Có nên học chương trình quốc tế

Buổi tư vấn trực tuyến truyền hình của Báo Thanh Niên với chủ đề Các chương trình đặc biệt tại thanhnien.vn, YouTube Thanh Niên và Facebook/thanhnien.com đã giải đáp băn khoăn trên của người học.

Nhiều chương trình quốc tế

Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, chương trình quốc tế tại VN hiện có 3 nhóm: trường ĐH nước ngoài có chi nhánh tại VN; chương trình liên kết giữa trường ĐH VN và trường nước ngoài để cấp song bằng hoặc bằng do đối tác nước ngoài cấp; nhóm ĐH quốc tế của Chính phủ VN. Theo ông Viên, vấn đề quan trọng là hiện có nhiều chương trình quốc tế nhưng để chọn lựa người học cần xem xét yếu tố chương trình được kiểm định và được phía VN công nhận văn bằng.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế NIIE, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý thí sinh nên đặc biệt chú ý đến giấy phép của các chương trình liên kết quốc tế. “Đa số chương trình liên kết hiện nay của VN là uy tín nhưng thỉnh thoảng vẫn lọt vài đối tác thiếu uy tín, dẫn đến tình trạng học xong bằng cấp không được công nhận. Thí sinh có thể kiểm tra danh sách này trên website của Bộ GD-ĐT”, ông Tuấn Anh nói.

Tiến sĩ Ngô Quang Trung, Giám đốc Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Hoa Sen, thì cho rằng người học còn cần tính tới khả năng ứng dụng sau khi học, học để làm gì.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng mỗi chương trình đào tạo đều có sự phù hợp với lựa chọn riêng của người học cả về tài chính, môi trường học tập...

“Lợi ích lớn nhất khi học trong nước là sự quen thuộc văn hóa, tiết kiệm chi phí hơn. Trong khi đó, chương trình liên kết trong nước cũng chính là chương trình của trường đối tác, giảng viên nước ngoài và bằng cấp được công nhận. Còn khó khăn đi du học là phải tự lập, hòa nhập văn hóa, có khả năng về tiếng Anh và phải tự kiến tạo các mối quan hệ. Đơn giản nếu chỉ sinh hoạt ở một đất nước quá lạnh thì sẽ khó khăn để làm quen”, thạc sĩ Nguyên phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh nói: “Đi du học sẽ là trải nghiệm với nền văn hóa khác nhưng học phí rất cao, đó cũng là cách tốt nhất để rèn giũa ngoại ngữ. Nhưng nếu không muốn cho con đi xa, phải bỡ ngỡ với môi trường lạ hoặc khả năng tài chính eo hẹp thì có thể chọn học trong nước”.

Còn tiến sĩ Ngô Quang Trung chia sẻ: “Du học rất tốt nhưng tốn kém. Người học phải tự thân vận động để thích nghi với môi trường, hòa nhập với cộng đồng. Có những người sau một thời gian đã nhận ra nơi đã chọn không phù hợp với mình nên phải quay về. Có những người hiểu được sự khác biệt văn hóa đang đóng góp như thế nào cho bản thân thì sự ra đi là đúng”.

Cần những điều kiện gì ?

Các chương trình đặc biệt luôn có những yêu cầu đặc biệt với người học. Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho rằng yêu cầu đầu tiên khi theo học các chương trình quốc tế là khả năng tài chính vì học phí thường cao hơn chương trình bình thường. Bên cạnh đó là yêu cầu về tiếng Anh, cấp độ tùy theo trường và chương trình đào tạo. Ví dụ với Trường ĐH Việt - Đức phải có IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương, nếu không, phải tham gia kỳ kiểm tra sát hạch để xem xét. Với các trường này, những thí sinh tiếng Anh không tốt lắm thì cần xem xét các chương trình đầu vào tiếng Anh vừa phải để không mất cơ hội.

Tại Trường ĐH Hoa Sen, ứng viên muốn theo học chương trình quốc tế cần có khả năng tiếng Anh. Bên cạnh đó phải tham gia kỳ kiểm tra sát hạch về các chỉ số cảm xúc, chỉ số thông minh. Nhưng tiêu chí bắt buộc là đạt yêu cầu phỏng vấn để cảm nhận mình có thực sự phù hợp với ngành học này không.

