Điểm trung bình thi đại học năm 2022

Điểm chuẩn sẽ không biến động lớn

Nhìn phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức- Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, với nhiều tổ hợp xét tuyển sẽ không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyển. 

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

"Mức phân hóa của đề thi năm nay ổn định cơ bản như 2021. Tổ hợp đạt điểm tối đa 3 môn cũng giảm đi rõ rệt. Nhưng tổ hợp điểm nằm trong khoảng 24-26 điểm sẽ không có biến động lớn. Các tổ hợp có Ngoại ngữ, Sinh học sẽ giảm nhẹ. Ngược lại các tổ hợp có môn Lịch sử, Giáo dục công dân sẽ tăng rất rõ rệt. Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái" – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định.

TS Hoàng Văn Quynh, Phó Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn [ĐH Quốc gia Hà Nội] cũng cho rằng, dù với khối C00, điểm thi môn Lịch sử tăng hay khối D01, điểm thi Ngoại ngữ giảm thì khả năng điểm chuẩn năm nay vẫn giữ ổn định như năm trước. Với trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, điểm chuẩn dự báo dao động từ 24-27 điểm.

Phân tích rõ hơn luận điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, năm 2022, khả năng cao là các trường dành chỉ tiêu theo phương thức điểm thi THPT theo tổ hợp nhiều hơn so với năm 2021 nên điểm chuẩn dự kiến các nhóm ngành sử dụng các tổ hợp môn thi cơ bản giữ như năm 2021.

Với riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm nay trường phân bổ khoảng 20-30% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy chỉ tiêu cho phương thức này ít nhưng số lượng điểm 10 của thí sinh cũng giảm nên điểm chuẩn những ngành hot của trường được dự báo ổn định như năm 2021.

Riêng tổ hợp có môn Sinh khả năng giảm

Một điểm dễ nhận thấy là năm 2022, điểm thi môn Sinh giảm mạnh. TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nha Trang nhận xét: Điểm trung bình môn Sinh giảm 0,5 điểm, điểm trung vị môn Sinh giảm tới 0,8 điểm với với năm 2021, vì thế điểm chuẩn đại học xét tuyển từ tổ hợp B00 [Toán, Hóa, Sinh] có thể giảm từ 0,5 đến 1 điểm so với năm 2021.

Điểm thi môn Sinh và Ngoại ngữ- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giảm rõ

Trong ba môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên, môn Sinh có phổ điểm xấu nhất. Hơn 24.000 thí sinh trên tổng số 322.200 em dự thi đạt 4,5 điểm khiến phổ điểm môn Sinh có đỉnh ở ngưỡng dưới trung bình. Xung quanh mốc này, 4-5 cũng là khoảng điểm mà nhiều thí sinh đạt được và đây cũng là môn học có quá nửa số thí sinh dưới trung bình [163.642 em, chiếm 50,79%], trong đó có 94 điểm liệt. Số điểm 10 cũng giảm hơn một trăm lần khi năm nay chỉ 5 thí sinh đạt điểm tối đa, trong khi 2021 là 582 em.

Với ngành Y khoa, theo phân tích của PGS. TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Y Hà Nội thì dù điểm môn Sinh giảm nhưng cả nước vẫn có 465 thí sinh đạt từ 27,5 điểm trở lên đối với tổ hợp B00 [Toán, Hóa, Sinh]. Trong khi đó, chỉ tiêu ngành Y khoa của hai trường ĐH Y lớn nhất cả nước dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT khoảng 480 chỉ tiêu. Nếu tính điểm ưu tiên trung bình là 0,5 thì điểm thi phải đạt từ 28 điểm đối với tổ hợp B00 mới có hy vọng trúng tuyển vào ngành Y khoa của trường ĐH Y Hà Nội. Điểm chuẩn ngành này năm 2021 của trường là 28,85

Đồng thuận ý kiến trên, Ths Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Khoa học Tự nhiên [ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh] đưa ra dự báo điểm chuẩn tổ hợp có môn Sinh năm 2022 như sau: Các ngành có điểm chuẩn khối B năm 2021 từ 24 trở lên thì điểm chuẩn đại học từ tổ hợp có môn Sinh giảm từ 0,5 – 1 điểm. Với các ngành có điểm chuẩn khối B năm 2021 từ 18 đến 24 điểm thì điểm chuẩn của ngành có môn Sinh sẽ giảm nhẹ từ 0,25 – 0,75 điểm hoặc không giảm đối với một số ngành. 

Điểm khác biệt năm nay là thí sinh có gần một tháng để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ thí sinh trong giai đoạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển; đồng thời, thí sinh phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hướng dẫn tuyển sinh. Cùng với đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sắp xếp thứ tự nguyện vọng, thực hiện đúng thời gian, các bước trong quy trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống bởi nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật thông tin đăng ký và không chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. 

Ngoài kết quả điểm thi THPT 2022, Bộ GD&ĐT còn có dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương để điều chỉnh việc dạy học ở các trường phổ thông. Năm học 2021-2022, kết qủa đối sánh điểm thi và điểm học bạ cho thấy, hầu hết các địa phương có điểm học bạ cao hơn điểm thi.

