Hướng dẫn ăn uống cho người tiểu đường

Tiểu đường là bệnh mạn tính liên quan đến quá trình chuyển hóa thức ăn. Do vậy, chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh tiểu đường. Vậy người bệnh tiểu đường kiêng gì? Ăn gì tốt cho sức khỏe? Hãy cùng theo dõi tư vấn của bác sĩ qua bài viết dưới đây.

Nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường

Với bệnh nhân được chẩn đoán bị tiểu đường, trong phương pháp điều trị ngoài uống thuốc cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Có 3 nguyên tắc ăn uống cho người bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Nguyên tắc 1: kiểm soát mức năng lượng đưa vào phụ thuộc cơ địa mỗi cá nhân.
  • Nguyên tắc 2: ba thành phần sinh năng lượng gồm tinh bột, chất đạm, chất béo cần kiểm soát theo tỷ lệ cân đối và đảm bảo đều đặn hàng ngày. Khi kiểm soát được 3 thành phần trên người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát được đường huyết ở mức an toàn. Chất xơ không sinh năng lượng và giúp làm chậm hấp thu đường vào máu.
  • Nguyên tắc 3: bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh.

Ngoài ra người bệnh cần ăn đúng giờ, đúng bữa, không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế. Tránh ăn những món hầm, xay nhuyễn, chiên, nướng. Ăn chậm nhai kỹ với lượng thức ăn vừa đủ nhu cầu cho cơ thể. Tránh ăn khuya vì dễ tăng đường huyết vào buổi sáng. Không ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ đóng gói. Nên ăn món được chế biến bằng phương pháp luộc, hấp.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp quản lý tốt đường huyết.

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì tốt cho sức khỏe?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Để giữ mức đường huyết ổn định, người bệnh cần có kế hoạch ăn uống hợp lý. Một bữa ăn tốt cho người bệnh tiểu đường sẽ giàu dinh dưỡng, có lượng tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ vừa đủ, món ăn được chế biến ngon miệng, phù hợp với khẩu vị và thu nhập của người bệnh.

1. Nhóm đường bột

Nhóm đường bột hay còn gọi carbohydrate, có vai trò cung cấp năng lượng chính cho hệ thống thần kinh trung ương và các cơ quan trong cơ thể. Carbohydrate cũng là thành phần cấu tạo nên tế bào và các mô. [1]

Nhóm đường bột được chia ra 2 loại bao gồm: carbohydrate đơn giản và carbohydrate phức tạp.

  • Carbohydrate có cấu trúc đơn giản nên được tiêu hóa và hấp thụ nhanh hơn. Carbohydrate đơn giản có trong các loại thực phẩm như: sữa, đường, bánh, kẹo, nước ngọt, trái cây, siro… Người tiểu đường khi ăn carbohydrate đơn giản khiến lượng đường huyết tăng nhanh hơn sau ăn.
  • Carbohydrate phức tạp có thời gian tiêu hóa chậm hơn, chúng có trong các thực phẩm như: lúa mì, gạo, khoai, ngô, đậu, gạo lứt, ngũ cốc, bánh mì nguyên cám. Khi ăn các thực phẩm carbohydrate phức tạp, cơ thể sẽ tiêu hóa chậm hơn, do vậy đường huyết tăng sau ăn cũng chậm hơn.

Tỉ lệ năng lượng do carbohydrate chiếm từ 44%-46% [người bình thường là 65%] tổng số năng lượng của khẩu phần ăn. Trong một phần carbohydrate 200 kcalo tương đương với 1 chén cơm, 1 ổ bánh mì, 2 củ khoai lang, 1 trái bắp, 4 lát sandwich, 200g bún tươi, 2 tô cháo, 200g mì ý đã chín.

Người bệnh tiểu đường nên ăn thực phẩm carbohydrate phức tạp có chỉ số GI thấp [GI là chỉ số đo tốc độ làm tăng đường huyết sau ăn của mỗi thực phẩm]. Chỉ số GI của một thực phẩm có 3 mức: cao, trung bình, thấp. Nhóm tinh bột có chỉ số GI thấp cho người tiểu đường bao gồm: đậu xanh, bún, gạo lứt, khoai lang trắng, gạo tấm, ngũ cốc nguyên cám… Các loại trái cây có chỉ số GI thấp gồm: bưởi, đào, cam, lê, mận, bơ, ổi…

Đường, tinh bột đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể hoạt động. Người bệnh tiểu đường không cắt hoàn toàn tinh bột khỏi chế độ ăn. Phải xây dựng chế độ ăn hợp lý với lượng tinh bột vừa phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Người bệnh không nên quá khắt khe khiến tinh thần áp lực dễ trầm cảm

2. Nhóm đạm

Đạm hay còn gọi protein, được tìm thấy khắp cơ thể, trong cơ, xương, da, tóc… hầu như ở mọi bộ phận của con người. Protein tạo nên các enzym cung cấp năng lượng cho nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể. Có ít nhất 10.000 loại protein khác nhau tạo nên cơ thể con người.

