Dân vùng nào phát âm chuẩn nhất ở việt nam năm 2024

Người ta ví TPHCM như vùng đất hội tụ cũng có cái lý, khi ở đô thị phương Nam này có thể nghe đủ giọng nói các vùng miền.

Nghe âm sắc hơi nặng, “răng, rứa, mô, tê”, thế nào cũng người quê miền Trung; giọng phát âm chuẩn hơn, âm điệu nhanh hơn một chút, đa phần người đến từ miền Bắc. Giọng miền Nam nghe qua dễ biết, có người nhận xét nghe hơi đớt đớt bởi cách phát âm thường theo kiểu quen miệng, mang âm sắc phương ngữ Nam bộ nhiều hơn. Nói thẳng ra thì cái giọng nghe quê trớt.

Điệu bộ nhà quê nhưng khiến khách phương xa vừa nghe lần đầu cũng thấy dễ chịu, bởi trong âm sắc của tiếng nói đủ nhẹ, đủ chậm, một cách gần gũi rất tự nhiên.

Người phương Nam thường không câu nệ trong cách nói, phát âm quen miệng nên thành ra khi viết cũng dễ sai lỗi chính tả một cách rất Nam bộ, như dấu ngã và hỏi, “r”- “d”- “g”, “tr”- “ch”, “o”- “ô”… Lỗi phát âm “r”- “g” dễ biết là dân Bến Tre.

Dân miệt vườn hay ghẹo nhau câu nói “Bắt con cá gô, bỏ trong gổ, nhảy gồ gồ” (Bắt con cá rô, bỏ trong rổ, nhảy rồ rồ). Hay nghe qua cách xưng hô khi nói chuyện, như: “chế” (chị), “hia” (anh, chú)… chính hiệu dân miệt thứ (Kiên Giang), Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Có lẽ trong cách gọi nghe thương nhất, mang nét đặc trưng phổ biến ở đất phương Nam là tiếng gọi tía, má. Người miền Nam, nhất là Tây Nam bộ, thường gọi ba mẹ là tía, má. Tiếng má vừa gần vừa thương, bởi má không chỉ là má đẻ ra mình, mà chị em của má thay vì gọi dì, nhiều người cũng gọi theo thứ tự trong nhà như: má Bảy, má Tư… Và bất kể quen lạ, đi chợ gặp cô bán rau, dì bán cá, ông chú xe ôm trạc tuổi ba mẹ mình người ta cũng gọi: “Má ơi, cá này bán sao?”, “Cải này bao nhiêu một ký vậy má?” hay “Từ đây qua đó, nhiêu tía?”…

Cái giọng quê trớt lắm khi cũng làm khách phương xa lưu luyến, bởi trong cách nói, câu cảm thán cũng đậm nét phương ngữ miệt vườn như: “Mèn đét ơi”, “Dữ thần hôn”, “Nhớ nghen”, “Cảm ơn nghen”… Chỉ cần nghe qua, đôi khi còn chưa rõ ý nhau, nhưng cầm chắc đó là người phương Nam, cách nói đặc trưng không lẫn với nơi nào được.

Để làm quen với một ai đó, thích nghi với vùng đất nào đó, dễ nhất chính là cách trò chuyện. Bắt chuyện với người miền Trung, người ta thường xưng hô là o, nhấn nhá mô, tê… Hay nhóm bạn ở lớp đại học của tôi, cũng bắt đầu sang giọng miền Nam, thỉnh thoảng lại ghẹo nhau: “Ăn cơm dồi hả?” (Ăn cơm rồi hả?), quen dần với cách hỏi: “Hôm nay, có đi mần hông?” (Hôm nay, có đi làm không?).

Trong mớ hành trang của những người xa quê, có lẽ đặc trưng văn hóa ở vùng đất mà họ sinh ra và lớn lên, một loại hành lý vô hình nhưng luôn bên cạnh dù là ở đâu. Công việc, học hành tất nhiên phải sử dụng từ ngữ toàn dân, có khi đòi hỏi người ta giao tiếp tiếng nước ngoài… Nhưng đâu đó, bất chợt nghe giọng “răng, rứa” người ta nhận ra đồng hương đất miền Trung dặm dài nắng gió, phát âm lộn giữa “l”- “n” thể nào cũng là chị gái, anh trai đất Bắc hay câu hỏi bằng giọng quê trớt: “Mần ăn khá hông mày?” (Làm ăn khá không mày?) biết ngay ông chú dân miệt vườn thứ thiệt.

Mỗi vùng đất một bản sắc, bản sắc đó nuôi dưỡng tâm hồn con người ta qua bao thế hệ để rồi mỗi người là một bản sắc riêng ở vùng đất hội tụ và khi gặp đúng điệu quê mình lại rôm rả chuyện trò. Đất Nam bộ, miền Trung hay xứ Bắc đều có những giọng điệu, âm sắc cho riêng mình để người ta nhận ra người quê mình qua vài câu chào hỏi… Hay giữa phố xá xa lạ, hiện đại, nghe giọng quê trớt, chợt người ta thấy lòng mình như ấm lại một lời ru miệt vườn, một làn gió mát thổi từ dòng sông chở nặng phù sa.

