Chức phó tế là gì

Bí Tích Truyền Chức Thánh là bí tích mà nhờ đó một người được làm linh mục, phó tế hoặc giám mục. Bí tích này là một trong hai bí tích được xếp vào hàng bí tích ơn gọi [a sacrament of vocation], bí tích còn lại là bí tích Hôn Nhân. Đó là bí tích trao một ấn tín không thể phai mờ trên linh hồn, như bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, và do đó, người ta chỉ được phong chức một lần qua bí tích Truyền Chức phó tế, linh mục hay giám mục.

Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh trong Bữa Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh khi Ngài đồng thời cũng thiết lập bí tích Thánh Thể. Ngài muốn rằng hy lễ thánh lễ sẽ được tiếp nối cho muôn ngàn thế hệ. Hai bí tích này được nối kết mật thiết với nhau. Không có bí tích Truyền Chức Thánh, thì không thể có thánh lễ; và không có thánh lễ thì cũng không có bí tích Thánh Thể. Mục đích chính của chức tư tế là để dâng hy lễ thánh lễ. Bằng những lời: “Các con hãy làm điều này mà tưởng nhớ đến Thầy”, các Tông Đồ đã được thụ phong một cách trọn vẹn cho chức tư tế với tư cách là các giám mục, một sự trọn vẹn ngụ ý rằng đức giám mục là một mục tử đứng đầu, đấng thánh hóa và thầy dạy dỗ trong giáo phận riêng của ngài. Các đức giám mục có thể cử hành cả thảy bảy bí tích. Đức Giáo Hoàng, trước hết và quan trọng nhất, là một giám mục; với tư cách là giám mục Rôma, Ngài tự động có quyền đầy đủ, tối cao, trực tiếp và phổ quát như là người đứng đầu hữu hình của Giáo Hội Công Giáo. Ngài được gọi là Giáo Hoàng Tối Cao Rôma, vị đại diện của Chúa Kitô, đấng kế vị thánh Phêrô, và là đầy tớ của các đầy tớ của Thiên Chúa.

Các linh mục chia sẻ trách nhiệm mục tử của đức giám mục trong giáo phận. Như các đức giám mục được coi là người kế vị các thánh Tông Đồ, các linh mục cũng được coi là người kế vị các môn đệ, đặc biệt là nhóm Bảy Mươi Hai được đề cập trong các Tin Mừng, những người khác biệt và tách biệt với nhóm Mười Hai Tông Đồ. Khi Giáo Hội Kitô Giáo sơ khai nhanh chóng mở rộng, Tân Ước liệt kê ra ba cấp bậc của sứ vụ được phong chức: giám mục, phó tế và chủ tế [ngày nay được gọi là linh mục]. Khi các bí tích không chỉ được phân phát trong nhà thờ mẹ, tức nhà thờ chánh tòa, và bởi đức giám mục, mà còn cả trong các nhà thờ nhỏ hơn gắn liền với nhà thờ chánh tòa được gọi là giáo xứ ngày càng gia tăng; thì các linh mục là những cánh tay nối dài hay những người đại diện đức giám mục. Họ đã thi hành quyền giáo huấn, rao giảng và thánh hóa trong chừng mực đức giám mục của giáo phận ban cho họ. Trong Công Vụ Tông Đồ chương 14:23, được viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, chúng ta đã đọc thấy, “Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.”

Trong thư thánh Phaolô viết cho ông Titô chương 1: 7- 9 chúng ta đọc thấy những phẩm chất của một giám quản [presbyter] [giám mục hay linh mục]: “Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.”

Bản chất vai trò của linh mục trong Tân Ước xuất phát từ thư gởi cho các tín hữu Do Thái 5: 6 “Con là tư tế muôn đời, theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê, [Men-ki-xê-đê là một tư tế, một nhân vật trong Cựu Ước không có nguồn gốc, người đã dâng tiến bánh cho Áp-ra-ham]. Tất cả điều này đã khắc họa trước dung mạo Chúa Kitô, Đấng là Thượng tế, Đấng không có khởi đầu, không có kết thúc bởi thiên tính của Ngài.