Do đó, protein rất quan trọng đối với cơ thể. Con người bổ sung protein từ nhiều thực phẩm khác nhau. Vậy mỗi ngày cần bổ sung bao nhiêu protein? Người trưởng thành nên bổ sung tối thiểu 0,8 gam protein/ 1kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ người có trọng lượng cơ thể là 54kg, vậy lượng protein cần nạp vào cơ thể mỗi ngày là 54 x 0,8 = 43,2 gam. Lượng đạm trong khẩu phần ăn cho người tiểu đường nên từ 15% – 20%. [2]

Đạm có ở thịt động vật và các loại thực vật, người bệnh có thể chọn thực phẩm có chứa đạm lành mạnh.

  • Đạm động vật có trong các thực phẩm như: gia cầm [gà, vịt], hải sản [tôm, cá, cua…], trứng, các sản phẩm làm từ sữa, thịt đỏ [bò, heo, cừu, dê…]. Người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn thịt đỏ và các thực phẩm đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội…
  • Đạm thực vật có trong các thực phẩm như: đậu, hạt [bí ngô, hạnh nhân, óc chó, hướng dương, mè, hạt chia, hồ đào…], ngũ cốc nguyên hạt [lúa mì, gạo, kê, yến mạch, kiều mạch…], đậu phụ, bắp, bông cải xanh, măng tây, atisô.

Lưu ý, trong thực phẩm không chỉ chứa protein còn chứa các chất khác như tinh bột, đường, chất béo. Do đó, việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein sẽ tăng đường huyết.

Có thể bạn chưa biết: Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tuýp 2

3. Nhóm chất béo

Cơ thể sử dụng chất béo làm nguồn nhiên liệu, dạng dự trữ năng lượng chính trong cơ thể. Trên 1 gam chất béo lưu trữ chín calo, trong khi carbohydrate và protein chỉ lưu trữ bốn calo [3]. Chất béo có nhiều chức năng quan trọng khác nên trong chế độ ăn uống cần có một lượng chất béo nhất định cung cấp cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên ăn quá nhiều chất béo hoặc ăn chất béo không lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe. Người tiểu đường nên nạp tỉ lệ năng lượng chất béo từ 20%-35% trên tổng số năng lượng.

Trong thực phẩm có 3 loại chất béo bao gồm:

  • Chất béo không bão hòa: được tìm thấy trong thực phẩm thực vật [các loại hạt, quả] và cá. Chất béo không bão hòa có lợi cho sức khỏe tim mạch. Có 3 loại chất béo gồm: không bão hòa đơn có nhiều trong quả bơ, đậu phộng, các loại hạt như hạnh nhân, điều, hồ đào, óc chó, ô liu, dầu hạt cải. Chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong hầu hết dầu thực vật như dầu ngô, dầu đậu nành. Axit béo omega-3, một loại chất béo không bão hòa đa có trong mỡ cá, óc chó, hạnh nhân.
  • Chất béo bão hòa: có trong thịt và các sản phẩm từ động vật như bơ, sữa, pho mát, kem, dầu dừa. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Chất béo chuyển hóa: được tìm thấy trong một số loại bơ thực vật dạng que, đồ ăn vặt thương mại, đồ nướng và một số thực phẩm chiên rán. Chất béo chuyển hóa được tạo ra khi dầu thực vật được hydro hóa. Chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Người bệnh tiểu đường nên lựa chọn bổ sung chất béo không bão hòa là chất béo lành mạnh. Tuy nhiên ăn nhiều chất béo có thể gây tăng cân. [4]

4. Nhóm rau

Nhóm rau hay còn gọi là nhóm chất xơ, thực phẩm tốt cho tất cả mọi người đặc biệt với bệnh nhân tiểu đường. Người tiểu đường nên ăn từ 30-40 gam chất xơ mỗi ngày. [5]