1. Thứ 6, ngày 2-12-2016, chúng tôi dự giờ đột xuất không báo trước ở lớp 8A, Trường THCS xã Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Lớp có 35 em, cô Phạm Thị Thanh Bình dạy văn là chủ nhiệm. Cả lớp đang học tiết Luyện nói: Thuyết minh về một thứ đồ dùng. Bài tập đã được giao chuẩn bị sẵn ở nhà, đến giờ học, các em đứng lên thuyết trình “vo” trước lớp. Gần như cả lớp sôi nổi giơ tay, rồi các em Hùng, Mạnh, Đức, Hạnh… được cô giáo mời lên thuyết trình, cả lớp trao đổi, bổ sung.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tất cả các em trình bày không cần giấy đọc, nhưng đều tự tin và lưu loát như nhau. Cả người nói lẫn người hỏi, đáp, không bạn nào ngọng đã đành, mà còn phát âm rất chuẩn, nhanh các từ khó nhất mà người ta thường lẫn như: r, gi, d/ tr, ch/ s, x... Đặc biệt âm “d” được các em phát âm rất lạ tai, phân biệt hẳn với “gi” và khác hẳn tất cả các vùng khác ở miền bắc…

2. Gần đây, dư luận phê phán tình trạng “nói ngọng tràn lan” với cách dùng phương ngữ lệch chuẩn cả trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Có ý kiến còn nêu “đố tìm được vùng nào không nói ngọng”. Nhưng xin thưa, nếu về xã Phục Lễ thì người ta sẽ rút lại lời “thách” này. Cụ Phạm Văn Soàng, 76 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch xã vẫn nhớ như in câu chuyện 40 năm trước: năm 1973, Phục Lễ được phong xã Anh hùng, đi đầu trong phong trào sản xuất, chiến đấu, từ đó, có rất nhiều đoàn về tham quan học tập, có tháng tới 23 đoàn khách, cả trong và ngoài nước. Năm 1976, có đoàn Ủy ban Văn hóa - Khoa học của Quốc hội, trong đó có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, sau khi nghe cán bộ xã đọc báo cáo và nghe người dân nói chuyện, ông rất ngạc nhiên phát hiện ra rằng người Phục Lễ không hề nói ngọng, kể cả khi đọc và nói. Khi trở về, nhạc sĩ đã nhiều lần đề xuất lấy tiếng Phục Lễ làm chuẩn phát âm (chính âm), rồi từ đó là chuẩn chính tả cho cả nước. Nhưng do chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể, mọi việc chìm lắng đi. Câu chuyện trở thành một “điển cố” để người dân Phục Lễ kể cho nhau nghe.

3. Nhưng sự kiện này đã không bị những nhà nghiên cứu bỏ qua. Năm 1982, GS Ngữ văn Nguyễn Kim Thản từng đề cập trong cuốn sách “Tiếng Việt trên đường phát triển” với ý kiến “Có người muốn lấy xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên làm điểm âm chuẩn” bởi tiếng nói ở đây “có đủ các âm và các thanh như chữ viết đã phản ánh”. Năm 2007, TS Võ Xuân Hào trong cuốn “Dạy học chính tả cho học sinh tiểu học theo vùng phương ngữ” có nêu lại ý kiến này. Nhưng phải đến năm 2014, nhà nghiên cứu - giảng viên Tạ Thành Tấn (Khoa Ngữ văn - Trường đại học Sư phạm Hà Nội) công bố một loạt các bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và luận văn thạc sĩ: “Hệ thống ngữ âm thổ ngữ Phục Lễ, Thủy Nguyên - Hải Phòng” dựa trên cứ liệu phân tích bằng các phần mềm máy tính hiện đại, thì mọi việc được xác định sáng tỏ. Nghiên cứu của Tạ Thành Tấn khẳng định: Thổ ngữ Phục Lễ có hệ thống phụ âm đầu phong phú nhất cả nước (23 phụ âm); sự chênh lệch về âm sắc cao-trung-thấp với thổ ngữ Hà Nội không lớn với tám thanh điệu (sáu thanh chính cộng hai thanh phụ). Hệ thống vần và âm sắc tương ứng phương ngữ Bắc Bộ. Trong cách đọc phụ âm phân biệt rõ ràng các âm quặt lưỡi: tr, r, s tương ứng với các âm không quặt lưỡi ch, gi, x (phân biệt rõ hơn hẳn “tiếng Hà Nội” một nấc). Không hề lẫn lộn l/n như nhiều địa phương đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt tiếng Phục Lễ còn bảo lưu “phụ âm tắc hữu thanh thở”: “d”, được người sáng tạo quốc ngữ ký âm lại bằng con chữ “d”. Khiến cho việc phân biệt các âm biểu thị với ba chữ: r/gi/d là hoàn toàn thực tế, trùng khít với trạng thái ghi âm của chữ Quốc ngữ. Cách đọc phụ âm “d” lè lưỡi chạm răng kiểu người Phục Lễ (mà chúng tôi cảm thấy lạ tai khi nghe các em học sinh nói) theo thạc sĩ Tấn, chỉ còn tồn tại ở một số vùng ở Quảng Bình (khu IV cũ), và tiếng Tày ở Cao Bằng, là sự bảo lưu âm tiếng Việt từ trước thế kỷ 17. Điều này đã được giáo sĩ Alexandre de Rhodes miêu tả và ghi lại trong cuốn từ điển Việt-Bồ-La năm 1651.

Và tác giả kết luận: “Hệ thống ngữ âm thổ ngữ Phục Lễ tương ứng hoàn toàn với sự thể hiện của chữ Quốc ngữ của tiếng Việt hiện nay (chính âm trùng khít với chính tả); giữ vững được nét khu biệt âm vị học; bảo tồn được cả dấu vết cổ của tiếng Việt lịch sử. So sánh với thổ ngữ Hà Nội và phương ngữ Bắc Bộ nói chung, thổ ngữ Phục Lễ có một sự đa dạng, phong phú hơn cả”.