Lễ hội cồng chiêng ở đâu

Những lễ hội đặc sắc ở Tây Nguyên: Thời gian, địa điểm v.v [19/11/2019, 16:21]

  • Thời gian diễn ra lễ hội: Hiện nay vẫn chưa có thời gian diễn ra lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên cụ thể mà mỗi năm tổ chức vào một thời điểm khác nhau.
  • Địa điểm diễn ra lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên: Luân phiên trong 5 tỉnh Tây Nguyên đó là Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kontum, Đăk Nông và Gia Lai.
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có  thể nói là một lễ hội lớn và hấp dẫn nhất ở Tây Nguyên mà ai cũng muốn một lần được tham dự. Nhờ vào những truyền thống quý báu còn lưu giữ và sự tinh tế trong nét văn hóa của người dân Tây Nguyên mà lễ hội này đã trở thành một di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại được tổ chức UNESCO công nhận. Trong mùa lễ hội, bạn sẽ được hòa mình vào những giai điệu hào hùng hay nhẹ nhàng được phát ra từ những chiếc cồng chiêng do người dân Tây Nguyên tự tay làm ra. Nếu thích bạn hãy cùng những chàng trai, cô gái Tây Nguyên ca múa bên đống lửa bập bùng và thưởng thức đặc sản Tây Nguyên để hiểu rõ hơn về cuộc sống văn hóa của người dân nơi đây nha.

  • Thời gian diễn ra lễ hội: Tháng 3 hàng năm là thời điểm lễ hội đua voi ở Buôn Đôn diễn ra
  • Địa điểm diễn ra lễ hội: Buôn Đôn, xã Krông na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk
Lễ hội đua voi ở Bản Đôn

Đây là một lễ hội nổi tiếng và sôi động ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đăk Lăk nói riêng được tổ chức thường niên vào tháng 3 trong khoảng 3 ngày. Với nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn thì lễ hội này hứa hẹn sẽ khiến cho bạn cực kỳ thích thú. Một số nội dung quan trọng của lễ hội đó là lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn trâu mừng mùa [đâm trâu], voi đá bóng, voi chạy, voi bơi vượt sông Sê rê pôk, hội thi văn hoá ẩm thực các dân tộc, lễ cúng lúa mới mừng được mùa và Hội thi giã gạo…Xem thêm kinh nghiệm du lịch Đăk Lăk dịp đua voi ở Bản Đôn để biết thêm chi tiết về điểm ăn uống, vui chơi khi đến Đăk Lăk.

  • Thời gian diễn ra lễ hội: Lễ hội ăn cơm mới của Tây Nguyên được tổ chức vào thời gian cuối năm âm lịch, khi mà người dân thu hoạch xong lúa [khoảng tháng 11 tới tháng 1 năm sau theo lịch dương].
  • Địa điểm diễn ra lễ hội: Tất cả các buôn làng trên địa bàn Tây Nguyên
Lễ hội ăn cơm mới của người Tây Nguyên

Thêm một lễ hội độc đáo ở Tây Nguyên mà bạn cũng nên tham gia đó chính là lễ ăn cơm mới. Thời điểm cuối năm khi tết đến xuân về là lúc mà người dân Tây Nguyên thu hoạch xong lúa và để tỏ lòng biết ơn với các vị thần đã cho họ một vụ mùa bội thu, mừng nhà có gạo, lúa mới cho cả năm sung túc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân Tây Nguyên thường ăn uống, hát hò thâu đêm với cơm lam, gà nướng, lợn quay và rượu cần. Nếu bạn muốn tham qua lễ hội văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên này thì hãy nhớ thời gian diễn ra lễ hội để không bị bỏ lỡ cái tết của người Tây Nguyên nha.

  • Thời gian diễn ra lễ hội: Tháng 9 – 10 âm lịch hàng năm đối với người dân tộc Bahnar và tháng 1 – 2 âm lịch đối với dân tộc Jrai
  • Địa điểm diễn ra lễ hội: Tại các bản làng của người dân tộc Bahnar và Jrai
Lễ bỏ mả ở Tây Nguyên

Cũng là một lễ hội truyền thống lâu đời ở Tây Nguyên với nét đặc trưng riêng biệt mà không nơi nào có được. Theo như quan niệm của một số dân tộc ở Tây Nguyên thì người đã mất không thực sự về thế giới bên kia sau khi chết mà họ có thể sẽ quay lại và nhập vào cơ thể của trẻ em nên họ mới tổ chức lễ bỏ mả để đưa linh hồn của người đã mất về với tổ tiên một cách hoàn toàn. Lễ bỏ mả được tổ chức ở trong những ngôi nhà mồ vói nhiều bức tượng gỗ được điêu khắc khéo léo mô phỏng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày coi như bầu bạn với người đã khuất. Sau khi lễ bỏ mả tổ chức xong, người ta sẽ không tới những ngôi nhà mồ này nữa để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người khuất và cắt đứt hoàn toàn liên hệ với cõi âm.