Sau mỗi môn thi, chờ kết quả. Ảnh: Quỳnh Anh

Với môn Toán, điểm trung bình lớp 12 trên toàn quốc là 7,51, mốc điểm có nhiều học sinh đạt nhất là 8. Nếu thống kê số lượng học sinh theo học lực, gần 39% đạt loại Giỏi và gần 41% đạt loại Khá. Điểm học bạ môn Toán của Hải Phòng là 8,14 - cao nhất cả nước. Tiếp theo là Đồng Tháp 8,01, Hưng Yên 7,99, Hải Dương 7,99, Hà Nội 7,94… Tuy nhiên, điểm trung bình thi tốt nghiệp chỉ là 6,47. Những địa phương có điểm trung bình học bạ cao nhất lại không có tên trong danh sách điểm trung bình thi tốt nghiệp cao nhất. Về nhất môn Toán là Nam Định, tiếp đến là Bình Dương, TPHCM, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam…

“Điểm học bạ cao, điểm thi thấp hơn cũng phản ánh các nhà trường chạy đua thành tích, chưa chú trọng dạy học thực chất cũng như đánh giá sát năng lực học sinh”.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Đối với môn Ngữ văn, điểm học bạ trung bình cả nước là 7,21, trong khi điểm thi trung bình chỉ đạt 6,51. Tiền Giang đứng thứ nhất về điểm trung bình học bạ với 7,66 điểm, nhưng điểm thi lại tụt xuống thứ 11 với 7,02 điểm. Bắc Kạn có điểm trung bình học bạ đứng bét bảng, nhưng kết qủa điểm thi lại xếp thứ 35. TPHCM có kết quả điểm thi Ngữ văn xếp thứ 34 [6,34 điểm] nhưng điểm học bạ lại xếp thứ 18 [7,31 điểm].

Đặc biệt, với môn Hóa học, Sinh học, Hà Nội dẫn đầu điểm trung bình học bạ với số điểm lần lượt là 8,25 và 8,38, nhưng kết quả điểm thi 2 môn này của học sinh Thủ đô lại ở thứ 58, với số điểm chênh theo thứ tự là 1,94 và 3,74 điểm. Tỉnh Bình Phước có điểm học bạ xếp thứ 14 nhưng điểm thi lại nằm cuối bảng. Đây được cho là điều bất bình thường nhất khi điểm học bạ vênh với điểm thi tới gần 3,8 điểm.

“Chưa chú trọng dạy học thực chất”

Ngoại ngữ là môn thi có nhiều bài thi bị điểm liệt nhất, tỉ lệ học sinh có điểm dưới trung bình cao nhất - gần 52%. Kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi cho thấy, môn học này cũng có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, trên toàn quốc, điểm trung bình học bạ là 7,27, số điểm nhiều học sinh đạt được nhất là 8 nhưng kết quả điểm thi trung bình chỉ là 5,15 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8. Theo nhiều chuyên gia, vênh 4,2 điểm là con số quá cao, khó có thể hình dung được.

Hầu hết các địa phương đều đánh giá năng lực học sinh môn Ngoại ngữ ở mức khá, giỏi với điểm trung bình thấp nhất là 6,34 [Sơn La], cao nhất là Hải Phòng [8,04 điểm]. Tuy nhiên, trung bình điểm thi lại vênh khá lớn, trong đó, Hà Giang xếp bét bảng với 3,79 điểm và địa phương có số điểm cao nhất lại là TPHCM nhưng cũng chỉ dừng ở mức 6,39 điểm. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… là các thành phố lớn, nơi có nhiều gia đình đầu tư cho con học Ngoại ngữ nhưng trung bình điểm thi của môn này cũng chưa đạt điểm 6, trong khi điểm trung bình học bạ các trường ở địa phương đánh giá học sinh ở mức 7,6-8,04 điểm.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Kết quả kỳ thi có thể đánh giá được mức độ, năng lực học tập của học sinh trên toàn quốc”. Theo GS Đức, đánh giá chung bảng đối sánh trung bình điểm thi và học bạ cho thấy, với những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định…, hầu hết các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Trong khi đó, những vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn. Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch, đối với từng môn học thì khoảng chênh lệch 1 điểm là khoảng cho phép, phù hợp. “Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học sẽ sát hơn và tốt hơn”, ông Đức nhận định.

Ngoài ra, nếu tính theo điểm trung bình chung 9 môn thi, Nam Định là địa phương dẫn đầu cả nước, Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố lớn với lượng thí sinh dự thi rất cao nhưng lần lượt xếp thứ tự 25 và 13. Nếu tính số lượng bài thi đạt điểm 10, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu, Hà Nội về nhì tiếp theo là Phú Thọ, Nam Định, Hải Phòng…

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, lý giải: “Hà Nội xếp hạng 25 có thể dễ hiểu vì địa bàn rộng lớn, chất lượng giáo dục không đồng đều”. Bên cạnh các trường có chất lượng cao, phụ huynh chú trọng đầu tư, quan tâm giáo dục thì tỉ lệ học sinh khó khăn, chưa được quan tâm tương xứng còn rất lớn. “Điểm học bạ cao, điểm thi thấp hơn cũng phản ánh các nhà trường chạy đua thành tích, chưa chú trọng dạy học thực chất cũng như đánh giá sát năng lực học sinh”, TS Khuyến nói.

Video liên quan

Chủ Đề