Một người được phong chức chia sẻ chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, để Chúa Kitô có thể tiếp tục hành động thông qua người ấy, bằng cách phân phát ân sủng của các bí tích. Các linh mục nghe giải tội, dâng lễ, chứng hôn, rửa tội, thêm sức [với sự ủy quyền đặc biệt từ đức giám mục], chôn cất người chết, cử hành Thánh Thể và là những cánh tay nối dài của đức giám mục trong việc giảng dạy đức tin cho các tín hữu.

Bạn có thể thấy một linh mục được Đức Thánh Cha ban tước đức ông [monsignor]. Linh mục không được phong chức đức ông, nhưng được vinh danh với tước hiệu này vì công việc tốt ngài đã hoàn thành.

Các phó tế cũng được phong chức, và họ được mời gọi để phục vụ đức giám mục, các linh mục và dân Chúa. Theo Kinh Thánh, họ được gọi để làm việc giữa những người nghèo. Thậm chí ngày nay, nhiều phó tế chủ trì Hiệp Hội Bác Ái Thánh Vĩnh Sơn của giáo xứ. Chức năng chính của hiệp hội này là giúp đỡ người nghèo. Các phó tế cũng có thể rửa tội, loan báo và rao giảng Tin Mừng, chứng hôn, ốp lễ, chôn cất các Kitô hữu và các cử hành Thánh Thể như phép lành Thánh Thể. Có hai hình thức phó tế: phó tế vĩnh viễn và phó tế chuyển tiếp. Phó tế vĩnh viễn là phó tế sẽ không được phong chức thêm nữa như là linh mục hoặc giám mục. Chức phó tế vĩnh viễn trong Giáo Hội Latinh đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khôi phục sau Công Đồng Vatican II. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và Byzantine vẫn còn phó tế vĩnh viễn, cũng như phó tế chuyển tiếp. Phó tế chuyển tiếp là một người sẽ được phong chức linh mục sau này. Tuy nhiên, cả hai đều là giáo sĩ và có chức năng hoàn toàn như nhau. Một người đàn ông đã có vợ có thể được phong chức phó tế vĩnh viễn, nhưng một phó tế chưa lập gia đình không thể kết hôn sau khi chịu chức theo phong tục cổ xưa. Ngay cả các linh mục Chính Thống Byzantine và Đông Phương, những người mà có một giới giáo sĩ đã kết hôn, vẫn duy trì cùng một phong tục là phải kết hôn trước khi chịu chức. Đàn ông đã kết hôn có thể được phong chức phó tế hoặc linh mục theo truyền thống đó [tức, truyền thống Chính Thống Byzantine và Đông Phương], nhưng nếu một người được phong chức khi còn độc thân, thì sau đó, vị ấy không thể kết hôn nữa. Tuy nhiên, chỉ có các phó tế hoặc linh mục chưa lập gia đình trong Giáo Hội Đông Phương mới được phong chức và được thánh hiến làm giám mục, do đó không có giám mục đã kết hôn. Giáo Hội Latinh sẽ cho phép ngoại lệ cho các phó tế vĩnh viễn mà đã kết hôn, có vợ đã qua đời trong khi vẫn còn con nhỏ để nuôi nấng, những phó tế này có thể viết thỉnh nguyện xin tái hôn, nhưng thỉnh nguyện đó phải được gửi cho Đức Giáo Hoàng.

