Giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên

Nhận được chương trình giáo dục phổ thông mới, với các môn tích hợp, trong thời gian chờ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để dạy môn tích hợp, nhiều trường cho giáo viên môn nào dạy môn đó, tự khắc phục khó khăn trong thời gian này. Tuy nhiên, một số trường đã ngồi lại và đưa ra các phương án để giảng dạy hiệu quả nhất.

Giáo viên trường THCS Thanh Am tìm hiểu và soạn bài giảng môn Khoa học tự nhiên

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình [quận Ba Đình] cho biết: “Các môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên [Lý, Hóa, Sinh] đã mang đến không ít những khó khăn và thách thức trong việc thay đổi cách dạy, cách chuẩn bị bài giảng, soạn giáo án hay phương pháp tính điểm, cộng điểm.

Đây vừa là môn học mới, lại vừa phải dạy online nên nhà trường và giáo viên đã cùng ngồi lại và đưa ra các phương pháp dạy và học sao cho phù hợp, đảm bảo chất lượng với học sinh. Trong đó, chúng tôi đã cùng nhau đưa ra ba phương án.

Phương án dạy song song là tách các môn ra để giảng dạy; Dạy nối tiếp, không bóc tách ra, ưu điểm là đã tích hợp nhưng phương pháp kiểm tra mất thời gian, giáo viên áp lực và vất vả; Dạy tuần tự, tích hợp giáo viên ba trong một. Mặc dù ở cách này, các thầy cô chưa được đào tạo bài bản nhưng bằng cách thường xuyên trao đổi và thống nhất các phương án với nhau thì việc giảng bài vẫn diễn ra ổn thỏa”.

Một tiết Khoa học tự nhiên của lớp 6A4 trường THCS Ba Đình [quận Ba Đình, Hà Nội]

Bà Lê Thị Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng THCS Thanh Am, quận Long Biên cho biết: “Mặc dù thời gian đầu thực hiện chương trình mới ở khối lớp 6 có đôi chút bỡ ngỡ, đặc biệt là ở bộ môn Khoa học tự nhiên. Đến nay, trường THCS Thanh Am đã tháo gỡ được những khó khăn và đang thực hiện bộ môn này một cách thuận lợi.

Sau những buổi được trrao đổi, tư vấn từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, các tác giả sách giáo khoa, Ban Giám hiệu trường THCS Thanh Am đã hiểu rõ hơn định hướng, cấu trúc chương trình môn học để xây dựng kế hoạch giảng dạy đúng tinh thần của môn học.

Cùng với việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu bài học, tổ chức các tiết dạy minh họa, đến nay các thầy cô giáo đã tự tin trong việc thực hiện các chủ đề của môn KHTN, hiểu rõ sự tích hợp trong nội hàm của các chủ đề và không coi đó là việc dạy trái môn, từ đó có tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ giảng dạy bộ môn này.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để chuẩn bị cho các năm học tiếp theo thực hiện tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Gắn kiến thức với cuộc sống

Được sự động viên, hỗ trợ của các trường, nhiều giáo viên đã khắc phục khó khăn để tìm tòi, sáng tạo để dạy môn tích hợp.

Tiết học trực tuyến môn Khoa học tự nhiên của trường THSCS Thanh Am

Cô giáo Thái Thị Thu Mơ, giáo viên môn Sinh trường THCS Thanh Am: “Ban đầu tôi cảm thấy thật sự khó khăn khi nghĩ đến việc dạy một lĩnh vực gồm kiến thức cả 3 môn học của chương trình hiện hành gộp lại. Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ, tôi thấy đây là một sự đổi mới rất tích cực, tích hợp kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống, học trò của chúng ta đang rất cần những điều này.

Dưới sự định hướng của Ban Giám hiệu, nhóm giáo viên Khoa học tự nhiên chúng tôi tăng cường thời gian sinh hoạt chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, học hỏi lẫn nhau, bổ sung kiến thức và kĩ năng truyền đạt cho nhau, khai thác triệt để các công cụ hỗ trợ như các phần mềm dạy học thông minh phù hợp với bộ môn.

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường, học hỏi từ đồng nghiệp, tham khảo các tiết dạy trên truyền hình và một số trang web học tập, lắng nghe nhóm tác giả sách giáo khoa phân tích trên các diễn đàn, hội nghị… Từ đó, chúng tôi lựa chọn các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với việc dạy học trực tuyến trong giai đoạn này, giúp tự tin hơn rất nhiều khi giảng dạy.