  • Thời gian diễn ra: Sau những ngày lễ mừng lúa mới kết thúc
  • Địa điểm diễn ra: cộng đồng người J’rai và Ba Na ở Kon Tum
Lễ tạ ơn cha mẹ ở Tây Nguyên

Lễ tạ ơn cha mẹ là một lễ hội được tổ chức tại các bản làng của người dân tộc Bana và Jrai để tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Những người con đã lập gia đình và ở riêng sẽ chọn một ngày lành để về lại nơi sinh ra với vật cúng có thể là trâu, bò, lợn, gà tùy theo khả năng của mỗi người và tổ chức nghi lễ tạ ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục sau đó cùng liên hoan, ăn uống trong khoảng 2 ngày. Điều đặc biệt là lễ tạ ơn sẽ diễn ra cả ở nhà nội lẫn nhà ngoại, người con chuẩn bị vật tạ ơn cho cả hai nhà đều như nhau chứ không phân biệt nội ngoại để chứng tỏ cả hai bên đều quan trọng như nhau. Đây là lễ hội đặc sắc ở Tây Nguyên mang nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhằm răn dạy đạo đức của con cái.

Trên đây là những lễ hội văn hóa của người dân Tây Nguyên nổi tiếng và độc đáo mà bạn có thể khám phá khi đi du lịch Tây Nguyên. Mỗi dân tộc đều có những lễ hội riêng nhằm mục đích khác nhau nên nếu có điều kiện bạn hãy cố gắng tới tham dự tất cả những lễ hội trên cả nước và đặc biệt là lễ hội ở Tây Nguyên để hiểu thêm về văn hóa các dân tộc Việt Nam nha.

Theo //dulich9.com/

Lễ hội Cồng chiêng là một nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại từ năm 2005. Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát huy di sản này.

Sinh khí của Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên trải dài ở năm tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân của 17 dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Êđê, Bana, M’nông, Xêđăng, Cơho, J’rai…Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm hưởng cồng chiêng đi suốt vòng đời người, từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành và cả khi về với tổ tiên cũng đều có âm nhạc của cồng, chiêng đưa tiễn. Ở đâu có lễ hội, ở đó có nhạc chiêng, từ lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ trưởng thành, lễ chúc phúc, lễ mừng cơm mới, lễ rước kpal…Bên bếp lửa trong ngôi nhà dài của đồng bào Êđê hay dưới mái nhà rông của đồng bào Bana, J’rai…, mỗi khi nhạc chiêng vang lên là lúc các thành viên trong buôn làng, cùng về sum họp, mọi người xích lại gần nhau hơn.

Không gian văn hóa cồng chiêng gắn với không gian sinh sống của đồng bào Tây Nguyên. Chính vì thế mà các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên. Nhiều người thường nói, mái nhà rông của đồng bào J’rai, ngôi nhà dài của đồng bào Êđê là linh hồn của buôn, làng Tây Nguyên, thì âm nhạc cồng chiêng là sinh khí của buôn làng, chứng tỏ sức sống bền bỉ của một thực thể với bản sắc độc đáo của người dân Tây Nguyên. Chính vì lẽ đó mà các tỉnh Tây Nguyên rất coi trọng việc sưu tầm, bảo quản hàng chục ngàn bộ cồng chiêng, trong đó, tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng là những địa phương có số hộ gia đình đồng bào lưu giữ, bảo tồn số bộ cồng, chiêng đủ nhiều nhất.

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên

Hiện nay đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn lưu giữ hàng nghìn bộ cồng chiêng quý, hạn chế được tình trạng “chảy máu” cồng chiêng. Tại ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, đồng bào còn lưu giữ trên 9.760 bộ cồng chiêng. Riêng tại Đắk Lắk, đồng bào dân tộc Ê đê, M’nông, J’rai, Sê Đăng, Bru-Vân Kiều đang lưu giữ trên 2.300 bộ cồng chiêng. Đây là một trong những địa phương mà đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất ở Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk cũng có kế hoạch đầu tư trên 48,8 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Bên cạnh việc gìn giữ gìn, bảo quản cồng chiêng thì các tỉnh Tây Nguyên còn thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của cồng chiêng, phục vụ tốt yêu cầu phát triển văn hóa, xã hội trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống, liên hoan văn hóa cồng chiêng từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức thường xuyên để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tham gia diễn tấu thường xuyên. Các tỉnh cũng mời các nghệ nhân là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Bana…về truyền dạy đánh cồng, đánh chiêng cho con em đồng bào ở các buôn làng, đồng thời đầu tư kinh phí mua cồng chiêng về cấp cho các nhà văn hóa cộng đồng.

