Kể về tình hình học trực tuyến của em

 

Dạy và học trực tuyến là giải pháp tối ưu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, các trường học phải đóng cửa để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Suốt gần 2 tháng qua, những lớp học online đang được các nhà trường triển khai từ khắp các bậc tiểu học đến trung học phổ thông nhằm thích ứng kịp thời với tình hình mới.

Dù vẫn còn đó những khó khăn ban đầu, nhưng ghi nhận từ các nhà trường đều cho thấy cả thầy và trò, gia đình, nhà trường đều rất nỗ lực để việc dạy và học đi vào nền nếp, nghiêm túc, hiệu quả. Các thầy cô bằng nỗ lực không ngừng và tình yêu hết lòng với con trẻ đã, đang là những người động viên, truyền cảm hứng cho học trò qua từng tiết học trực tuyến. Các phụ huynh sâu sát hơn, tạo điều kiện hơn cho việc học của con em mình. Mỗi học sinh cũng được thử thách, rèn luyện thêm về tính chủ động, đồng thời, thỏa sức khám phá những ứng dụng thiết thực của công nghệ thông tin.

 

Mùa hè năm nay, em Đặng A Minh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Bình Liêu, sẽ hoàn thành chương trình học phổ thông của mình và dự kiến xét tuyển vào một trường đại học tại Hà Nội. Dự định này của Minh vẫn không thay đổi dù việc đến trường đang tạm dừng do dịch Covid-19.

Hằng ngày, đều đặn sau 7h30', Minh ngồi trước bàn học, mở điện thoại ra để kiểm tra email, zalo - không gian chính để nhận bài tập từ các thầy cô bộ môn. Tùy từng tiết học theo thời khóa biểu của nhà trường sắp xếp mà các thầy cô cũng sẽ giao bài tập tương tự, kèm theo đó là yêu cầu về thời hạn hoàn thành.

 

Môn học sáng 12/4 của Minh là giải đề toán, cô yêu cầu hoàn thành trong thời gian 90 phút. Tiết học này chỉ kết thúc khi Minh và các bạn hoàn thành xong bài tập, chụp ảnh, nộp lại bài cho cô. Bạn nào không hoàn thành theo đúng yêu cầu về thời gian, cô giáo sẽ nhắc nhở lên zalo nhóm của lớp và đề nghị các bạn tập trung hơn.

Đúng phương châm “tạm dừng đến trường… không dừng việc học”, Minh cũng tự giác, chủ động tìm kiếm các phương pháp học để đảm bảo chuẩn bị tốt kiến thức cho kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh. Ngoài việc hoàn thành tốt nhất, đúng kỳ hạn bài tập thầy, cô giao qua zalo, email, Minh và một số bạn trong lớp thành lập một nhóm tự học riêng; đồng thời xin tham gia vào nhóm ôn tập của các bạn lớp 12 trong cả nước để trao đổi bài học.

Minh cũng dành thời gian để theo dõi các bài giảng của các thầy, cô giáo trên kênh truyền hình của Trung tâm Truyền thông tỉnh, VTV7, tìm kiếm trang cá nhân của các thầy, cô trên Facebook để hỏi thêm những nội dung còn chưa hiểu.

Để có được đường truyền ổn định phục vụ việc học, Minh đã trình bày nguyện vọng và xin phép được dùng chung bộ kết nối wifi với hàng xóm. Minh nói: Việc học của mình là quan trọng nhất, không vì hoàn cảnh khó khăn, điều kiện khách quan hay vấn đề địa lý mà chúng em dừng việc học. Dù đến lớp như trước kia hay “đến lớp” qua điện thoại, máy tính thì em và các bạn cũng sẽ cố gắng để chuẩn bị tốt nhất kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Giống như Minh, nhiều học sinh khác trong toàn tỉnh cũng đang khắc phục những khó khăn để “đến lớp” theo phương thức mới này. Nhiều tuần nay, em Tiêu Cẩm Hà, học sinh lớp 6B, Trường THCS Lê Quý Đôn, phường Yên Giang, TX Quảng Yên, cũng được mẹ cho mượn chiếc điện thoại thông minh để tham gia ôn tập trực tuyến với các bạn. Tất cả các tương tác giữa cô học trò nhỏ với giáo viên đứng lớp và các bạn học được diễn ra trước màn hình điện thoại nhỏ này.