Bên cạnh đó, tôi cũng lên kế hoạch tham gia các khoá tập huấn nâng cao, chuyên sâu hơn để sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở các năm học sau với các khối lớp 7, 8, 9”.

Một tiết thực hành môn Khoa học tự nhiên của trường THCS Ba Đình

Cũng chia sẻ về quá trình tìm hiểu cách giảng dạy, cô Lê Thị Hương, giáo viên lớp 6A4, 6A8 THCS Ba Đình cho hay: “Mình đọc và hiểu kỹ sách giáo khoa, nghiên cứu thêm sách, tài liệu bên ngoài và lên mạng tra về kiến thức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chủ động phân ít tiết hơn cho giáo dạy môn Khoa học tự nhiên để có thời gian trao đổi với nhau.

Tùy theo các chuyên đề thiên về môn nào nhiều hơn thì giáo viên dạy chính môn đó sẽ là người soạn bài giảng, để các cô giáo khác cùng sử dụng, sau đó sẽ dạy thử và cùng rút ra những điểm chưa được để sửa lại cho phù hợp.

Mỗi đầu tuần các cô dạy Khoa học tự nhiên sẽ cùng gặp nhau trên ứng dụng trực tuyến để trao đổi, lắng nghe và giải đáp. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian vì vừa là môn mới, lại tích hợp nên việc dạy vẫn còn vất vả. Vì dạy online nên các giáo viên cũng liên tục phải thay đổi các phần mềm cho học sinh thấy thú vị và hấp dẫn hơn trong bài học”.

Tích hợp là môn mới lại phải dạy trực tuyến nên các nhà trường và giáo viên đã gặp không ít khó khăn. Dù thế, nhiều thầy cô vẫn khắc phục, tìm tòi, sáng tạo soạn bài giảng, tìm những kiến thức tương đồng để học hỏi, ứng dụng phần mềm tạo hiệu ứng tốt vào công tác giảng dạy.

Nhận phần khó về mình

Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Môn học này gồm 3 phân môn: Vật lý, Hóa, học, Sinh học; trong khi đó hầu hết các trường chưa có giáo viên có thể đảm nhiệm được cả 3 phân môn này.

Thực tế triển khai của các nhà trường cho thấy, có trường đã bố trí dạy học nối tiếp, bảo đảm theo đúng mạch các chủ đề, logic của chương trình. Nhưng cũng không ít trường đang triển khai môn Khoa học tự nhiên theo cách dạy song song 3 phân môn. Sắp xếp thời khoa biểu dạy song song sẽ dễ dàng và nhà trường không phải dụng công nhiều, nhưng lại khó cho học trò trong tiếp thu kiến thức, vì các em không được học theo trình tự của chương trình, sách giáo khoa.

An Giang là một trong những địa phương đã bố trí được hầu hết các trường THCS dạy môn Khoa học tự nhiên theo đúng logic chương trình. Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản triển khai đến các trường ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; kết hợp với lồng ghép trong tập huấn chuyên môn cho giáo viên, nên cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản nắm được tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Ngoài ra, khi tổ chức thực dạy, sở GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện gián tiếp thông qua kế hoạch dạy học của tổ bộ môn, thời khoá biểu nhà trường, kịp thời phát hiện việc bố trí chưa hợp lý, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó chuyên viên phụ trách tư vấn cho các trường kịp thời điều chỉnh.

“Những trường hợp bất khả kháng như trường chỉ có 1 giáo viên/môn, tinh thần chỉ đạo của sở GD&ĐT là linh hoạt ưu tiên bố trí giáo viên giảng dạy cho lớp 6 và lớp 9; thầy cô nhận phần khó về mình, tạo thuận lợi nhất có thể cho học sinh” - ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Tại Hà Nội, Long Biên là quận đã bố trí được 100% các trường THCS dạy môn Khoa học tự nhiên theo đúng trình tự chương trình, sách giáo khoa về logic kiến thức. Tuy nhiên, còn không ít trường trên địa bàn Hà Nội chưa thực hiện được theo phương án này.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho  biết: Dạy song song cùng lúc 3 phân môn, xếp thời khóa biểu, sắp xếp đội ngũ không khó khăn, nhưng sẽ khó cho học trò. Các chủ đề được thiết kế trong chương trình có tính logic, nên dạy cùng lúc 3 chủ đề sẽ mất đi tính logic đó. “Chúng ta phải nhận phần khó về mình” - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Mới đây, trong hội nghị trao đổi riêng về dạy học môn Khoa học tự nhiên của Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện Phòng GD&ĐT Đan Phượng cho biết, cơ bản các trường THCS vẫn dạy song song. Lý do được đưa ra là phần lớn trường quy mô nhỏ, số giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học không nhiều; thậm chí có trường chỉ có 1 giáo viên Vật lý, 1 giáo viên Hóa học, 2 giáo viên Sinh học, nên khi sắp xếp dạy môn Khoa học tự nhiên theo định hướng của Bộ GD&ĐT gặp khó khăn.