Còn thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thông tin, sinh viên theo học các chương trình này cần tư duy hướng ngoại để thích hợp với môi trường học tập quốc tế, khả năng hội nhập văn hóa của sinh viên và đủ sức khỏe để thích nghi môi trường sống mới.

Ông Bùi Đức Anh, Trưởng các chương trình tài năng Trường ĐH Duy Tân [Đà Nẵng], cho biết trường này có nhiều chương trình liên kết nước ngoài. Trong đó, trường phân trình độ tiếng Anh 5 mức khác nhau. Khi vào, sinh viên thi xếp lớp và sau 1 năm có thể đạt tối thiểu IELTS 5.5 để du học.

Có được chuyển đổi ?

Sinh viên có được chuyển đổi sang chương trình đại trà khi theo học các chương trình đặc biệt cũng là một băn khoăn của người học.

Giải đáp câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết sinh viên có thể chuyển đổi từ chương trình song ngữ sang đại trà nếu có các phát sinh đột xuất trong quá trình học. Bởi lẽ 2 chương trình đều có sự tương đồng về chương trình đầu vào và chuẩn đầu ra. Đặc biệt, cùng xét trên kết quả thi và học bạ nhưng chương trình song ngữ thường có đầu vào cao hơn đại trà. Trường ĐH Hoa Sen cũng cho phép người học được chuyển đổi giữa 2 chương trình.

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM sẽ xem xét tùy theo các trường hợp. Nếu sinh viên có mức điểm thi đầu vào tương ứng với chương trình chính quy thì có thể chuyển đổi. Tuy nhiên theo ông Nguyên, thực tế người học đã có sự lựa chọn rất kỹ nên tỷ lệ chuyển qua rất thấp.

Lựa chọn học nghề

Tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó tổng giám đốc Hướng Nghiệp Á Âu, cho biết Hướng Nghiệp Á Âu có 2 hệ đào tạo là sơ cấp và trung cấp với 6 ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nhà hàng - khách sạn. Cụ thể là hơn 50 chương trình khác nhau, phù hợp với từng đối tượng như bếp nóng [nghiệp vụ bếp trưởng, bếp Á, bếp Âu, bếp Nhật, học mở quán kinh doanh…]; bếp bánh [bếp trưởng bếp bánh, bánh Âu, bánh kem, bánh hiện đại…]; pha chế [bartender, barista, pha chế tổng hợp…], quản trị nhà hàng - khách sạn, làm kem, bếp gia đình...

Tin liên quan

Chọn chương trình liên kết quốc tế có chất lượng: Cách nào?

[NLĐO] - Hơn lúc nào hết, người học cần phải khôn ngoan lựa chọn cho mình một chương trình học thích hợp để khi ra trường có thể làm được nghề mình yêu thích với mức độ cạnh tranh cao

  • Kiểm định chương trình đào tạo thạc sĩ theo chuẩn quốc tế

  • Học lực trung bình có cơ hội vào chương trình quốc tế

  • Trực tuyến cơ hội vào chương trình quốc tế, chất lượng cao

Trong các hình thức đào tạo, các chương trình liên kết quốc tế đã thể hiện được các lợi thế của mình như chương trình đào tạo được cập nhật, cách thức tổ chức giảng dạy hiện đại, liên thông quốc tế và khả năng hội nhập nhanh vào môi trường công việc của người học. Tuy nhiên, không phải chương trình liên kết nào cũng đều có mẫu số chung như trên, mà như nhiều chuyên gia đã cảnh báo: "vàng thau lẫn lộn!". Các hướng dẫn dưới đây sẽ phần nào giúp học sinh và phụ huynh có thể lựa chọn cho mình một chương trình thích hợp, cân bằng giữa đầu tư và chất lượng, giúp có thể tạo lợi thế cạnh tranh khi tốt nghiệp.

Hãy bắt đầu với câu hỏi: Tôi nên làm nghề gì?

Dù bạn chọn hình thức học tập nào, trước hết bạn cần phải trả lời cho chính mình câu hỏi: "Tôi nên làm gì sau khi ra trường và tôi nên học ngành nào để làm nghề đó?". Không phải lúc nào cũng đúng nhưng thông thường thứ tự để trả lời cho câu hỏi này sẽ là xác định nghề mà mình muốn làm, kế đến tìm hiểu chương trình học [ngành học] thích hợp rồi cuối cùng mới chọn trường.

Trả lời cho câu hỏi "nghề nào cho tôi?" thường được khuyên rằng: bạn hãy đánh giá năng lực bản thân để xác định nghề thích hợp. Đã có nhiều hướng dẫn của các chuyên gia về đánh giá năng lực bản thân để lựa chọn nghề nghiệp. Một trong các cách thức đó là bộ công cụ trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp của John Holland được các chuyên gia giới thiệu ở Báo Người Lao Động. Cần lưu ý là các công cụ luôn có mức độ chính xác nhất định và người tham gia trắc nghiệm cần phải trả lời khách quan nhất có thể thì mới hy vọng có kết quả chính xác nhất. Khi đã có các gợi ý nghề nghiệp, bạn cần nên tự mình tiếp cận các công việc đó qua việc tìm hiểu thông tin, trao đổi với gia đình, hỏi thêm thầy cô giáo, trao đổi với chuyên gia hướng nghiệp và hãy tìm mọi cách để tiếp cận công việc thực tế ngay tại tổ chức hoặc doanh nghiệp để đánh giá liệu mình có thực sự thích nó và làm được nó không.

Giờ ngoại khóa của sinh viên một chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: NIIE

Để tìm hiểu ngành học các chương trình liên kết quốc tế, bạn vào website của các trường ĐH và tìm đến mục tuyển sinh. Mẹo nhỏ: bạn có thể tìm kiếm thông qua Google với từ khoá: liên kết quốc tế + tên chương trình + trường ĐH. Kết quả trả lại sẽ cung cấp đường link cho bạn để vào đúng trang web của ngành cần tìm. Thông thường các trường cung cấp rất chi tiết các thông tin ở đó. Trong trường hợp bạn vẫn chưa tìm được thông tin cần thiết, hãy gọi điện thoại trực tiếp đến số điện thoại được cung cấp. Bạn nên biết là các số điện thoại được cung cấp ở đó có mức độ "nóng/hot" khá cao so với các số điện thoại khác ở trong một trường.

Xem xét các bên tham gia đào tạo và mô hình liên kết

Thông tin đầu tiên mà bạn cần phải tìm hiểu là các bên tham gia đào tạo. Thông thường sẽ có hai bên: trường trong nước và trường nước ngoài. Với trường trong nước, bạn có thể dễ dàng biết về họ cả về uy tín đào tạo nói chung lẫn các vấn đề cụ thể hơn như cơ sở vật chất, đội ngủ giảng viên, hình thức tổ chức giảng dạy và uy tín trên thị trường lao động của sinh viên khi tốt nghiệp. Bạn có thể tìm hiểu các thông tin này qua thông tin trên báo chí, thầy cô giáo ở trường, gia đình và qua website của trường. Ngoài ra, chương trình liên kết quan trọng nhất thường ở phía đối tác nước ngoài vì vậy bạn cần chú ý phần này hơn. Kinh nghiệm cho thấy, thường các trường đối tác nước ngoài tốt sẽ tìm các trường trong nước tốt để thực hiện chương trình liên kết.

Thông thường các chương trình liên kết sẽ sử dụng toàn bộ hoặc dựa trên phần lớn chương trình của đối tác nước ngoài. Điều này vì vậy làm cho đối tác nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thành công của chương trình hợp tác quốc tế. Các vấn đề liên quan đến trường đối tác nước ngoài bao gồm uy tín đào tạo, loại hình đào tạo [công lập hay tư thục], trường xếp hạn thế nào trong nước và trên thế giới, chương trình đào tạo có được kiểm định hay không và tỷ lệ giảng viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Các thông tin này sẽ có ở trang web giới thiệu chương trình liên kết và cả ở trang web của trường nước ngoài.

Tuỳ theo hình thức hợp tác mà các chương trình này có thể chia ra:

Cấp bằng: ba hình thức bao gồm hai trường đồng cấp bằng; hai bằng; đối tác nước ngoài cấp bằng. Thường chương trình đồng cấp bằng hay hai bằng sinh viên phải học đủ các môn học theo quy định của Bộ GDĐT như chính trị, giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất. Chương trình do đối tác nước ngoài cấp bằng sẽ dựa trên 100% nội dung của trường nước ngoài và thường không có các môn này và vì vây thời gian sẽ rút ngắn hơn. Dù ai cấp bằng, nếu chương trình được cấp phép đào tạo tại Việt Nam thì sẽ được Bộ GD-ĐT công nhận bằng cấp khi hoàn thành chương trình theo quy định.