Các đức giám mục, linh mục và phó tế có thể nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ đang hoạt động nhưng không có gì có thể chấm dứt chức thánh mà họ đã được thụ phong. Thư gởi tín hữu Do Thái [5: 6], trích dẫn Thánh Vịnh 110, nói rằng “Con là tư tế muôn đời”, vì thế Giáo Hội coi các chức thánh là vĩnh viễn, không chỉ cho đến chết như hôn nhân, mà còn vượt xa cả ở trong đời sau nữa. Đó là một ấn tín không thể xóa nhòa trong linh hồn họ, ngay cả khi họ hoàn tục hoặc “treo chén.” Thuật ngữ “treo chén” đề cập đến thực tế là linh mục không còn có thể mặc phẩm phục giáo sĩ hoặc giữ thói quen của cộng đoàn giáo sĩ của mình. Sau thủ tục theo giáo luật, Đức Thánh Cha có thể cho các thành viên của giới giáo sĩ hoàn tục. Một cách chính thức, họ không thể thi hành chức vụ trong khả năng được phong chức cho họ. Họ được miễn đọc kinh thần vụ và trong một số trường hợp họ có thể kết hôn. Vào cuối những năm 1960, có một cuộc hoàn tục hàng loạt giữa các linh mục. Nhiều vị đã đệ đơn xin Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho họ được hoàn tục và có thể kết hôn trong Giáo Hội. Dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đơn xin hồi tục không còn thường xuyên được cấp nữa. Trong thời gian gần đây, việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ [thường được gọi là “treo chén”] được coi là một hình phạt cho việc phạm một tội ác rất nghiêm trọng hoặc gây ra một vụ bê bối công khai. Những giáo sĩ bị khai trừ này bị tước danh hiệu “cha” và “quý cha”, nếu là các linh mục, và bị tước chức “đức cha” và “quý đức cha”, nếu là các giám mục, và tước hiệu “phó tế”, và “quý thầy”, nếu là phó tế. Bí tích Truyền Chức vẫn còn với họ, nhưng họ bị cấm thi hành cách hợp pháp và cử hành bất kỳ bí tích nào vì họ không còn là thừa tác viên được ủy quyền. Họ vẫn đã được phong chức, nhưng chức vụ của họ hoàn toàn bị hạn chế. Chỉ khi ai đó nguy tử, thì một linh mục bị hoàn tục mới có thể cử hành các bí tích thống hối và xức dầu cho người bệnh, và chỉ khi không có bất kỳ một linh mục được ủy quyền nào.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, [Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007], 126-28.

Phó Tế Vĩnh Viễn

Chức thánh Phó tế

Vai trò của Phó Tế vĩnh viễn ngoài xã hội

Phó Tế Vĩnh Viễn là ai ?

Trong sách Công Vụ Tông Ðồ có nói đến việc các Tông đồ đề nghị với Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi hãy chọn ra bảy người xứng đáng [Têphanô, Philip, Prokhorô, Nikanor, Timôn, Parmêna, và Nicolaô] và sau khi đã được các Tông đồ cầu nguyện và đặt tay, các vị này trở thành những phụ tá giúp đỡ công việc mục vụ của các Tông đồ [Cv 6:1-6], và đây là những phó tế đầu tiên trong Hội Thánh. Ðúng thế, từ phó tế phát xuất từ chữ Hy lạp diakonos có nghĩa là “người tôi tớ”, “người phụ giúp” [Pl 1:1]. Ðược xem như là “tai, mắt, miệng lưỡi, và con tim cũng như linh hồn của giám mục” trong việc chăm sóc Giáo hội như được ghi lại trong một tài liệu cổ Didascalia, các phó tế được trao tác vụ bác ái nghĩa là có trách nhiệm phân phối những tặng vật của cộng đoàn cho anh chị em bị bệnh hoạn hay túng thiếu, nhưng không phải chỉ là trao tặng phẩm vật chất mà thôi nhưng cũng còn là lòng nhân hậu và sự tận tụy nữa.

Ngoài ra, phó tế còn được trao công tác phụng vụ trong đó có việc hướng dẫn những người muốn trở thành Kitô hữu [dự tòng], và cho cộng đoàn rước Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh Lễ, cũng như đưa Mình Thánh cho những ai đau ốm. Dĩ nhiên, phó tế còn có sứ vụ công bố Tin Mừng qua việc dạy giáo lý hay rao giảng.

Lúc đầu, chức phó tế được hiểu có tính cách vĩnh viễn. Nhưng kể từ thế kỷ IV hay V trở đi, Giáo Hội Latinh [Tây phương] nói chung nhìn đến phó tế như một thánh chức với sứ vụ tạm thời trước khi chịu chức linh mục; đồng thời vai trò của phó tế bị hạn chế vào công việc phụng vụ mà thôi. Mãi cho đến Công đồng Vatican II, Giáo Hội mới khôi phục lại vai trò phó tế như “một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật” [Lumen Gentium, 29]. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội này trình bày rõ ràng bản chất và vai trò của phó tế với việc nhấn mạnh đến phó tế vĩnh viễn như sau:

Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm có các phó tế, những người đã được đặt tay ‘không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ’.

 Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thanh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ toạ việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ toạ lễ nghi tang chế và an táng” [LG, 29].

Việc khôi phục thánh chức phó tế vĩnh viễn theo tinh thần của Công đồng Vatican II được chính thức áp dụng trong Giáo Hội kể từ lúc Ðức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tự sắc Sacrum Diaconatus Ordinem [“Thánh Chức Phó Tế”] ngày 18.06.1967.

 Văn kiện này cũng như Bộ Giáo Luật 1983 qui định rằng các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải ít nhất là 25 tuổi nếu độc thân và không thể kết hôn sau khi thụ phong phó tế, hoặc ít là 35 tuổi nếu đã có gia đình với sự đồng thuận của người vợ và không thể tục huyền sau khi người vợ qua đời. Sau khi được truyền chức và được Ðức Giám mục sở tại bổ nhiệm, các phó tế vĩnh viễn sẽ thi hành mục vụ theo sự chỉ dẫn của vị Giám mục và với các linh mục. Mặc dầu mục vụ phó tế vĩnh viễn bao gồm các chiều kích phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và công việc bác ái, tùy theo khả năng cũng như sở thích của mỗi cá nhân và dĩ nhiên với sự chấp thuận của Ðức Giám mục, các phó tế vĩnh viễn có thể hoạt động trong các mục vụ nhà tù, nhà thương, nhà hưu dưỡng, nhà trường,…

Ðể thực hiện sứ vụ được giao, các phó tế vĩnh viễn cần được đào tạo một cách kỹ lưỡng. Ngày 10.03.1998, Toà Thánh đã ban hành tài liệu “Những Tiêu chuẩn Căn bản cho việc Ðào tạo Phó tế Vĩnh viễn” để bảo đảm sự thống nhất trong việc huấn luyện và mục vụ của các phó tế vĩnh viễn khắp nơi. Ðức Hồng y Pio Laghi, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo lúc bấy giờ, đã ca ngợi tiêu chuẩn đào tạo phó tế vĩnh viễn do Giáo hội Hoa Kỳ đề ra và muốn rằng “những tiêu chuẩn này thống nhất trong cả Giáo Hội”. Theo chương trình đào tạo do Toà Thánh đưa ra, các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải có một thời gian chuẩn bị và sau đó có ít là 3 năm học hỏi và tham gia các sinh hoạt liên quan; gặp gỡ thường xuyên với một vị linh hướng được bề trên chấp thuận; có tối thiểu 1.000 giờ học về thần học, luân lý và giáo huấn xã hội .

Như thế, trong phẩm trật của Giáo Hội hiện nay có hai dạng phó tế: phó tế vĩnh viễn và phó tế chuyển tiếp dành cho những ai sẽ tiếp tục lãnh nhận chức linh mục. Dầu vậy, ở một số nơi, hình thức phó tế vĩnh viễn [nhất là phó tế vĩnh viễn có gia đình] vẫn còn là một điều xa lạ. Lý do là thẩm quyền khôi phục phó tế vĩnh viễn tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Giám mục các nước và với sự chấp thuận của Toà Thánh: “Các nhóm Giám mục địa phương dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Ðức Giáo Hoàng có đủ thẩm quyền để xem xét có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn” [LG 29].

Theo Niên Giám Toà Thánh năm 1998, Giáo Hội Công Giáo có tất cả là 24.063 phó tế vĩnh viễn và được phân phối như sau:

– Phi châu có 331 vị thuộc 25 quốc gia

– Mỹ châu có 16.022 vị thuộc 35 nước, trong đó Hoa Kỳ có 11.837 vị và cũng là nước có nhiều phó tế vĩnh viễn nhất.