Tương tự, huyện Chương Mỹ cũng có khoảng 2/37 trường THCS sắp xếp được dạy học theo chủ đề, còn lại là dạy song song với môn Khoa học tự nhiên. Học sinh đang sử dụng 2-3 quyển vở để ghi chép, nên nhận thức chưa coi đây là 1 môn học. Phòng GD&ĐT Đông Anh thông tin chưa có trường nào trên địa bàn triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên theo logic chương trình, trình tự các chủ đề mà đều dạy song song…

Học sinh lớp 6 tiếp cận với môn Khoa học tự nhiên.

Kế hoạch giáo dục, thời khóa biểu: Tránh “ăn đong” theo tuần, tháng

Cho rằng, dạy học môn Khoa học tự nhiên, khó khăn của các trường hiện nay là ở xếp thời khóa biểu, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học [Bộ GD&ĐT], nhiều trường vẫn dùng tư duy xếp thời khóa biểu như cũ, các môn dàn đều cho đủ số tiết trong tuần mà chưa linh hoạt.

Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường nêu rõ: Các trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường.

Như vậy, mỗi trường có thể bố trí thời khóa biểu cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 trước, rồi từ đó xếp thời khóa biểu cho các lớp khối 7, 8, 9 sẽ thuận lợi hơn. Số tiết ở lớp khối 7, 8, thậm chí là cả khối 9 có thể điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm cân đối về nội dung dạy học theo từng học kỳ.

“Từ năm 2013 đến nay, Bộ GD&ĐT kiên trì việc giao quyền tự chủ cho nhà trường. Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, báo cáo Sở/phòng GD&ĐT kiểm tra, quản lý dựa trên kế hoạch đó; không phải Sở/phòng GD&ĐT phê duyệt kế hoạch giáo dục nhà trường. Việc giao quyền tự chủ cho nhà trường được luật hóa và đưa vào toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật.

Sở/phòng GD&ĐT cũng không kiểm tra theo kiểu như trước đây, phân phối chương trình “đồng phục” từ sở áp xuống phòng, rồi từ phòng áp xuống trường. Kế hoạch giáo dục do nhà trường chuẩn bị, tổ chức, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, làm sao đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình, phù hợp nhất đối với điều kiện thực tế của trường về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ngoài ra, đã xây dựng kế hoạch giáo dục nên cho cả 1 năm học và việc sắp xếp thời khóa biểu cơ bản phải sắp xếp cho từng kỳ, tránh “ăn đong” theo tuần, tháng. Trong quá trình thực hiện, tất nhiên có chỗ phải điều chỉnh, nhưng là điều chỉnh đó là nhỏ, không ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch chung trong cả học kì, năm học” - PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Về kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên, PGS Nguyễn Xuân Thành lưu ý, Bộ GD&ĐT đã quy định rõ: Với kiểm tra đánh giá thường xuyên, thầy cô phụ trách nội dung, mạch kiến thức nào thì thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên ở mạch kiến thức đó. Mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá thường xuyên nhiều lần, nhưng được ghi nhận 4 điểm đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ phù hợp với tiến trình dạy học. Với kiểm tra, đánh giá định kỳ, số bài hiện còn rất ít, 1 năm học chỉ có 4 bài kiểm tra, thầy cô cần thể hiện đúng tinh thần hợp tác trong dạy học và trong kiểm tra đánh giá để các thành viên của tổ chuyên môn cùng nhau xây dựng ma trận đề, cùng ra đề, cùng chấm các bài kiểm tra, bảo đảm thực hiện theo quy định tại Thông tư 22.

Video liên quan

Chủ Đề