Cách trị ọc sữa cho trẻ sơ sinh

Tình trạng ọc sữa xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều mẹ trẻ rất lo lắng không biết con mình có vấn đề về sức khỏe hay không và bối rối không biết xử trí thế nào để không nguy hiểm cho trẻ.

Nguyên nhân ọc sữa ở trẻ sơ sinh

Đó là sự tống xuất sữa từ dạ dày lên thực quản đến miệng và ra ngoài, nguyên nhân có thể do bệnh hoặc không do bệnh.

Khi ăn, thức ăn từ miệng qua thực quản xuống đến dạ dày. Dạ dày là đoạn giữa của ống tiêu hóa, phía trên thông với thực quản qua tâm vị, phía dưới thông với ruột non qua môn vị. Dạ dày là phần phình to nhất của ống tiêu hóa, cơ dạ dày rất đàn hồi và nó có khả năng chứa đựng thức ăn rất lớn. Khi đói, cơ dạ dày co lại. Thức ăn càng vào, cơ dạ dày càng giãn ra và khi cơ đã giãn ra hết mức thì áp suất trong dạ dày đột ngột tăng lên gây ra cảm giác no. Bình thường, tâm vị đóng kín ngăn thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi thức ăn từ thực quản đến tâm vị, tâm vị sẽ mở ra cho thức ăn đi qua rồi lại đóng kín. Thức ăn trong dạ dày được nhào trộn rồi đưa qua môn vị từng chút một để xuống ruột non.

Bất kỳ nguyên nhân nào, do bệnh lý hay không do bệnh lý, làm rối loạn hoạt động co thắt của các cơ ống tiêu hóa, rối loạn nhu động hoặc sự tắt nghẽn ống tiêu hóa đều có thể gây ra hiện tượng ói ọc.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hoạt động co bóp của các cơ đường tiêu hóa đôi lúc không đồng bộ gây nên sự rối loạn nhu động ruột và trẻ bị ọc sữa. Ngoài ra, tâm vị trẻ không đóng kín, cơ vòng thực quản dưới không siết chặt làm cho sữa từ dạ dày trào lên thực quản. Nếu trẻ quấy khóc, vặn vẹo thân mình, rặn đi tiêu... sẽ làm tăng áp lực trong bụng và trẻ ọc sữa.

Thông thường khi trẻ bú, sẽ nuốt một lượng hơi vào trong dạ dày. Nếu cho bú không đúng cách, lượng hơi nuốt vào dạ dày nhiều, dạ dày chứa một lượng lớn vừa sữa vừa hơi, do đó trẻ dễ bị ọc sữa. Nếu khoảng cách các cữ bú quá ngắn, trẻ bú quá nhanh hoặc quá lâu, lượng sữa quá nhiều cũng gây nên ọc sữa.

Trong trường hợp trẻ bị bệnh, nhiễm trùng hô hấp hay tiêu hóa, trẻ cũng bị ọc sữa. Trong trường hợp này, ngoài hiện tượng ói, trẻ còn có thể có các dấu hiệu khác kèm theo như ho, chảy mũi, sốt hoặc tiêu phân bất thường...

Một số trẻ mắc chứng hẹp phì đại môn vị cũng thường xuyên bị ói do sữa đi qua môn vị khó khăn. Thông thường trẻ không ọc sữa những ngày đầu sau sanh, thường ọc xuất hiện từ tuần thứ 2 trở đi. Lúc đầu trẻ chỉ hay trớ sữa, sau đó ọc sữa dữ dội [nôn vọt], sau mỗi lần bú là ọc sữa. Đặc biệt, trẻ thường ọc có khoảng trống sau bú [có nghĩa là không ọc tức thì ngay sau bú] và không bao giờ ọc ra dịch vàng hay dịch xanh. Sau khi ọc, trẻ rất đói và đòi bú ngay. Trong trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ chuyên khoa nhi khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp lồng ruột, trẻ đột ngột nôn ói nhiều kèm theo là khóc thét từng cơn dữ dội, xanh tái, có thể đi tiêu nhày máu sau đau bụng khoảng 6 giờ. Bệnh này thường gặp ở trẻ trai bụ bẫm, dưới 24 tháng tuổi, nhiều nhất ở trẻ 3 6 tháng tuổi. Đây là 1 cấp cứu ngoại khoa. Vì vậy, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ở trẻ non tháng cũng thường khi xãy ra hiện tượng ọc sữa nhưng sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu chúng ta chăm sóc đúng cách và điều trị nâng đỡ thích hợp.