– Á châu có 142 vị, trong đó Việt Nam có 17 vị [Sàigòn 11; Vĩnh Long 1; Phú Cường 5].

– Châu Ðại dương có 160 vị thuộc 13 nước.

– Châu Âu có 7.408 vị thuộc 34 nước.

Ngoại trừ 544 phó tế vĩnh viễn thuộc các dòng tu, số còn lại thuộc về 1.100 giáo phận trong tổng số 2.800 giáo phận trên khắp thế giới.

Là những thừa tác viên của Giáo Hội Chúa được trao phó sứ mạng phục vụ Dân Ngài, các phó tế vĩnh viễn còn giúp thăng tiến hoạt động tông đồ giáo dân. “Dấn thân nhiều hơn các linh mục trong các môi trường và cơ cấu trần thế, phó tế vĩnh viễn được cảm thấy khuyến khích nuôi dư 1993]. Cuối cùng, mặc dầu không có chức tư tế thừa tác [ordained priesthood] như các linh mục, các phó tế vĩnh viễn là những thừa tác viên được phong chức để phục vụ Hội Thánh trong thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa, lo việc phụng tự, chăm sóc cộng đoàn và thực thi bác ái, và như thế đang dấn bước theo chân của Chúa Kitô, Ðấng đã làm tôi tớ cho mọi người.

 Nguồn: Ttmhcg.com

Chức thánh Phó tế

Xưa nay người Công giáo Việt Nam thường gọi người có chức Phó tế là „Thầy Sáu hay Cụ Sáu!“. Vì thời trước Công Đồng Vatican 2. [1965] ai chịu chức Linh mục phải lần lượt nhận bảy chức:

1. Giật chuông mở đóng cửa nhà thờ,

2. Đọc sách,

3. Trừ qủy,

4. Giúp lễ,

5. Trợ Phó tế,

6. Phó tế và

7. Linh mục.

Theo thứ tự đó nên quen gọi người có chức Phó tế là „ Thầy sáu hay Cụ sáu!“

Nhưng từ sau Công đồng Vatican thứ hai chỉ còn ba chức Thánh: Gíam Mục, Linh mục và Phó tế thôi. Và cũng từ ngày đó chức Phó tế được mở rộng trở về nguồn thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu cách đây hơn hai ngàn năm cho cả người đã lập gia đình có vợ con. Vì thế có tên gọi Phó tế vĩnh viễn. Người là Phó tế vĩnh viễn không được lãnh nhận chức Linh mục bao lâu người vợ bạn đường còn sinh sống.

***

Phó tế vĩnh viễn là ai? Các vị này thi hành nhiệm vụ gì trong đời sống đức tin của Gíao Hội?

1. Chức Phó tế thời Giáo Hội sơ khai

Thuở lúc ban đầu trong Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời cũng đã có những Thầy Phó tế. Kinh Thánh kể đến tên bảy vị: Stephanus, Philippus, Prochorus, Nikanor, Timon, Parmenas, Nikolaus [ Sách Tông vụ Tông đồ 6,5] đã được tuyển chọn để phụ giúp các Tông đồ chăm lo việc bác ái xã hội trong cộng đoàn các tín hữu.

Thánh Phaolô nói đến đời sống phẩm hạnh của vị Phó tế như sau:

“Các vị Phó tế cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; [9] họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. [10] Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức Phó tế, nếu không bị ai khiếu nại. [11] Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. [12] Các vị Phó tế phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. [13] những ai thi hành chức vụ Phó tế cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu.“        [Thư gửi 1. Timotheo 3, 8-13].

Phó tế theo nguyên ngữ tiếng Hylạp là Diakonos trong ý nghĩa người phụ giúp, người phục vụ. Các Phó tế là những người có chức vị trong Giáo Hội. Nhiệm vụ của họ không chỉ giới hạn vào việc bác ái xã hội [ diakonia], nhưng còn cả trong lãnh vực làm chứng rao giảng Lời Chúa [ martyria] và lễ nghi Phụng vụ [leiturgia] nữa.

