Cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH

NỘI ĐỊA VÀ QUỐC TẾ

I. KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH VÀ PHẠM VI KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH

1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành: là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

2. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

- Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa;

- Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài;

- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa.

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 [một trăm triệu] đồng.

- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành [Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch].

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, cụ thể:

+  Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 [hai trăm năm mươi triệu] đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 [năm trăm triệu] đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 [năm trăm triệu] đồng.

- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế [Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch].

III. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH

1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;

- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

* Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như sau:

- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở;

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này;

- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

* Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định như sau:

- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Lưu ý: Quý khách hàng không cần đi lại, chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn và hoàn thiện hồ sơ của Quý khách hàng với thời gian nhanh nhất.

Mục lục bài viết

  • 1. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa?
  • Thứ hai, về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
  • Thứ ba, về hồ sơ xin cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa:
  • Thứ tư, quy định về việc ký quỹ:
  • 4. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành?
  • 6.Quy định về ký quỹ du lịch không có hiệu quả

1. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa?

Xin chào bạn, hiện tại bên mình đang có nhu cầu xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Giấy đkkd hiện tại bên mình đang có, chỉ còn thiếu giấy phép lữ hành nội địa từ sở du lịch nữa. Bạn có thể gửi giúp mình báo giá cũng như các giấy tờ cần thiết được không nhỉ. Và cho mình hỏi nữa là nếu từ bây giờ mình đăng kí làm thủ tục thế nào ?

Cảm ơn luật sư!

Trả lời

Thứ nhất, về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Pháp luật cho phép doanh nghiệp tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Khi tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh những ngành, nghề mà doanh nghiệp dự định tiến hành kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cụ thể mà pháp luật quy định trong từng luật, thông tư, quyết định của các cơ quan, ban ngành ban hành. Với doanh nghiệp của bạn, nếu bạn đã đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi thành lập doanh nghiệp rồi thì không cần phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh, bạn chỉ cần làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.

Thứ hai, về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Điều 31 Luật du lịch năm 2017 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp

- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. [Mức ký quỹ là 100.000.000 VNĐ]

- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải tốt nghiệp trung cấp trở lên về lữ hành, nếu tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Thứ ba, về hồ sơ xin cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa [Mẫu số 04-Phụ lục II Ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL]

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh

- Giấy chứng nhận ký quỹ dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp

- Bản sao chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và người trực tiếp phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

- Bản sao chứng thực văn bằng của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Hồ sơ nộp tại Sở văn hóa và thể thao nơi công ty đặt trụ sở chính. Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ tại Sở kế hoạch đầu tư thì bạn sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì sẽ được thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thứ tư, quy định về việc ký quỹ:

Việc ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định tại Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP như sau:

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 [một trăm triệu] đồng.

- Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

4. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành?

Xin chào luật sư! Em muốn mở công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh du lịch và phiên dịch, khách của em chủ yếu người nước ngoài, họ đến TP. Hồ Chí Minh và đặt tour bên em. Công ty em sẽ chỉ phục vụ họ ở Tp. Hồ Chí Minh thôi.

Vậy thì em phải xin giấy phép con, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hay quốc tế? Em nghĩ của em là nội địa vì em chỉ làm tại TP. Hồ Chí Minh, không biết có đúng không ạ?

Mong Luật sư tư vấn giúp. Em xin cám ơn!

Trong trường hợp của chị, khách của chị là khách du lịch nước ngoài. Vì theo quy định tại điều 10 Luật du lịch năm 2017 có quy định như sau :

Điều 10. Các loại khách du lịch

1. Khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

2. Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam.

3. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch.

4. Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Như vậy ở đây chị muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch thì chỉ có thể là đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Vì ở đây khách của chị là khách nước ngoài và bên chị tiến hành các dịch vụ đặt tour cho họ thì theo hướng dẫn tại điều 30 Luật du lịch 2017 có quy định:

Điều 30. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.

2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Trong trường hợp này bạn bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp thì mới được thực hiện kinh doanh dịch vụ này. Nếu bạn đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì sẽ được thực hiện kinh doanh cả dịch vụ lữ hành nội địa.

Điều kiện tiến hành kinh doanh lữ hành quốc tế được quy định tại khoản 2 điều 31 Luật du lịch 2017 bao gồm:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng:

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 [hai trăm năm mươi triệu] đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 [năm trăm triệu] đồng;

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 [năm trăm triệu] đồng.

- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được quy định tại điều 33 Luật du lịch 2017:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật Du lịch 2017;

- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Còn đối với trường hợp mà bạn muốn thành lập công ty TNHH thì bạn sẽ chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020 và gửi đến phòng đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

"Điều 22. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a] Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;

b] Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c] Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư"

6.Quy định về ký quỹ du lịch không có hiệu quả

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Du lịch năm 2017 là quy định: doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không cần phải có vốn pháp định nhưng phải ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm với khách du lịch.

Theo quy định của Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ, mục đích của ký quỹ là: “Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối”.

Như vậy, có thể thấy rằng, “tiền ký quỹ” là để giải quyết những vấn đề của khách du lịch khi gặp rủi ro. Cụ thể, quỹ chỉ được sử dụng khi du khách bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp. Mục đích này dường như bị “trùng lặp” với các quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hệ thống pháp luật Việt Nam:

Thứ nhất, kinh doanh dịch vụlữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách. Chương trình du lịchlà văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi. Do đó, việc sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách sẽ là một phần không thể thiếu được của hầu hết các chuyến đi. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, chủ xe cơ giới, người vận chuyển hàng không phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách. Pháp luật cũng quy định người kinh doanh vận tải đường thủy nội địa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba, người vận chuyển hành khách bằng đường biển có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển đối với hành khách. Ngoài ra, Luật Du lịch cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch phải mua bảo hiểm cho khách du lịch theo phương tiện vận tải. Như vậy, khi vận chuyển khách du lịch, chủ các phương tiện vận chuyển phải bắt buộc mua bảo hiểm cho khách du lịch.

Thứ hai, ngoài bảo hiểm do người vận chuyển mua, khách du lịch còn có thể được thanh toán tiền chữa bệnh, thậm chí là các chi phí nếu bị tử vong bằng bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật. Mặc dù, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đã được mở rộng rất nhiều, ngoài người lao động, học sinh, sinh viên... [thậm chí bao gồm cả người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam], tuy nhiên vẫn chưa bao quát hết được phạm vi khách du lịch. Nhưng có thể thấy rằng, phần lớn khách du lịch là người Việt Nam khi bị tai nạn, rủi ro liên quan đến sức khỏe, tính mạng đều sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.

Thứ ba, Luật Du lịch cũng quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch. Công ty bảo hiểm sẽ chi trả chi phí cho tổn thất về sức khỏe, tài sản, hành lý cho người đang sinh sống tại Việt Nam [gồm những người có quốc tịch Việt Nam và người có quốc tịch nước ngoài sinh sống tại Việt Nam] muốn đi du lịch, thăm hỏi, công tác, du học trong nước cũng như nước ngoài.

Như vậy, ở Việt Nam, với ba hình thức bảo hiểm này, việc chi trả cho những rủi ro, tai nạn hoặc tổn thất về sức khỏe, tính mạng cho du khách đều có thể được thực hiện kịp thời. Trong đó, chúng tôi cho rằng, việc bán bảo hiểm cho khách du lịch là quan trọng nhất. Bởi lẽ, để các công ty bảo hiểm bán sản phẩm của họ, thì họ sẽ phải kiểm tra, thẩm định quy trình cung cấp sản phẩm nên sẽ giám sát, theo dõi sát sao hoạt động của các doanh nghiệp mà họ bán sản phẩm. Những hành vi, hoạt động bất hợp lý có thể bị loại trừ bởi các công ty bảo hiểm. Không công ty bảo hiểm nào tiếp tục bán hoặc áp dụng mức phí bảo hiểm thấp với những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng hoặc luôn để xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định của Điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, quỹ chỉ dùng trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kính phí để giải quyết kịp thời. Vô hình chung, quy định này đã đẩy rủi ro cho khách du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước thực sự cần phải xem xét lại vấn đề này. Bởi lẽ, kinh doanh lữ hành là ngành nghề đối mặt với rất nhiều rủi ro như: thiên tai, tai nạn giao thông, tai nạn leo núi, trèo thác, ngộ độc thực phẩm... Nếu một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mà không đủ kinh phí để chi trả, giải quyết những sự cố xảy ra cho khách hàng thì cũng không nên để những doanh nghiệp này tồn tại. Mặc dù Việt Nam đang huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch, nhưng không phát triển du lịch bằng mọi “giá”, dẫn đến quyền lợi của khách du lịch không được bảo đảm. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thậm chí đã chấp nhận đón khách của tour 0 đồng; do quy mô nhỏ nên chi phí quản lý ít đã hạ giá tour; cung cấp sản phẩm kém chất lượng gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; lừa dối khách du lịch gây mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch quốc gia... Do vậy, những doanh nghiệp không có đủ khả năng về mặt tài chính thì cần phải bị loại bỏ ra khỏi thị trường.