Có nhiều nguyên nhân gây ọc sữa, trong đó có những nguyên nhân không do bệnh mà chúng ta có thể loại bỏ được. Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân gây ọc sữa cần có sự can thiệp điều trị kịp thời.

Trường hợp cần đưa trẻ đi bệnh viện

- Nếu trẻ đang hoàn toàn khỏe mạnh, đột nhiên nôn ói dữ dội kèm theo quấy khóc nhiều, có thể có các dấu hiệu bất thường khác [là các dấu hiệu bình thường không ghi nhận được ở trẻ], chúng ta nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khám bệnh.

- Nếu trẻ nôn ói kèm theo các dấu hiệu bệnh lý như sốt, ho, chảy mũi hay đi phân bất thường... cũng cần đưa trẻ đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa nhi.

- Nếu trẻ nôn ói mà ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao hay sự nôn ói làm trẻ sợ bú cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa.

- Nếu sự ọc sữa của trẻ không cải thiện sau khi đã điều trị hỗ trợ, chăm sóc đúng cách, thì cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa.

Một số biện pháp giúp phòng ngừa ọc sữa ở trẻ

- Cho trẻ bú đúng cách, vừa đủ lượng sữa.

- Sữa mẹ là sữa tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp, không nên bú sữa mẹ qua bình. Thời gian trẻ bú mẹ trực tiếp vừa đủ để dạ dày trẻ giãn ra đúng mức, giúp dạ dày đủ chứa lượng sữa bú vào. Khi trẻ bú mẹ trực tiếp, sữa trong vú mẹ không tự động chảy vào miệng trẻ liên tục mà sữa chỉ vào miệng trẻ khi trẻ có động tác mút vú. Vì vậy, trẻ nuốt sữa dễ dàng hơn và ít bị rối lọan nhu động thực quản. Ngoài ra, khi sữa mẹ vắt ra bình thì hầu như lượng kháng thể quý giá trong sữa mẹ bị giảm đi. Mặc khác, khi bú bằng bình, phải đảm bảo vấn đề vệ sinh bình sữa đúng cách tránh nhiễm trùng.

- Cho trẻ bú mẹ đúng cách: nếu vì lý do nào đó, trẻ không bú được sữa mẹ hoặc không bú trực tiếp vú mẹ được, cần cho trẻ bú đúng cách:

Núm vú phải phù hợp với miệng trẻ.

Lỗ núm vú phù hợp, tránh trường hợp quá nhỏ làm cho trẻ phải gắng sức khi bú. Ngược lại nếu lỗ núm vú quá to, sữa xuống quá nhiều làm trẻ nuốt không kịp, trẻ dễ bị sặc, ói khi bú.

Không đặt bình sữa nằm ngang, sữa ngập trong núm vú tránh cho trẻ bú vừa sữa vừa hơi.

Bình sữa chuẩn.

Pha sữa đúng cách.

Tư thế bú: không cho trẻ bú khi nằm. Cần bế trẻ khi cho bú, đầu vai hơi cao, tránh gập cổ khi bú.

Sau khi cho trẻ bú xong, bế trẻ theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi. Sau đó, nhẹ nhàng đặt trẻ nằm, kê gối hơi cao dưới vai, đầu tránh gập cổ, gập bụng.

Tránh việc trẻ quấy khóc trước, trong và sau khi bú.

Trong trường hợp trẻ thiếu vi chất, đặc biệt là canxi và vitamin D, trẻ thường đổ mồ hôi, quấy khóc, vặn vẹo thân mình làm cho trẻ dễ bị ọc sữa. Trong trường hợp này, ngoài việc chăm sóc đúng cách, cần bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ.

Trẻ nên được ở trong môi trường thoáng mát. Tư thế nằm đầu, vai, mông thẳng, đầu cao khoảng 15 - 30 độ. Có thể cho trẻ nằm nghiêng, đặc biệt là nghiêng trái. Có thể tạo cho trẻ một cái kén và đặt trẻ nằm trong kén giống như tư thế trẻ trong bụng mẹ.

Với trẻ non tháng, cần bổ sung vi chất đầy đủ. Nên massage bụng trẻ trước mỗi cữ bú.

Còn khi trẻ bị ọc sữa, các bậc phụ huynh nên giữ bình tĩnh, không bế thốc trẻ lên mà nghiêng người trẻ sang bên, nhẹ nhàng nâng trẻ lên, lấy khăn lau miệng trẻ. Nếu trẻ ọc sữa qua mũi miệng, không nên dùng miệng hút sữa trong mũi, nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, vệ sinh miệng trước, mũi sau.

Video liên quan

Chủ Đề