Thuở Giáo Hội sơ khai các vị Phó tế là những người phụ giúp các Tông đồ trong nhiệm vụ quản trị tài sản của Giáo Hội, của Cộng đoàn, đứng đầu việc bác ái phân phát lương thực thức ăn. Nhưng dẫu vậy các vị Phó tế cũng là những người thuộc hàng ngũ giáo sỹ theo phẩm trật của Gíáo Hội và có liên quan mật thiết với phần vụ dâng Thánh lễ tế tạ ơn [eucharistica].

2. Phó tế trong phẩm trật Giáo Hội

Vị Phó tế là giáo sỹ trong Giáo Hội. Những ai theo con đường độc thân làm linh mục cũng phải được truyền chức thánh Phó tế trước khi tiếp tục nhận chức thánh Linh mục.

Những người đã có gia đình được truyền chức thánh Phó tế, và chỉ dừng lại ở đó. Họ là những vị Phó tế vĩnh viễn suốt đời.

Chỉ Đức Giám Mục giáo phận là người có quyền tuyển chọn trao ban chức thánh Phó tế qua nghi thức đặt tay trên đỉnh đầu và cầu nguyện theo nghi lễ truyền chức thánh trong Giáo Hội từ thời các Thánh Tông đồ truyền lại.

Tất cả các vị Phó tế theo phẩm trật trong Giáo Hội tùng phục quyền của Đức Giám Mục giáo phận, và làm việc phụ giúp các Linh mục trong lãnh vực đạo giáo thiêng liêng ở các giáo xứ nơi họ được gửi sai tới.

Một thời gian dài hàng nhiều thế kỷ trong Giáo Hội không có các vị Phó tế vĩnh viễn nữa. Và ngày ngay vì nhu cầu về mục vụ cũng như xã hội càng tăng, nên Công đồng Vatican thứ hai [1962-1965] đã tái thiết lập lại chức Phó tế vĩnh viễn trong Giáo Hội lo phụ trách nhiệm vụ này bên cạnh các Linh mục ở các xứ đạo.

Các Phó tế khi cử hành lễ nghi Phụng vụ nơi bàn thờ với Linh mục, ngày xưa có áo lễ -Dalmatik- riêng cho Phó tế. Nhưng ngày nay thường họ chỉ mặc áo trắng Alba và đeo dây Stola – dây các Phép không thẳng từ trên hai vai xuống đàng trước ngực, mà chéo ngang từ bờ vai bên trái đàng trước ngực và đàng sau lưng sang bờ phía bên phải.

Người Công giáo xưa nay thường quen thấy các Linh mục mặc phẩm phục hàng giáo sỹ đi đâu cũng một mình, cùng không có nhẫn đeo nơi tay. Vì các Linh mục sống độc thân.

Và nay họ lại thấy những vị cũng mặc phẩm phục như Linh mục mà lại có nhẫn cưới đeo nơi tay, có thêm người vợ và các người con đi theo bên cạnh, rồi lại thấy vị đó trong nhà thờ mặc áo lễ thầy Phó tế ở trên bàn thờ, họ bỡ ngỡ ngạc nhiên thắc mắc…Nhiều người nói theo kiểu cách vui đùa: Các vị đó được cả đời này lẫn đời sau..! Đây chỉ là suy nghĩ nói theo kiểu dân gian vui đùa thôi, chứ nào ai biết được thế nào là được đời này lẫn cả đời sau!

Các vị Phó tế vĩnh viễn là những người phải có đời sống phẩm hạnh tốt, đời sống đạo đức với lòng tin cậy mến nơi Thiên Chúa, nếp sống gia đình thuận hòa, đức tính nhân bản tốt xứng đáng nêu gương sáng giữa con người; đã trải qua nền đào tạo giáo dục văn hóa căn bản, và nhất là được đào tạo trong ngành thần học, kinh thánh cũng như mục vụ sư phạm trước khi nhận lãnh chức Phó tế, và phải có một nghề nghiệp vững chắc làm ăn sinh sống trong xã hội.