Mặt khác, cũng theo quy định của Điều 16 Nghị định 168, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành... Như vậy, chỉ chính doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đó mới quyết định việc sử dụng tiền ký quỹ. Giả sử, khi xảy ra những sự cố, rủi ro không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của du khách, nhưng doanh nghiệp lữ hành cho rằng những rủi ro này không do lỗi của họ và họ không làm đề nghị giải tỏa tạm thời tiền quỹ, thì cơ quan quản lý nhà nước về lữ hành không thể tự lấy tiền quỹ của doanh nghiệp ra để chi trả cho du khách. Mặt khác, khoản tiền ký quỹ cao nhất chỉ là 500 triệu đồng khó đủ để lo chi phí trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của đoàn du khách nước ngoài. Đặc biệt là các đoàn du khách nước ngoài đến Việt Nam theo loại hình du lịch MICE thường có số lượng lên đến hàng trăm du khách một chương trình hoặc chương trình du lịch “team building” có quy mô lớn. Trong khi doanh nghiệp lữ hành luôn “chạy” nhiều chương trình du lịch cùng lúc. Do vậy, có thể thấy khoản tiền ký quỹ này là quá ít, chưa kể đến doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa chỉ ký quỹ có 100 triệu đồng. Vấn đề tiếp theo là khi xảy ra tranh chấp giữa du khách và doanh nghiệp lữ hành, tòa án hoặc cơ quan thi hành án có được can thiệp để giải quỹ lấy tiền bồi thường cho du khách hay không cũng là câu hỏi chưa có giải đáp rõ ràng. Bởi theo quy định hiện tại thì chỉ duy nhất cơ quan cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quyền đề nghị ngân hàng giải tỏa quỹ.

Ngoài ra, quy định về ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng tạo ra những băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép lữ hành, như: giả sử trong trường hợp cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành “bận” không giải quyết kịp trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không thể có tiền đưa du khách đi cấp cứu, dẫn đến du khách bị tử vong do bị can thiệp y tế chậm thì sẽ chịu trách nhiệm ra sao?

Trên thực tế để “né” việc phải thực hiện việc ký quỹ trên, nhiều doanh nghiệp du lịch đã thỏa thuận với nhau, giao cho một doanh nghiệp đăng ký và đóng ký quỹ, các doanh nghiệp còn lại vẫn xây dựng và bán tour trên danh nghĩa doanh nghiệp đã ký quỹ thông qua một hợp đồng hợp tác “bán lại khách” hoặc làm hợp đồng đại lý. Như vậy, với hợp đồng đại lý thì Luật Du lịch năm 2017 đã quy định rõ, doanh nghiệp giao đại lý “tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán; chịu trách nhiệm với khách du lịch về chương trình du lịch giao cho bên nhận đại lý lữ hành”. Còn hợp đồng hợp tác “bán lại khách” du lịch để hưởng chênh lệch trên giá tour, thì vẫn do doanh nghiệp có ký quỹ thực hiện tour. Nhưng ngược lại, với trường hợp doanh nghiệp đối tác tìm được lượng khách đủ đông để tổ chức thực hiện tour thì họ sẽ tự thực hiện tour và nếu có kiểm tra của cơ quan nhà nước thì sẽ “qua mặt” bằng cách khai báo là tour của công ty có ký quỹ thực hiện.

Do vậy, có thể nói rằng, quy định về việc ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành vô tình đã tạo điều kiện cho hoạt động của những doanh nghiệp kém về năng lực tài chính tham gia kinh doanh, tạo ra những hệ lụy trên thị trường du lịch Việt Nam và gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam. Mặt khác, khảo sát thực tế cho thấy, đến nay tuyệt đại đa số doanh nghiệp lữ hành chưa bao giờ sử dụng tiền ký quỹ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nên bỏ quy định về ký quỹ. Nếu chọn bảo vệ quyền lợi hợp lý cho du khách, hiện thực hóa trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với khách du lịch trong hoạt động của mình, chúng ta nên quy định vốn pháp định với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp bắt buộc với mức bồi thường tương đương mức vốn pháp định chúng ta muốn. Cần chọn phát triển những doanh nghiệp lữ hành có “chất lượng”, thay vì chạy theo “số lượng” như hiện nay.

Những điều cần lưu ý: Nếu đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế thì được đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa còn trường hợp đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa thì không được đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế.

Trân trọng./.

Bộ phận luật sư doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề