy của bạn không có Card màn hình rời, thì bạn có thể sử dụng Card đồ họa tích hợp trong CPU của Intel [QuickSync H.264] giúp cho mã hóa nhanh hơn [render nhanh hơn], đỡ tốn thời gian. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh không được đẹp so với việc sử dụng Card màn hình rời
  • Thư việc mã nguồn mở x264. Đây là thư viện cho phép mã hóa video. Nếu bạn Stream về game thì không nên sử dụng [x264] vì nó không thể đảm nhận được việc này

Tóm lại, nếu như máy của bạn có Card màn hình rời thì bạn nên sử dụng Card màn hình rời để Stream.

Lưu ý, trong hướng dẫn này tôi sẽ sử dụng Card màn hình tích hợp bởi các thiết lập của Card màn hình tích hợp sẽ giống với Card màn hình rời.

2. Rescale Output.Đây là độ phân giải đầu ra khi Stream mặc định thì sẽ đề xuất theo độ phân giải trên màn hình máy của bạn.

Thông thường, khi Stream chất lượng đầu ra cần ở độ phân giải Full HD [1920 x1080] đây là độ phân giải tiêu chuẩn khi Stream trên bất cứ nền tảng nào, nếu như phần này trên máy bạn chưa ở chế độ Full HD thì bạn có thể tích chọn vào ô trống để có thể chỉnh lại nó.

3. Target Usage [=Perset khi bạn thiết lập với Card đồ họa rời]. Quyết định hình ảnh đẹp hay xấu, nếu để thấp quá thì video càng giảm chất lượng.

Khi Stream ở độ phân giải Full HD [1920 x 1080] thì bạn sẽ chọn Quality càng thiết lập xuống thì chất lượng hình ảnh sẽ càng giảm.

4. Profile. Theo phân tích từ OBS Studio, khi bạn Stream ở độ phân giải:

  • 2K [2560 x 1440] trở lên là high
  • Ful HD [1920 x 1080] là main
  • HD [720p] thì sẽ là baseline

Tuy nhiên, tôi vẫn để thiết lập ở chế độ high cho độ phân giải Full HD [1920 x 1080] và dùng rất mượt.

5. Keyframe Interval. Đây là độ trễ của khung hình chính khi Stream, bạn cần để độ trễ là 1 giây.

6. Rate Control. Giúp điều khiển chất lượng đường truyền của video khi LiveStream. Thường thì bạn chỉ cần xem xét hai phần chính là CBR và VBR.

  • CBR: Thông thường bạn sẽ sử dụng CBR. Nó sẽ tạo cho bạn một giá trị không đổi khi render.
  • VBR: Nếu như bạn muốn chất lượng đường truyền tốt bằng việc thiết lập khoảng giá trị thay đổi tùy chỉnh thì bạn có thể sử dụng VBR.

7. Bitrate. Là tốc độ truyền tải dữ liệu trên Internet.

  • Video ở độ phân giải Full HD [1920 x 720] thì tốc độ truyền tải cần đạt từ 5000 8000 Kbps
  • Video ở độ phân giải HD [1280 x 720] thì tốc độ truyền tải cần đạt 3000 5000 Kbps

Còn lại, bạn sẽ không cần phải thiết lập gì cả. Để hiểu rõ hơn về các thông số này bạn có thể tham khảo những phân tích từ IBM.

Tab video

1. Base [canvas] Resolution: Màn hình sẽ được quay ở độ phân giải mà bạn thiết lập.

2. Output [Scaled] Resolution: Là đầu ra video xuất lên luồng trực tiếp [đây là các tùy chọn mà người xem có thể tùy chỉnh khi xem, nếu video của bạn xuất ra ở độ phân giải HD 720p thì người xem sẽ tùy chỉnh xem ở độ phân giải HD 720p trở xuống].

Vây nên, để người xem có thể xem được ở độ phân giải Full HD [1920 x 1080] thì bạn cần thiết lập độ phân giải là Full HD [1080p].

3. Downscale Filter: Phần này bạn để mặc định. Nếu bạn chọn chế độ cuối cùng thì sẽ xử lý lâu hơn và cho hình ảnh đẹp nhất. Tuy nhiên, xử lý lâu quá thì sẽ bị giật trên LiveStream. Nếu máy của bạn tốt thì bạn có thể tùy chỉnh ở chế độ cuối và test thử xem có bị giật lag khi LiveStream không.