Những vị Phó tế vĩnh viễn trong Gíao Hội là những người dấn thân nghe theo tiếng kêu gọi của Chúa vào làm việc trong cánh đồng truyền gíao của Giáo Hội với những nhiệm vụ liên quan mật thiết đến rao giảng làm chứng cho nước tình yêu Thiên Chúa giữa con người.

3. Nhiệm vụ thầy Phó tế

Nhiệm vụ của thầy Phó tế trong Giáo Hội quy hướng vào ba trọng điểm:

Diakonia – Bác ái phục vụ giúp đỡ con người, nhất là những người gặp hoàn cảnh bất hạnh xấu số, bệnh tật nghèo khổ, những người gìa yếu tàn tật, những người bơ vơ cô đơn, tù tội, tỵ nạn, sinh hoạt hội đoàn đạo đức và thanh thiếu niên.

Martyria – làm chứng rao giảng Lời Chúa – Thầy Phó tế trên bàn thờ phụ giúp Linh mục dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa. Thầy có nhiệm vụ công bố đọc phúc âm Lời Chúa và được rao gỉang diễn giải Lời Chúa, hướng dẫn suy niệm Lời Chúa

Leiturgia – lễ nghi Phụng vụ- Thầy Phó tế phụ giúp trên bàn thờ trong các Thánh lễ, nhưng Thầy không được cử hành dâng thánh lễ như các Linh mục. Thầy Phó tế được :

*chứng hôn Bí tích hôn phối,

*được cử hành Bí tích Rửa tội,

*được ban chúc lành,

*cử hành lễ nghi an táng người qua đời.

Nhưng Thầy không được cử hành Thánh lễ, Bí tích Giải tội và Bí tích xức dầu bệnh nhân. Ba Bí tích này chỉ người có chức thánh Linh mục mới được cử hành thôi.

Người đàn ông nào chưa lập gia đình, chưa chịu Bí tích hôn phối, mà muốn lãnh nhận lãnh chức Thánh Phó tế, phải cam kết sống giữ luật độc thân không lập gia đình theo Giáo luật buộc khi nhận chức Phó tế, và phải ít nhất có 23 tuổi đời.

Những ai đã có gia đình trước đó, phải có ít nhất 35 tuổi đời, được giữ gia đình mình đang có, nhưng vị đó không được tái lập gia đình khi người vợ qua đời.

Những ứng sinh chịu chức Phó tế mà đã có gia đình, trước khi lãnh nhận chức Thánh Phó tế, người vợ bạn đường phải bằng lòng cho chồng mình chịu chức Phó tế sống đời giáo sỹ phục vụ trong Giáo Hội trong tư cách là Phó tế vĩnh viễn.

**************

Từ khi sang định cư sinh sống bên xã hội các nước Âu Mỹ, từ sau năm 1975, chúng ta thấy có nhiều người đàn ông đã có gia đình được đào tạo trở thành Phó tế ở các xứ đạo địa phương. Trong dòng thời gian từ hơn ba mươi năm qua, ngày nay bên Giáo Hội Công giáo Anh, Pháp, Thụy sĩ, Hoa kỳ ….đã có nhiều người Việt Nam được tuyển chọn cùng đào luyện trở thành Phó tế vĩnh viễn.

Ngày 20.11.2011 Anh Vinh Sơn Nguyễn công Trứ sau những năm tháng được đào tạo tập luyện trong ngành Thần học và mục vụ trở thành ứng sinh giáo sỹ trong Giáo phận Công giáo Münster, được truyền chức Phó tế. Như thế anh Vinh Sơn Nguyễn công Trứ là người Công Gíao Việt Nam đầu tiên ở nước Đức trở thành Phó tế vĩnh viễn.

Cầu chúc các Thầy Phó tế vĩnh viễn người Việt Nam lòng hăng say nhiệt thành là người thợ làm việc trong cánh đồng đức tin của Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Xin chúc mừng Thầy tân Phó tế Vinh Sơn Nguyễn Công Trứ ở Giáo Hội Công giáo nước Đức!

 Lm. Đaminh nguyễn ngọc Long//vietcatholic.com/News/Html/94264.htm

Vai trò của Phó Tế vĩnh viễn ngoài xã hội

Trong buổi lễ phong chức Phó Tế vĩnh viễn tại nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà ở Paris, đức Hồng Y André Vingt-Trois nói về vai trò của họ trong thế giới ngày hôm nay.