Thời gian đào tạo: có hai hình thức bao gồm một thời gian trong nước và phần còn lại tại nước ngoài [các trường thường ghi 1+3, 2+2 hoặc 3+1 tương ứng với số năm học trong nước và nước ngoài]; toàn bộ thời gian trong nước. Nếu theo các chương trình có một hoặc một số năm học nước ngoài, bạn cần chuẩn bị nguồn tài chánh dồi dào. Với chương trình toàn thời gian trong nước chi phí sẽ giảm đáng kể nhưng bạn thiếu trải nghiệm kinh nghiệm thực tế tại nước ngoài. Mẹo nhỏ: bạn có thể tìm kiếm chương trình học toàn thời gian ở Việt Nam nhưng cho phép học một đến vài học kỳ ở nước ngoài. Đối với mô hình có một thời gian học nước ngoài bạn cũng có thể tìm kiếm chương trình cho phép sẽ được tiếp tục học tiếp phần còn lại trong nước để lấy bằng do trường Việt Nam cấp.

Xem xét về chương trình đào tạo

Có một số lưu ý về chương trình đào tạo nhưng đầu tiên bạn cần quan tâm là chương trình có được cấp có thẩm quyền cấp phép hay không. Nếu chương trình chưa được cấp phép đào tạo thì bằng cấp sau này của bạn sẽ không được công nhận.

Kế đến, bạn cần quan tâm thông tin kiểm định của chương trình. Một chương trình được kiểm định sẽ tổ chức đào tạo theo một tiêu chuẩn tối thiểu đã cam kết và hoàn toàn có lợi cho người học. Bằng cấp từ một chương trình được kiểm định sẽ dễ dàng được các trường ĐH khác công nhận khi học lên cao hơn. Có một số chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được kiểm định và bạn sẽ thấy thông tin này trong các tài liệu truyền thông của chương trình bao gồm cả website của họ.

Học, thực tập, cơ hội việc làm và học phí

Đây là những vấn đề kế tới bạn cần phải quan tâm. Thông thường hình thức tổ chức học tập được các trường mô tả chi tiết trong phần giới thiệu chương trình trên các tài liệu truyền thông. Nhiều trường nước ngoài áp dụng phương thức học nhóm, học theo dự án thực tế, dựa theo phương pháp giải quyết vấn đề và đã thể hiện sự thành công trong tổ chức đào tạo. Các chương trình liên kết thường rất quan tâm đến thực tập tuy nhiên không phải chương trình nào cũng vậy. Bạn cần làm rõ với thầy cô tư vấn tuyển sinh của trường liệu có cơ hội thực tập toàn thời gian không? trong thời gian bao lâu? có được thực tập tại nước ngoài không? trường có giới thiệu nơi thực tập cho học sinh? Các công ty đó là ai?... Bạn nên nhớ thời gian thực tập là bàn đạp cho nghề nghiệp sau này và nhiều sinh viên đã được nhận làm việc ngay trong kỳ thực tập. Một chương trình ĐH tốt sẽ phải bao gồm một chương trình thực tập tốt.

Học phí và học bổng là hai vấn đề bạn cần quan tâm. Thông thường một chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật, thiết kế mỹ thuật và công nghệ có chi phí đào tạo cao hơn kinh tế, nên bạn cần lưu ý khi so sánh học phí các chương trình với nhau. Bạn cũng có thể tìm hiểu trực tiếp với thầy cô tư vấn tuyển sinh về hình thức đóng học phí vì các trường thường có chế độ kéo dãn thời gian đóng học phí cho người học. Một số trường có các học bổng cho thí sinh giỏi. Nếu có điểm tiếng Anh tốt và học lực cao bạn nên trao đổi với trường để tìm kiếm học bổng.

TS Hoàng Đức Bình [Trưởng VPĐD Trường ĐH UCN tại Việt Nam]

Video liên quan

Chủ Đề