4. FPS khung hình trên giây: Khung hình trên giây càng cao thì trải nghiệm của người xem càng tốt [theo nhiều phân tích thì 59.94 là thông số tốt nhất cho LiveStream của bạn].

Tất cả các thiết lập trên tôi đều thiết lập sao cho phù hợp quay ở độ phân giải Full HD [1920 x 1080]. Bởi đây là độ phân giải tối thiểu mà bạn cần đạt được để Stream.

Tab HotKeys

Phím tắt giúp bạn có thao tác dễ dàng trong quá trình LiveStream. Bạn có thể thiết lập bằng các phím dễ nhớ và sử dụng.

Đây là lý do hầu hết các Youtuber về game sử dụng phần mềm OBS Studio để Stream. Hãy cùng tìm hiểu các phím tắt thường được sử dụng để LiveStream.

Hai dòng đầu tiên:

  • Start Streaming: Bắt đầu phát trực tiếp
  • Stop Streaming: Dừng buổi phát trực tiếp

Sử dụng khi bạn đã thiết lập xong hình ảnh, âm thanh và sẵn sàng phát trực tiếp video.

Tiếp theo, bạn có thể thiết lập phím tắt cho các cảnh quay và âm thanh khi LiveStream.

Để Stream bạn cần thiết lập các cảnh quay như màn hình máy tính và Webcam. Các cảnh quay này bạn cần tạo ở ngoài giao diện chính của OBS Studio.

Tuy nhiên, vì đang nói đến phần phím tắt nên mình sẽ nói luôn [nếu như bạn chưa tạo thêm các cảnh quay thì mặc định bạn sẽ chỉ có một cảnh được tạo sẵn là Scene].

Dưới đây là hai cảnh quay mà tôi thiết lập:

  • Scene: Đây là Webcam [để nói chuyện với người xem khi chưa chơi game]
  • Scene 2: Đây là màn hình máy tính và Webcam [màn hình chơi game và Webcam]

Lưu ý, những cảnh này bạn có thể tự thiết lập tùy thích và có thể đổi tên ở màn hình chính của OBS Studio. Tuy nhiên, tôi sẽ để tên mặc định của cảnh khi tạo để bạn có thể dễ dàng hiểu được nó. Như thiết lập trên thì:

  • F2 để chuyển sang cảnh quay Webcam
  • F3 để chuyển sang cảnh quay màn hình máy tính và Webcam

Thiết lập này giúp bạn dễ dàng chuyển cảnh dễ dàng khi LiveStream. Tiếp theo, là cài đặt phím tắt cho âm thanh:

  • Desktop Audio [âm thanh trên máy tính như: tiếng game, nhạc, phim]
  • Mic/Aux [âm thanh của mic thu âm]

Như vậy, khi Stream bạn sẽ có thể bật / tắt tiếng mà không cần phải chuyển ra ngoài màn hình của OBS Studio.

Sau khi đã thiết lập xong các Tab trên OBS Studio để Stream trên Youtube thì bạn cần chuyển qua thiết lập với tính năng phát trực tiếp trên Youtube.

2. Thiết lập trên trình phát trực tiếp của Youtube

Như đã nói ở trên bạn cần phải thiết lập trên cả hai nền tảng. Bây giờ, hãy cùng đi vào thiết lập trên Youtube.

Lưu ý, để phát trực tiếp trên Youtube bạn cần sử dụng tính năng phát trực tiếp. Mặc định thì tính năng này sẽ bị tắt với những kênh Youtube mới hay những kênh chưa yêu cầu phát trực tiếp.