Khi phong chức Phó Tế vĩnh viễn, vị Giám mục ủy thác cho những người nam có đời sống gia đình, xã hội và có nghề nghiệp, mà vai trò của họ là phục vụ Giáo Hội trong chức vụ giáo sĩ và truyền bá Phúc Âm. Việc phục hưng lại chức vụ phó tế vĩnh viễn từ Công Đồng Vatican II trong Giáo Hội La Mã là một ân sủng và cũng là một ơn lành, vì trong chức vụ giáo sĩ được trao phó cho những người đang sống giữa xã hội, có nghề nghiệp, có gia đình v.v. đó là dấu hiệu đễ loan truyền Phúc Âm trong những điều kiện thường tình của đời sống giữa xã hội.

Lại nữa việc phong chức này cũng là một sự bày tỏ công khai là họ trực thuộc vào sứ mệnh của Giáo Hội, làm chứng cho Tin Mừng một cách sống động không phải như một giáo hữu thường mà với chức vụ họ thuộc về trong thành phần mục vụ của Giáo Hội.

Và đương nhiên, các điều này áp dụng cho những phó tế vĩnh viễn đã chịu chức cũng như những người sẽ được phong chức hôm nay, đưa ra nhiều câu hỏi. Như vậy cuộc phong chức này có ý nghĩa gì? Người ta thường nghĩ rằng vấn đề tôn giáo được thể hiện trong nhà thờ và trên cung thánh, và như thế vấn đề tôn giáo được xẩy ra như thế nào ngoài xã hội ?

Trong khi tôn giáo được xẩy ra hằng ngày, mỗi người đón nhận hoặc từ khước, điều đó có quan trọng hay không? Nhưng nếu có một ai đó ở giữa một công sở, ở giữa gia đình hay ngoài xã hội, như là sự hiện điện của Giáo Hội, đơn sơ như là chứng nhân về kinh nghiệm chính bản thân, như vậy tôn giáo đã vượt ra ngoài khung cửa nhà thờ!

Sứ mệnh của các bạn, là vượt ra khỏi khung cửa nhà thờ, cũng như kết đoàn với các giáo hữu đem Phúc Âm đi vào cuộc sống ngoài đời, nâng đỡ, khuyến khích và như một điểm tựa cho giáo dân: “Thật là đẹp duờng bao những bước chân đi rao truyền tin mừng” [Is 52,7] Thật là một niềm vui đặc biệt dưới sự bảo trợ của thánh Denis, Rustique và Eleuthere, tôi giao phó cho các bạn sứ mệnh mục vụ của tôi, của Giáo Hội trong thành phố Paris này, qua nhiều công việc mà chúng tôi giao phó cho các bạn sau khi được phong chức.

Trước khi dứt lời tôi muốn gởi đến mọi gia đình lòng yêu mến sâu xa và lòng biết ơn. Vừa rồi các bạn có nghe nhắc đến việc hỗ trợ của các phu nhân, nhưng chúng ta cũng không thể quên đi gia đình của họ là các con, các cháu. Có một điều mà các bạn không nghĩ tới, là bản thân của các bạn, giá trị cá nhân, có một đời sống quân bình làm cho cuộc sống gia đình tốt đẹp và sau những năm được thụ phong ,sẽ phong phú thêm trong chiều hướng tốt đẹp.

Tôi thành thật gởi đến tất cả mọi thành phần trong gia đình các bạn lòng yêu mến của tôi cũng như các người khách các bạn mời đến dự lễ ngày hôm nay là một dịp để thông công cùng Chúa Kitô, một chức vụ mà Chúa muốn thiết lập trong Giáo Hội của Ngài như là một dấu chỉ hiển nhiên tình yêu Thiên Chúa giữa loài người. [nguồn tin: Paris Catholique].    **R

Pt Huỳnh Mai Trác

//vietcatholic.com/News/Html/101008.htm

Video liên quan

Chủ Đề