Không quá lạ lẫm với thiết bị điện tử thông minh, Hà rất nhanh chóng làm quen với việc sử dụng phần mềm để truy cập lớp học trực tuyến theo hướng dẫn tận tình của cô giáo. “Học dễ, tương tác tốt” là nhận định chung của Hà sau nhiều tuần học theo hình thức này, cũng là đánh giá của phụ huynh khi thường xuyên theo sát tình hình học tập của con gái.

 

Chị Lê Thị Ánh Hoa, mẹ của Tiêu Cẩm Hà, chia sẻ: Nhiều lúc thương con phải học trên điện thoại, màn hình nhỏ, khó quan sát đầy đủ những bài giảng của cô giáo trình chiếu lên. Nhưng trong giai đoạn này, quan trọng nhất là các con vẫn được học tập theo đúng chương trình học, không bị quên kiến thức. Rất may vừa rồi, nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho các em học sinh thiếu thiết bị học tập được mượn máy tính bảng để phục vụ tốt hơn cho việc học trực tuyến sắp tới.

Hay như em Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Đồn Đạc, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. Hơn 1 tuần nay, các tiết học vần, tập đọc và làm toán của Quỳnh Anh diễn ra sinh động, hứng thú hơn qua màn hình máy tính.

Chị Nguyễn Thị Trang, phụ huynh của em Quỳnh Anh, cho biết: Từ khi nghỉ đến lớp tới giờ, giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn thường xuyên giao bài tập cho cháu qua mạng, phụ huynh chỉ phụ giúp con nộp bài cho các cô. Hơn 1 tuần nay, cô giáo áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến qua phần mềm, cháu rất thích thú và tham gia nhiệt tình trong các buổi học. Cứ đến 19h30 hằng ngày, cháu đều tự giác ngồi trước màn hình máy tính để học bài mà không cần bố mẹ phải đôn đốc, nhắc nhở. Với cháu nhà mình thì phương pháp này hiệu quả hơn hẳn so với việc giao bài trước kia vì cháu được nhìn thấy cô giáo, các bạn, được nghe các bạn đọc bài, tiếp thu nhanh hơn.

 

Cô vì trò không ngại vất vả, trò vì cô chăm chỉ học bài. Trước những yêu cầu về tạm dừng đến trường trong thời gian nghỉ dịch bệnh, để học sinh của mình không quên kiến thức cũng như đảm bảo được chương trình học của năm học 2019-2020, đội ngũ các thầy cô giáo trong toàn tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực để tiếp tục mang nguồn tri thức đến với từng học sinh thân yêu.

Tiết học Tiếng Anh của cô giáo Lê Thị Hiền, giáo viên Trường THPT Tiên Yên, diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Cô vẫn ngồi trên phía bục giảng và giảng giải cho các học sinh của mình về các từ vựng mới, cách phát âm, trọng âm hay nêu câu hỏi, yêu cầu học sinh trả lời… Tuy nhiên, bên dưới lớp lại không có sự hiện diện của bất kỳ một học sinh nào. Mọi hoạt động giảng dạy, học bài, kiểm tra bài cũ, kể cả điểm danh đều diễn ra trên môi trường mạng.

 

Học online hay học trực tuyến là những cụm từ được nhắc đến thường xuyên trong gần 2 tháng qua. Đây cũng là giải pháp tình thế mà cô Hiền và học trò của mình cũng như hàng triệu giáo viên, học sinh khác trong cả nước đang áp dụng thời gian qua nhằm đảm bảo chương trình học khi yêu cầu về tạm dừng đến lớp trong thời điểm dịch Covid-19.

Cô Hiền chia sẻ: Việc học vẫn sẽ diễn ra bình thường để các em không bị "đánh rơi” kiến thức, đồng thời theo kịp chương trình học của năm. Tuy hoạt động giảng dạy có những hạn chế nhất định liên quan đến việc tương tác, công nghệ, tốc độ đường truyền mạng… nhưng dù ở trên lớp thực tế hay trên môi trường online thì cả cô và trò cũng sẽ nỗ lực cao nhất để duy trì chất lượng dạy, học.

“Cũng rất nhớ học sinh của mình, vì lâu rồi chưa được gặp mặt trực tiếp các em. Mình cũng rất hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để các em có thể tới trường học tập, sinh hoạt vui chơi như trước kia” - cô Hiền tâm sự.