Để kích hoạt tính năng phát trực tiếp bạn cần di chuyển đến biểu tượng Camera của Youtube [ở phía trên góc phải màn hình] và chọn tính năng Phát trực tiếp, sau đó bạn cần xác minh tài khoản để kích hoạt:

  • Xác minh tài khoản Youtube của bạn, việc xác minh này rất đơn giản. Chọn quốc gia, phương thức gửi mã xác minh và nhập số điện thoại di động của bạn. Sau đó, nhập mã xác minh 6 chữ số được gửi về SĐT của bạn để xác minh tài khoản của mình
  • Chờ 24 giờ, để tính năng phát trực tiếp kích hoạt trên tài khoản của bạn

Như vậy, nếu như bạn chưa kích hoạt tính năng này thì bạn cần yêu cầu Youtube mở tính năng này bằng việc xác minh tài khoản và đợi sau 24h tính năng này sẽ được kích hoạt trên kênh của bạn.

Khi tính năng Phát trực tiếp được bật thì bạn cần thiết lập cho buổi phát trực tiếp. Việc thêm những thông tin này giống như việc bạn xuất bản một video.

Tiêu đề

Đầu tiên, là về tiêu đề của video. Bạn có thể sử dụng một tiêu đề mỗi khi bạn LiveStream [như: DukeGaming LiveStream, LiveStream, On Stream, Restream, v.v]

Hay bạn có thể sử dụng tiêu đề tùy theo nội dung phát mỗi ngày của bạn [như: Game bạn sẽ chơi, nội dung trong game bạn chơi hay buổi trò chuyện trực tiếp TalkShow v.v].

Mô tả video

Bạn có thể thêm những nội dung như sau:

  • Nội dung buổi LiveStream của bạn
  • Liên kết để nhận DONATE
  • Các liên kết mạng xã hội khác của bạn.
  • Hay bạn có thể thêm Email liên hệ hợp tác.

Tiếp theo, bạn cần thêm danh mục và ảnh thu nhỏ cho video.

Bạn cần chọn danh mục Trò chơi và thêm những game mà bạn sẽ chơi trong buổi phát trực tiếp.

Và thêm ảnh thu nhỏ video, bạn nên sử dụng một ảnh thu nhỏ mỗi khi LiveStream để dễ dàng trong mỗi buổi phát trực tiếp.

Tiếp theo, bạn cần thêm thẻ từ khóa để người xem có thể dễ dàng tìm thấy buổi phát trực tiếp và giúp Youtube phân loại video của bạn để gửi video đến đúng đối tượng người xem.

Về thêm thẻ từ khóa thì bạn cần thêm những từ khóa người dùng có thể tìm về kênh của bạn như:

  • Tên kênh
  • Tên thật của bạn
  • Tên game bạn sẽ chơi v.v.

Như vậy, bạn đã thiết lập xong phần hiển thị trên Youtube. Bây giờ, hãy cùng đi vào những thiết lập cuối cùng trên OBS Studio để Stream trên Youtube.

3. Thiết lập cuối cùng để phát trực tiếp video

Sau khi đã thiết lập các cấu hình cơ bản trên 2 nền tảng. Giờ đây bạn cần kết nối hai nền tảng này lại với để có thể Stream.

Để kết nối thì bạn cần nhập Stream Key trên Youtube vào phần mềm OBS Studio.

Bạn sẽ cần sao chép lại đoạn mã trên và thêm vào phần Stream Key còn trống ở trong tab Stream trên phần mềm OBS Studio để hoàn tất việc kết nối.

Tạo cảnh quay trên OBS Studio để Stream

Thông thường, với Stremer sẽ cần tạo 2 cảnh:

  • Cảnh thứ nhất: là Webcam [để tương tác với người xem khi chưa bắt đầu chơi game]
  • Cảnh thứ hai: là cả Webcam và màn hình chơi game

Tạo cảnh thứ nhất

Mặc định thì OBS Studio đã tạo sẵn một cảnh mặc định là Scene nên bạn sẽ không cần phải tạo cảnh thứ nhất nữa, mà bạn chỉ cần thêm nguồn vào cho cảnh. Sources [nguồn cho cảnh quay] là những thứ bạn muốn hiển thị trong video LiveStream [như Webcam hay màn hình chơi game].

Cảnh thứ nhất bạn chỉ cần hiển thị Webcam. Để chọn nguồn bạn chọn vào dấu [+] ở phần Sources và chọn Video Capture Device [Webcam].

