Giải pháp phát huy những giá trị của gia đình truyền thống

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác Hồ khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”[1]. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng quy định rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vai trò của gia đình Việt Nam trong việc hình thành và phát triển xã hội chưa bao giờ mất đi giá trị… Không những thế, việc xây dựng các chuẩn mực về văn hóa gia đình để góp phần phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc lại càng trở nên cấp thiết trong đời sống hiện nay, nhất là đời sống gia đình đô thị…, khi mà những chuẩn mực đạo đức trong xã hội đang có những thay đổi, “môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng…”[2]. Đề ra những giá trị mới cho phù hợp với xu thế xã hội hay giữ lại những giá trị truyền thống, vẫn luôn là những tranh cãi. Nhưng dù mới hay cũ thì vẫn cần xác định: vẻ đẹp của tinh thần Việt, văn hóa Việt, những thứ tạo cho người dân Việt, gia đình Việt đặc trưng riêng không thể trộn lẫn và nhất là khiến cho bạn bè quốc tế có thể mỉm cười khi nhắc đến, có ham muốn được tìm hiểu, khám phá, đó chính là những điều ta nên giữ và nên xây.

Hiện nay, nhiều bà mẹ Việt Nam đang truyền tay nhau những bài viết về phương pháp giáo dục trẻ em của một số nước tiên tiến. Trong khi đó, những bài học về dạy con được nhiều phụ huynh chia sẻ thường có xu hướng hoài cổ. Một bài dạy đạo đức trong nhà trường của Việt Nam cách đây 40 năm đang phổ biến trên mạng xã hội. Bài tập đọc có tựa là Ngoài đường [sách Việt văn toàn thư lớp Nhì - xuất bản năm 1974] viết rằng: “Con ơi! Ở ngoài đường là nơi công chúng qua lại, con có bổn phận phải giữ gìn cử chỉ cho được đứng đắn. Con nên nhớ mỗi khi gặp những người già nua, nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa. Khi có đám ma đi qua, đừng cười nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào người quá cố. Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có phép. Đừng chạy nhảy, nô đùa, phải giữ luật đi đường. Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của dân chúng ngoài đường là người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả dân tộc”… Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy xúc động khi đọc được bài học ấy. Một cảm giác gần gũi của cái gốc rễ đã bám vào tiềm thức, đó là gốc rễ văn hóa Việt.

Trong việc chú trọng giáo dục đạo đức ở các gia đình, hạt nhân chính là hiếu nghĩa. Con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết kính trên, nhường dưới, vợ chồng phải hòa thuận, anh em phải yêu thương, đùm bọc nhau... Một người có nhân cách, đạo đức trước hết phải quan tâm đến chính người thân của mình rồi mới có thể chăm lo cho người khác ở phạm vi rộng hơn trong xã hội… Chính những giáo dục ấy đã tác động đến suy nghĩ đúng, tình cảm hướng thiện của biết bao thế hệ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử của đất nước, văn hóa gia đình Việt Nam vẫn luôn được bồi đắp và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc...

Giờ đây, đâu đó trong cuộc sống, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những gia đình Việt đang cố giữ nếp nhà trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức sống cho con cháu. Nhưng số lượng những gia đình như vậy đang ngày một ít đi. Bên cạnh đó, hiện tượng xuống cấp, băng hoại về đạo đức, lối sống, những rạn nứt trong mối quan hệ gia đình lại trở thành những thách thức trong đời sống gia đình hiện đại nhất là ở các đô thị…

Hiện tượng thiếu chung thủy ngày càng lan rộng và trở nên bình thường hóa trong xã hội; con cái bất hiếu với ông bà, cha mẹ, nhất là những vụ án tranh chấp tài sản… dẫn đến kiện cáo ra tòa, những cuộc ẩu đả, án mạng trong gia đình, họ hàng… cũng không còn hiếm. Số thanh thiếu niên sống sa đọa, nghiện ngập, cướp giật… cũng ngày một gia tăng. Nạn bạo lực học đường có mức độ manh động hơn còn khiến dư luận xã hội ngày càng lo lắng. Gần đây, hiện tượng sống ảo đang lan truyền một cách đáng báo động trong giới trẻ. Câu chuyện hai cô gái hẹn hò trên facebook sẽ đánh nhau ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, khiến công an phải can thiệp; một bạn trẻ câu like bằng cách hứa sẽ… nhảy cầu tự tử, một cô bé hứa sẽ… đốt trường nếu có đủ 1.000 like trên mạng xã hội... Điều khủng khiếp nhất là sau đó tất cả những hành động này đều “được” thực hiện với sự theo dõi, cổ vũ của rất đông bạn trẻ khác! Tất cả những điều này có thể là biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội… Phải chăng do việc giáo dục đạo đức trong gia đình không tốt mà dẫn đến những hiện tượng đó?

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay một gia đình hiện đại đang được thiết lập theo một trật tự mới gồm: tình yêu và kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố kinh tế đang lấn át, chi phối tình cảm gia đình. Nếu gia đình truyền thống đề cao đạo lý, trọng người lớn tuổi, thì gia đình hiện đại đề cao đồng tiền và xem trọng ai kiếm được nhiều tiền sẽ có quyền lực trong gia đình. Hiện tượng con cái và cha mẹ dần xa nhau cũng khá phổ biến trong đời sống gia đình hôm nay.

Bên cạnh đó, làn sóng của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng làm cho nhận thức về gia đình có nhiều thay đổi. Lối sống hiện đại của nhiều nước trên thế giới có sức hấp dẫn đối với không ít gia đình trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì tính thực dụng của các nền văn hóa tiên tiến cũng khá xa lạ với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Một trong số đó chính là việc gia đình không còn là giá trị duy nhất. Việc độc lập giữa cha mẹ và con cái, việc cha mẹ không can thiệp vào cuộc sống riêng của con, để mặc con tự bươn chải hay việc người già bị phó mặc cho các tổ chức xã hội chăm sóc…, đã khiến cho sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Sự ảnh hưởng đó đã phá vỡ đi những nguyên tắc của gia đình truyền thống Việt Nam. Xu hướng nới lỏng, giản tiện các nghi lễ, phép tắc trong các gia đình Việt ngày càng tăng… Do đó, việc học hỏi, tiếp thu là cần thiết nhưng cũng cần lắm sự chọn lọc!

Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại có những quan niệm khác nhau và có những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau để xây dựng văn hóa gia đình. Hiện nay, văn hóa gia đình nên hiểu bao gồm đạo đức, nhân cách, năng lực của mỗi con người, nó đòi hỏi mỗi người không chỉ biết lễ nghĩa, mà còn phải năng động, sống có kỷ luật, theo pháp luật. Để phát huy vai trò của mỗi gia đình, các tổ chức xã hội chuyên nghiên cứu về chiến lược phát triển gia đình cũng đã đề ra không ít giải pháp như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình…; triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình trong việc chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi; nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh tất cả những giải pháp thực tiễn ấy, bản thân mỗi người cần nhận thức chân giá trị của việc khôi phục những bài học đạo đức truyền thống trong gia đình Việt. Mỗi người nên sống có Nhân, có Nghĩa, có Trí, có Dũng và có Liêm như lời Bác Hồ dạy, biết tiếp thu những nét văn hóa tốt đẹp của mô hình gia đình hiện đại trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa r

------------------------------

[1] Bài nói của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật hôn nhân và Gia đình, tháng 10-1959.

[2] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Thu Hà

Video liên quan

Chủ Đề