Những lớp học đặc biệt như của cô Hiền đang diễn ra ở nhiều cấp học trong toàn tỉnh khi dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT tỉnh vẫn duy trì các hoạt động giáo dục nhằm bảo đảm việc học tập cho học sinh bằng nhiều hình thức mới, phù hợp, hiệu quả. Tiêu biểu như ôn tập qua mạng, qua truyền hình và phương pháp dạy học trực tuyến. Các giải pháp này đã góp phần duy trì liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, giữa giáo viên với học sinh để giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn học sinh tự học.

Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, TX Quảng Yên, thực hiện việc dạy học trực tuyến, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, đồng bộ tất cả các lớp học trên tinh thần chất lượng được đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhà trường xây dựng thời khóa biểu chung cho mỗi tuần để tránh chồng chéo, phân công giáo viên dạy theo từng nhóm lớp, bố trí khung giờ dạy linh hoạt trong ngày [cả sáng, chiều, tối].

Nhà trường cũng thực hiện nghiêm việc báo cáo thường xuyên việc dạy học trực tuyến trong mỗi ngày để kịp thời khắc phục những vướng mắc về kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với từng phụ huynh để quản lý và giám sát việc học tập của mỗi học sinh... Các thầy cô giáo cũng chủ động hơn trong thiết kế các bài giảng điện tử, đa dạng hóa hình thức trình bày để thu hút học sinh, vừa truyền tải kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ.

Cô giáo Trần Thị Hoa, Tổ trưởng bộ môn Văn - Sử - Địa, Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết: Thời gian đầu quả thực có những khó khăn, lúng túng nhất định để làm quen với phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, việc này cũng nhanh chóng được thích nghi và đi vào nền nếp. Giữa bối cảnh này, tôi cho rằng, đây là giải pháp tốt để đảm bảo kiến thức cho học sinh.

 

Ở một số địa bàn vùng cao, cô, trò các trường cũng đã có những giải pháp sáng tạo để duy trì việc dạy và học. Cô Đỗ Thị Hoài, giáo viên Trường Tiểu học Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Sợ các em nghỉ học dài có thể làm gián đoạn kiến thức, tôi đã chủ động liên hệ với các phụ huynh học sinh để gửi bài giảng, bài tập ôn tập cho các em qua zalo, facebook hoặc gmail. Đồng thời đề nghị phụ huynh đôn đốc, theo dõi các em làm bài và giúp các em trả bài qua mạng. Với một số học sinh ở những thôn, bản xa không có mạng internet, tôi gọi điện trực tiếp với phụ huynh học sinh để giao bài cũng như hướng dẫn các em tập đọc, làm toán. Ngoài ra, tôi cũng phối hợp với cán bộ đoàn của thôn, trưởng thôn, bản để in, gửi bài tập cho các em trong thời gian tạm dừng đến lớp. Mới đây, nhà trường cũng đã triển khai phương pháp dạy học trực tuyến qua các phần mềm giảng dạy để tăng tính tương tác và dạy kiến thức mới cho học sinh.

Bên cạnh sự chủ động từ phía ngành Giáo dục cũng như những người trực tiếp làm công tác giảng dạy, thì các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh cũng đã và đang có những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, giáo viên trong chủ trương dạy học trực tuyến. Mục tiêu chính là để hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả học tập của học sinh.

Như tại huyện Bình Liêu, trong thời gian này, huyện đang nghiên cứu, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho các học sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đề xuất với tỉnh, các ngành chức năng xem xét đảm bảo đường truyền mạng internet thông suốt để đáp ứng được nhu cầu học trực tuyến của học sinh địa bàn vùng sâu, vùng xa.

 

Hiện, một số trường trên địa bàn tỉnh cũng đang áp dụng học trực tuyến thí điểm theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Nếu giải pháp này hiệu quả sẽ áp dụng rộng rãi đến các trường khác trên địa bàn tỉnh. Ngành giáo dục của tỉnh cũng đang có những bước chuẩn bị chu đáo về hạ tầng để đảm bảo việc thí điểm triển khai thuận lợi, mang lại kết quả tích cực trong việc dạy và học.

Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, đất nước vẫn đang trong “cuộc chiến không tiếng súng”, thì trường học cũng cần phải thay đổi và chuyển sang trạng thái thích ứng mới, đó là dạy, học từ xa. Nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng hành, chia sẻ, quyết tâm là nhiệm vụ của thầy và trò Quảng Ninh trong bối cảnh hiện tại để tiếp tục gặt hái những thành tựu mới trong sự nghiệp “trồng người”.

Bài: Nguyên Ngọc - Hoàng Giang

Trình bày: Hùng Sơn

Video liên quan

Chủ Đề