Thông thường, khi thêm Webcam vào thì OBS Studio sẽ tự tùy chỉnh những thiết lập tốt nhất của Webcam và bạn sẽ không cần thiết lập thêm gì cả. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều Webcam hay bạn muốn tùy chỉnh lại thì bạn có thể tùy chỉnh những phần như:

  • Device: để chọn Webcam cho buổi LiveStream [hiện tại Webcam đang được chọn là Webcam mặc định của OBS, bạn cần chuyển về Webcam trên máy tính của bạn].

Bạn có thể tùy chỉnh độ phân giải, FPS của Webcam bằng cách chuyển Resolution / FPS type sang chế độ Custom [tùy chỉnh], tại đây bạn chỉ cần tùy chỉnh:

  • Resolution: độ phân giải của Webcam. Hãy chọn mức cao nhất trên Webcam của bạn.
  • FPS: Đây là khung hình trên giây, bạn cũng chọn mức khung hình cao nhất mà Webcam của bạn có.

Sau đó chọn OK để hoàn tất việc tạo cảnh thứ nhất [Webcam].

Tạo cảnh thứ hai

Tiếp theo, bạn sẽ cần tạo thêm 1 cảnh nữa và tạo thêm Sources [nguồn vào] cho cảnh đó.

Đầu tiên, bạn cần thêm cảnh hai. Để thêm cảnh 2 bạn chọn vào dấu [+] ở phần Scenes để tạo thêm cảnh hai. Tương tự như cảnh thứ nhất bạn cần thêm Sources [nguồn vào] cho cảnh hai.

Giống như cảnh thứ nhất bạn sẽ thêm Webcam, để thêm Webcam bạn sẽ chọn dấu [+] ở Sources và chọn Video Capture Device.

Tuy nhiên, bạn đã thêm Webcam ở cảnh thứ nhất rồi, nên bạn sẽ không thể tạo Webcam mới mà cần sử dụng lại tính năng Webcam ở cảnh thứ nhất, nên bạn sẽ chọn Add Existing và chọn vào Webcam đã được thêm ở cảnh thứ nhất.

Như vậy, bạn đã hoàn tất việc tạo Webcam cho cảnh thứ hai. Tiếp theo, bạn cần tạo thêm quay màn hình [màn hình chơi game] cho cảnh thứ hai.

Chọn vào dấu [+] ở phần Sources và chọn Display Capture đây là nguồn quay màn hình video của bạn.

Lưu ý, cảnh này bạn có 2 nguồn vào là Webcam và màn hình chơi game, nên bạn sẽ cần điều chỉnh vị trí của nguồn vào, nếu vị trí Webcam nằm dưới màn hình máy chơi game thì Webcam sẽ bị che đi. Vậy nên, bạn cần chuyển vị trí của Webcam lên trước vị trí của màn hình chơi game.

Sau khi thiết lập xong hai cảnh quay thì nó sẽ trông giống như thế này:

Bạn chỉ cần chọn Start Streaming để bắt đầu phát trực tiếp trên Youtube. Như vậy, chỉ với vài bước đơn giản video của bạn đã được phát trực tiếp trên Youtube.

Và đây là kết quả khi bắt đầu phát trực tiếp trên Youtube.

Khi bạn muốn kết thúc LiveStream thì bạn sẽ Stop Streaming bên OBS Studio để tạm dừng buổi phát trực tiếp và chọn Kết thúc sự kiện trực tiếp để kết thúc hoàn toàn buổi LiveStream.

Kết luận

OBS là phần mềm LiveStream miễn phí và phổ biến nhất hiện nay. Hỗ trợ bạn LiveStream trên nhiều nền tảng khác nhau. Và rất dễ dàng trong việc cài đặt và thiết lập.

Việc thiết lập các thông số vô cùng đơn giản và tôi cũng đã giải thích khá chi tiết ở trên. Hiện tại, độ phân giải phổ biến trên mọi nền tảng là Full HD, hướng dẫn trên của tôi giúp bạn LiveStream ở chế độ Full HD [1080p].

Nếu bạn muốn thiết lập LiveStream ở những độ phân giải khác thì bạn có thể tham khảo từ IBM.

Nếu có bất kể thay đổi gì về OBS Studio hay Youtube thì tôi sẽ cập nhật ở trong bài viết này. Chúc bạn thành công!

Chia sẻ
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter

Video liên quan

Chủ Đề