  • Có hai loại: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ hòa tan quan trọng hơn vì nó làm chậm hoặc giảm hấp thu glucose từ ruột. Từ đó làm chậm quá trình tăng đường huyết sau ăn. Chất xơ hòa tan còn giúp giảm chất béo trong máu. Chất xơ hòa tan được tìm thấy chủ yếu trong trái cây, rau và một số loại hạt. Đậu tây là một trong những thực phẩm có chứa chất xơ hòa tan cao nhất, có 7,3 gam/ ½ cốc đậu tây.
  • Chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong cám, vỏ của ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch và các loại hạt. Chất xơ không hòa tan hoạt động như một chất tẩy rửa đường ruột, làm sạch đường tiêu hóa.
    Tham khảo bài viết chi tiết: Người bệnh tiểu đường nên ăn rau gì?

5. Hoa quả

Trong trái cây có đường fructose làm tăng đường huyết chậm hơn sucrose [đường mía]. Do đó, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn được trái cây.

Ăn trái cây giúp thỏa mãn sở thích ăn ngọt cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên trái cây là thực phẩm có khả năng gây tăng đường huyết khi ăn nhiều. Do vậy, người bệnh cần lựa chọn các loại trái cây ít ngọt, số lượng ăn bằng 1 nắm tay. Nên chọn trái cây có màu đậm vì chứa nhiều vitamin, chất khoáng.

Người bệnh tiểu đường kiêng gì?

Một số thực phẩm thuộc nhóm không lành mạnh khuyến cáo có người bệnh tiểu đường, ngay cả người bình thường cũng không nên ăn nhiều. Các thực phẩm không lành mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi ăn nhiều bao gồm: nước ngọt, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, bánh kẹo có lượng đường cao, các loại kẹo sử dụng chất tạo ngọt, bia, rượu… [6]

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Người bệnh cần tránh những thực phẩm có hại cho tim bao gồm:

  • Thực phẩm có chứa chất béo bão hòa: sữa nguyên kem, bơ, thịt bò, xúc xích, thịt xông khói, dầu dừa, dầu hạt cọ…
  • Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa: tương tự như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa cũng không tốt cho cơ thể. Người bệnh nên tránh ăn các thực phẩm như: khoai tây chiên, bánh quy, snack, bơ thực vật, đồ nướng…
  • Thực phẩm giàu cholesterol: sữa nguyên kem, mỡ động vật, lòng đỏ trứng, gan, nội tạng…
  • Không ăn thực phẩm có nhiều muối: dưa muối, cà muối, khô cá, khô mực có tẩm muối, mắm, đồ hộp…

Ngoài ra người bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây tăng đường huyết. Không nên kiêng hoàn toàn, người bệnh có thể ăn nhưng với một lượng vừa phải.

1. Gạo trắng

Gạo trắng thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam, dùng để nấu cơm ăn hàng ngày. Tuy nhiên gạo trắng có chỉ số GI 64 thuộc nhóm có GI cao, gây tăng đường huyết nhanh sau ăn. Người bệnh tiểu đường nên ăn một lượng nhỏ gạo trắng khoảng 1 lòng bàn tay cho mỗi bữa. Có thể thay bằng loại tinh bột khác có chỉ số đường huyết thấp hơn như đậu, khoai lang trắng, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, bún, phở, mì ý, nui.

Xem thêm: Thực đơn chay cho người tiểu đường!

2. Các loại trái cây sấy, phơi khô

Trái cây có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên khi trái cây được sấy khô làm mất nước, hàm lượng đường tăng cao. Do đó, người bệnh tiểu đường ăn trái cây sấy dễ tăng đường huyết hơn trái cây tươi. Hàm lượng đường trong nho khô cao gấp 3 lần so với nho tươi. Người bệnh tiểu đường nên bổ sung trái cây tươi thay vì ăn trái cây sấy khô.

Vấn đề người bệnh tiểu đường kiêng gì, ăn gì tốt cho sức khỏe? Có ý nghĩa quan trong quá trình điều trị và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường. Quan trọng người bệnh cần thư giãn, tránh áp lực với chế độ ăn. Lựa chọn nguyên liệu phù hợp có thể nấu nhiều món ngon hợp khẩu vị, giúp người bệnh thoải mái hơn.

Chủ Đề