Hiện nay, Đắk Lắk có hàng trăm đội chiêng của ama, amí [những người lớn tuổi] và có tới 500 đội chiêng trẻ là con em của đồng bào dân tộc Ê đê ở các buôn làng…Ông Y Duê, Đội trưởng đội cồng chiêng buôn Kô Siêr [thành phố Buôn Ma Thuột] – đội đã từng biểu diễn cho nhiều đoàn khách quốc tế, khách du lịch và nhiều lần đi biểu diễn ở các nước trên thế giới – hồ hởi nói: “Buôn làng Tây Nguyên vẫn mãi mãi âm vang tiếng cồng chiêng. Vì người lớn tuổi về với núi rừng, về với tổ tiên thì vẫn còn có con cháu nối tiếp để đánh cồng, đánh chiêng. Các nhà nghiên cứu bảo tiếng cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên nghe lạ lắm, thích thú lắm, nghe như có cả tiếng của rừng núi vọng về…”

Để bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng, thì vai trò nòng cốt thuộc về các già làng, nghệ nhân và trí thức dân tộc. Chính họ là những người khơi dậy được ý thức và niềm tự hào trong mỗi người dân của buôn làng, từ đó hình thành động lực và sức mạnh nội tại để bảo tồn, phát triển văn hóa.

Những cung bậc cồng chiêng

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa cồng, chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hóa trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Cồng chiêng được đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên quan niệm như là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Bộ cồng chiêng của mỗi gia đình xưa kia còn là biểu hiện cho sự giàu có của người Tây Nguyên.

Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha bạc, vàng hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Các dàn cồng chiêng thường gồm nhiều bộ, mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong các cuộc hòa tấu. Nhạc cụ cồng, chiêng có nhiều kích cỡ, có loại đường kính từ 20, 50 và 60cm, loại cực đại có khi lên đến 90cm. Cồng, chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn. Một bộ có từ 2-13 chiếc, thậm chí 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng có chiêng cái [chiêng mẹ] là quan trọng nhất.

Các dàn cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hòa tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có tộc người còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái. Mỗi bài chiêng có rất nhiều bè, trong đó, mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng. Các nghệ nhân diễn tấu cồng, chiêng nhớ rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau lại rất hài hòa. Cách phối hợp âm thanh giữa những chiếc cồng, chiêng để làm thành thang âm điệu thức hết sức đặc biệt.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Về nguồn gốc, theo một số nhà nghiên cứu, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá… tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng…Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng – là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên… Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan… đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.

Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú, bài bản. Người Bana, J’rai đánh cồng chiêng theo phong cách chủ điệu [một bè trầm đánh trên là một vài giai điệu]; đồng bào Êđê đánh cồng chiêng theo cách thức từng chùm hợp âm nối tiếp…Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không chỉ dùng riêng một loại chiêng núm hoặc chiêng bằng mà thường kết hợp với nhau, trong đó, chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu. Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái với ý nghĩa ngược chiều với thời gian, hướng về nguồn cội.

Cồng chiêng – nét đẹp văn hóa của đồng bào Tây Nguyên

Văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa-nghệ thuật ở đỉnh cao của các dân tộc Tây Nguyên. Mỗi dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên lại có những bản nhạc cồng chiêng riêng để diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, khát vọng của con người. Nếu như người J’rai có các bài chiêng Juan, Trum vang…, thì người Bana có các bài chiêng Xa Trăng, Sakapo, Atâu, Tơrơi…Âm thanh của cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng – nét sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất ở nhiều dân tộc Tây Nguyên. Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội…

Bản sắc văn hoá các dân tộc ít người Tây Nguyên thể hiện đậm đà nhất trong cồng chiêng và sinh hoạt văn hoá cồng chiêng. Tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật tạo hình, múa dân gian và ẩm thực dân gian… đều thể hiện, gắn bó mật thiết với cồng chiêng [các tượng tròn ở nhà mồ của các dân tộc Tây Nguyên chỉ trở nên đẹp hơn với ngày lễ bỏ mả trong một không gian huyền ảo đầy những tiếng cồng chiêng sâu lắng]. Với các dân tộc Tây Nguyên, phương tiện để nối kết cộng đồng cũng lại là cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng vang lên để nối kết cá thể với cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác của cùng một dân tộc. Điều đáng lưu ý là Tây Nguyên có nhiều dân tộc, nhưng các dân tộc luôn hoà hợp lẫn nhau trong văn hoá cồng chiêng mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình, không có hiện tượng loại trừ hay đồng hoá văn hoá của nhau trong sinh hoạt văn hoá cồng chiêng. Các dân tộc đều có thể đến với nhau khi sinh hoạt văn hoá cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng luôn đem đến một cảm xúc rạo rực khó tả trong mỗi con người, như sự đồng thanh tương ứng khiến họ tìm đến với nhau.

Từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, du lịch Tây Nguyên lại có thêm một sản phẩm du lịch riêng, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Tây Nguyên, đến với sản phẩm du lịch độc đáo này.

VÌ SAO KHÁCH HÀNG LỰA CHỌN DU LỊCH KHÁT VỌNG VIỆT?

Video liên quan

Chủ Đề